Điều này được thể hiện qua chuyến thăm hôm 13/1 (giờ địa phương) tới Kiev của tân Ngoại trưởng Pháp Stephane Sejourne ngay sau khi ông nhậm chức hay việc Ukraine và Anh ký một hiệp định an ninh song phương trước đó một ngày. Hồi cuối năm ngoái, phương Tây cũng liên tục cho ra đời các liên minh nhằm hình thành thế hỗ trợ cả trên không, trên biển và trên bộ đối với Kiev trong cuộc xung đột với Nga.

Phát biểu tại cuộc họp báo chung ở Thủ đô Kiev với người đồng cấp nước chủ nhà Dmytro Kuleba, ông Stephane Sejourne khẳng định Ukraine sẽ vẫn là ưu tiên đối với Pháp, bất chấp những khó khăn phía trước. Ông nhấn mạnh: "Nga đang hy vọng Ukraine và những người ủng hộ họ trở nên mệt mỏi. Chúng tôi sẽ không yếu đi. Đó là thông điệp mà tôi đang mang đến đây cho người Ukraine. Quyết tâm của chúng tôi vẫn còn nguyên vẹn".

ukraine.jpg -0
Ngoại trưởng Stephane Sejourne và người đồng cấp Dmytro Kuleba. Ảnh: AP

Người đầu ngành ngoại giao Pháp nói thêm rằng, hai nước đang bước vào một giai đoạn mới về hợp tác quốc phòng, nhằm nâng cao năng lực tự sản xuất vũ khí của Ukraine. Ngoại trưởng Stephane Sejourne khẳng định sẽ nỗ lực khắc phục những vấn đề pháp lý để hỗ trợ các công ty của Pháp lập thêm nhiều cơ sở sản xuất vũ khí ở Ukraine. Về phần mình, Ngoại trưởng Dmytro Kuleba thông báo hai bên đã thảo luận về việc cung cấp thêm hệ thống vũ khí, tên lửa và thiết bị bay không người lái cho Ukraine, đồng thời kêu gọi sự hỗ trợ hơn nữa của Pháp và các nước châu Âu.

  Trước đó, ngày 12/1, Thủ tướng Anh Rishi Sunak cũng đã tới Ukraine và cùng người đồng cấp nước chủ nhà Volodymyr Zelensky ký Thỏa thuận Hợp tác An ninh Anh-Ukraine sẽ có hiệu lực cho đến khi Ukraine gia nhập Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO). Mô tả đây là một "thỏa thuận an ninh chưa từng có", Tổng thống Volodymyr bày tỏ vui mừng vì "chúng tôi đã ký kết thỏa thuận an ninh đầu tiên với Vương quốc Anh...

Đây là cơ sở để hợp tác với các đối tác khác, đồng thời cho biết thêm rằng, hai bên có thể đạt được các thỏa thuận bổ sung theo từng lĩnh vực cụ thể nếu thấy cần thiết. Theo Viện Nghiên cứu Chiến tranh (ISW) có trụ sở tại Mỹ, thỏa thuận này bao gồm các nỗ lực chung hỗ trợ Ukraine gia nhập NATO trong tương lai, bao gồm hỗ trợ toàn diện cho Ukraine để bảo vệ và khôi phục toàn vẹn lãnh thổ cũng như hỗ trợ Ukraine hội nhập vào một số thể chế phương Tây. Thỏa thuận cũng nêu rõ rằng Chính phủ Anh sẽ hợp tác với cơ sở công nghiệp quốc phòng (DIB) trong nước để giúp phát triển DIB của Ukraine.

Nhân dịp này, Thủ tướng Rishi Sunak cũng công bố gói hỗ trợ quân sự trị giá 2,5 tỷ bảng Anh, bao gồm tên lửa tầm xa, các hệ thống phòng không, đạn pháo và các điều khoản an ninh hàng hải, và ít nhất 200 triệu bảng Anh trong số này được phân bổ riêng cho sản xuất và mua sắm máy bay không người lái, hầu hết trong số đó Anh dự kiến ##sẽ sản xuất. Ngoài ra, ông cũng công bố bổ sung 18 triệu bảng Anh để hỗ trợ các nỗ lực nhân đạo ở tuyến đầu và củng cố cơ sở hạ tầng năng lượng của Ukraine, đồng thời nhắc lại cam kết của Anh về hỗ trợ lâu dài cho Ukraine, nhấn mạnh rằng thỏa thuận an ninh mới giữa hai nước sẽ kéo dài "100 năm hoặc hơn".

Tuy nhiên, sau khi ký kết thỏa thuận nêu trên, lãnh đạo hai nước dường như có quan điểm khác nhau về việc liệu có thể gọi đây là thỏa thuận về bảo đảm an ninh hay không. Tổng thống Volodymyr Zelensky đã sử dụng từ "đảm bảo an ninh" khi mô tả thỏa thuận tại cuộc họp báo ở Kiev sau khi ký kết thỏa thuận, chẳng hạn như nói rằng: "Ukraine đã nhận được đảm bảo an ninh từ một cường quốc toàn cầu, Vương quốc Anh". Trong khi đó, Thủ tướng Rishi Sunak đã chọn một thuật ngữ khác khi nói về văn bản đã ký, nhấn mạnh nhiều lần rằng thỏa thuận liên quan đến "cam kết an ninh". Ông đã đột ngột thay đổi cách diễn đạt trong bài phát biểu, nói rằng, thỏa thuận đã ký kết "mở rộng cam kết an ninh từ Anh cho Ukraine lên mức chưa từng có". "Bảo đảm an ninh" là một thuật ngữ pháp lý toàn diện hơn và có tầm quan trọng cao hơn "cam kết an ninh". Cam kết không đi kèm với một ràng buộc pháp lý.

