Để hiện thực hóa giấc mơ tham dự World Cup, bóng đá Việt Nam cần sự nỗ lực của toàn hệ thống chứ không thể chỉ trông cậy vào HLV Philippe Troussier.
- HLV Troussier và lý do World Cup
- Trực tiếp HLV Troussier ký hợp đồng dẫn dắt đội tuyển Việt Nam
- Hơn 90% lực lượng U23 Việt Nam là học trò cũ của HLV Troussier
"Bóng đá Việt Nam không thể khẳng định chắc chắn là sẽ dự World Cup sau 4 năm hay khi nào. Đây là quá trình cần có sự phấn đấu bền bỉ dựa trên nền tảng liên tục được củng cố", BLV Quang Tùng nói. BLV Ngô Quang Tùng nhận định về mục tiêu dự World Cup của bóng đá Việt Nam sau khi VFF ký hợp đồng với HLV Philippe Troussier. Nhà cầm quân người Pháp là một chuyên gia nổi tiếng thế giới, đồng thời hiểu rõ bóng đá Việt Nam và có tầm nhìn đưa đội tuyển Việt Nam dự World Cup trong tương lai.
HLV Philippe Troussier muốn đưa đội tuyển Việt Nam dự World Cup.
Đội tuyển Việt Nam phải vượt lên Uzbekistan, Oman
Việc LĐBĐ thế giới (FIFA) mở rộng quy mô World Cup lên 48 đội mở ra cơ hội cho bóng đá Việt Nam. Tuy nhiên, đội tuyển Việt Nam không phải đội duy nhất có tham vọng dự đấu trường lớn nhất của bóng đá thế giới.
"Ngoài việc bóng đá Việt Nam làm tốt, các đối thủ ở khu vực châu Á cũng làm tương tự như chúng ta trong điều kiện mà Việt Nam chưa chắc đã bằng. Tôi không chỉ nói về tiền mà thực tế thể chất của họ, trình độ chuyên môn của họ. Ví dụ như Uzbekistan, Bahrain, Palestine hay Oman đang nằm ngoài top 8 và đội tuyển Việt Nam chưa thắng được họ", BLV Quang Tùng nêu quan điểm.
Ở vòng loại thứ ba World Cup 2022 khu vực châu Á, đội tuyển Việt Nam xếp cuối cùng về thành tích trong số 12 đội tuyển (chỉ giành được 4 điểm sau 1 chiến thắng,1 trận hòa và 8 thất bại). Trong khi đó, để giành quyền dự World Cup phiên bản 48 đội, HLV Troussier cần đảm bảo đội nhà có đủ khả năng cạnh tranh vị trí từ thứ 8 trở lên.
"Có 8 suất dự World Cup và sẽ có nhiều đội cạnh tranh cho 3-4 suất tăng thêm. Câu hỏi đặt ra là nếu chạm trán các đội bóng ấy, đội tuyển Việt Nam có thể thắng các đối thủ này hay không?", BLV Quang Tùng phân tích.
HLV Troussier nhậm chức với mục tiêu đưa đội tuyển Việt Nam dự World Cup
Trong lễ ra mắt HLV Troussier, cả nhà cầm quân người Pháp và lãnh đạo LĐBĐ Việt Nam đều nhắc tới cơ hội tham dự World Cup vào năm 2026. Tuy nhiên, để đưa một đội tuyển tới World Cup, chỉ một HLV và vài lứa cầu thủ trẻ tiềm năng là chưa đủ.
"Chắc chắn là những người từng dự World Cup – là sự kiện lớn nhất của bóng đá thế giới sẽ có rất nhiều kinh nghiệm. Đặc biệt, ông Troussier dự không phải một lần mà nhiều lần cùng nhiều đội bóng ở nhiều châu lục thì đó là những kinh nghiệm rất quý cho những nền bóng đá như chúng ta có nhiều bài học cụ thể.
