Hãng tin ABC dẫn lời một quan chức Liên hợp quốc (LHQ) cho biết, phụ nữ và trẻ em gái Afghanistan đang ở trong tình trạng nguy hiểm sau các trận động đất gần đây vì nhiều quyền bị hạn chế kể từ khi lực lượng Taliban điều hành đất nước.
- Thảm họa động đất tại Afghanistan: Cấp bách chung tay khắc phục hậu quả
- Người Afghanistan khốn cùng sau trận động đất kinh hoàng
- Số người thiệt mạng do động đất tại Afghanistan tiếp tục tăng sốc
Theo các quan chức LHQ, một lý do khiến phụ nữ và trẻ em gái chiếm 90% trong số hơn 2.000 nạn nhân thiệt mạng trong trận động đất ngày 11-10 vừa qua là do họ thường phải ở trong nhà khi thảm họa xảy ra.
Bà Alison Davidian, đại diện đặc biệt của LHQ về phụ nữ ở Afghanistan cho biết, phụ nữ và trẻ em gái ngày càng bị giới hạn trong nhà vì những hạn chế ngày càng tăng do Taliban áp đặt đối với họ trong 2 năm qua.
Taliban đã cấm các bé gái sau lớp 6 đến trường và cấm phụ nữ tham gia các không gian công cộng cũng như hầu hết các công việc. Phụ nữ cũng phải tuân thủ quy định về trang phục và có nam giới đi kèm trong những chuyến hành trình dài.
Taliban cũng đã hạn chế phụ nữ Afghanistan làm việc tại các tổ chức phi chính phủ, mặc dù có những ngoại lệ đối với các trường hợp khẩn cấp và chăm sóc sức khỏe.
Báo cáo của Tổ chức Phụ nữ LHQ cho thấy một số vấn đề mà phụ nữ và trẻ em gái đang phải đối mặt ở các khu vực của tỉnh Herat, nơi hứng chịu thiệt hại nặng nề nhất trong trận động đất vừa qua. Báo cáo nhấn mạnh chi tiết rằng, các chuẩn mực văn hóa khiến phụ nữ không thể ở chung lều với hàng xóm hoặc các gia đình khác. Nhiều phụ nữ cũng gặp khó khăn trong việc nhận viện trợ nhân đạo nếu họ không có người thân là nam giới và không có điểm phân phối viện trợ cho phái nữ.
Hầu hết hỗ trợ khẩn cấp ở Herat đang được phân phối thông qua một trung gian ở địa phương, thường là cộng đồng nam giới hoặc lãnh đạo tôn giáo. Bởi vậy, những tổn thương và ảnh hưởng của động đất đối với phụ nữ thường xuyên bị đánh giá thấp.
Theo LHQ, người Afghanistan đang phải vật lộn với những cú sốc xã hội, chính trị và kinh tế do việc rút lực lượng quốc tế vào năm 2021 và nhiều thập kỷ chiến tranh. Hơn một nửa dân số 40 triệu người của đất nước này cần hỗ trợ nhân đạo khẩn cấp.