Thời xưa, theo Nho giáo, các triều đại phong kiến nước ta coi trọng lễ và nhạc. Rất may, chúng ta bảo tồn được Nhã nhạc cung đình Huế của triều Nguyễn và UNESCO đã công nhận loại hình âm nhạc này là kiệt tác truyền khẩu và phi vật thể nhân loại. Vậy còn nhã nhạc các triều đại trước thế nào?
Theo kinh điển đạo Nho, âm nhạc là một trong những nghề mà người quân tử phải học. Trong “lục nghệ” được đào tạo cho các bậc quân tử thời xưa có lễ (lễ nghĩa), nhạc (âm nhạc), xạ (bắn cung), ngự (cưỡi ngựa) thư (đọc sách, viết chữ) và số (tính toán, xét lý số).
Đức Khổng Tử được tham chính, hay khi dạy học, lúc nào cũng chú ý về lễ, nhạc. Lễ, nhạc chính là phần rất trọng yếu trong sự giáo hóa của Nho giáo. Sau khi Khổng Tử mất, các môn đồ ghi nhớ những lời ngài giảng về lễ, nhạc rồi chép vào sách “Lễ ký”.
Lý thuyết về lễ, nhạc của đạo Nho cho rằng âm nhạc liên quan chặt chẽ đến chính trị của đất nước. “Nhạc ký” khẳng định: “Hễ chính trị hay thì nghe tiếng nhạc hay, chính trị dở thì nghe tiếng nhạc dở. Âm nhạc đời trị thì nghe yên tĩnh vui vẻ, âm nhạc đời loạn thì nghe oán giận tức tối, âm nhạc lúc mất nước thì nghe bi ai sầu thảm...”.
Âm nhạc thời Lý
Sử sách nước ta thời Tiền Lê, Lý không cho biết rõ thời xưa triều đình phong kiến nước ta sử dụng âm nhạc thế nào. Qua những ghi chép của sứ thần nhà Tống sang nước ta trong “Tống sử”, chỉ biết từ thời Tiền Lê, Vua Lê Hoàn rất thích ca hát. Khi mở tiệc chiêu đãi sứ thần nhà Tống, Lê Hoàn đã cho đặt yến tiệc tại bãi sông, để chủ và khách vừa ăn yến, vừa xem múa hát, lấy trò bắt cá làm vui. Trong khi ăn uống, Lê Hoàn thường tự hát để mời rượu các sứ thần. Sứ nhà Tống đón cốc rượu mà không hát đáp lại được nên rất ngượng ngùng, không ăn uống được.
Chuyện đàn hát được ghi lần đầu tiên trong chính sử nước ta, có lẽ từ thời Vua Lý Thái Tông. “Đại Việt sử ký toàn thư” cho biết, sau khi Lý Thái Tông lên ngôi năm 1028, quần thần đã lấy ngày sinh của vua (26-6 âm lịch) làm tiết Thiên Thánh. Quy chế lễ sinh nhật vua có việc lấy tre làm núi Vạn Tuế Nam Sơn có 5 ngọn. Những ngọn núi này rất lớn, có hang, cho con hát ngồi trong hang thổi sáo thổi kèn dâng ca tấu múa làm vui, cho các quan ăn yến.
Theo học giả Trần Trọng Kim viết trong “Việt Nam sử lược” thì ở thời Lý, triều đình đã cho thành lập một tổ chức ca múa nhạc cung đình với quy mô lên đến 100 người. Chính sử cho biết, sau các cuộc chiến tranh với Chiêm Thành, âm nhạc của quốc gia này đã được du nhập ra Thăng Long và ảnh hưởng đến âm nhạc của triều đình Đại Việt. “Toàn thư” viết rằng, năm 1060, vua Lý đã cho phiên dịch nhạc khúc và điệu đánh trống của Chiêm Thành, sai nhạc công ca hát. Đến năm 1202, đời Lý Cao Tông, vua cũng sai nhạc công chế khúc nhạc gọi là nhạc Chiêm Thành. Khúc nhạc này “tiếng trong trẻo, ai oán, buồn rầu, người nghe phải chảy nước mắt”, khiến Tăng phó Nguyễn Thường nghe phải thốt lên rằng: “Ta nghe bài tựa Kinh Thi nói rằng: Âm thanh của nước loạn nghe như ai oán giận hờn. Nay dân loạn nước nguy, chúa thượng thì rong chơi vô độ, triều đình rối loạn, lòng dân trái lìa, đó là triệu bại vong”.
