Thái độ và phát ngôn đầy mâu thuẫn của ông Trump với báo chí khiến người dân Mỹ hoang mang trong vòng xoáy tin tức "thật giả lẫn lộn".
Khi Chris Gromek, một người dân bang North Carolina, muốn biết các chính trị gia ở Washington DC đang làm việc như thế nào, anh lướt mạng và nghe đài. Tài xế xe tải 47 tuổi ở này không còn xem TV nữa vì tin tức trên các kênh lớn như Fox News và MSNBC hoàn toàn trái chiều nhau và nhuốm màu lợi ích của các phe nhóm chính trị, AP đưa tin.
Sau một năm thế giới nghĩ gì về Tổng thống Donald Trump. Nguồn: BBC.
\'Đâu là sự thật?\'
Nước Mỹ một năm sau khi Tổng thống Donald Trump nhậm chức chia rẽ sâu sắc vì vòng xoáy tin tức "thật giả lẫn lộn" không chỉ trên mạng xã hội mà còn trong dòng chảy truyền thông chính thống. Người Mỹ ngày càng hoang mang. Họ không biết nên tin vào ai hay tổ chức truyền thông nào khi muốn biết chuyện gì đang diễn ra ở Nhà Trắng.
"Đâu là sự thật?", anh Gromek băn khoăn.
Các cuộc khảo sát và lấy ý kiến trên toàn quốc về chính quyền Trump sau một năm đều cho thấy người dân Mỹ tìm kiếm tin tức từ các nguồn đa dạng, bao gồm cả tài khoản cá nhân trên Twitter của Tổng thống Trump, nhưng họ đều không tin bất cứ nguồn thông tin nào. Nhiều người cho biết chưa bao giờ họ bị mắc kẹt trong "mớ bòng bong" tin tức như bây giờ. Bên cạnh đó, họ cũng chưa từng thấy các tổ chức truyền thông chạy đua ráo riết như bây giờ để giành được niềm tin của công chúng.
"Giờ đây tôi đọc tin tức với sự hoài nghi và thái độ \'trông vậy mà chưa chắc phải vậy\'", Lori Viars, một người dân bang Ohio có quan điểm chính trị bảo thủ, cho biết. "Tin tức giả không chỉ đến từ những nguồn tin có quan điểm ủng hộ đảng Dân chủ mà còn từ các nguồn bảo thủ". Chị Viars xem cả Fox và CNN.
Dù có quan điểm chính trị đối lập chị Viars, bà Kathy Tibbits, một cử tri Dân chủ sống ở bang Oklahoma, cũng tỏ ra băn khoăn không kém gì người "bên kia chiến tuyến". Bà Tibbits cho biết tấm bằng cử nhân khoa học chính trị không giúp ích gì cho bà trong việc đánh giá sự chính xác của tin tức liên quan đến Tổng thống Trump. "Tại trường họ không dạy chúng tôi về sự hỗn loạn chính trị này", luật sư kiêm nghệ sĩ 60 tuổi này nói.
Thái độ và phát ngôn của ông Trump đã xóa nhòa ranh giới giữa "thật" và "giả". Trong chiến dịch vận động tranh cử tổng thống năm 2016, ông Trump công khai nhạo báng các phóng viên đưa những thông tin gây bất lợi cho hình ảnh của ông. Sau khi nhậm chức, Tổng thống Trump thường xuyên phàn nàn, chê bai và miệt thị nhiều cơ quan truyền thông chính thống là "thất bại" và "đều giả". Ông nhiều lần gọi các nhà báo là "kẻ thù của nhân dân Mỹ", thậm chí còn muốn sửa đổi luật để dễ dàng kiện phóng viên ra tòa vì tội bôi nhọ cá nhân.
"Nhất cử nhất động" của lãnh đạo đứng đầu đất nước ảnh hưởng mạnh mẽ tới quan điểm của người dân. Theo một báo cáo Trung tâm Nghiên cứu Pew công bố vào cuối năm 2017, 2/3 số người Mỹ ở độ tuổi trưởng thành được hỏi cho biết những thông tin thêu dệt khiến họ vô cùng mù mờ về ngay cả những thông tin thời sự cơ bản. Hoang mang là vậy nhưng hơn 8/10 người Mỹ cho rằng họ cảm thấy tương đối tự tin vào khả năng của bản thân có thể phân biệt thật giả. Tuy nhiên, thực tế đôi khi không dễ như người ta nói. Năm ngoái, một người đàn ông đã vác súng vào một tiệm ăn nhanh pizza ngay giữa thủ đô Washington DC vì tin rằng đây là hang ổ của một đường dây mại dâm trẻ em. Hoặc mới tuần trước, vào thời điểm phát hành cuốn sách về Tổng thống Trump, người dùng mạng Mỹ tin "sái cổ" thông tin lan truyền trên mạng cho rằng ông Trump nghiện xem một chương trình TV về khỉ đột.
Bà Victoria Steel, 50 tuổi sống ở bang Wyoming, chia sẻ kinh nghiệm phân biệt "vàng thau lẫn lộn" giữa thời đại thông tin này là hãy dành thời gian tìm kiếm nguồn tin có uy tín hoặc dựa vào bạn bè để có được thông tin chính xác. "Những đoạn âm thanh bị cắt rời rạc có thể không đem đến cho bạn đủ thông tin và chắc chắn những dòng tweet cũng không khá hơn", bà Steel, bỏ phiếu cho ứng viên Hillary Clinton vào năm 2016, nói.
