Trung Quốc đang chiến đấu với lũ lụt "trăm năm mới có một lần" mà có thể là điều bình thường mới - Channel News Asia nhận định hôm 21.7.
Trận lụt tồi tệ có thể gây ra hậu quả nghiêm trọng cho hàng trăm triệu người sống ở các tỉnh phía nam Trung Quốc.
Mực nước ở 433 con sông đã chạm đến ngưỡng nguy hiểm kể từ đầu tháng 6, trong đó 33 con sông chạm mức nước cao kỷ lục trong lịch sử.
Tính đến giữa tháng 7, gần 38 triệu dân đã bị ảnh hưởng ở 27 khu vực cấp tỉnh, với 141 người chết hoặc mất tích. Con số này chắc chắn sẽ còn tăng thêm.
Ngày 9.7, Bộ Quản lý Khẩn cấp Trung Quốc cho biết, ước tính 1,72 triệu người đã được di dời, 22.000 ngôi nhà bị đổ sập, thiệt hại kinh tế trực tiếp ước tính lên tới 8,81 tỉ USD.
Chỉ ba ngày sau đó, 2,25 triệu người đã được sơ tán, 1,26 triệu người cần hỗ trợ khẩn cấp, 209.000 ha hoa màu bị tàn phá, thiệt hại kinh tế trực tiếp do lũ lụt ở Trung Quốc đã tăng gần 30%, lên 11,75 tỉ USD.
Lịch sử lũ lụt lâu năm
Trung Quốc đã phải hứng chịu lũ lụt thường xuyên trong suốt lịch sử. Thời Trung Quốc cổ đại, theo lịch sử và truyền thuyết khoảng 4.000 năm trước, vị vua huyền thoại Hạ Vũ (thường được gọi là Đại Vũ hay Hạ Hậu thị) - người lập ra nhà Hạ - được cho là đã đắp đê thuần hóa lũ lụt của sông Hoàng Hà.
Sông Hoàng Hà là con sông lớn thứ hai ở Trung Quốc, sau sông Dương Tử và lớn thứ sáu trên thế giới. Con sông hứng chịu lũ lụt thường xuyên và nghiêm trọng đến mức người ta gọi đây là "nỗi thống khổ của Trung Quốc".
Cứu hộ người dân ở tỉnh An Huy. Ảnh: China Daily |
Trong số 10 trận lụt lớn nhất trên thế giới trong 100 năm qua, có bảy trận ở Trung Quốc: Năm trận lụt ở Dương Tử vào các năm 1911, 1931, 1935, 1954 và 1998, và hai trận lụt ở sông Hoàng Hà vào năm 1887 và 1938.
Trên thực tế, trận lụt nghiêm trọng nhất thế giới đã xảy ra ở sông Dương Tử và sông Hoài Hà vào năm 1931. Sau hai năm hạn hán nghiêm trọng, lượng mưa cực lớn ở lưu vực
sông Dương Tử, nơi đông đúc dân cư, đã góp phần gây ra trận lụt này. Các khu vực bị ảnh hưởng rộng bằng toàn bộ Anh và một nửa Scotland cộng lại.
Hơn 2 triệu người đã chết trong trận lụt này, kéo theo sau là dịch bệnh và suy dinh dưỡng. Ước tính 40% dân số bị ảnh hưởng phải rời bỏ nhà cửa.
Không thể phủ nhận rằng lũ lụt là một trong những thảm họa thiên nhiên có sức hủy diệt mạnh nhất.
Từ năm 1995 đến 2015, có khoảng 3.000 thảm họa lũ lụt trên toàn thế giới, ảnh hưởng đến gần 2,3 tỉ người. Kể từ năm 1980, lũ lụt gây thiệt hại kinh tế toàn cầu hơn 1.000 tỉ USD.
Xả lũ ở Cam Túc ngày 21.7. Ảnh: Tân Hoa Xã |
Một thảm họa tiếp theo đang tới
Từ đầu tháng 6 đến nay, Trung Quốc đang trải qua trận lũ lụt mới nhất mà đã cho thấy hậu quả nghiêm trọng ra sao. Chỉ trong tuần vừa qua, bốn thành phố gồm Hàm Ninh và Kinh Châu của tỉnh Hồ Bắc, cùng Nam Xương và Thượng Hải của tỉnh Giang Tây, đã ban bố mức cảnh báo khẩn cấp cao nhất. Chỉ riêng ở tỉnh Giang Tây, 5,5 triệu người đã bị ảnh hưởng. Gần 500.000 đã phải sơ tán tính đến ngày 13.7.