Thời Trần: Chia đại nhạc, tiểu nhạc
Sinh hoạt âm nhạc thời nhà Trần còn ghi lại trong chính sử, tuy còn mang nhiều yếu tố chất phác của dân gian, như vua quan vừa ăn tiệc vừa hát; vua cũng nhảy múa kiểu người Hồ; khi di quan thượng hoàng phải cho người hát điệu Long Ngâm... nhưng cũng đã có những nghi thức, nghi lễ cung đình. “Đại Việt sử ký tiền biên” của Ngô Thì Sĩ biên soạn chép: "Khi yến hội ở điện Tập Hiền, trai tài gái sắc mỗi bên mười người đều ngồi dưới đất... mỗi lần có tiệc lớn, trên điện có nhạc nổi lên, nhạc khí và người ở dưới giải vũ, đều không thể thấy. Mỗi lần chuốc rượu thì lại hô lớn, nhạc cử lên, ở dưới lại giơ theo".
Qua các sách viết và in ấn ở Trung Quốc, như “An Nam chí lược” của Lê Tắc, người theo Chương hiến hầu Trần Kiện đầu hàng giặc Nguyên, chúng ta cũng biết ở thời Trần, chiếc trống của người Chiêm đã được sử dụng trong âm nhạc Đại Việt và sau này trở thành chiếc trống cơm trong âm nhạc truyền thống nước ta.
Cũng qua mô tả một lễ tiếp sứ thần nhà Nguyên năm 1291, thời Trần Nhân Tông, trong “An Nam chí lược”, chúng ta biết rằng có dàn đại nhạc đánh thổi ở dưới điện, còn tiểu nhạc thổi trên điện. Đại nhạc gồm 5 nhạc cụ, trong đó có 2 nhạc cụ hơi thổi, gồm ống kèn, tháp nứa, 2 nhạc cụ gõ là cái xập xõa và trống lớn và một nhạc cụ không rõ là gì. Tiểu nhạc gồm 5 nhạc cụ dây và 1 nhạc cụ hơi thổi, gồm đàn cầm, đàn tranh, đàn tỳ bà, đàn thất huyền, đàn song huyền, ống địch, ống sáo, kèn và quyền. Đại nhạc chỉ sử dụng trong cung đình, chỉ có vua, những người trong hoàng tộc và các quan đại thần mới được dùng trong các đại lễ của triều đình; tiểu nhạc thì người giàu kẻ nghèo đều có quyền dùng. Cũng từ sách của Lê Tắc, ta biết thời Trần, có những khúc nhạc tên là “Nam Thiên Nhạc”, “Ngọc Lâu Xuân”, “Đạp Thanh Du”, “Mộng Du Tiên”, “Canh Lậu Trường”...
Nhạc Thái thường là loại nhạc nghi lễ ở cấp cao nhất của đất nước. Theo “Toàn thư”, năm 1335, khi Thượng hoàng Trần Minh Tông thân chinh đánh giặc, chỉ huy quân Khoái Hộ là Đỗ Thiên Hư đang ốm nặng nhưng vẫn đòi theo xa giá, rồi chết trên đường hành quân. Thượng hoàng khen ngợi chí khí của ông, cho dùng nhạc Thái thường để cúng tế. “Bấy giờ cúng tế thông thường mà dùng nhạc Thái thường thì chỉ có hành khiển mới được. Thiên Hư được tế bằng Thái thường là ân sủng đặc biệt, không kém gì hành khiển”, “Toàn thư” chua rõ.
Sang đến nhà Hồ, “Toàn thư” ghi rằng, vào năm 1402, vua Hồ Hán Thương đã “đặt Nhã nhạc, lấy con các quan văn làm Kinh vi lang, con các quan võ làm Chỉnh đốn lang, tập múa các điệu vũ văn, võ”. Sự việc diễn ra sau khi nhà Hồ tổ chức lễ Tế giao không thành. Theo Ngô Thì Sĩ thì "Từ thời Trần trở về trước, lễ giao tế trời không thể cử hành được, có lẽ là lễ nhạc chế độ còn thiếu thốn nhiều đấy".
Nguyễn Trãi thất bại khi chế lễ nhạc
Sang đến triều Lê, là triều đại đề cao Nho giáo, nỗ lực học theo lễ, nhạc thời cổ. Đời vua Lê Thái Tông, năm 1437, vua sai Hành khiển Nguyễn Trãi cùng hoạn quan Lương Đăng sửa định nhã nhạc và quy chế lễ nghi trong triều đình. Nguyễn Trãi đã dâng bản vẽ khánh đá và tâu rằng: "Kể ra, đời loạn dùng võ, thời bình chuộng văn. Nay đúng là lúc nên làm lễ nhạc... Hòa bình là gốc của nhạc, thanh âm là văn của nhạc. Thần vâng chiếu soạn nhạc, không dám không dốc hết tâm sức. Nhưng, vì học thuật nông cạn, sợ rằng trong khoảng thanh luật, khó được hài hòa. Xin bệ hạ yêu nuôi muôn dân, để chốn xóm thôn không còn tiếng oán hận buồn than, như thế mới không mất cái gốc của nhạc". Vua khen ngợi và tiếp nhận bản vẽ của Nguyễn Trãi rồi sai thợ huyện Giáp Sơn lấy đá ở núi Kính Chủ (Hải Dương ngày nay) để làm.
