Vụ ứng cử viên Tổng thống của Đảng Cộng hòa Donald Trump bị mưu sát không chỉ cho thấy những rủi ro mà các chính khách Mỹ phải đối mặt trong chiến dịch tranh cử, mà còn là lời cảnh báo về sự chia rẽ và nguy cơ bạo lực chính trị ở xứ cờ hoa.

Tổng thống Mỹ Joe Biden phát biểu từ Phòng Bầu dục ở Nhà Trắng kêu gọi người dân Mỹ đoàn kết

Tổng thống Mỹ Joe Biden phát biểu từ Phòng Bầu dục ở Nhà Trắng kêu gọi người dân Mỹ đoàn kết

Chính trị Mỹ ngày một phân cực

Ngay sau khi vụ việc xảy ra, các nghị sĩ của Đảng Cộng hòa đã công khai đổ lỗi cho các đối thủ chính trị của họ về vụ việc. Hạ nghị sĩ Mike Kelly (bang Pennsylvania), người có mặt tại cuộc vận động tranh cử của ông Trump, quả quyết: “Chúng tôi sẽ không dung thứ cho cuộc tấn công từ cánh tả này”. Còn Thượng nghị sĩ J.D. Vance (bang Ohio) - ứng cử viên Phó tổng thống Mỹ trong liên danh tranh cử cùng ông Trump khẳng định: “Tiền đề trọng tâm trong chiến dịch vận động tranh cử của Biden là cựu Tổng thống Donald Trump chính là một kẻ phát xít độc tài phải bị ngăn chặn bằng mọi giá. Lời hùng biện đó trực tiếp dẫn đến âm mưu ám sát Trump”.

Lời buộc tội thẳng thừng này đã thu hút sự chú ý. Nó gợi nhớ đến vụ ám sát Tổng thống John F. Kennedy năm 1963 tại Dallas, khi đó nhiều đảng viên Dân chủ đã ngay lập tức cho rằng vụ ám sát xuất phát từ sự thù địch của phe cánh hữu đối với tổng thống. Đây cũng là bằng chứng cho thấy chính trị Mỹ ngày một phân cực rõ nét khi cả hai đảng đều ra sức lôi kéo nhóm cử tri trung lập, đẩy cao đối đầu với những diễn biến chưa từng có tiền lệ.

Theo khảo sát do Viện Chính trị và Dịch vụ công Georgetown thực hiện sau bầu cử Quốc hội giữa kỳ năm 2022, người dân Mỹ đánh giá mức độ chia rẽ chính trị ở 71 điểm trên thang 100, trong đó ngưỡng tối đa đồng nghĩa đất nước đang bên bờ vực nội chiến. Vụ ông Trump bị mưu sát càng làm cho mức độ chia rẽ này sâu sắc thêm. Giáo sư Robert Lieberman, nhà nghiên cứu khoa học chính trị hàng đầu của Đại học Johns

Hopkins, đánh giá nền dân chủ, nền chính trị Mỹ thật ra dễ bị tổn thương và nước này đang đối mặt với hàng loạt thách thức chưa từng thấy. Theo Giáo sư Lieberman, tình trạng phân cực, thiếu thỏa hiệp là nguyên nhân dẫn tới bạo lực chính trị tại Mỹ, mà ở đó các lực lượng chính trị coi bầu cử như “cuộc chiến sinh tử” và thắng lợi của bên này sẽ là dấu chấm hết đối với bên kia.

Trong khi đó, Tiến sĩ chuyên ngành chính trị Garen J. Wintemute thuộc Đại học California dẫn một nghiên cứu về môi trường bầu cử năm 2024 cho biết, có một bộ phận nhỏ những người được hỏi ủng hộ bạo lực chính trị và họ sẵn sàng có hành động vũ lực trên phương diện cá nhân để giải quyết những khác biệt và đạt được mục đích của mình. Điều đó lý giải vì sao không ít người Mỹ thường mang theo vũ khí tới các sự kiện bầu cử và họ tự hào coi đó là một nét “văn hóa Mỹ”.

Về phần mình, chuyên gia Steve Hernandez - Giám đốc điều hành của The North Group, một công ty chuyên cung cấp các giải pháp quản trị an ninh mạng lại cho rằng “thông tin sai lệch (fakenews) là mối đe dọa lớn đối với một nền chính trị và an ninh quốc gia”. Theo ông, trong bầu không khí bầu cử sôi sục và đối đầu chính trị hiện nay ở Mỹ, mỗi thông tin sai lệch có thể nhanh chóng làm trầm trọng thêm các “cung bậc cảm xúc” và kích động hành vi bạo lực.