Giáo sư Asit K Biswas, Đại học Glasgow ở Anh, và tiến sĩ Cecilia Tortajada, Trường Chính sách công Lý Quang Diệu thuộc Đại học quốc gia Singapore, viết trên Channel News Asia cho rằng, giai đoạn nguy hiểm nhất của đợt lũ lụt ở Trung Quốc năm nay có thể còn ở phía trước. Kinh nghiệm trong quá khứ cho thấy lũ lụt nghiêm trọng nhất thường xảy ra vào cuối tháng 7 và đến giữa tháng 8.
Trận lụt mới nhất gần như đã đạt đến quy mô của trận lũ lịch sử ở trung và hạ lưu sông Dương Tử năm 1998, kéo dài từ giữa tháng 6 đến đầu tháng 9. Trận lụt năm 1998 đã ảnh hưởng đến hơn 180 triệu người và làm hư hại 13 triệu ngôi nhà.
Hồ Bà Dương, hồ nước ngọt lớn nhất Trung Quốc, mực nước đã tăng lên 22,6m vào ngày 13.7, mức cao nhất từng được ghi nhận trong lịch sử.
Thủ tướng Lý Khắc Cường, trong một cuộc họp của Hội đồng Nhà nước vào ngày 8.7, đã kêu gọi cả nước nỗ lực cứu hộ và cứu trợ, với ưu tiên hàng đầu là cứu người dân.
Cơ quan Di sản Văn hóa Quốc gia Trung Quốc cho biết, hơn 500 di tích văn hóa, bao gồm những cây cầu cổ, thành phố và các tòa nhà lịch sử ở 11 tỉnh, đã phải chịu những mức độ thiệt hại khác nhau, khiến đây là năm tồi tệ nhất đối với các di tích.
Nước lũ trên sông Hoài Hà chuyển vào hồ chứa khổng lồ ở tỉnh An Huy. Ảnh: Tân Hoa Xã |
Quản lý đợt lũ lụt cực đoan tiếp theo
Đập Tam Hiệp đóng một vai trò quan trọng trong việc giảm nhẹ lũ lụt trên sông Dương Tử. Từ giữa năm 2003 - khi con đập hoàn thành - đến năm 2019, đập Tam Hiệp đã trữ lượng nước lũ trong mùa mưa gấp 53 lần, và sau đó dần dần xả nước sau khi lũ lụt kết thúc.
Trong những năm qua, Trung Quốc cũng đã đầu tư nhiều cách để giảm rủi ro lũ lụt, như các chương trình "thành phố bọt biển", phục hồi các vùng đất ngập nước tự nhiên và xây dựng các vùng đất ngập nước nhân tạo ở các thành phố mới.
Chương trình thành phố bọt biển Trung Quốc hiện nay bao gồm 30 thành phố, bao gồm Thượng Hải, Vũ Hán và Hạ Môn. Đến cuối năm 2020, các thành phố này dự kiến sẽ có thể hấp thụ ít nhất 70% nước mưa. Ý tưởng của chương trình này là dùng các bề mặt xốp để hấp thụ và tích trữ nước mưa trong những ngày mưa bão, cơ chế hoạt động như một miếng bọt biển. Chúng bao gồm đường và vỉa hè có thể thấm nước, mái nhà xanh, vùng đất ngập nước và thảm thực vật tự nhiên để hấp thụ, lưu trữ và thoát nước mưa.
Một vấn đề lớn mà Trung Quốc và phần còn lại của thế giới phải đối mặt là làm thế nào để xác định cường độ và thời gian của lũ lụt cực đoan có thể xảy ra trong tương lai do biến đổi khí hậu.
Giáo sư Asit K Biswas và tiến sĩ Cecilia Tortajada kết luận, một điều rõ ràng là đã đến lúc các thành phố lớn ở Trung Quốc và trên toàn thế giới cần bắt đầu lên kế hoạch bảo vệ người dân khỏi những trận lũ lụt nghiêm trọng có thể xảy ra trong những thập kỷ tới, bằng cách kết hợp hợp lý giữa cơ sở hạ tầng và các chính sách xanh.
Ngọc Vân
Trung Quốc báo động lũ lụt ở mức cao nhất Giới chức địa phương ở miền trung Trung Quốc đã ban bố báo động lũ lụt ở mức cao nhất sau khi mức nước một ... |
Lũ lụt lịch sử càn quét Trung Quốc, hơn 10.000 người bị mắc kẹt Những trận mưa như trút nước, kéo dài khiến cho nhiều khu vực tại Trung Quốc bị nhấn chìm, trong đó hơn 10.000 tại tỉnh ... |