Sau đó, Lương Đăng dâng sớ về quy chế có nhiều ý kiến khác với Nguyễn Trãi ở những chỗ bàn về số lượng, trọng lượng các nhạc khí. Vua theo lời bàn của Đăng, rồi làm theo, còn Nguyễn Trãi xin thôi việc đó.
Sử sách nước ta cho biết, thời Lê đã soạn các loại nhạc gồm nhạc tế Giao, nhạc tế Miếu, nhạc tế Ngũ tự (gồm tế các thần Hộ (cửa), Táo (bếp), Trung lựu (giữa nhà), Môn (cửa lớn), Hành (đường đi)), nhạc cứu khi có nhật thực, nguyệt thực, nhạc đại triều, nhạc thường triều, nhạc cửu tấu khi đại yến, nhạc dùng trong cung...
Nhạc ở trên điện có 8 loại thanh âm như: trống keo lớn, khánh chùm, chuông chùm, các loại đàn cầm, đàn sắt, sênh, quản, thược, chúc, ngữ, huân, trì. Khánh chùm và chuông chùm gồm 16 chiếc khánh từ nhỏ đến lớn và 16 chiếc chuông từ nhỏ đến lớn cùng treo một giá. Sênh, quản, thược đều là các loại sáo. Chúc là nhạc cụ làm bằng gỗ, hình vuông, cao 1 thước 3 tấc, giữa lồi lên như cái trống đánh. Ngữ làm bằng gỗ, hình con hổ nằm lưng có 27 răng cưa bằng đồng, lấy gỗ cọ vào thành tiếng. Huân làm bằng đất nung hình như quả trứng, có lỗ để thổi. Trì làm bằng trúc, có lỗ để thổi.
Nhạc ở dưới điện thì có phương hưởng treo, khống hầu. Trong đó phương hưởng gồm 16 thỏi gang dài, từ nhỏ đến lớn cùng mắc nghiêng vào một giá, có 2 tầng, lấy dùi nhỏ bằng đồng để đánh, còn không hầu là thứ nhạc khí như các đàn sắt nhưng nhỏ hơn.
Vua Lê Thái Tông khi yết bái Thái miếu năm 1437, đã “ra lệnh bãi bỏ hát chèo và cấm tấu dâm nhạc”. Các sử gia đời sau giải thích dâm nhạc, tức là nhạc dân gian, đối lập với nhã nhạc, là nhạc cung đình.
Sử ghi rằng vào năm 1456, dưới thời Lê Nhân Tông, khi nhà vua đến bái yết lăng tẩm tổ tiên ở Lam Kinh, nhà vua đã cho tấu Đại nhạc để múa võ với điệu múa “Bình Ngô phá trận”, và múa văn với điệu múa “Chư hầu lai triều”. Âm nhạc cùng các điệu múa cảm động khiến nhiều bậc lão thần phát khóc.
Theo tác giả Phạm Đình Hổ, đến thời Lê Thánh Tông, các quan đại thần như là Thân Nhân Trung, Đỗ Nhuận, Lương Thế Vinh mới kê cứu âm nhạc nước Tàu, hiệp vào quốc âm ta, đặt ra 2 bộ: Đồng văn và Nhã nhạc. Bộ Đồng văn chuyên tập âm luật, Bộ Nhã nhạc thì chuyên chuộng nhân thanh... nhã nhạc với tục nhạc không hỗn tạp với nhau...
Đến năm 1578, đời Lê Thế Tông, thì các bộ Đồng văn và Nhã nhạc, khi nào có lễ tế giao hay lễ triều hạ gì lớn mới dùng đến, cho nên các con cháu nhà nghề âm nhạc đều thất nghiệp cả... Theo tác giả, đến thời kỳ này, nhạc lễ thời Hồng Đức đã thất truyền đi nhiều, đến nỗi tấu nhạc ở chốn triều miếu, thời chỉ là “om xòm loạn bậy, không còn thành ra xoang điệu gì. Đồng văn Nhã nhạc đi đến chỗ suy đồi”.
Lê Tiên Long
Bí ẩn bảo vật, di sản quốc gia (*): Di sản độc trên kiến trúc cung đình Huế |