Dân gian cho rằng Thần Tài là vị thần mang lại tiền bạc, của cải cho gia đình, nên hầu như gia đình nào cũng thờ vị thần này trong nhà. Mùng 10 tháng Giêng âm lịch hằng năm, người dân tổ chức cúng vía Thần Tài để mong cả năm sung túc.
Theo truyền thuyết Trung Hoa cổ đại, Thần Tài là nhân vật lịch sử Phạm Lãi, ông là một trung thần của Việt Vương Câu Tiễn. Ông là một trong những vị thần hết lòng phò tá vua Việt Vương trong cơn hoạn nạn.
Sau khi phò tá vua dẹp yên nước nhà, Phạm Lãi đã cùng người yêu là Tây Thi bỏ chốn quan trường về ở ẩn. Từ đó, Phạm Lãi trở thành một nhà thương buôn thành đạt và giàu có nổi tiếng nên được người đời gọi là Đào Công và được tôn là Thần Tài. Từ đó, cứ mùng 10 Tết hằng năm, người dân lại thờ cúng ông để cầu mong cả năm sung túc, tiền tài đầy nhà.
Theo truyền thuyết khác, Thần Tài là vị Thần cai quản tiền bạc, tài lộc trên thiên đình bị "rơi" xuống trần gian vì một lần lỡ say rượu. Thần Tài xuống trần gian và mang may mắn cho những gia đình thần đã từng đến. Khi Thần Tài bay về trời vào ngày mùng 10 tháng Giêng, dân gian lấy ngày này làm ngày vía Thần Tài và tin tưởng rằng, mua vàng sẽ gặp nhiều phúc lộc.
Đặc biệt vài năm trở lại đây, mỗi khi đến ngày vía Thần Tài, hình ảnh người dân rồng rắn xếp hàng để mua vàng đã không còn hiếm. Nhiều người có quan niệm rằng nếu mua được vàng vào ngày này sẽ mang lại may mắn cho cả năm.
Liệu quan niệm này có đúng? Ngày Vía Thần Tài có nhất định phải mua vàng?
Mâm cỗ cúng Thần tài. Ảnh minh họa: PLO
Theo chuyên gia phong thủy Hoàng Sơn Công, hình thức mua vàng để lấy may trong ngày vía Thần Tài chỉ mới xuất hiện trong những năm gần đây, không hoàn toàn xuất phát từ tục lệ xưa.
Xưa kia, vào ngày vía Thần Tài (tức mùng 10 tháng Giêng), người dân (đặc biệt là những gia đình kinh doanh) thường dọn dẹp bàn thờ Thần tài, chuẩn bị mâm cỗ cúng gồm hải sản hoặc thịt lợn quay, hoa, quả, rượu. Sau đó, người dân mua một thỏi bạc hoặc lấy một đồng tiền mới cho vào lọ cất trữ, với mong muốn cả năm nhận được tài lộc.
Tuy nhiên, cùng với sự phát triển của xã hội, thay vì việc cất trữ bạc hay tiền mới, cùng với những lời đồn thổi, người dân lại đổ xô đi mua vàng. Việc làm này nếu không cẩn thận có thể mua phải vàng rởm, hoặc mệt mỏi vì phải chen lấn, xô đẩy.
Nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Nguyễn Hùng Vỹ cho hay, trong sách của Đạo Giáo có nguyên một trang viết về ngày Thần tài và cũng không nói nhất thiết cứ phải đi mua vàng trong ngày này mới mang lại được sự may mắn. Tùy theo quan điểm của từng người, nếu coi món đồ nào là giá trị thì mua món đồ đó, để đổi lại sự an tâm, coi như mang sự may mắn vào nhà trong dịp năm mới.
Nếu vẫn chọn vàng với mục đích tích trữ, theo các chuyên gia, khi đi mua vàng ngày vía Thần Tài, người dân nên chọn cửa hàng vàng có uy tín, đảm bảo chất lượng; nên mua loại nhẫn tròn trơn 0,5-2 chỉ, chọn loại ép vỉ để thuận tiện sau này đi bán sẽ không mất giá. Nếu mua vàng miếng thì cần phải có số seri, kiểm tra tuổi của vàng, cũng như hóa đơn chứng từ để tránh mua phải vàng rởm.
Khách đặt mua vàng trước, đợi ngày Thần Tài đến nhận Để phục vụ ngày Vía Thần Tài (mùng 10 tháng Giêng - 25/2), cả doanh nghiệp và ngân hàng cùng chuẩn bị nhiều sản phẩm ... |
Làm gì trong ngày vía Thần Tài 2018 để cả năm "tiền vào như nước"? Thần Tài là một trong những vị thần nổi tiếng của tín ngưỡng phương Đông, chuyên trông coi tiền tài, vàng bạc cho gia chủ. ... |
Cúng ngày vía thần tài 10 tháng Giêng phải ghi nhớ những điều này Theo quan niệm dân gian, vào ngày vía Thần tài, mọi người đi mua vàng sẽ gặp được may mắn và tài lộc trong cả ... |