Trung Quốc dường như đã có nguồn lực mới góp phần tác động đến ý kiến của công chúng toàn cầu: Mạng xã hội.
Ông Lưu Hiểu Minh (Liu Xiaoming), từng là đại sứ Trung Quốc tại Anh, được xem là một trong những nhân vật thành công nhất của Trung Quốc trên “chiến trường” trực tuyến. Ông gia nhập Twitter vào tháng 10/2019, khi hàng loạt các nhà ngoại giao Trung Quốc khác đăng đàn lên Twitter và Facebook - cả hai mạng xã hội đều bị cấm ở Trung Quốc.
Từ đó, ông Lưu đã khéo léo nâng tầm hình ảnh của mình, thu hút hơn 119.000 người theo dõi, trở thành hình mẫu của chính sách ngoại giao “chiến lang” sắc bén mới của Trung Quốc.
Các bài đăng của ông – bao gồm các tuyên bố đáp trả cái gọi là thành kiến chống Trung Quốc của phương Tây, những chỉ trích đối với những lời phỉ báng - đã được retweet (đăng lại) hơn 43.000 lần chỉ từ tháng 6/2020 đến tháng 2/2021.
Nhưng, theo Associated Press, phần lớn sự ủng hộ mà Lưu và nhiều đồng nghiệp của ông dường như nhận được trên Twitter, trên thực tế, đã được "tạo ra".
Một cuộc điều tra kéo dài 7 tháng của Associated Press và Viện Internet Oxford, một khoa của Đại học Oxford, phát hiện ra rằng sự "phủ sóng" của Trung Quốc trên Twitter được hỗ trợ bởi một đội quân các tài khoản giả mạo. Các tài khoản này đăng lại hàng chục nghìn lần thông điệp của các nhà ngoại giao và phương tiện truyền thông nhà nước Trung Quốc, qua đó có thể bí mật khuếch đại nội dung tuyên truyền đến hàng trăm triệu người mà không tiết lộ thực tế rằng nội dung đó được chính phủ tài trợ.
Theo AP, loại phân tích này có thể thực hiện được vì Twitter cung cấp nhiều dữ liệu hơn cho các nhà nghiên cứu so với các nền tảng truyền thông xã hội khác.
Cụ thể, hơn một nửa số lượt retweet mà ông Lưu nhận được từ tháng 6/2020 đến tháng 1/2021 đến từ các tài khoản mà Twitter đã tạm ngưng do vi phạm các quy tắc của nền tảng này. Nhìn chung, hơn 10% trong số các lượt retweet mà 189 nhà ngoại giao Trung Quốc nhận được trong khung thời gian đó đến từ các tài khoản mà Twitter đã tạm khoá tính đến ngày 1/3.
Ông Lưu Hiểu Minh (trái) và Hoàng tử Anh William trong một sự kiện năm 2016. (Ảnh: AP) |
Gyagyagya10
Đầu tháng 2, hãng thông tấn nhà nước Tân Hoa xã của Trung Quốc công bố một “kiểm chứng thực tế” bác bỏ 24 “lời nói dối” mà họ nói rằng phương Tây lan truyền về Tân Cương.
Câu chuyện được các phương tiện truyền thông nhà nước khác của Trung Quốc đưa tin, được bộ ngoại giao Trung Quốc nhắc đến trong một cuộc họp báo, và được các nhà ngoại giao Trung Quốc trên thế giới đề cập trên mạng xã hội.
Bên cạnh đó, thông điệp được dẫn lại bởi những tài khoản bí ẩn như "gyagyagya10". Tài khoản này trích dẫn và đăng các bình luận giống hệt nhau, chỉ trong vài giây, cho bài đăng của đại sứ quán Trung Quốc ở London.
Gyagyagya10 chỉ có một người theo dõi, là một phần của mạng lưới gồm 62 tài khoản đăng lại thông điệp các nhà ngoại giao Trung Quốc ở Anh. Theo Marcel Schliebs, nhà nghiên cứu của Viện Internet Oxford, điều này cho thấy ở đây có sự phối hợp không tự nhiên.
Không thu thập được nhiều thông tin về gyagyagya10 từ hình đại diện là ảnh nghệ thuật trừu tượng và không có mô tả cá nhân. Cũng không có tài khoản nào trong mạng lưới có hồ sơ giống với tên dễ nhận biết và ảnh hồ sơ xác thực.
Tài khoản của gyagyagya10 ra đời vào giữa tháng 8, cùng lúc với hơn một chục tài khoản khác cũng chỉ "quảng bá" các tweet của đại sứ quán Trung Quốc tại London và đại sứ Lưu. Sau khi ông Lưu rời vị trí của mình vào cuối tháng 1, các tài khoản cũng im lặng.
