Đằng sau lý do Điện Biên Phủ được chọn làm điểm quyết chiến giữa ta và Pháp là một cuộc đấu trí, đấu lực quyết định thắng bại của cả cuộc chiến.

Sau 8 năm tiến hành cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam, dù đã huy động tiềm lực kinh tế, quân sự đến mức cao nhưng thực dân Pháp vẫn không đạt được mục đích cơ bản đề ra, là tiêu diệt Chính phủ cách mạng và lực lượng kháng chiến, thiết lập lại nền cai trị trên toàn Đông Dương như trước năm 1945 mà ngược lại còn chịu thiệt hại hết sức nặng nề.

Đến năm 1953, Pháp bị loại khỏi vòng chiến đấu hơn 39 vạn quân, tiêu tốn hơn 2000 tỷ Franc. Thực dân Pháp ngày càng lún sâu vào thế phòng ngự, bị động đối phó với các cuộc tiến công của chủ lực ta, vùng chiếm đóng bị thu hẹp. Mặt khác, những khó khăn về kinh tế, tài chính và phong trào đấu tranh phản chiến tại nước Pháp ngày càng dâng cao, đẩy Chính phủ Pháp rơi vào cuộc khủng hoảng chính trị mới.

Ðiện Biên Phủ từ chỗ không có trong Kế hoạch Navarre của Bộ chỉ huy quân Pháp, cũng như không có trong Kế hoạch tác chiến Ðông - Xuân 1953 - 1954 của Bộ Tổng chỉ huy Quân đội Nhân dân Việt Nam (QÐNDVN) lại trở thành điểm hẹn lịch sử cho một trận quyết chiến chiến lược.

Nhóm chiến lược của Pháp: Rene Cogny (đầu tiên bên trái), De Castries (không đội mũ) và Henri Navarre (giữa). (Ảnh: DTInews)

Nhóm chiến lược của Pháp: Rene Cogny (đầu tiên bên trái), De Castries (không đội mũ) và Henri Navarre (giữa). (Ảnh: DTInews)

“Điểm hẹn lịch sử”

Ngày 3/12/1953, Tổng Chỉ huy quân đội viễn chinh Pháp ở Đông Dương – Henri Navarre, chính thức chọn Điện Biên Phủ làm điểm quyết chiến chiến lược với các đại đoàn chủ lực của ta. Dốc sức vào canh bạc cuối cùng này, Navarre xây dựng Điện Biên Phủ thành một tập đoàn cứ điểm mạnh nhất Đông Dương.

Trước đó, trong Thế chiến thứ nhất, với hình thức phòng ngự Tập đoàn cứ điểm, người Pháp đã giành chiến thắng ở Verdun, đánh bại sự tấn công của quân Đức. Chiến thắng này đã trở thành biểu tượng, niềm vinh quang của nước Pháp.

Đến với chiến trường Việt Nam, thực dân Pháp đã áp dụng hình thức phòng ngự này trong Chiến dịch Tây Bắc năm 1952. Đó là một trong những cơ sở để người Pháp tin tưởng vào một pháo đài Điện Biên Phủ bất khả xâm phạm, không thể công phá.

Trung tướng Đặng Quân Thụy, khi đó là cán bộ của Ban Tác chiến tiền phương trong chiến dịch Điện Biên Phủ, cho biết, trước khi lựa chọn xây dựng tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, quân đội Pháp ở Việt Nam đang ở trong thế bị động khi hứng chịu hàng loạt thất bại và không thể xây dựng các cụm cứ điểm lớn ở đồng bằng Bắc Bộ.

Điều này buộc chúng phải chuyển sang chiến thuật phòng thủ thông qua hệ thống cứ điểm. Tuy nhiên, kế hoạch này không thành công khi quân đội ta chỉ mất thời gian ngắn là có thể phá giải.

Thế nhưng quân Pháp vẫn chưa từ bỏ, chúng chuyển sang xây dựng các cụm cứ điểm gần nhau để có thể hỗ trợ lẫn nhau khi cần, điển hình như hai cứ điểm Nghĩa Lộ và Pú Trạng. Dù vậy, chiến thuật này của Pháp cũng không thành khi quân ta diệt cả Nghĩa Lộ lẫn Pú Trạng, bởi cả hai đều dễ bị cô lập và không thể bảo vệ lẫn nhau.

Bộ Chỉ huy quân Pháp tính rằng với việc chiếm giữ vị trí chiến lược then chốt Điện Biên Phủ, sẽ có điều kiện để mở rộng chiếm giữ cả vùng Tây Bắc và Thượng Lào.

Bộ Chỉ huy quân Pháp tính rằng với việc chiếm giữ vị trí chiến lược then chốt Điện Biên Phủ, sẽ có điều kiện để mở rộng chiếm giữ cả vùng Tây Bắc và Thượng Lào.

Trước việc quân đội ta phát triển cách đánh cứ điểm, cụm cứ điểm ngày càng nhanh hơn, quân đội Pháp buộc thực hiện kế hoạch xây dựng các tập đoàn cứ điểm như Điện Biên. ­­­­­Pháp đánh giá Điện Biên Phủ là nơi có thể hút được chủ lực của ta lên và thuận lợi cho họ dùng hỏa lực để tiêu diệt.

 

Bộ Chỉ huy quân Pháp tính rằng với việc chiếm giữ vị trí chiến lược then chốt Điện Biên Phủ, sẽ có điều kiện để mở rộng chiếm giữ cả vùng Tây Bắc và Thượng Lào, đồng thời buộc ta phải chấp nhận một trận công kiên lớn mà ưu thế thuộc về phía Pháp với vũ khí, phương tiện chiến tranh hiện đại hơn hẳn đối phương.

