Dù đã lớn tuổi, hàng triệu người lao động ở Trung Quốc vẫn phải bám trụ tại các thành phố lớn vì họ không thể nghỉ hưu với mức trợ cấp ít ỏi ở nông thôn.

Sau 30 năm bán bánh bao bên đường phố Tây An (tỉnh Thiểm Tây, Trung Quốc), ông Hu Dexi, 67 tuổi, mong muốn được sống chậm lại và tận hưởng tuổi già.

Tuy nhiên, ông Hu chưa thể nghỉ hưu mà phải cùng người vợ lớn tuổi của mình chuyển đến ngoại ô Bắc Kinh. Mỗi ngày, họ phải dậy vào lúc 4h sáng để chuẩn bị bữa trưa mang theo, sau đó lại phải di chuyển hơn một tiếng đồng hồ đến trung tâm thương mại để bắt đầu công việc dọn dẹp vệ sinh theo ca 13 tiếng, với mức thù lao 4.000 nhân dân tệ (khoảng 14 triệu đồng) hàng tháng.

Ông Hu Dexi làm việc tại một trung tâm mua sắm ở Bắc Kinh, Trung Quốc. (Ảnh: Reuters)

Ông Hu Dexi làm việc tại một trung tâm mua sắm ở Bắc Kinh, Trung Quốc. (Ảnh: Reuters)

Cũng như hàng triệu người lao động nông thôn nhập cư khác sắp đến tuổi nghỉ hưu ở Trung Quốc, nếu không bám trụ ở thành phố, vợ chồng ông Hu sẽ phải về quê sống nhờ vào mảnh đất nhỏ và khoản lương hưu hàng tháng chỉ 123 nhân dân tệ (hơn 430.000 đồng) mỗi người.

"Không ai có thể chăm sóc chúng tôi. Tôi không muốn trở thành gánh nặng cho hai đứa con trong khi trợ cấp của Nhà nước quá thấp", ông Hu vừa lau sàn vừa nói.

Thế hệ từng đổ xô vào các thành phố của Trung Quốc vào cuối thế kỷ trước để xây dựng cơ sở hạ tầng và điều hành các nhà máy, biến Trung Quốc thành nước xuất khẩu lớn nhất thế giới, giờ đây đang đối mặt với mức sống giảm sút ở tuổi già.

Theo Reuters, nhu cầu về dịch vụ xã hội ở Trung Quốc đang tăng nhanh chóng khi dân số già hóa. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng nước này chưa xây dựng được hệ thống an sinh xã hội phù hợp với cuộc khủng hoảng dân số đang trầm trọng hơn.

Trung Quốc có khoảng 94 triệu người lao động trên 60 tuổi vào năm 2022, chiếm khoảng 12,8% trong tổng số 734 triệu lao động nước này, tăng từ mức 8,8% của năm 2020.

Một cố vấn chính phủ nói với Reuters rằng lý do chính khiến Trung Quốc chưa xây dựng được hệ thống an sinh xã hội phù hợp hơn là do các nhà hoạch định chính sách lo ngại nền kinh tế rơi vào bẫy thu nhập trung bình, do đó phải ưu tiên phát triển quy mô nền kinh tế.

Trung Quốc đang hướng các nguồn lực kinh tế và dòng tín dụng vào các lực lượng sản xuất mới, một thuật ngữ chung chỉ chính sách của Chủ tịch Tập Cận Bình để thúc đẩy đổi mới và phát triển các ngành công nghiệp tiên tiến như năng lượng xanh, chip cao cấp và công nghệ lượng tử.

“Sẽ dễ dàng giải quyết vấn đề bình đẳng hơn nếu chúng ta có thể giải quyết vấn đề tăng trưởng năng suất trước”, cố vấn giấu tên nói.

Vợ chồng bà Yang Chengrong thu nhặt phế liệu ở Bắc Kinh. (Ảnh: Reuters)

Vợ chồng bà Yang Chengrong thu nhặt phế liệu ở Bắc Kinh. (Ảnh: Reuters)

Làm việc để cảm thấy an toàn

Hệ thống trợ cấp lương hưu ở Trung Quốc dựa trên hộ khẩu phân bổ dân số theo khu vực thành thị - nông thôn, cùng sự khác biệt về thu nhập và khả năng tiếp cận các dịch vụ xã hội.