Khi tờ Pravda châu Âu (Ukraine) đề nghị ông làm rõ liệu có thể nói về bảo đảm an ninh như Ukraine khẳng định hay không, Thủ tướng Anh đã nhấn mạnh rằng đây là những "cam kết an ninh" như một phần trong lời hứa mà Kiev nhận được từ các nước thuộc Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) tại Hội nghị Thượng đỉnh NATO năm ngoái. Theo tờ báo, điều quan trọng cần nhớ là ngôn từ được sử dụng giữa hai bên có tác động chính trị đáng kể. Cụm từ "cam kết an ninh" gây rắc rối cho Ukraine vì nó được sử dụng trong tiêu đề của Bản ghi nhớ Budapest. Vì lý do này, Ukraine kiên quyết áp dụng cụm từ "đảm bảo an ninh", điều mà các đối tác quốc tế chưa chuẩn bị sẵn sàng. Đáng chú ý, văn bản của thỏa thuận giữa Ukraine và Anh được công bố hôm 12/1 không có những điều khoản trên. Thay vào đó, tài liệu đề cập đến "hợp tác an ninh" và "hỗ trợ an ninh".

Hồi tháng 12 năm ngoái, chỉ một tuần sau khi thành lập Liên minh Năng lực Hàng hải, phương Tây lại cho ra đời nền tảng mới hỗ trợ Ukraine ở trên bộ, hình thành thế hỗ trợ cả trên không, trên biển và trên bộ đối với Kiev trong cuộc xung đột với Nga. Cụ thể, trong khuôn khổ Diễn đàn Giao thông Vận tải Quốc tế (ITF), Litva, Thụy Điển và Canada ngày 18/12/2023, đã công bố sáng kiến thành lập Nhóm lợi ích chung cho Ukraine (CIG4U) nhằm hỗ trợ phục hồi và phát triển ngành giao thông vận tải của Ukraine.

Mục tiêu chính của nhóm này bao điều phối hỗ trợ cho các nhu cầu vật chất liên quan đến vận tải và cung cấp hỗ trợ phân tích để khôi phục các liên kết giao thông. Theo đó, Litva, Canada và Thụy Điển sẽ giúp Ukraine đáp ứng nhu cầu vận tải trước mắt bằng cách góp phần tái thiết lâu dài các tuyến giao thông của Ukraine. CIG4U cũng sẽ điều phối việc huy động hỗ trợ quốc tế để tái thiết cơ sở hạ tầng của Ukraine, đảm bảo việc sử dụng viện trợ một cách minh bạch cho các ưu tiên chính của Ukraine.

Trong lĩnh vực giao thông, khoảng 20 dự án đã được xác định và Ukraine sẽ được ưu tiên. Một trong những dự án đầu tiên do Canada tài trợ đang được ITF triển khai trong lĩnh vực vận tải đường bộ và đường sắt của Ukraine. Dự kiến, các bên tham gia nền tảng CIG4U sẽ thường xuyên trao đổi thông tin cập nhật về nhu cầu trước mắt cũng như các biện pháp dài hạn của Ukraine để đảm bảo hoạt động, an toàn và phát triển bền vững của hệ thống giao thông Ukraine trong tương lai. Ngoài ra, nền tảng CIG4U sẽ hỗ trợ Ukraine trong hoạt động phân tích để giúp lập kế hoạch phát triển cơ sở hạ tầng chiến lược và các hành lang giao thông trong tương lai.

Trước đó khoảng một tuần, Anh và Norway ngày 11/12/2023 đã khởi xướng việc thành lập Liên minh Năng lực Hàng hải nhằm cung cấp tàu và phương tiện để tăng cường khả năng hoạt động trên biển của Ukraine và cung cấp đào tạo, thiết bị cũng như cơ sở hạ tầng giúp Ukraine để tăng cường an ninh ở Biển Đen". Hoạt động đầu tiên là việc Anh chuyển hai tàu săn mìn lớp Sandown cho Hải quân Ukraine nhằm giúp Ukraine đối phó tốt hơn với mối đe dọa từ thủy lôi của Nga, nhằm khôi phục các tuyến xuất khẩu của Ukraine qua Biển Đen.

Liên minh Năng lực Hàng hải là nằm trong một loạt sáng kiến của đồng minh nhằm hỗ trợ khả năng quân sự của Ukraine trong các lĩnh vực khác nhau giống như liên minh máy bay chiến đấu đã thành lập trước đó. Cụ thể, hồi đầu tháng 9/2023, lãnh đạo hai nước Anh và Hà Lan đã đồng ý phối hợp với nhau để xây dựng một liên minh quốc tế nhằm cung cấp cho Ukraine năng lực chiến đấu trên không, hỗ trợ nước này mọi thứ, từ đào tạo đến mua máy bay chiến đấu F-16.

Sau đó, vào ngày 19/5/2023, một quan chức cấp cao của Nhà Trắng xác nhận Tổng thống Joe Biden đã thông báo với các nhà lãnh đạo G7 về việc Washington ủng hộ kế hoạch đào tạo phi công Ukraine sử dụng các loại chiến đấu cơ tiên tiến, trong đó có những chiếc tiêm kích F-16. Dự kiến, chương trình huấn luyện sẽ được tiến hành tại châu Âu và cần nhiều tháng để hoàn thành. Giới chức Mỹ ước tính khoảng thời gian ngắn nhất cần để huấn luyện sử dụng và chuyển giao F-16 là 18 tháng.

https://cand.com.vn/the-gioi-24h/ukraine-tiep-tuc-nhan-duoc-su-ung-ho-tu-cac-nuoc-phuong-tay-i720162/

Khổng Hà / cand.com.vn