Dù không hiểu luật hay có hiểu luật quy định với mức phạt có thể lên đến 15 năm tù, nhiều người đi bộ vẫn vi phạm quy định về an toàn giao thông đường bộ

Từ ngày 1-1-2018, Bộ Luật Hình sự 2015 sửa đổi và bổ sung có hiệu lực. Trong đó, điều 260 quy định người tham gia giao thông (có người đi bộ - PV) vi phạm quy định về an toàn giao thông đường bộ gây ra các vụ tai nạn giao thông (TNGT) nghiêm trọng thì có thể phạt tù từ 7-15 năm. Thế nhưng, theo ghi nhận của phóng viên Báo Người Lao Động ngày 1-1, nhiều người đi bộ vẫn vô tư vi phạm luật mỗi khi qua đường hay ngang nhiên đi dưới lòng đường dù khu vực đó có cầu bộ hành.

Biết sai vẫn làm

Chỉ đứng quan sát trong khoảng 15 phút tại khu vực trước Bệnh viện Ung Bướu trên đường Nơ Trang Long (quận Bình Thạnh, TP HCM), phóng viên ghi nhận có hàng chục lượt người thản nhiên đi bộ, lao qua dòng xe đang chạy vun vút. Cầu bộ hành tại vị trí này dường như bị "ngó lơ" khi chỉ lác đác người sử dụng. Dù đang trong ngày nghỉ Tết dương lịch 2018 nhưng khu vực này vẫn có mật độ phương tiện lưu thông đông, nhiều xe khi bất ngờ gặp người đi bộ băng ngang đường đều phải thắng gấp để tránh, bóp còi inh ỏi. Trước câu hỏi tại sao có cầu bộ hành nhưng không đi, nếu gây tai nạn là ở tù ngay, hầu hết đều trả lời là để "tiện", "đỡ tốn thời gian".

Trên đường Điện Biên Phủ, đoạn gần cầu Văn Thánh (quận Bình Thạnh, TP HCM), tình trạng người đi bộ sai quy định cũng diễn ra phổ biến. Ghi nhận chiều 1-1, rất nhiều nhóm người hồn nhiên băng ngang đường tại khu vực trên. Thậm chí có người còn dắt theo con nhỏ, tay xách lỉnh kỉnh đồ đạc chậm chạp nhưng vẫn cố len lỏi qua dòng xe đang nối đuôi nhau lưu thông. Theo quan sát, do không có cầu bộ hành và nếu muốn tới vị trí qua đường đúng quy định tại khu vực trên, người đi bộ phải đi trên quãng đường khá xa là vòng lên ngã tư Hàng Xanh (cách khoảng 500 m) hoặc ngược xuống khu vực cầu vượt Văn Thánh cũng có khoảng cách tương đương nên người đi bộ bất chấp làm liều dù biết có luật "bỏ tù" nếu gây tai nạn nghiêm trọng.

nhieu nguoi van di bo sai luat

Nhiều người đi bộ thản nhiên băng ngang dòng xe trên đường Điện Biên Phủ (quận Bình Thạnh,

TP HCM) chiều 1-1, sai quy định

Trên Quốc lộ 13 đoạn gần chợ Bình Triệu (quận Thủ Đức, TP HCM), dù chỉ cách vị trí được kẻ vạch cho người đi bộ chừng 100 m nhưng nhiều người vẫn bất chấp leo qua dải phân cách để qua đường. Ở khu vực phố đi bộ Nguyễn Huệ (quận 1, TP HCM) cứ hơn 30 m lại có một chốt đèn tín hiệu. Người dân khi muốn đi qua chỉ cần ấn nút để chờ đèn xanh. Thế nhưng, nhiều người vẫn bỏ qua các khâu để băng qua đường khi đèn tín hiệu không cho phép. Đáng nói, nhiều người biết vi phạm luật nhưng vẫn nói rằng "buổi trưa trời nắng và vắng xe nên tranh thủ đi cho đỡ mệt".

Không chỉ riêng ở TP HCM, sáng 1-1, theo ghi nhận của phóng viên Báo Người Lao Động thì ở các thành phố lớn như Hà Nội, Đà Nẵng, Cần Thơ,… tình trạng biết luật nhưng vẫn phạm luật của người đi bộ cũng diễn ra rất phổ biến. Điển hình tại Cần Thơ, mục sở thị trên đường 30-4 (đoạn gần chợ Xuân Khánh, quận Ninh Kiều) khoảng 30 phút, phóng viên chứng kiến hàng loạt người đi bộ đi liều. Hỏi hai phụ nữ lớn tuổi ngang nhiên băng qua lộ ở nơi không được phép thì được đáp rằng "đường vắng nên canh mà qua lộ thôi"! Hay trên tuyến Quốc lộ 1 (đoạn qua Quảng Ngãi) chỉ cần dạo quanh một vài vòng, là bảo đảm bắt gặp hàng chục trường hợp người đi bộ sai luật, đi lấn phần đường dành cho các phương tiện cơ giới. Thậm chí, có nhiều trường hợp dù tuyến Quốc lộ 1 được lắp dải phân cách ngăn người đi bộ nhưng nhiều người vẫn leo dải phân cách, băng qua đường.

Xử nặng là hợp lý...

