Phân loại rác thải tại nguồn là một yêu cầu đúng đắn, đảm bảo vệ sinh môi trường đô thị, cũng như coi rác thải là nguồn tài nguyên có thể tái chế, tái sử dụng. Tuy nhiên, thông tin trong thời gian tới, nếu không phân loại rác tại nhà có thể bị xử phạt lên tới 1 triệu đồng đang khiến nhiều người dân băn khoăn.
Một trong những nội dung quan trọng của Nghị định 45/2022 về xử phạt vi phạm hành chính lĩnh vực bảo vệ môi trường chính thức có hiệu lực từ ngày 25/8 tới đây là quy định về phân loại, thu gom, vận chuyển, chôn lấp, đổ, đốt, xử lý chất thải rắn thông thường. Trong Nghị định này, người dân đặc biệt quan tâm đến chế tài xử lý hành vi vi phạm quy định không phân loại rác thải từ đầu nguồn, với mức xử phạt tiền từ 500.000 – 1.000.000 đồng đối với hành vi không phân loại chất thải rắn sinh hoạt theo quy định; không sử dụng bao bì chứa chất thải rắn sinh hoạt theo quy định.
Tương tự, các tổ chức, chủ cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ có phát sinh chất thải rắn công nghiệp thông thường nếu không phân loại từ đầu nguồn sẽ chịu mức phạt từ 20.000.000 – 25.000.000 đồng. Ngoài ra, Nghị định 45 xử lý vi phạm đối với các hành vi thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt không đáp ứng yêu cầu kỹ thuật về bảo vệ môi trường theo quy định. Thực tế, trên thế giới đã có rất nhiều nước áp dụng chế tài xử phạt với hành vi không phân loại rác thải tại nguồn. Phân loại rác thải ở Việt Nam cũng đã từng được tiến hành thí điểm, nhỏ lẻ tại nhiều điểm ở các TP lớn. Tuy nhiên, hầu hết đều chỉ ở mục tiêu tuyên truyền, tạo thói quen, khuyến khích người dân tự phân loại rác thải ở nhà.
Bà Lê Thị Liên, cán bộ hưu trí phường Phúc Lợi, quận Long Biên, Hà Nội cho biết, từ khi nghỉ hưu, có thời gian, bà cũng tập thói quen phân loại rác thải. Những chai, lọ bằng nhựa hay hộp giấy đã qua sử dụng được bà soạn, buộc gọn gàng để góp với các chị em trong Tổ phụ nữ bán lấy tiền góp vào quỹ sinh hoạt chung.
“Rác thải hữu cơ như gốc rau, vỏ hoa quả tôi ủ với men vi sinh để tưới cây. Thuỷ tinh, kim loại nhọn tôi cũng gói riêng và ghi bên ngoài để người gom rác không bị đứt tay. Tôi ủng hộ việc thực hiện phạt tiền khi không phân loại rác thải. Tuy nhiên, chúng tôi cũng cần được hướng dẫn cụ thể cách phân loại rác để thực hiện phân loại đúng”, bà Liên chia sẻ.
Cùng chung quan điểm, chị Phạm Thanh Huyền (phường Phan Chu Trinh, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) cho rằng, hầu như người dân ai cũng ủng hộ việc phân loại rác thải. Nhưng trước khi thực hiện chế tài phạt, cần có lộ trình, nhất là phải có thời gian tương đối dài để tuyên truyền, vận động người dân cũng như để họ hình thành thói quen phân loại rác tại nhà. "Tôi còn chưa hình dung được hết các loại rác thải rắn hay rác thải có khả năng tái chế gồm những loại gì, chỉ có vài loại cơ bản hay gặp trong sinh hoạt hàng ngày. Với những người cao tuổi, việc phân biệt các loại rác còn khó khăn hơn nữa”, chị Huyền nói.
