Sau 4 năm, Nguyễn Trần Duy Nhất tiếp tục trở lại thi đấu tại giải võ thuật chuyên nghiệp quốc tế ONE Championship. Anh đã nhận kết quả không mong muốn, để lại khoảng trống cho những đàn em đang nuôi mộng bước ra sân chơi thế giới.
- Võ sĩ Việt Nam đua nhau nhấc đối thủ quật xuống sàn, liên tiếp giật HCV
- Võ sĩ Việt Nam thiếu đồ nghề dự SEA Games 32, lãnh đạo Tổng cục TDTT nói gì?
- Trương Đình Hoàng nhận được gì khi đối đầu võ sĩ số 1 Hàn Quốc?
Thất bại của "Độc cô cầu bại"
Trong khoảng 10 năm gần đây, Nguyễn Trần Duy Nhất được truyền thông Việt Nam gọi bằng biệt danh "Độc cô cầu bại Muay Thái". Nhưng bản thân Duy Nhất, như anh đã chia sẻ nhiều lần, chưa bao giờ tự nhận mình là võ sĩ bất bại. Ở chiều ngược lại, Duy Nhất nhớ rõ từng trận thua anh phải nhận trong suốt sự nghiệp.
Tháng 3/2024, Duy Nhất sẽ chính thức bước sang tuổi 35. "Độc cô cầu bại" cũng chính thức nói lời chia tay đấu trường thể thao thành tích cao sau Đại hội Thể thao toàn quốc 2022. Anh dần chuyển sang công tác huấn luyện, đồng thời chỉ thi đấu ở một vài sự kiện võ thuật chuyên nghiệp trong một năm.
Việc Duy Nhất trở lại sân chơi ONE Championship sau tròn 4 năm gián đoạn, như để bản thân võ sĩ này thỏa giấc mơ hướng đến việc chinh phục thêm một đai vô địch nữa. Nhưng ONE Championship của năm 2023 đã rất khác 2019. Nơi đây quy tụ nhiều võ sĩ giỏi hơn. Một trong số đó là Denis Puric, người vừa hạ Duy Nhất.
Trước thềm trận đấu với Duy Nhất, Denis Puric được xem là đối thủ vừa tầm của "Độc cô cầu bại". Võ sĩ này đã 38 tuổi, và thành tích của anh trước khi chạm trán với Duy Nhất cũng không thực sự ấn tượng. Trong 3 trận đấu trước đó ở ONE Championship, Puric chỉ thắng 1 trận, đồng thời nhận 2 thất bại.
Nếu xét về mặt kỹ thuật, Puric không hề giỏi hơn Duy Nhất. Điều này được hai võ sĩ thể hiện trong cặp đấu giữa họ. Trong hiệp 1, Duy Nhất là người thi đấu tốt hơn. Anh giữ cự ly vừa phải so với đối thủ bằng những đòn đá tầm trung và cao.
Puric gần như không có cơ hội áp sát võ sĩ Việt Nam. Puric có thể thua kém Duy Nhất về kỹ thuật, nhưng anh lấp đầy khoảng trống bằng sức vóc và thể trạng của một võ sĩ gốc châu Âu. Bước sang hiệp 2, Puric thực hiện nhiều pha áp sát Duy Nhất, và thành công với một pha đấm móc bằng tay trái. Đó cũng là tình huống Puric hạ knock-out "Độc cô cầu bại".
Với một võ sĩ đặt mục tiêu hướng đến trận tranh đai vô địch như Nguyễn Trần Duy Nhất, trận thua này đã chặn đứng giấc mơ của anh. Nếu Duy Nhất tiếp tục giữ vững đích ngắm cũ, anh sẽ phải cạnh tranh với rất nhiều võ sĩ sừng sỏ khác ở cấp độ quốc tế. Duy Nhất chắc chắn sẽ không bỏ cuộc, nhưng con đường anh đi hẳn khó khăn hơn 4 năm trước rất nhiều.
Trong khoảng thời gian Duy Nhất không thi đấu tại ONE Championship, sân chơi này đã dần lột xác, đặc biệt ở nội dung Muay chuyên nghiệp. ONE Championship giờ đây không chỉ quy tụ những võ sĩ Thái Lan, mà còn ký hợp đồng thành công với không ít ngôi sao Âu Mỹ. Họ mới chính là những người thay nhau thống trị sân chơi Muay chuyên nghiệp ở thời điểm hiện tại.
