Việc Trump từng công bố ý định rút binh sĩ Mỹ khỏi Syria đang khiến Washington đánh mất ảnh hưởng tại khu vực.
Tổng thống Mỹ Donald Trump trong một cuộc họp báo hồi năm 2017. Ảnh: Reuters. |
Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm 8/4 tuyên bố sẽ khiến Iran và Nga "trả giá đắt" vì hậu thuẫn chính quyền Tổng thống Syria, bên mà Washington cáo buộc gây ra vụ tấn công hóa học tại thị trấn Douma, Đông Ghouta, ngày 7/4, khiến hơn 70 người thiệt mạng, bao gồm cả phụ nữ và trẻ em.
Hôm qua, ông chủ Nhà Trắng cho biết sẽ ra quyết định về việc đáp trả Syria liên quan đến cáo buộc sử dụng vũ khí hóa học nói trên trong 24 - 48 giờ tới. Tuy nhiên, theo CNN, Tổng thống Trump có lẽ sẽ khó lòng làm được như lời đã nói bởi trong tay ông hiện tại không có nhiều lựa chọn.
Tuần trước, khi Tổng thống Trump thông báo về ý định rút binh sĩ Mỹ khỏi phía bắc Syria, ba quốc gia ủng hộ chính quyền Assad đã nhóm họp để thảo luận những bước đi tiếp theo. Mỹ không hiện diện khi ba lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ, Iran và Nga gặp mặt và cũng không có dấu hiệu nào cho thấy Washington sẽ được tham gia các cuộc thảo luận như vậy trong tương lai.
Mỹ mất ảnh hưởng ở Syria
Khung cảnh đổ nát tại thị trấn Douma, Đông Ghouta, ngoại ô thủ đô Damascus, Syria, ngày 30/3. Ảnh: Reuters. |
Trump lên nắm quyền với quyết tâm xóa bỏ hàng loạt chính sách từ thời người tiền nhiệm Barack Obama, rút khỏi các hiệp ước mà ông cho rằng chống lại lợi ích của Mỹ và mong muốn tránh xa những cuộc xung đột ở nước ngoài theo ông là tốn kém và không cần thiết.
Nhưng chỉ sau vài tháng nhậm chức, hồi tháng 4 năm ngoái, Tổng thống Trump lại ra lệnh không kích một căn cứ quân sự của Syria sau các cáo buộc quân đội nước này sử dụng vũ khí hóa học nhằm vào dân thường tại thị trấn Khan Sheikhoun. Chiến hạm Mỹ đã phóng tổng cộng 59 tên lửa hành trình Tomahawk vào căn cứ vốn là nơi đồn trú của các máy bay bị nghi là thực hiện vụ tấn công hóa học.
Quyết định ông đưa ra được nhận xét là bước thay đổi đột ngột trong quan điểm về sự hiện diện của quân đội Mỹ ở Syria. Các đoạn băng cho thấy "trẻ em vô tội" bị giết hại bởi khí độc. "Nó vượt quá rất rất nhiều ranh giới. Vượt qua lằn ranh đỏ và rất nhiều ranh giới", Tổng thống Mỹ lúc bấy giờ viết.
Giờ đây, tròn một năm sau cuộc không kích, ông quay sang chỉ trích sự hiện diện của Mỹ ở bắc Syria.
Trump từng phát đi tín hiệu về ý định rút binh sĩ Mỹ khỏi Syria và giảm sự liên quan của Washington tới cuộc chiến chống tàn dư phiến quân Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng. Theo một số nguồn tin, ông chủ Nhà Trắng còn tỏ thái độ không hài lòng trước số tiền Mỹ phải bỏ ra ở khu vực và hoài nghi về hiệu quả của chúng. Nhưng sau các cuộc thảo luận căng thẳng với đội ngũ an ninh quốc gia, ông đã đồng ý hoãn quyết định.
Quyết định này "đã đơn phương tước đoạt mọi ảnh hưởng của Mỹ trong nỗ lực định hình tương lai Syria", ông Fawaz Gerges, giáo sư về quan hệ quốc tế tại Trường Kinh tế London, bình luận. "Quyết định định mệnh ông Trump đưa ra sẽ chỉ củng cố thêm nhận thức rằng Mỹ đang muốn rút khỏi Syria và hơn thế, họ không sẵn sàng gánh vác vai trò lãnh đạo toàn cầu. Đây cũng là sự thừa nhận rõ ràng rằng Mỹ và các đồng minh đã thất bại trong cuộc chiến".