Theo ông Nguyễn Trung Hiếu, tài xế lái xe ô tô ở Đà Nẵng, nhiều lần lưu thông trên đường, các trường hợp đi bộ sai luật làm ông suýt bị tai nạn. Phải có chế tài phạt nặng. Bởi việc người đi bộ thích là băng qua đường khi chưa có đèn tín hiệu hoặc không đi đúng vạch rất dễ khiến ô tô chạy tốc độ cao gây tai nạn.

Phòng CSGT đường bộ - đường sắt (PC67) Công an TP HCM cho biết năm 2017 lực lượng chức năng ghi nhận đã có gần 500 người đi bộ sai luật bị CSGT nhắc nhở. PC67 TP HCM cho biết sẽ tăng cường thực hiện các chuyên đề xử phạt, tuyên truyền thêm cho người dân nắm bắt về quy định mới. Trong khi đó, luật sư Nguyễn Anh Minh, Đoàn Luật sư TP HCM, cho rằng việc xử nặng người đi bộ sai luật là hoàn toàn hợp lý. Quy định này đã được rất nhiều quốc gia trên thế giới áp dụng, nay Việt Nam mới thực hiện hơi chậm. Luật sư Minh phân tích: Nếu anh A leo dải phân cách khiến anh B đang chạy xe máy né anh A rồi gây tai nạn dẫn đến tử vong thì rõ ràng anh A có lỗi, có tội. Với trường hợp này thì anh A sẽ phải đi tù từ 10-15 năm là hợp lý.

Luật sư Vũ Hồng Hoa, HTX Luật Đống Đa (Hà Nội), cho biết việc tăng chế tài xử phạt hành vi vi phạm luật giao thông gây hậu quả nghiêm trọng là điều rất cần thiết. Tuy nhiên, phải có thêm các điều kiện an toàn cho người đi bộ.

Nhưng phải thông thoáng vỉa hè

Cùng quan điểm với luật sư Minh, ông Lê Văn Khoa, ngụ quận Hải Châu, TP Đà Nẵng kiến nghị khi áp dụng luật xử tù người đi bộ gây tai nạn nghiêm trọng, cơ quan chức năng cần song hành khắc phục các bất cập khác như đường sá phải có vạch dành cho người đi bộ qua đường, vỉa hè không bị lấn chiếm… để không đẩy người đi bộ vào thế phải vi phạm luật và gián tiếp gây tai nạn.

Ông Bùi Danh Liên, chuyên gia giao thông, nhấn mạnh hiện nay hạ tầng giao thông ở các đô thị lớn như Hà Nội, TP HCM chưa đồng bộ, một số vỉa hè quá hẹp, diện tích dành cho người đi bộ gần như không có. Tại các khu vực đông dân cư như gần trường đại học, trung tâm thương mại, điểm mở dành cho người đi bộ qua đường còn quá ít, không bảo đảm khoảng cách, gây khó khăn. Tại một số tuyến đường, vỉa hè bị các hộ dân chiếm dụng buôn bán, đỗ xe, phần diện tích dành cho người đi bộ không đạt chuẩn khiến người đi bộ buộc phải di chuyển xuống lòng đường để đi... Vì vậy, cần phải tạo lối đi cho người đi bộ một cách hợp lý là điều tiên quyết phải thực hiện.

nhieu nguoi van di bo sai luat

Dù có cầu bộ hành nhưng người đi bộ vẫn ngó lơ để băng ngang đường cho tiện Ảnh: GIA MINH

Chánh Văn phòng UBND TP HCM Võ Văn Hoan cũng nói điều quan trọng chúng ta phải thấy rằng người đi bộ gây ra TNGT có nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân lòng đường, vỉa hè bị lấn chiếm. "Chính quyền phải thấy điều này để càng quyết tâm lập lại trật tự lòng đường, vỉa hè. Phải dành phần đất cho người đi bộ thực hiện quyền được đi bộ an toàn" - ông Hoan nêu quan điểm.

Theo ông Hoan, một khi chính quyền đã tạo những điều kiện thuận lợi cho người đi bộ nhưng người đi bộ vô tình hay cố tình vi phạm, gây ra TNGT thì khi đó việc xử phạt sẽ nghiêm minh hơn, đúng người đúng tội.

Hàng loạt vụ tai nạn "dính"người đi bộ

Theo thống kê của Ban An toàn giao thông Quảng Ngãi, trong năm 2017 toàn tỉnh xảy ra 594 vụ TNGT, làm chết 142 người. Trong đó, TNGT liên quan đến người đi bộ xảy ra hàng chục trường hợp, làm chết gần 10 người. Tuy nhiên, vẫn chưa có trường hợp người đi bộ gây TNGT bị xử lý hình sự. Theo đại diện Phòng CSGT Công an Quảng Ngãi, thực tế người đi bộ lâu nay vi phạm an toàn giao thông rất nhiều nhưng rất khó xử phạt họ. Đó chính là một trong những lý do khiến người đi bộ chưa thực sự ý thức được hành vi của mình.

Còn theo thống kê của PC67, Công an TP HCM, đã có hơn 100 trường hợp đi bộ sai quy định gây tai nạn. Trong đó, có 9 người chết khi va chạm giao thông. Có trường hợp người đi bộ sai luật băng ngang đường khiến người lái ô tô tông vào dải phân cách hoặc xe máy tông rồi bị chấn thương tử vong.

nhieu nguoi van di bo sai luat Đi bộ sai luật coi chừng ở tù

Từ 1.1.2018, người tham gia giao thông nếu đi bộ sai luật, gây hậu quả nghiêm trọng, có thể bị tù đến 15 năm. Nghe ...

/ nld.com.vn