Đã một năm kể từ khi xảy ra vụ tấn công của phong trào Hồi giáo Hamas vào Israel hôm 7/10/2023, diễn biến căng thẳng tại Trung Đông vẫn leo thang không thể lường trước. Những lằn ranh đỏ được vạch rõ nhưng các bên có liên quan ngày càng gia tăng cường độ tấn công và đáp trả lẫn nhau, khiến nguy cơ chiến tranh tổng lực trở nên hiện hữu.
- Tròn 1 năm Hamas tấn công Israel, Trung Đông biến thành 'địa ngục'
- Nguy cơ xung đột ở Trung Đông lan rộng
Giới chuyên gia nhận định, nếu các bên không kiềm chế và hướng đến giải pháp hoà bình, Trung Đông sẽ tiếp tục phải đối mặt với một tương lai bất định.
Mới đây, Tổng thư ký Liên hợp quốc (LHQ) Antonio Guterres đã phát đi thông điệp đánh dấu một năm kể từ khi xung đột giữa phong trào Hamas và Israel nổ ra tại Dải Gaza. “Đã đến lúc phải thả các con tin. Đã đến lúc phải im tiếng súng. Hãy chấm dứt nỗi đau đang nhấn chìm Trung Đông”, ông Antonio Guterres tuyên bố.
Suốt một năm qua, chảo lửa Trung Đông vẫn sôi sục. Nếu đòn tấn công của Hamas vào Israel ngày 7/10/2023 khiến 1.200 người thiệt mạng và bắt cóc hơn 250 con tin về Gaza, thì chiến dịch trả đũa của Israel đã khiến số dân thường thiệt mạng ở khu vực này cao gấp 40 lần. Đến nay, gần 42.000 người Palestine thiệt mạng, gần 100.000 người bị thương và hầu như toàn bộ 2 triệu người dân Gaza phải di dời, lánh nạn. Đây là những con số biết nói.
Tổng thư ký Antonio Guterres tái khẳng định, rằng LHQ sẽ nỗ lực giải cứu tất cả các con tin, chấm dứt đau khổ trên khắp khu vực và xây dựng nền hòa bình lâu dài theo các nguyên tắc của luật pháp và công lý quốc tế. Đồng thời, ông Antonio Guterres kêu gọi cộng đồng quốc tế “không bao giờ ngừng nỗ lực tìm kiếm một giải pháp lâu dài” cho cuộc xung đột giữa Israel và Palestine, nơi tất cả các quốc gia Trung Đông cuối cùng có thể chung sống trong hòa bình, tôn trọng phẩm giá và tôn trọng lẫn nhau.
Được biết, cuối tuần qua, hàng chục nghìn người dân ở khắp nơi trên thế giới như tại Rome, Manila, Cape Town và New York, đã xuống đường biểu tình nhằm kêu gọi chấm dứt tình trạng bạo lực và xung đột ở Dải Gaza cũng như tại khu vực Trung Đông. Riêng tại Anh, khoảng 40.000 người đã tràn xuống các con đường ở London để phản đối.
Tuy vậy, bất chấp những lời kêu gọi ngừng bắn từ cộng đồng quốc tế, chính quyền Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu đã đặt ra mục tiêu mới là đưa những người di tản trở về nhà, đồng thời tăng cường các hoạt động quân sự tại Trung Đông để tiến gần hơn đến mục tiêu này.
Từ cuối tháng 9 đến nay, Israel đã thực hiện các cuộc tấn công quyết liệt vào các vị trí của Hezbollah tại Lebanon, hạ sát thủ lĩnh Hezbollah Hassan Nasrallah cùng với nhiều chỉ huy cấp cao của phong trào này. Đồng thời, Israel còn nhắm mục tiêu vào các căn cứ của Lực lượng Vệ binh Cách mạng Iran tại Lebanon và Syria, cùng các vị trí do nhóm Houthi kiểm soát ở Yemen. Những hành động này giúp Israel củng cố sức mạnh răn đe, tạo ra lợi thế tạm thời trong cuộc xung đột.