Bà Steel có lẽ thuộc nhóm thiểu số vì 2/3 người Mỹ hiện nay đọc tin tức trên các trang mạng xã hội, theo khảo sát của Pew. "Tôi nghĩ một phần vấn đề nằm ở chỗ hiện nay mọi người nạp vào quá nhiều thông tin và việc \'ngụp lặn\' trong đống tin tức đó khiến họ hoang mang. Và kết quả, người ta không biết phân biệt thật với giả như thế nào", Trent Lott, một chính trị gia đảng Cộng hòa có hơn 50 năm kinh nghiệm, nhận xét. Lott nhấn mạnh ông không ủng hộ cách Tổng thống Trump lạm dụng mạng xã hội Twitter nhưng ông thấy truyền thông chính thống đang định kiến với chính quyền Trump.
Nhận xét của chính trị gia Cộng hòa này không phải là không có lý khi số liệu thống kê chỉ ra rằng niềm tin của công chúng đặt vào truyền thông liên tục suy giảm trong vài thập niên gần đây. Theo khảo sát của một trong những tổ chức nghiên cứu xã hội độc lập lớn nhất nước Mỹ, NORC trực thuộc đại học Chicago, tỉ lệ người dân Mỹ tin vào độ trung thực, chính xác và khách quan báo chí đã giảm từ 28% năm 1976 xuống chỉ còn 8% năm 2016.
"Ông Trump không phát minh ra (sự hỗn loạn) này. Ông ấy khiến mọi người bắt đầu cảm thấy (sự hỗn loạn). Ông ấy khơi ra vấn đề đã tồn tại từ trước", Gary Abernathy, biên tập viên tờ nhật báo Times-Gazette của Hillsboro, bang Ohio, nêu quan điểm. "Người ta gật đầu đồng ý (với Trump) ngay lập tức vì đó chính xác là những gì họ cảm nhận thấy".
\'Gậy ông đập lưng ông\'
[WIDGET_VIDEO:::2105]
Tổng thống Trump "giả điếc" trước câu hỏi về cáo buộc ông phân biệt chủng tộc. Nguồn: CS-Span.
Ông Trump từng "mắng mỏ" một loạt các tổ chức truyền thông như New York Times, NBC, ABC, CBS và CNN vì đưa những "tin tức giả dối" liên quan đến cáo buộc đội ngũ tranh cử của ông có quan hệ với Moscow. Và ông cho rằng đó là một "âm mưu" của truyền thông. Tuy nhiên, chính ông là người tạo ra tin tức giả lại vừa là nạn nhân của tin tức giả.
"Khi Trump dán nhãn tin tức gì đó là \'giả mạo\', tôi vô thức suy luận rằng vậy mọi thứ ông ấy nói phải là sự thật", Joseph Murray, cử tri 46 tuổi ở bang Oklahoma, nói. "Tôi có cảm giác tôi chưa bao giờ suy nghĩ kiểu như thế cho đến khi ông ấy lên làm tổng thống".
Tuy nhiên, thực tế đã chứng minh, Tổng thống thứ 45 của Mỹ có xu hướng thổi phồng thành quả của bản thân. Ông Trump tuyên bố chính sách cắt giảm thuế dưới thời chính quyền của ông vượt mọi chính sách giảm thuế của các tổng thống tiền nhiệm. Ông Trump cũng khẳng định chiến thắng "long trời lở đất" của ông trong mùa bầu cử 2016. Tất cả những tuyên bố này đều không đúng sự thật.
Không chỉ thổi phồng, ông Trump đôi khi "hồ đồ" đưa ra những thông tin hoàn toàn bịa đặt. Ông Trump đã "nói liều" về nút bấm hạt nhân không có thực chỉ để trả đũa lời cảnh báo của lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un rằng ông này đang giữ nút khởi động tên lửa hạt nhân trên bàn làm việc và sẵn sàng ấn nút kích hoạt nếu Mỹ đe dọa tấn công Triều Tiên. Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 2/1 đăng bài trên Twitter cá nhân, khoe ông "có nút kích hoạt hạt nhân to hơn và uy lực hơn của nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un".
Dựa vào thông tin của Fox News, hãng tin mà ông Trump ca ngợi là "đáng tin cậy", Tổng thống Mỹ đã đổ lỗi cho người nhập cư là thủ phạm của một cuộc bạo loạn ở Thụy Điển hồi tháng 2 năm ngoái. Chính phủ Thụy Điển ngay lập tức lên tiếng phản đối rằng không xảy ra bất cứ cuộc bạo loạn nào liên quan đến người nhập cư như lời ông Trump nói và yêu cầu Bộ Ngoại giao Mỹ đính chính.
"Tôi là một người (hành động) theo bản năng nhưng bản năng của tôi thường đúng", ông Trump khẳng định với tạp chí Time.
Nước Mỹ trong \'khủng hoảng niềm tin\' dưới thời Tổng thống Trump Năm đầu tiên trong nhiệm kỳ Tổng thống Donald Trump cũng là một năm người ta liên tục nói về "tin giả" và nỗi ám ... |
Donald Trump và 365 ngày \'chống lại tất cả\' Ông Trump bước vào Nhà Trắng với khẩu hiệu "Làm nước Mỹ vĩ đại trở lại" và thực tế một năm qua cho thấy vị ... |