Lương hưu hàng tháng ở thành thị dao động từ khoảng 3.000 nhân dân tệ (hơn 10 triệu đồng) ở các tỉnh kém phát triển đến khoảng 6.000 nhân dân tệ (hơn 21 triệu đồng) ở Bắc Kinh và Thượng Hải. Trong khi đó, mức hưu trí ở các vùng nông thôn được áp dụng trên toàn quốc vào năm 2009 rất thấp.

 

Tháng 3 năm nay, Trung Quốc đã tăng lương hưu tối thiểu thêm 20 nhân dân tệ (khoảng 70.000 đồng), lên 123 nhân dân tệ mỗi tháng.

Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc (CASS) ước tính quỹ lương hưu nước này sẽ cạn tiền vào năm 2035. Bắc Kinh đang thúc đẩy các chương trình hưu trí tư nhân, đồng thời phân bổ quỹ cho các tỉnh có thâm hụt ngân sách lương hưu lớn mà không thể tự bù đắp do nợ cao.

Một số quốc gia đã cố gắng tăng quỹ hưu trí bằng cách nâng tuổi nghỉ hưu. Ở Trung Quốc, tỷ lệ này thuộc hàng thấp nhất thế giới với ngưỡng tuổi 60 đối với nam và 50 - 55 tuổi đối với nữ tùy theo ngành nghề.

Bắc Kinh cho biết họ có kế hoạch tăng dần tuổi nghỉ hưu nhưng chưa đưa ra mốc thời gian cụ thể.

Các cuộc khảo sát của CASS cho thấy mức hỗ trợ phúc lợi y tế cho người lao động ở thành thị trong một số trường hợp cao hơn khoảng 4 lần so với những người có hộ khẩu ở nông thôn.

Dan Wang, chuyên gia kinh tế Trung Quốc tại Ngân hàng Hang Seng, cho biết: “Phúc lợi xã hội không đủ nguồn lực để hỗ trợ những người có xu hướng tái nghèo”.

Theo một báo cáo hồi tháng 10/2023 của CASS, hơn 16% người trên 60 tuổi ở nông thôn gặp vấn đề sức khỏe, so với tỷ lệ 9,9% ở thành thị.

Bà Yang Chengrong 60 tuổi và người chồng 58 tuổi Wu Yonghou dành cả ngày để nhặt phế liệu cho một trạm tái chế ở Bắc Kinh với mức giá chưa đến 1 nhân dân tệ (3.500 đồng) mỗi kilogam.

Yang cho biết bà có vấn đề về tim, còn ông Wu bị bệnh gout nhưng họ không đủ khả năng điều trị. Bà nói rằng khoản thu nhập 4.000 nhân dân tệ (khoảng 14 triệu đồng) mỗi tháng của hai vợ chồng là "vô cùng bấp bênh".

"Những người đến từ nông thôn như chúng tôi phải làm việc quần quật, mệt gần chết nhưng vẫn phải tiếp tục công việc", Yang nói, trên vai bà phủ đầy tuyết sau một ngày nhặt phế liệu.

"Chúng tôi không dám nghỉ hưu", ông Wu nói. "Tôi cảm thấy an toàn nếu có việc làm, ngay cả khi đó là công việc nhặt phế liệu".

Tỷ lệ thất nghiệp cao ở thanh niên Trung Quốc cũng là nguyên nhân khiến người già không thể nghỉ hưu, khi phần lớn mỗi gia đình chỉ có một con do chính sách kế hoạch hoá gia đình giai đoạn 1980 - 2015.

"Quan niệm dựa vào con cái để phụng dưỡng tuổi già không còn khả thi nữa", Cai Fang, chuyên gia kinh tế CASS nhận định.

Mặc dù phải vật lộn để tìm việc nhưng đa phần người trẻ không chấp nhận những công việc chân tay nặng nhọc.

"Trung tâm thương mại không tìm được người trẻ chịu làm công việc quét dọn", ông Hu Dexi, một lao công chia sẻ. "Chỉ cần còn cử động được thì tôi sẽ tiếp tục làm việc".

https://vtcnews.vn/the-he-nguoi-gia-trung-quoc-khong-dam-nghi-huu-ar870056.html

Hoa Vũ / VTC News