Với lực lượng mạnh, được tổ chức phòng ngự vững chắc, được chi viện bằng không quân, Điện Biên Phủ sẽ trở thành nơi thu hút, gây tổn thất lớn cho quân chủ lực Việt Nam. Như thế, đồng bằng Bắc Bộ sẽ không bị uy hiếp, lực lượng cơ động của Pháp sẽ có thời cơ bình định đồng bằng và mở những chiến dịch tiến công quy mô lớn vào vùng căn cứ kháng chiến, làm thay đổi so sánh lực lượng và thế chiến lược trên toàn chiến trường Đông Dương.

Một vấn đề đặt ra là Điện Biên Phủ ở giữa vùng rừng núi xa xôi, tiếp tế khó khăn, nhưng Navarre và giới quân sự Pháp, Mỹ tính toán chủ quan rằng vấn đề tiếp tế hậu cần của quân Pháp ở Điện Biên Phủ có thể khắc phục được nhờ sự chi viện bằng đường không của Pháp, Mỹ.

Trái lại, về phía Việt Nam, từ trung tâm hậu phương kháng chiến đến Điện Biên Phủ gần 500km đường mòn luồn rừng, leo núi, việc vận tải tiếp tế chủ yếu bằng gánh bộ sẽ khó khăn gấp bội, không thể giải quyết được nhu cầu hậu cần của hàng vạn quân. Cân nhắc thuận lợi, khó khăn của hai bên, theo họ, phần thắng chắc chắn thuộc về phía Pháp.

Binh lực của Pháp ở Điện Biên Phủ

Từ những toan tính trên, Navarre quyết định rút quân từ Lai Châu về Điện Biên Phủ, đồng thời tăng viện, biến Điện Biên Phủ thành một tập đoàn cứ điểm mạnh gồm 21 tiểu đoàn bộ binh và lính dù, ba tiểu đoàn pháo binh, một tiểu đoàn công binh, một đại đội xe tăng, một đại đội xe vận tải và một phi đội không quân thường trực 14 máy bay, tổng quân số lên tới 16.200 quân (chiếm 1/3 lực lượng quân cơ động của Pháp tập trung trên chiến trường Bắc Bộ), phần lớn là các đơn vị Âu - Phi tinh nhuệ, ngoài ra còn một số đơn vị lính ngụy được huấn luyện dài ngày và trang bị vũ khí tốt.

Đại tá De Castries (trái), tướng Henri Navarre (giữa) và tướng René Cogny kiểm tra tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, tháng 12/1953. (Ảnh tư liệu)

Đại tá De Castries (trái), tướng Henri Navarre (giữa) và tướng René Cogny kiểm tra tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, tháng 12/1953. (Ảnh tư liệu)

Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ được bố trí 49 cứ điểm, tổ chức thành tám cụm cứ điểm liên hoàn. Mỗi cụm cứ điểm là một khu vực phòng thủ, một trung tâm đề kháng, có lực lượng phòng ngự và lực lượng cơ động, có hỏa lực mạnh, có các hàng rào kẽm gai và bãi mìn dày đặc xung quanh ngăn chặn đường tiến công từ ngoài vào.

Sân bay Mường Thanh và sân bay dự bị Hồng Cúm có thể hạ cánh gần 100 lượt máy bay mỗi ngày và chuyên chở khoảng 200 - 300 tấn quân dụng, thả dù từ 100 - 150 binh sỹ.

Navarre còn dành 80% số máy bay của Pháp ở Đông Dương xuất phát từ sân bay Cát Bi, Gia Lâm và có sự chi viện của máy bay Mỹ từ tàu sân bay ở Vịnh Hạ Long thường xuyên bắn phá ác liệt vào đội hình chiến đấu và các tuyến đường vận tải tiếp tế của Việt Nam. Chỉ huy quân Pháp ở Điện Biên Phủ gồm các sỹ quan được đào tạo cơ bản, có nhiều kinh nghiệm chiến trường.

Với một tập đoàn cứ điểm mạnh chưa từng có trong chiến tranh Đông Dương, Bộ Chỉ huy quân Pháp huênh hoang Điện Biên Phủ là một tập đoàn cứ điểm bất khả xâm phạm và thách thức quân đội kháng chiến Việt Nam nghênh chiến. Họ tin chắc sẽ thu hút và “nghiền nát chủ lực đối phương” và đây sẽ là giải pháp quyết định thắng lợi cuộc chiến tranh Đông Dương của Pháp, Mỹ.

Về phía ta, ngày 6/12/1953, Bộ Chính trị họp, nghe Tổng Quân ủy trình bày kế hoạch tác chiến mùa Xuân 1954, trong đó có phương án tác chiến tiến công Điện Biên Phủ và nhấn mạnh trận Điện Biên Phủ sẽ là một trận công kiên lớn nhất từ trước tới nay.

Trên cơ sở phân tích một cách khoa học tương quan lực lượng, điều kiện thực tại và triển vọng tình hình của hai bên, Bộ Chính trị thông qua kế hoạch tác chiến của Tổng Quân ủy và chọn Điện Biên Phủ làm điểm quyết chiến chiến lược trong chiến cuộc Đông Xuân 1953 - 1954.

https://vtcnews.vn/tai-sao-phap-chon-dien-bien-phu-xay-dung-tap-doan-cu-diem-ar868879.html

Trà Khánh / VTC News