Trước những lùm xùm liên quan đến mối quan hệ tình cảm giữa một đại gia và diễn viên khá nổi tiếng, nhiều người đặt câu hỏi, nộp đơn ra Tòa đã được coi là ly hôn chưa, quan hệ vợ chồng chính thức chấm dứt khi nào?

Khoản 14 Điều 3 Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014 quy định, ly hôn là việc chấm dứt quan hệ vợ chồng theo bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật của Tòa án.

Như vậy, quan hệ vợ chồng chỉ chấm dứt khi có bản án hoặc quyết định của Tòa đã hiệu lực. Trong khi đó, để Tòa án ra bản án, quyết định ly hôn thì hai vợ chồng phải làm thủ tục ly hôn - Luật sư Lê Hồng Vân - Đoàn Luật sư Hà Nội cho biết.

Cũng theo Luật sư Hồng Vân, theo quy định hiện hành, có 2 hình thức ly hôn là ly hôn đơn phương và ly hôn thuận tình. Ly hôn đơn phương là trường hợp một trong hai vợ chồng gửi đơn đến Tòa án để yêu cầu ly hôn và Tòa án sẽ ra bản án ly hôn nếu có căn cứ vợ, chồng bạo lực gia đình hoặc vi phạm quyền, nghĩa vụ vợ chồng nghiêm trọng khiến hôn nhân trở nên trầm trọng, đời sống chung không thể kéo dài, mục đích hôn nhân không đạt được.

Ly hôn thuận tình là trường hợp hai vợ chồng cùng có mong muốn ly hôn, thỏa thuận được với nhau về việc chấm dứt quan hệ vợ chồng, tự nguyện và thỏa thuận được chia tài sản, trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng con. Và khi hai vợ chồng gửi đơn ly hôn cho Tòa, Tòa án xem xét thấy đủ điều kiện thì sẽ ra quyết định ly hôn.

Như vậy, quan hệ vợ chồng thì không dừng lại ở việc nộp đơn ly hôn bởi sau khi nộp đơn, Tòa án phải xem xét yêu cầu ly hôn có đủ căn cứ để ra quyết định hoặc bản án ly hôn hay không.

Nếu đương sự mới chỉ nộp đơn ra Tòa mà chưa có bản án hoặc quyết định có hiệu lực pháp luật của Tòa án thì việc ly hôn chưa hoàn tất, quan hệ vợ chồng chưa thực sự chấm dứt về pháp luật và hai người vẫn được xem là vợ chồng hợp pháp - Luật sư Hồng Vân nhận định.

Trong khi đó, theo Khoản 2 Điều 5 Luật HNGĐ, việc đang có vợ, có chồng mà chung sống như vợ chồng hoặc kết hôn với người khác hoặc chưa có vợ, chưa có chồng nhưng chung sống hoặc kết hôn với người có vợ, có chồng là hành vi bị cấm và có thể bị xử lý hành chính thậm chí truy cứu trách nhiệm hình sự.

ngoai-tinh-3958
Ngoại tình khi chưa có quyết định ly hôn của Toà án là vi phạm pháp luật (ảnh minh hoạ)

Theo Khoản 1 Điều 59 Nghị định 82/2020/NĐ-CP, người ngoại tình với người có gia đình và người có gia đình ngoại tình với người khác sẽ bị phạt tiền từ 3-5 triệu đồng.

Nếu đủ dấu hiệu cấu thành tội phạm, cá nhân có thể bị xử lý hình sự về Tội vi phạm chế độ một vợ, một chồng.

Điều 182 BLHS 2015 quy định, người nào đang có vợ, có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người khác hoặc người chưa có vợ, chưa có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người mà mình biết rõ là đang có chồng, có vợ làm cho quan hệ hôn nhân của một hoặc hai bên dẫn đến ly hôn hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm thì bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 1 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng-1 năm.

Phạm tội làm cho vợ, chồng hoặc con của một trong hai bên tự sát hoặc đã có quyết định của Tòa án hủy việc kết hôn hoặc buộc phải chấm dứt việc chung sống như vợ chồng trái với chế độ một vợ, một chồng mà vẫn duy trì quan hệ đó thì bị phạt tù từ 6 tháng-3 năm.

Như vậy, khi muốn chấm dứt quan hệ hôn nhân, vợ chồng phải yêu cầu Tòa án giải quyết và kết quả là nhận được bản án, quyết định ly hôn có hiệu lực pháp luật của Toà. Còn khi chưa có quyết định mà 1 trong 2 người ngoại tình với người khác là vi phạm pháp luật - Luật sư Hồng Vân phân tích.

Theo ANTĐ