Thất bại của Duy Nhất phần nào cho thấy, ngay cả những võ sĩ giỏi nhất cũng có thể chậm phản ứng trước thời cuộc. Nếu không biết ứng biến để thích nghi, họ hoàn toàn có thể bị lứa võ sĩ mới đánh bại. Đó là hiện thực của mọi môn võ, không chỉ tính riêng sân chơi Muay chuyên nghiệp, hay ONE Championship.
Ai sẽ tiếp bước Duy Nhất?
Tầm ảnh hưởng của Duy Nhất với võ thuật Việt Nam không chỉ dừng lại ở khía cạnh một võ sĩ đơn thuần. Anh chính là nguồn cảm hứng để nhiều bạn trẻ theo học, tập luyện võ thuật. Duy Nhất cũng là người xây dựng hình ảnh ngôi sao thể thao, chứ không phải một kẻ chỉ biết đấm đá như mọi người vẫn nghĩ về võ sĩ.
Thành công của Duy Nhất tại sân chơi võ thuật quốc tế còn có dấu ấn từ nhiều huấn luyện viên, quan chức thể thao đồng hành cùng anh trong những năm qua. Ngay cả trong thời khắc khó khăn nhất của "Độc cô cầu bại", họ vẫn đồng hành bên anh, ngọn cờ đầu của võ thuật chuyên nghiệp Việt Nam. Đó là sự gắn bó mang giá trị lớn hơn mọi số tiền anh kiếm được từ trước đến nay.
Điều đáng lo ngại cho phong trào võ thuật chuyên nghiệp Việt Nam, đó là rất ít người sẵn sàng mạo hiểm như Nguyễn Trần Duy Nhất. Khác với đấu trường thể thao thành tích cao, nơi võ sĩ được bao nuôi bởi địa phương, võ thuật chuyên nghiệp đầy rẫy những rủi ro. Họ phải khởi đầu sự nghiệp bằng những trận đấu có tiền thưởng rẻ mạt, đồng thời chịu nguy cơ chấn thương rất lớn.
"Võ thuật Việt Nam không có nhiều VĐV hướng đến sân chơi chuyên nghiệp như Duy Nhất, vì họ sợ rủi ro đến với mình. Thu nhập không đảm bảo, không có người đồng hành, và phải tự lo điều trị chấn thương là nguyên nhân khiến võ sĩ Việt Nam không mặn mà thi đấu chuyên nghiệp. Duy Nhất là người hiếm hoi dám vượt qua giới hạn đó", một HLV chia sẻ.
Nếu một ngày Duy Nhất chính thức nghỉ thi đấu, cộng đồng yêu võ thuật Việt Nam sẽ mòn mỏi chờ đợi người tiếp theo kế bước "Độc cô cầu bại". Tất nhiên, đó phải là người sẵn sàng mạo hiểm và chấp nhận cả rủi ro đối với bản thân, như Duy Nhất.
Rào cản đến võ thuật chuyên nghiệp
Tại Việt Nam, những môn võ có phong trào thi đấu chuyên nghiệp bao gồm Boxing (quyền Anh), Muay, MMA (võ tổng hợp) và Jujitsu. Tuy nhiên, số sự kiện thi đấu chuyên nghiệp của các môn võ này không nhiều. Võ sĩ tham dự tại các sự kiện đó phần lớn là VĐV thể thao thành tích cao, nhận thi đấu để có thêm thu nhập.
"Chúng tôi nhận lời thi đấu với mục đích giao lưu, vui là chính, chứ thu nhập từ những sự kiện thi đấu chuyên nghiệp cũng không nhiều", một võ sĩ chia sẻ. Tiền thượng đài cho mỗi trận đấu Boxing chuyên nghiệp mô hình "phong trào" tại Việt Nam ở mức 4 triệu đồng, và võ sĩ chỉ có thể đấu 1 trận trong 2-3 tháng.
Những quy định chồng chéo về mặt quản lý vận động viên cũng là nguyên nhân khiến nhiều võ sĩ không thể thi đấu chuyên nghiệp. Ở một số địa phương, hợp đồng giữa đơn vị chủ quản và võ sĩ không cho phép người này được tự ý đấu chuyên nghiệp. Họ phải được Giám đốc trung tâm đồng ý bằng văn bản mới có thể đi thi đấu.