Vấn đề là nếu chỉ trông chờ vào kinh nghiệm đó, thứ trí tuệ của một cá nhân mà không thể chuyển hoá thành sức mạnh tập thể thì sẽ rất khó để đạt được mục tiêu. HLV Troussier có thể vạch ra một kế hoạch lớn, ông có thể cụ thể hóa bằng một vài trận đấu nhưng rất cần nỗ lực của cả một nền bóng đá", BLV Quang Tùng phân tích.
Theo vị chuyên gia này, HLV Troussier cần nền tảng là những sự xây dựng mang tính chiến lược cho hệ thống các đội tuyển, hệ thống chuyên môn và thay đổi triết lý chơi. Sau khi chiêu mộ HLV đẳng cấp cao cho 2 cấp độ đội tuyển quốc gia cao nhất, VFF cần có sự chuẩn bị dài hơi, xây dựng cho các đội tuyển trẻ, củng cố thế hệ hiện nay, tìm thêm các thế hệ cầu thủ mới để nuôi mục tiêu đó.
BLV Quang Tùng nhận định: "Xây dựng được lực lượng đáp ứng được mục tiêu cần nhiều thời gian và tiền của. Có rất nhiều yếu tố tác động đến cơ hội dự World Cup. Điều đáng kỳ vọng là HLV Troussier có khả năng làm chiến lược tốt và có thể tham gia xây dựng con đường, củng cố niềm tin rằng bóng đá Việt Nam có thể chạm đến đỉnh vinh quang. Ông ấy sẽ có chiến lược, kế hoạch và vận hành nó nhưng toàn bộ nền bóng đá phải vào cuộc với chất lượng công việc rất cao".
Ông Troussier cần sự hỗ trợ của cả nền bóng đá.
Chờ HLV Troussier làm mới tuyển Việt Nam
"Tôi nghĩ rằng đội tuyển Việt Nam sẽ có thay đổi, có nhiều lựa chọn khác nhau", BLV Quang Tùng nhận định. Phong cách của HLV Troussier được biết đến rộng rãi trên thế giới, sau khoảng thời gian thành công ở châu Phi và đỉnh cao là đưa đội tuyển Nhật Bản vào vòng 1/8 World Cup 2002.
Từ những tư liệu về HLV Troussier, BLV Quang Tùng dự đoán: "HLV Troussier sẽ xây dựng lối chơi cho đội tuyển Việt Nam dựa trên tư tưởng kiểm soát bóng và tấn công nhiều hơn. Chỉ có bóng đá tấn công, tạo ra áp lực lớn mới tạo ra sự khác biệt ở các cuộc cạnh tranh cấp độ cao hơn.
Phòng ngự thì là việc đương nhiên cần làm. Nếu lựa chọn chủ trương chỉ đá phòng ngự, tức là rất giỏi phòng ngự cũng tốt, nhưng nếu không giỏi tạo áp lực và đá tấn công thì khó để có hy vọng mang tính đột biến, bóng đá thế giới bây giờ đều như vậy.
Chúng ta đang ở đẳng cấp tiệm cận với Oman, Bahrain hay thậm chí là Qatar. Bóng đá Việt Nam có thể hoà, thắng hay thua cách biệt một bàn. Giờ đây, đội tuyển Việt Nam phải cạnh tranh trực tiếp với họ. Nếu bóng đá Việt Nam không chủ động tấn công thì sẽ khó vượt lên họ".
Đội tuyển Việt Nam thời HLV Park Hang Seo giỏi phòng ngự, không mạnh tấn công.
Khả năng tấn công cũng chính là điểm mà người tiền nhiệm của ông Troussier, HLV Park Hang Seo chưa làm được tốt như kỳ vọng. Đội tuyển Việt Nam những năm qua khó bị đánh bại, nhưng cũng không phải là đội bóng khiến đối thủ phải dè chừng về khả năng tấn công, ghi bàn.
Ngoài ra, việc đội tuyển Việt Nam thay đổi sẽ dẫn tới nhiều sự đòi hỏi, yêu cầu hơn đối với các cầu thủ. Điều này tạo ra động lực mới sau một thời gian mà đa số các tuyển thủ bị cho là hết động lực sau những thành công liên tiếp.