Câu hỏi hóc búa
Mỹ đã tham gia vào cuộc xung đột tại Syria được nhiều năm và góp phần không nhỏ trong cuộc chiến chống IS. Các binh sĩ Mỹ liên minh với dân quân người Kurd cùng những đối tác khác trên chiến trường để giúp giành lại các phần lãnh thổ bị phiến quân Hồi giáo chiếm đóng ở cả Iraq và Syria.
Ngay từ đầu, chính quyền Obama chọn cách phân biệt rõ sự tham gia của họ ở Syria chủ yếu tập trung vào nhiệm vụ chống IS, đồng thời duy trì quan điểm đồng thuận với các lệnh trừng phạt và áp lực từ cộng đồng quốc tế đối với chính quyền Syria, nhưng lại không có bất kỳ đòn bẩy quân sự nào.
"Chính sách của Mỹ với Syria đang bị suy yếu bởi một câu hỏi hóc búa. Dù Mỹ giữ vai trong dẫn dắt cuộc chiến chống IS, đặt trong bối cảnh rộng hơn ở Syria, họ lại không khác gì một thành phần tham gia thứ cấp chỉ đang cố chống lại các kẻ thù nhưng phớt lờ sự thật là \'không tồn tại bất kỳ giải pháp quân sự nào cho Syria", chuyên gia Emile Hokayem và Karim Sadjadpour từ Quỹ Carnegie về Hòa bình Quốc tế nhận định.
Theo Rodger Shanahan, nhà nghiên cứu tại Viện Lowy ở Australia, nếu so về mức độ ảnh hưởng ở Syria, Mỹ không thể sánh ngang với Nga, Iran hay Thổ Nhĩ Kỳ. "Nga có lịch sử, một gói hợp tác quốc phòng và mối quan hệ chính trị gần gũi với Damascus. Iran hiện có nhiều mối liên kết chiến lược hơn, ngày càng gia tăng lợi ích thương mại, đồng thời nắm quyền kiểm soát hàng nghìn dân quân ủng hộ Tehran cùng không ít binh sĩ trải khắp Syria", ông Shanahan cho hay. Mặt khác, Thổ Nhĩ Kỳ thì có lợi ích thương mại, hàng trăm km đường biên giới chung và là nơi cư trú của hàng trăm nghìn người Syria.
Thiếu đòn bẩy chiến lược
Binh sĩ Mỹ tại trụ sở của lực lượng Đơn vị Bảo vệ Nhân dân người Kurd (YPG) ở núi Karachok, gần Malikiya, Syria, hồi tháng 4/2017. Ảnh: Reuters. |
Tổng thống Trump đã không đưa ra nhiều chỉ dấu cho hành động của mình ở Syria từ sau cuộc không kích hồi tháng 4/2017. Trước khi bị sa thải, Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson cho hay binh sĩ Mỹ sẽ rời khỏi Syria dựa theo tình hình cụ thể trên thực địa song không nêu chi tiết lịch trình.
"Từ quan điểm của một nhà đàm phán, việc không cung cấp lịch trình cụ thể là điều tốt, nhưng chỉ khi các bên mà bạn phải đối phó biết rõ bạn đang nắm giữ những đòn bẩy quan trọng. Thách thức đối với chính sách Syria của Washington là họ thiếu những đòn bẩy chiến lược", ông Shanahan đánh giá.
Với việc không có một chiến lược thật sự và từng tuyên bố về ý định rút binh sĩ Mỹ khỏi chiến trường Syria, Tổng thống Trump không những khó có thể thực hiện điều họ muốn làm là trừng phạt chính quyền Assad mà thậm chí còn trao lợi thế vào tay lãnh đạo Syria.
"Với sự vắng mặt của Mỹ, các bên liên quan chủ chốt ở Syria... sẽ ra sức tăng cường phạm vi ảnh hưởng", ông Gerges nhấn mạnh và thêm rằng cuối cùng, "Nga và Iran sẽ là hai nước chiến thắng vang dội nhất ở Syria".
Vũ Hoàng
Syria: Tổng thống Putin cảnh cáo quân nổi dậy ở Đông Ghouta Tổng thống Vladimir Putin mới đây cảnh báo Moscow sẽ không tha thứ nếu phiến quân ở Đông Ghouta tiếp tục pháo kích vào đại ... |
Những lần thay đồng minh như thay áo của Thổ Nhĩ Kỳ Nằm ở vị trí chiến lược, Thổ Nhĩ Kỳ thường xuyên thay đổi đồng minh tùy theo lợi ích an ninh, chính trị của mình. |