Theo chị Huyền, trước đây ở phường chị ở có chương trình "đổi rác lấy quà" được UBND quận Hoàn Kiếm chủ trì thực hiện phối hợp với Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị Hà Nội (Urenco), Công ty TNHH Quốc tế Unilever Việt Nam và một số đơn vị khác. Từ 7h00 đến 11h00 thứ 7 hằng tuần, người dân sẽ mang: Giấy vụn, nhựa, kim loại (đồng, nhôm, sắt vụn) đến điểm thu đổi sẽ được nhận quà bằng tiền mặt hoặc bằng các sản phẩm như: Nước rửa tay sát khuẩn, xà phòng giặt, túi vải phân loại rác…
“Sau khi dịch COVID-19 tạm lắng, chúng tôi không thấy triển khai lại chương trình này nữa, dù người dân ai cũng háo hức”, chị Huyền cho biết. Hầu hết người dân và chính quyền cơ sở đều ủng hộ việc phân loại rác thải sinh hoạt đầu nguồn. Tuy nhiên, ngoài việc tuyên truyền và hướng dẫn cụ thể, việc làm thiết thực nhất là trang bị các loại thùng chứa rác hợp chuẩn sau phân loại tại các khu dân cư, với ít nhất 3 thùng chứa loại lớn với 3 màu khác nhau để phân biệt rác sinh hoạt, rác nguy hại, rác tái chế.
“Hiện giờ, gia đình tôi và nhiều người khác cũng muốn phân loại rác, kể cả chưa có chế tài xử phạt. Nhưng khi chúng tôi phân loại xong thì mang rác đi đổ vẫn ném chung lên 1 xe chở rác chở đến điểm thu gom và đưa lên bãi rác. Như thế, việc phân loại rác không có ý nghĩa gì cả”, chị Huyền băn khoăn. Nhiều người cũng thắc mắc, chưa thấy có hướng dẫn phân loại rác đã có thời hạn xử phạt và mong muốn các cấp chính quyền có hướng dẫn cụ thể cũng như triển khai nhiều hoạt động tuyên truyền tạo thói quen phân loại rác cho người dân trước khi áp chế tài phạt tiền.
Theo ông Nguyễn Hưng Thịnh, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường (Bộ Tài Nguyên và Môi trường) cho biết, đang có cách hiểu chưa đúng về thời điểm áp dụng xử phạt đối với hành vi không thực hiện phân loại rác thải từ đầu nguồn. Theo ông Hưng, Nghị định 45 có hiệu lực từ ngày 25/8, đó là thời điểm Nghị định có hiệu lực chứ không phải thời điểm áp dụng chế tài xử phạt.
Cũng giống như Luật Bảo vệ môi trường 2020 có hiệu lực từ ngày 1/1/2022, nhưng một số chế định ghi trong Luật thực hiện có lộ trình. Đến thời điểm có lộ trình đó thì mới triển khai thực hiện, còn những điều khoản thi hành chung thì đương nhiên vẫn có hiệu lực từ thời điểm Luật được ban hành. Quy định về phân loại rác thải từ đầu nguồn cũng như vậy”, ông Thịnh giải thích.
Tổng cục Môi trường đang chuẩn bị lấy ý kiến các địa phương về hướng dẫn phân loại chất thải rắn sinh hoạt. Sau khi Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành hướng dẫn về phân loại rác thải, các tỉnh, TP sẽ căn cứ vào điều kiện thực tế về hạ tầng kỹ thuật, công nghệ xử lý rác… ở địa phương mình để quy định chi tiết việc này. "Như vậy, tùy vào thực tế của các địa phương mà quyết định phân loại nào. Tinh thần của Luật là phân loại rác thải sinh hoạt tại nguồn do UBND cấp tỉnh quy định. Lộ trình thực hiện chậm nhất là vào ngày 31/12/2024. Luật cho 3 năm để triển khai áp dụng chế tài này”, ông Hưng khẳng định.