"Tôi tin ông Troussier sẽ cải thiện được điều này và bóng đá tấn công của đội tuyển Việt Nam sẽ chất lượng hơn. Từ triết lý này, rất có thể sẽ có hàng loạt tân binh được lên đội tuyển Việt Nam và đặc biệt là nhiều cầu thủ trẻ. Nếu điều này xảy ra, sẽ là điều rất tích cực với bóng đá Việt Nam", BLV Quang Tùng nhận định.
"Bản thân những cầu thủ sung sức và đang được triệu tập, nếu họ không được lựa chọn thì họ hiểu rằng mình cũng cần thay đổi và nỗ lực nếu muốn tiếp tục ở lại đội tuyển. Điều này tạo ra sự cạnh tranh tích cực hơn. Nếu cứ duy trì mãi bộ khung 17-20 cầu thủ như vậy, cầu thủ trẻ không có cơ hội và tạo ra sức ì nhất định. Trong 20 người mới có khi chỉ chọn được 2-3 người đủ sức đá chính, nhưng vẫn tạo ra được sự cạnh tranh tốt hơn so với việc rập khuôn".
Đội tuyển Việt Nam dưới thời HLV Park Hang Seo đạt thành công lớn ở đấu trường quốc tế với nòng cốt là lứa cầu thủ Công Phượng, Quang Hải, Hoàng Đức, Văn Hậu (1995-1999). Tuy nhiên, theo tính toán của HLV Troussier từ cách đây 2 năm, để hướng tới World Cup 2026, nhân tố chủ lực của bóng đá Việt Nam phải là thế hệ từ năm 2001 trở về sau. BLV Quang Tùng đồng tình với quan điểm này.
"Chúng ta đã nhìn thấy ngưỡng của bóng đá Việt Nam ở vòng loại cuối cùng World Cup 2022. Có nhiều cầu thủ đạt ngưỡng rồi. Thế hệ hiện tại sẽ có một vài người thi đấu tiếp chứ không thể tất cả đều thi đấu ở thời điểm 4 hoặc 8 năm tiếp theo.
Lứa cầu thủ U21, U19, U17 của hiện tại, hoặc thậm chí ở độ tuổi nhỏ hơn, mới là hi vọng chính. U19, U21 là lực lượng kế cận cho đội tuyển Việt Nam, nhưng chúng ta phải nhìn xa hơn đến 4 hoặc 8 năm", BLV Quang Tùng nhận định.
Phan Tuấn Tài là một trong rất nhiều tuyển thủ U23 Việt Nam từng làm việc với HLV Troussier.
Đây cũng là một lợi thế của HLV Troussier so với các ứng viên khác khi VFF cân nhắc chọn người thay ông Park Hang Seo. Hơn 2 năm làm việc ở Việt Nam trước đây của ông Troussier không dài, nhưng trong khoảng thời gian đó nhà cầm quân người Pháp dành sự tập trung cao vào bóng đá trẻ.
BLV Quang Tùng phân tích:"Ông Troussier có nhiều thời gian làm việc với cầu thủ trẻ Việt Nam và có cái nhìn sát thực tế nhất về thực trạng đào tạo của bóng đá trẻ Việt Nam. Ông ấy có thể hiểu được ai phát triển đến mức độ nào. Ông ấy đề ra việc tập trung số đông cầu thủ ở lứa tuổi trẻ. Sau đó đội tuyển chọn, sàng lọc và xây dựng những con người ở tiêu chuẩn cao và có thể thi đấu lâu dài.
Dữ liệu mà ông Troussier đang nắm là sát nhất có thể. Tôi cho rằng dữ liệu ấy là cũng mới đây thôi. Những Quan Văn Chuẩn, Lương Duy Cương, Phan Tuấn Tài,…đều từng làm việc cùng ông Troussier. Quan trọng nhất, ông ấy hiểu rằng bóng đá Việt Nam tốt mức nào, yếu chỗ nào và có lộ trình phát triển rõ ràng rồi".