Lee Nguyễn đang là "ngôi sao cô đơn", khi anh ở đẳng cấp hoàn toàn khác phần còn lại trong đội hình của CLB TP.HCM.
Một bàn thắng sau 360 phút thi đấu chưa diễn tả hết đóng góp của Lee Nguyễn cho CLB TP.HCM. Đội chủ sân Thống Nhất đang chìm sâu, và Lee Nguyễn là cầu thủ hiếm hoi, nếu không muốn nói là duy nhất, mà CLB TP.HCM có thể trông đợi vào.
Tuy nhiên, sự phụ thuộc thái quá của đội bóng này vào Lee Nguyễn cũng là nguyên nhân tại sao Lee Nguyễn mới chỉ có 1 bàn thắng, dù thi đấu rất nỗ lực.
Lee Nguyễn lạc lõng
Câu nói "thấy có nét tương đồng trong phong cách của Lee Nguyễn và Bruno Fernandes" của HLV Alexandre Polking đã tổng kết những gì chiến lược gia này mong muốn ở ngôi sao Việt kiều tại CLB TP.HCM.
Lee Nguyễn là cầu thủ mang quốc tịch Việt Nam ở đẳng cấp cao nhất hiện tại. Anh có 8 năm chơi bóng ở Mỹ, từng so tài với Zlatan Ibrahimovic, Carlos Vela, David Villa, đặt dấu giày vào hơn 100 bàn thắng cho CLB New England Revolution.
Ở tuổi 34, tiền vệ có cái tên thuần Việt "Nguyễn Thế Anh" sở hữu kho kinh nghiệm đồ sộ. Nếu CLB TP.HCM tạo ra hệ thống những đặc quyền cho Lee Nguyễn, đó là bởi anh xứng đáng với điều đó.
HLV Polking đang xây dựng một hệ thống như vậy, với công thức bố trí hai tiền vệ phòng ngự đánh chặn phía sau và ba tiền đạo ngoại phía trước để tận dụng hết tiềm năng của Lee Nguyễn. Anh được giải phóng khỏi nhiệm vụ phòng ngự, đồng thời rảnh chân kiến thiết lối chơi và chuyền bóng cho các tiền đạo giỏi kỹ thuật và cao to phía trên.
Lee Nguyễn mới một lần được ăn mừng bàn thắng. |
Đó là công thức tối ưu, nhưng chỉ trên lý thuyết. Sau lưng Lee Nguyễn, các cầu thủ đội TP.HCM không giỏi luân chuyển bóng, thường xuyên đứng sai vị trí và mắc lỗi phòng ngự. Ở trận gặp Hồng Lĩnh Hà Tĩnh hay Than Quảng Ninh, Lee Nguyễn bị cô lập với đồng đội.
HLV Hoàng Thọ của CLB Quảng Ninh nói "không cần kèm Lee Nguyễn, mà chỉ cần chặn mọi đường chuyền hướng đến chân cầu thủ này". Cầu thủ mang áo số 24 phải lùi xuống rất sâu để lấy bóng và kéo bóng lên trên, làm thay nhiệm vụ của tiền vệ phòng ngự và hậu vệ.
Dù chủ trương tạo dựng lối đá kiểm soát bóng, song HLV Polking không có "nguyên liệu" tốt khi các cầu thủ không quen với cách chơi này.
Nhưng, hàng tiền đạo CLB TP.HCM mới là thảm họa theo đúng nghĩa đen. Sau 4 trận, các cầu thủ Brazil của đội bóng này chứng tỏ họ... không có bất cứ điểm gì đặc biệt.
Junior Barros, Joao Paulo và Dario Junior thi đấu kiểu "mạnh ai nấy đá", ích kỷ và vô trách nhiệm. Bộ ba này không chỉ thiếu gắn kết với phần còn lại của đội hình CLB TP.HCM, mà còn lạc lõng, không phối hợp được với nhau.
Tiền đạo CLB TP.HCM (áo đỏ) chơi ích kỷ và rời rạc. |
Hình ảnh Paulo hay Dario dốc bóng lao vào hàng thủ số đông của Hà Nội FC cho thấy sự tăm tối trong tư duy chiến thuật của các tiền đạo này. Lee Nguyễn không thể tỏa sáng khi trước mặt anh là những mũi nhọn lười chạy chỗ và thích biểu diễn kỹ thuật, hơn là chơi bóng hiệu quả.