Thực tế cho thấy mặc dù dịch bệnh Covid-19 đã hoàn toàn bị khống chế, kinh tế Mỹ đã có phần ổn định, lạm phát tạm thời bị đẩy lùi, nhưng sự chia rẽ giữa hai hay nhiều xu hướng chính trị mỗi ngày vẫn sâu sắc, khiến quốc gia này dường như đang tách ra thành các “nước” khác nhau, mỗi “nước” theo đuổi những chính sách riêng của mình, lắm khi hoàn toàn đối nghịch nhau. Nhà khoa học chính trị Ian Bremmer đã phải than phiền: “Thuốc chủng ngừa có thể chấm dứt cơn đại dịch, nhưng chúng ta không có loại thuốc chủng ngừa nào dùng để trị căn bệnh chia rẽ về chính trị của chúng ta”.

 Nguy cơ nhiều bạo lực chính trị hơn

Mặc dù đã tránh được điều tồi tệ nhất trong vụ nổ súng mưu sát ông Trump nhưng dư luận lo ngại điều này có thể tác động tiêu cực đến nội bộ nước Mỹ. Ông David Axelrod, chiến lược gia của Đảng Dân chủ, bày tỏ: “Câu hỏi thực sự hiện nay là điều đó sẽ tác động như thế nào đến đất nước chúng ta, liệu chúng ta có thể khắc phục được hay sẽ chìm sâu hơn vào chia rẽ và bạo lực?”. Axelrod không phải là người duy nhất băn khoăn hoặc sợ hãi, trước câu hỏi đó. Nghị sĩ Guy Reschenthaler của Đảng Cộng hòa ở bang Pennsylvania cảnh báo: “Lo ngại lớn nhất của tôi là đây không phải là vụ việc duy nhất xảy ra và chúng ta sẽ chứng kiến nhiều bạo lực chính trị hơn”.

Nhiều nhà phân tích còn lo ngại nước Mỹ đã bước vào kỷ nguyên biến động chính trị, nơi bạo lực chính trị sẽ trở thành nền tảng cho nền chính trị Mỹ. Thực tế cho thấy các nghiên cứu gần đây về thái độ đối với bạo lực chính trị chỉ ra rằng, một số lượng nhỏ, nhưng không phải là không đáng kể, người Mỹ ủng hộ ý tưởng sử dụng bạo lực để thúc đẩy các ý tưởng chính trị. Theo báo cáo của Bộ An ninh Nội địa và Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI), một số cộng đồng trực tuyến “đã đe dọa, khuyến khích hoặc đề cập đến các hành động bạo lực” nhằm đáp trả vụ nổ súng nhắm vào ông Trump tại sự kiện vận động tranh cử tại thành phố Butler, bang Pennsylvania hôm 13-7.

Trong bối cảnh đó, trang mạng The Interpreter (Australia) đã đăng bài viết cho rằng, sau vụ việc cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump bị tấn công khi đang thực hiện chiến dịch vận động tranh cử, vấn đề bạo lực chính trị là điều mà cả hai chính đảng ở Mỹ cần phải xem xét một cách nghiêm túc. Trong phát biểu được đưa ra vài giờ sau khi vụ mưu sát xảy ra, ông Trump nhấn mạnh đây là thời điểm nước Mỹ và người dân Mỹ “cần thể hiện tinh thần đoàn kết, mạnh mẽ, kiên định và không sợ hãi”. Ông Trump cũng đã sửa lại nội dung bài phát biểu tại Đại hội Đảng Cộng hòa, thay cho những lời lẽ rất nặng nề chỉ trích chính quyền của Tổng thống Joe Biden, ông kêu gọi người dân Mỹ đoàn kết.

Về phía Đảng Dân chủ, Ban vận động tranh cử của ông Biden đã cho rút lại đoạn phim đả kích ông Trump rất nặng nề, trên nguyên tắc sẽ được phổ biến vào lúc khai mạc đại hội toàn quốc của Đảng Dân chủ. Theo Đài ABC News, các cộng sự của Tổng thống Biden đã được lệnh tránh mọi bình luận trên mạng xã hội ở thời điểm nhạy cảm này. Bản thân ông Biden cũng đã có cuộc điện thoại hỏi thăm ông Trump sau vụ mưu sát. Phát biểu tại Phòng Bầu dục, ông Biden nhấn mạnh phải “hạ nhiệt” trong chính trường, đồng thời kêu gọi người dân đoàn kết sau vụ ông Trump bị bắn.

Những người vốn trước đây chỉ trích ông Trump nặng nề nhất bên phe Dân chủ cũng ngay lập tức ra thông cáo để lên án bạo lực chính trị. Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đã triệu tập các quan chức cấp cao tại Bộ Ngoại giao để yêu cầu họ đưa ra thông điệp trên khắp thế giới về cam kết của Washington đối với nền pháp quyền và nước này sẽ không dung túng cho bạo lực. Tuy nhiên, vụ mưu sát ông Trump sẽ còn tác động tiêu cực đến nước Mỹ, bởi nó sẽ làm sự phân cực của cử tri sâu sắc thêm. Nước Mỹ dường như đang bị chia rẽ gay gắt thành hai phe với tầm nhìn chính trị và xã hội khác nhau.

https://www.anninhthudo.vn/nuoc-my-truoc-nguy-co-chia-re-va-bao-luc-chinh-tri-post583103.antd

Hoàng Sơn / ANTD