Gần nhất, hôm 6/10, quân đội Israel thông báo mở chiến dịch trên bộ mới tại khu tị nạn Jabaliya ở miền Bắc Gaza nhằm đối phó việc Hamas đang tái xây dựng lực lượng. Về phía Iran, nước này cũng phóng hàng trăm tên lửa đạn đạo vào Israel để trả đũa. Cụ thể, trong chưa đầy 6 tháng qua, Iran đã hai lần tấn công trực tiếp vào lãnh thổ Israel (đêm 13/4 và đêm 1/10). Đây là điều chưa từng xảy ra, đánh dấu bước leo thang nghiêm trọng nhất trong gần nửa thế kỷ đối đầu căng thẳng giữa hai quốc gia đối địch.
Giới quan sát cho rằng, một cuộc chiến giữa Israel và Iran liệu có xảy ra hay không vẫn còn là dấu hỏi, phụ thuộc vào viễn cảnh Israel sẽ đáp trả Iran như thế nào những ngày tới đây. Nhưng điều có thể nhìn thấy rõ ngay từ lúc này đó là những gì vừa diễn ra đã tạo ra những tiền lệ nguy hiểm trong cuộc đối đầu Iran - Israel. Nguy hiểm, bởi lịch sử cho thấy, sự đối đầu này chỉ gia tăng cường độ chứ không hề thuyên giảm.
Dư luận quốc tế cũng lo ngại căng thẳng Iran – Israel sẽ tác động không nhỏ tới cuộc xung đột Israel – Hezbollah. Trong trục kháng chiến, tập hợp các lực lượng đấu tranh thân Iran, Hezbollah ở vị trí trung tâm, một vị trí được cho là khó có thể bị khuất phục. Thậm chí, cuộc chiến Israel – Hezbollah có thể còn khốc liệt hơn cuộc chiến tại Dải Gaza.
Reuters dẫn lời các nhà phân tích chính trị phương Tây nhận định, một khi xung đột đang leo thang rất nhanh như hiện nay, tình hình có thể vượt tầm kiểm soát, kích hoạt một xung đột lớn tại Trung Đông, có thể thúc đẩy nhiều cuộc chiến ở những nơi khác, như xung đột giữa Saudi Arabia và lực lượng Houthi ở Yemen, hoặc có thể Syria sẽ đưa quân trở lại cao nguyên Golan.
Chuyên gia Mark C. Schwartz thuộc Tổ chức Nghiên cứu và phát triển RAND (Mỹ) dự báo, chiến sự Trung Đông có thể khó hạ nhiệt trước giữa năm 2025. Mọi chuyện chỉ có thể xuống thang khi Israel ngừng chiến dịch quân sự ở Dải Gaza và vấn đề con tin Do Thái đang bị Hamas bắt giữ được giải quyết. Hiện tại, Mỹ tuyên bố sẵn sàng sát cánh bên Israel.
Theo giới quan sát Trung Đông, có thể Mỹ sẽ tiến hành các bước đi gia tăng trừng phạt kinh tế lên Iran thay vì các bước đi về mặt quân sự. Những đòn trừng phạt kinh tế giúp Mỹ gửi đi một thông điệp tới Israel rằng Washington luôn sẵn sàng bảo vệ đồng minh, nhưng cũng vừa có thể xoa dịu Israel, tránh đi xa với những kế hoạch trả đũa quân sự.
Trong trường hợp xung đột vẫn tiếp diễn, không những khủng hoảng nhân đạo trở thành vấn đề nhức nhối, kinh tế thế giới cũng phải hứng chịu những thiệt hại nghiêm trọng, bởi các tuyến hàng hải xung quanh khu vực Trung Đông đóng vai trò huyết mạch trong giao thương toàn cầu.
Tóm lại, kịch bản cho Trung Đông sau một năm xung đột Israel - Hamas là rất phức tạp và đầy rủi ro. Sự leo thang Israel - Iran, cùng với sự tham gia của các quốc gia khác trong khu vực, khiến cho những lằn ranh trở nên mong manh, đẩy toàn bộ Trung Đông vào một tình thế nguy hiểm. Nếu không có sự kiềm chế và tìm kiếm giải pháp ngoại giao, nguy cơ xảy ra một cuộc chiến tranh toàn diện giữa các quốc gia trong khu vực là rất cao.
https://cand.com.vn/the-gioi-24h/khi-nhung-lan-ranh-tro-nen-mong-manh-i746479/