Thống đốc bang Bắc Carolina cảnh báo bão Florence "cực kỳ nguy hiểm" và kêu gọi người dân sơ tán sớm để tránh "con quái vật này".
Thống đốc bang Bắc Carolina Roy Cooper phát biểu tại một cuộc mít tinh hồi năm 2016. Ảnh: Reuters. |
1, 7 triệu người tại ba bang Mỹ ngày 11/9 được cảnh báo sơ tán để tránh khỏi đường đi của siêu bão Florence. Cơn bão với sức gió 225 km/h đang tiến vào Carolina sẽ gây ra mưa lớn, có khả năng kèm lở đất và tạo nên những đợt sóng "nguy hiểm chết người", theo Cơ quan Dự báo Thời tiết Quốc gia Mỹ.
Florence dự kiến đổ bộ bờ biển Mỹ vào đêm 13 rạng sáng 14/9 mang theo lượng mưa lên tới 30 đến 45 cm, gây ngập lụt ở một số khu vực.
"Cơn bão này là một con quái vật, nó rất lớn và nguy hiểm. Nó cực kỳ nguy hiểm, đe dọa tới tính mạng người dân", Thống đốc bang Bắc Carolina Roy Cooper cảnh báo. "Gió và sóng mà nó mang đến không giống với bất cứ thứ gì các bạn từng thấy. Dù bạn từng vượt qua nhiều cơn bão trước đây, cơn bào này hoàn toàn khác biệt. Đừng đặt cược mạng sống của bạn trên lưng con quái vật".
Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ban bố tình trạng khẩn cấp đối với bang Bắc Carolina, Nam Carolina và Virginia, mở đường cho viện trợ tới khu vực. Trump khẳng định chính quyền liên bang "hoàn toàn sẵn sàng" đương đầu với bão Florence.
"Tôi đã cầu nguyện và chỉ biết chuẩn bị mọi thứ trong khả năng", Steven Hendrick, người dân sống tại thành phố Conway, bang Nam Carolina, chia sẻ.
Nhà chức trách tại ba bang trên đã ra lệnh sơ tán, yêu cầu người dân chuẩn bị sẵn đồ dùng sơ cứu và phải xác định trước địa điểm cần tới khi bão đổ bộ.
"Cơn bão này sẽ gây mất điện vài ngày, thậm chí vài tuần. Nó sẽ phá hủy nhiều công trình, nhà cửa", Jeff Byard, quan chức tại Cơ quan Ứng phó Tình trạng Khẩn cấp Liên bang Mỹ, cho hay.
Hồi năm 1989, siêu bão Hugo, cơn bão mạnh nhất từng đổ bộ bang Bắc Carolina, có sức gió gần 210 km/h. Nếu bão Florence tiếp tục giữ hướng đi như hiện tại, nó có khả năng mạnh lên thành bão cấp 5, với sức gió hơn 250 km, và trực tiếp gây ở đất tại bờ biển Bắc Carolina, Business Insider đưa tin.
Tuy nhiên, bất chấp cảnh báo, nhiều người vẫn không muốn sơ tán, trong đó có Tim Terman và vợ. Hai người sống tại Southport, Bắc Carolina. Dù người thân trong gia đình liên tục thúc giục, họ vẫn chưa chịu rời đi.
"Khi đã sơ tán rồi, rất khó trở về để kiểm tra thiệt hại", Tim giải thích. "Ngôi nhà này là tất cả những gì vợ chồng tôi có".
Một hộ gia đình ở Southport ghi thông điệp "Ở lại và cầu nguyện" bên ngoài nhà trước khi bão Florence đổ bộ. Ảnh: CNN. |
John McGowan, cư dân tại một thị trấn phía tây thành phố Wilmington, bang Delaware, hôm qua cho biết sẽ ở lại đương đầu với bão. Dù vậy, ông vẫn đổ đầy xăng xe phòng khi đổi ý.
"Tôi sẽ đánh giá cơn bão vào chiều mai (12/9). Nếu nó vẫn giữ sức gió trên 200 km/h, tôi có thể đổi ý", McGowan nói.
Anita Harrell kể ở Wilmington, bà đã phải chờ 90 phút tại siêu thị để mua gỗ dán về gia cố nhà cửa, cửa hàng. Tuy nhiên, siêu thị cũng sắp bán hết và giới hạn mỗi người chỉ được mua 12 món.
Đường đi dự kiến của bão Florence quét qua ít nhất 6 nhà máy điện hạt nhân, hồ chứa chất thải công nghiệp, trang trại chăn nuôi có hồ chứa chất thải động vật. Ryan Moser, phát ngôn viên của công ty điện lực Duke Energy tại Bắc Carolina, cho biết sẽ đóng cửa hai nhà máy điện hạt nhân ít nhất hai giờ trước khi bão đến.
Siêu bão Florence nhìn từ không gian hôm 10/9. Ảnh: NASA. |
Hơn một triệu người Mỹ phải lánh nạn do siêu bão Florence Chính quyền bang Nam Carolina yêu cầu hơn một triệu người dân sơ tán trước khi siêu bão Florence đổ bộ bờ đông nước Mỹ ... |