Đội tuyển Việt Nam từng có sự góp mặt của những cầu thủ nhập tịch. Nhưng cho đến thời điểm hiện tại, chúng ta cũng không có nhiều lựa chọn cho nguồn nhân sự này.
- Cầu thủ Rafaelson mong nhập tịch để thi đấu cho đội tuyển Việt Nam
- Khan hiếm nguồn cầu thủ nhập tịch cho tuyển Việt Nam: Vì đâu nên nỗi?
Mùa giải 2023-2024, CLB Nam Định lên ngôi vô địch V.League có dấu ấn lớn của ngoại binh Rafaelson. Đến mùa giải 2024-2025, tiền đạo Rafaelson được CLB Nam Định đã hoàn tất các thủ tục pháp lý để xin quốc tịch Việt Nam. Ngày 20/9, CLB Nam Định thông báo, Rafaelson nhận quyết định được công nhận là công dân Việt Nam. Anh mang tên Nguyễn Xuân Son, sẽ đá cho Thép Xanh Nam Định với tư cách cầu thủ nhập tịch.
Điều này sẽ cũng giúp cho Nam Định có thêm được suất ngoại binh, nhằm tăng cường sức mạnh cho đội bóng trong thời gian tới. Đội bóng thành Nam cho thấy tham vọng trong mùa giải mà họ đặt mục tiêu giành danh hiệu đấu trường trong nước cũng như tiến xa ở Cúp C2 châu Á.
Trước việc Rafaelson đang làm thủ tục nhập tịch, một vấn đề khác cũng được nhiều người quan tâm, đó là liệu tiền đạo này có cơ hội lên đội tuyển quốc gia khi các thủ tục pháp lý? Đây cũng là vấn đề từng được bàn luận trong rất nhiều thời gian qua.
Trong quá khứ, bóng đá Việt Nam từng chứng kiến những cầu thủ nhập tịch có tên tuổi như: Phan Văn Santos, Huỳnh Kesley Alves, Trần Trung Hiếu, Hoàng Vũ Samson, Nguyễn Trung Đại Dương, Nguyễn Van Bakel, Đinh Hoàng La, Đinh Hoàng Max… Trong số này, đã có những cái tên được triệu tập lên tuyển như: Phan Văn Santos, Huỳnh Kesley Alves, Đinh Hoàng La, Đinh Hoàng Max. Thế nhưng, những cầu thủ này đều chỉ xuất hiện ở đội tuyển trong thời gian ngắn.
Trong suốt hơn một thập kỷ qua, kể từ sau thế hệ các cầu thủ nhập tịch được lên tuyển, không có thêm gương mặt nào xuất hiện. Có nhiều rào cản về mặt văn hóa cũng như vấn đề chuyên môn khiến các cầu thủ nhập tịch chỉ còn vai trò làm tăng suất ngoại binh cho các câu lạc bộ trong nước. Đội tuyển quốc gia chú trọng hơn vào việc tìm kiếm các cầu thủ Việt kiều, những nguời có mang trong mình dòng máu Việt Nam. Đặng Văn Lâm và Nguyễn Filip đang là những cái tên đang khoác áo đội tuyển Việt Nam.
Cũng trong giai đoạn này, Liên đoàn bóng đá Việt Nam (VFF) thậm chí có chính sách đối với việc khuyến khích các câu lạc bộ tại V.League trong việc sử dụng các cầu thủ Việt kiều. VFF cho phép các đội bóng được đăng ký 2 suất Việt kiều ở mùa giải 2024-2025. Điều này lập tức tạo ra một làn sóng cầu thủ Việt kiều tới thử việc, trong đó cái tên đáng chú ý nhất chính là Jason Quang Vinh Pendant thi đấu cho Công an Hà Nội.
Còn đối với những cầu thủ ngoại binh nhập tịch, VFF cũng nhiều lần nêu quan điểm, cánh cửa đội tuyển luôn mở. Họ không cấm huấn luyện viên gọi cầu thủ nhập tịch lên tuyển, nhưng cầu thủ đó phải đáp ứng đủ điều kiện về chuyên môn và đặc biệt là thấm được văn hoá Việt, vì màu cờ sắc áo.