Polking phải thay đổi
Một bàn sau 4 trận không phải thống kê ấn tượng, nhưng pha lập công duy nhất đến từ chấm phạt đền ở phút 90+9' cho thấy những phẩm chất tốt đẹp nhất của Lee Nguyễn. Cầu thủ 34 tuổi hội tụ đủ bản lĩnh, kinh nghiệm, can đảm (lạnh lùng đá quả phạt đền ở thời khắc cân não) và vẫn là báu vật của CLB TP.HCM.
Vấn đề là, HLV Polking phải có cách sắp xếp phù hợp hơn với ngôi sao sáng nhất. Sau trận thua 0-3 trước Hà Nội FC, Chủ tịch Nguyễn Hữu Thắng của CLB TP.HCM xuống tận sân để có trao đổi ngắn gọn với Lee Nguyễn. Trong buổi tập trước trận gặp HAGL, HLV Polking cũng lắng nghe tâm tư của cầu thủ Việt kiều.
HLV Polking trao đổi với Lee Nguyễn. |
Rõ ràng, CLB TP.HCM cần giải phóng Lee Nguyễn khỏi những gánh nặng chuyên môn. Đã ở bên kia sườn dốc sự nghiệp, cựu cầu thủ HAGL không thể đá kiểu "làm tất ăn cả", vừa kéo bóng, đánh chặn, kiến tạo và thực hiện luôn nhiệm vụ ghi bàn trong bối cảnh V-League đá với tần suất 4 ngày/trận. Anh cần được hỗ trợ tốt hơn.
Thay đổi ấy trước tiên phải đến từ HLV Polking. Chiến lược gia người Đức đã sai khi loại bỏ trung vệ Pape Diakite để nhường suất cho Junior Barros. Vắng Diakite, CLB TP.HCM thủng lưới 5 bàn ở 3 trận gần nhất, trong đó có tới 4 bàn xuất phát từ bóng bổng. Trong khi đó, ba tiền đạo ngoại của đội bóng này đều chơi dưới phong độ.
HLV Polking có dám loại bỏ tiền đạo ngoại để nhường chỗ cho những chân sút nội như Lâm Ti Phông, Hồ Tuấn Tài, hay thay thế một tiền vệ phòng ngự chơi cơ bắp bằng một cầu thủ chuyền bóng tốt hơn như Lê Sỹ Minh, Phan Thanh Hậu,... để giảm tải áp lực cho Lee Nguyễn?
Thanh Hậu đá chính thay Hoàng Thịnh bị treo giò đến hết năm? |
HLV Polking vẫn đang tìm kiếm đội hình tối ưu cho CLB TP.HCM, nhưng quan trọng nhất, đội bóng này chỉ có thể xây dựng lối đá xung quanh Lee Nguyễn, thay vì lệ thuộc hoàn toàn vào anh.
Sức mạnh tập thể mới là khối thuốc nổ, tạo ra sức bật cho cả đội bóng tiến lên phía trước. Để nói về triết lý này, HAGL sẽ là tấm gương sáng hơn cả.
Đội bóng phố Núi từng có 6 năm lạc lõng khi "khoán trắng" lối chơi vào từng ngôi sao như Nguyễn Văn Toàn, Nguyễn Công Phượng hay Lương Xuân Trường. HLV Kiatisak Senamuang đến và thay đổi tất cả. Ông tạo ra đội bóng gắn kết, nơi không ai là không thể thay thế, nhưng ai cũng là một phần quan trọng của tập thể.
CLB TP.HCM cần triết lý này nếu muốn tiến xa. Lee Nguyễn giỏi, nhưng một vì sao cô đơn sẽ không thắp sáng nổi cả bầu trời.
Công Phượng: Từ cậu bé nhặt bóng thành đối thủ Lee Nguyễn háo hức so tài Lee Nguyễn chờ đợi được so tài với Công Phượng, cậu bé nhặt bóng từng bước cùng anh ra sân cách đây 10 năm. |
Lee Nguyễn ghi bàn phút 99: Derby TP.HCM lâu rồi mới kịch tính đến thế Cú đá phạt đền của Lee Nguyễn giải tỏa sức ép cho vị HLV đang ngoảnh mặt không dám nhìn và cũng cứu lấy một ... |