Theo Viện Internet Oxford, 62 tài khoản này thường đồng thời đăng những câu trả lời và tweet giống hệt nhau, và họ liên tục sử dụng những cụm từ giống hệt nhau như “Tân Cương xinh đẹp” và “tương lai chung cho nhân loại” trong các bình luận.
Twitter sau đó đã đình chỉ khoảng một nửa trong số những tài khoản này.
Tài khoản đã bị đình chỉ. (Ảnh chụp màn hình) |
Nhưng việc các tài khoản bị Twitter đình chỉ không ngăn được nỗ lực khuếch đại nội dung. Thêm một nhóm tài khoản giả mạo, nhiều tài khoản làm như công dân Anh, tiếp tục đẩy các nội dung của chính phủ Trung Quốc, thu hút hơn 16.000 lượt retweet và trả lời trước khi Twitter dừng chúng vào cuối tháng trước và đầu tháng này, theo cuộc điều tra.
"Sự nổi tiếng hư cấu" này có thể nâng cao vị thế của những người truyền thông điệp của Trung Quốc, tạo ra ảo ảnh rằng họ có sự ủng hộ rộng rãi. Nó cũng có thể làm sai lệch các thuật toán nền tảng, có khả năng khiến nhiều người dùng thật tiếp cận với thông điệp. Mặc dù các tài khoản giả mạo có vẻ không có ảnh hưởng gì, nhưng theo thời gian, các tài khoản như vậy có thể làm sai lệch môi trường thông tin.
AP và Viện Internet Oxford đã xác định được 26.879 tài khoản retweet các nhà ngoại giao hoặc phương tiện truyền thông nhà nước Trung Quốc gần 200.000 lần trước khi bị đình chỉ.
Tuy nhiên, không thể xác định liệu các tài khoản có được chính phủ Trung Quốc tài trợ hay không.
Bộ ngoại giao Trung Quốc, trong khi đó cho biết rằng họ không sử dụng các trò lừa bịp trên mạng xã hội. “Không có cái gọi là tuyên truyền gây hiểu lầm, hay hướng dẫn dư luận trực tuyến", bộ này tuyên bố. “Chúng tôi hy vọng rằng các bên liên quan sẽ từ bỏ thái độ phân biệt đối xử, bỏ định kiến của họ và có cách tiếp cận hòa bình, khách quan và hợp lý trên tinh thần cởi mở và hòa nhập”.
Mặt trận internet
Ngày nay, ít nhất 270 nhà ngoại giao Trung Quốc tại 126 quốc gia đang hoạt động trên Twitter và Facebook. Cùng với truyền thông nhà nước Trung Quốc, họ kiểm soát 449 tài khoản trên Twitter và Facebook, những tài khoản này đã đăng gần 950.000 lần trong khoảng thời gian từ tháng 6/2020 đến tháng 2/2021.
Theo phân tích của Viện Internet Oxford và AP, những thông điệp này đã được "thích" hơn 350 triệu lần, trả lời và chia sẻ hơn 27 triệu lần. Ba phần tư các nhà ngoại giao Trung Quốc trên Twitter đã tham gia nền tảng trong vòng hai năm qua.
Trong nỗ lực cung cấp cho người dùng thông tin đầy đủ hơn, Twitter năm ngoái đã bắt đầu gắn nhãn các tài khoản thuộc về “các quan chức chính phủ quan trọng” và các phương tiện truyền thông liên kết với nhà nước. Nhưng họ chỉ gắn nhãn 14% tài khoản ngoại giao Trung Quốc, bỏ qua hàng chục hồ sơ đã được xác minh.
Facebook cũng bắt đầu “gắn nhãn minh bạch" trên các tài khoản truyền thông do nhà nước Trung Quốc kiểm soát vào năm ngoái. Tuy nhiên, việc này đặc biệt yếu ở các ngôn ngữ khác ngoài tiếng Anh, mặc dù thực tế là nội dung của Trung Quốc có sự phân bổ mạnh mẽ bằng tiếng Tây Ban Nha, tiếng Pháp và tiếng Ả Rập cùng với các ngôn ngữ khác.
“Chúng tôi áp dụng việc gắn nhãn trên cơ sở cuốn chiếu và sẽ tiếp tục gắn nhãn nhiều nhà xuất bản và trang (page) hơn theo thời gian", người phát ngôn của công ty cho biết. Công ty từ chối cung cấp danh sách đầy đủ các tài khoản truyền thông nhà nước Trung Quốc mà họ đã gắn nhãn.
"Ngoại giao chiến lang" của Trung Quốc phản tác dụng Đại sứ Trung Quốc ở Canada có thể đối mặt nguy cơ bị trục xuất khi tung thông điệp cứng rắn, hàm ý đe dọa ... |
Đội quân ngoại giao "chiến lang" của Trung Quốc Từ phát ngôn viên Bộ Ngoại giao ở Bắc Kinh cho đến đại sứ Trung Quốc ở châu Âu và châu Phi đều không ngần ngại phát ... |