Tàu ngầm Nanggala chìm xuống độ sâu khoảng 700 mét, khiến các thiết bị cứu hộ tàu ngầm hiện nay có thể không với tới.

Hải quân Indonesia cho biết tàu ngầm KRI Nanggala mất tích khi đang hoạt động ở vùng biển cách đảo Bali khoảng 96 km và nhiều khả năng chìm ở độ sâu 600-700 m. Frank Owen, thư ký Viện Tàu ngầm Australia, nhận định đây là độ sâu mà bất cứ đội cứu hộ nào trên thế giới đều bất lực.

"Hầu hết các hệ thống cứu hộ tàu ngầm chỉ có thể hoạt động ở độ sâu khoảng 600 mét. Chúng có thể vươn xuống sâu hơn, do có biên độ an toàn trong thiết kế, song các thiết bị như máy bơm hay những hệ thống liên quan có khả năng không hoạt động", ông nói. "Các phương tiện cứu hộ có thể lặn xuống độ sâu đó, nhưng chưa chắc đã vận hành được".

Hải quân Indonesia đang triển khai 5 tàu hải quân và một trực thăng tới hiện trường, trong khi một tàu khảo sát đại dương cũng đang trên đường di chuyển. Tuy nhiên, tất cả những tàu này chỉ có khả năng tìm kiếm, không thể cứu nạn cho thủy thủ tàu ngầm.

Tàu ngầm Indonesia có nguy cơ không thể cứu

Tàu ngầm KRI Nanggala diễn tập ngoài khơi thành phố Cilegon của Indonesia tháng 10/2017. Ảnh: AP.

Bobby Adhityo Rizaldi, thành viên Ủy ban I Hội đồng Dân biểu Indonesia, thừa nhận hải quân nước này hiện không trang bị phương tiện chuyên dụng để cứu hộ tàu ngầm và phải nhờ sự hỗ trợ từ các quốc gia khác. Ông kêu gọi chính phủ Indonesia đầu tư trang bị phương tiện cứu hộ tàu ngầm để đề phòng những tình huống tương tự trong tương lai.

Singapore và Malaysia đã cử tàu cứu hộ trợ giúp Indonesia, tuy nhiên các tàu này nhiều khả năng phải mất 2-3 ngày mới tới được hiện trường. Quân đội Australia, Mỹ, Đức, Pháp, Nga, Ấn Độ và Thổ Nhĩ Kỳ cũng đã đề xuất hỗ trợ.

Tuy nhiên, nhiều chuyên gia nhận định độ sâu 700 mét dưới đáy biển đe dọa tính bền vững của cấu trúc tàu, có thể khiến tàu ngầm truyền thống như KRI Nanggala bị ép nát.

Ahn Guk-hyeon, một lãnh đạo công ty Cơ khí Hàng hải và Đóng tàu Daewoo của Hàn Quốc, đơn vị đã cải tạo tàu ngầm KRI Nanggala giai đoạn 2009-2012, cho biết phần lớn tàu ngầm đều không thể chịu nổi áp suất khi xuống sâu hơn 200 m.

Ông Ahn cho biết công ty của ông đã nâng cấp nhiều cấu trúc và hệ thống bên trong tàu ngầm Nanggala, song không nắm rõ tình trạng của con tàu hiện nay, do không tham gia vào bất cứ công việc nào trên tàu ngầm đó suốt 9 năm qua.

Chiến hạm Nanggala mang số hiệu 402 mất liên lạc khi tham gia diễn tập hôm 21/4 ở khu vực ngoài khơi đảo Bali. Giới chức Indonesia cho biết đã phát hiện vệt dầu loang bắt đầu từ vị trí tàu Nanggala mất tích ở phía bắc đảo Bali, song chưa rõ có liên quan đến chiến hạm mất tích hay không.

Tàu ngầm Indonesia có nguy cơ không thể cứu

Hải quân Indonesia cho biết tàu ngầm Nanggala có thể gặp sự cố mất điện khi đang lặn, khiến chiến hạm mất kiểm soát và không thể thực hiện được các quy trình khẩn cấp để nói lại hoạt động. Nanggala do Đức chế tạo, được Indonesia biên chế năm 1981, chở theo 53 người gồm hạm trưởng, ba pháo thủ và 49 người khác.

Indonesia sở hữu hạm đội tàu ngầm gồm 5 chiếc, trong đó hai chiếc thuộc lớp Cakra do Đức chế tạo là Nanggala và KRI Cakra, ba chiếc khác thuộc lớp Nagapasa do Hàn Quốc chế tạo là KRI Nagapasa, KRI Ardadedali và KRI Alugoro. Indonesia dự kiến biên chế ít nhất 8 tàu ngầm năm 2024.

Nguyễn Tiến (Theo Ksat)

/ vnexpress.net