Thực tế, cơ chế không vướng. Thế nhưng, nhìn nhận thực tế thì nguồn của các cầu thủ nhập tịch hiện không nhiều lựa chọn. Nếu nhìn ở góc độ chuyên môn, nhóm cầu thủ có thể xin quốc tịch đa phần sinh năm 1993 - tức là 31 tuổi, người trẻ nhất là Gustavo cũng đã 29 tuổi. Hiện tại, hai cầu thủ đang thi đấu tại V.League cho câu lạc bộ Quảng Nam và Bình Dương là Hoàng Vũ Samson đã 36 tuổi, trong khi Trần Trung Hiếu (Kizito) đã không còn giữ được phong độ ổn định.
Thêm một vấn đề cần nhìn nhận, với những cầu thủ nhập tịch, họ có thực sự khát khao gắn bó với đội tuyển quốc gia? Đây là vấn đề từng gây tranh cãi với những cầu thủ trong quá khứ.
Như Nguyễn Xuân Son chia sẻ thì: Tôi rất vui vì đây sẽ là khoảnh khắc trọng đại của mình. Tôi nhận được sự ủng hộ, hỗ trợ rất nhiều từ câu lạc bộ, người hâm mộ và các cổ động viên. Tôi rất hòa hợp với cuộc sống ở Việt Nam, từ con người, đồ ăn, mọi thứ... Quá trình hòa nhập của tôi cũng như gia đình không có gì quá khó khăn cả.
Tôi hy vọng bản thân sẽ có mùa giải xuất sắc nhất có thể. Tôi luôn luôn trong tư thế sẵn sàng, chuẩn bị thể trạng và tâm lý thật tốt trước mỗi trận đấu, bởi nhiệm vụ của tôi là ghi bàn. Tôi muốn đi từng bước thật vững chắc, từng trận tôi đều muốn ghi bàn. Tôi không nhìn về tương lai quá nhiều mà cố gắng làm tốt những gì ở hiện tại”.
Dù trong trường hợp nào thì đây vẫn là những chia sẻ khá khiêm tốn khi tất cả mới chỉ bắt đầu. Với Nguyễn Xuân Son, cơ hội là có, thế nhưng anh sẽ cần nỗ lực.
U20 Việt Nam đã hoàn tất khâu chuẩn bị
Bảng A vòng loại giải bóng đá U20 châu Á 2025 với sự tham gia của U20 Việt Nam, U20 Syria, U20 Bangladesh, U20 Bhutan và U20 Guam sẽ diễn ra từ ngày 21/9 đến 29/9 tại thành phố Hải Phòng.
Trước khi bước vào thi đấu, trưa ngày 20/9, huấn luyện viên Hứa Hiền Vinh cùng "thuyền trưởng" của các đội dự vòng loại đã có buổi họp báo để chia sẻ về những mục tiêu ở chiến dịch lần này.
Trên cương vị đội chủ nhà, huấn luyện viên Hứa Hiền Vinh của U20 Việt Nam đã gửi lời chào mừng 4 đội bóng đã tới tham dự giải đấu cũng bày tỏ quyết tâm ở vòng loại U20 châu Á 2025.
“Với lợi thế sân nhà, chúng tôi đặt mục tiêu sẽ cống hiến cho khán giả những màn trình diễn hay và cố gắng giành nhiều điểm số để góp mặt tại vòng chung kết U20 châu Á 2025. Qua giải đấu này, chúng tôi cũng muốn học hỏi và trau dồi thêm kinh nghiệm trận mạc khi đấu với nhiều đội tuyển ở châu Á”, huấn luyện viên Hứa Hiền Vinh chia sẻ.
“Vừa qua, để chuẩn bị cho giải đấu, chúng tôi đã có chuyến tập huấn ở Nhật Bản và có 2 trận đấu tập với U20 Nga tại Việt Nam. Đội đã cải thiện phần nào về phương án phòng ngự, các pha phản công. Các cầu thủ đã hiểu được cách chơi của các đội bóng tại giải, để có thể hướng tới kết quả tốt nhất”, huấn luyện viên trưởng U20 Việt Nam nói thêm.
H.H
https://cand.com.vn/the-thao/tuyen-viet-nam-truoc-lua-chon-cau-thu-nhap-tich-i744721/