Đàm phán Nga - Ukraine bao giờ kết thúc và tương lai nào đang đón đợi Kiev trong bối cảnh căng thẳng chưa hề giảm leo thang tại khu vực phía Đông châu Âu này?

Tổng thống Nga ngày 12/4 bất ngờ chia sẻ với truyền thông việc đàm phán Nga và Ukraine đang bế tắc. Lý do được ông đưa ra là sự thay đổi liên tục từ phía Ukraine, trong khi Kiev chưa phản hồi lại phát ngôn của ông Putin. Nga khẳng định sẽ theo đuổi đến cùng mục tiêu quân sự ở Ukraine. Trong khi đó, NATO và Mỹ đang tìm cách nâng hạng vũ khí hỗ trợ cho Kiev và bàn tính kế hoạch cung cấp sự hỗ trợ lâu dài trong trường hợp cuộc chiến ở sườn Đông châu Âu vẫn chưa có dấu hiệu sẽ kết thúc.

Sau hơn 1,5 tháng kể từ khi Nga phát động chiến dịch quân sự đặc biệt tấn công Ukraine, cả Nga và Ukraine đang ở vào hoàn cảnh "vừa đánh, vừa đàm", hai bên vẫn chiến đấu trên thực địa trong khi duy trì kênh đối thoại về mặt ngoại giao để tìm kiếm cơ hội sớm kết thúc cuộc khủng hoảng này.

Trên thực địa, Nga đã rút quân khỏi khu vực quanh thủ đô Kiev và thành phố Chernihiv để tập trung vào vùng Donbass. Theo giới quan sát, lý do Nga chuyển trọng tâm là muốn thu hẹp phạm vi chiến dịch để tìm kiếm chiến thắng chắc chắn.

Trong khi đó, Ngoại trưởng Sergey Lavrov mới đây cho biết, Nga muốn tiếp tục đàm phán hòa bình với Ukraine, đồng thời cáo buộc Kiev đang đi chệch khỏi các đề xuất của chính họ được nêu tại cuộc đàm phán và có những hành động mang tính khiêu khích.

Chật vật tìm kiếm thỏa thuận

Chỉ 4 ngày sau khi Nga phát động chiến dịch quân sự tấn công Ukraine, hôm 28/2, hai bên nhanh chóng kết nối các kênh liên lạc để tiến hành đối thoại với nỗ lực sớm kết thúc chiến sự. Thế nhưng, dù cho Moskva và Kiev chật vật đàm phán dưới các hình thức khác nhau thì tình hình vẫn bế tắc, chưa mang lại kết quả thực chất.

111
Chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga đối với Ukraine vẫn chưa đến hồi kết.

Đến nay, Nga và Ukraine đã có loạt các cuộc đàm phán trực tiếp, một cuộc hội đàm ở cấp ngoại trưởng, cùng với đó là vòng đàm phán trực tuyến. Ngoài ra, nhóm các chuyên gia hai bên cũng có các cuộc thảo luận hàng ngày về tiến trình đàm phán.

Chưa hết, cuộc tiếp xúc đầu tiên giữa các quan chức ngoại giao hàng đầu của hai nước kể từ khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine cũng đã diễn ra. Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov và người đồng cấp Ukraine Dmitry Kuleba đã ​​gặp nhau bên lề Diễn đàn ngoại giao ở Antalya, Thổ Nhĩ Kỳ vào hôm 17/3 mà không đạt được thỏa thuận nào.

Hiện nay, lập trường của Nga và Ukraine rất khác nhau. Chính sự thiếu niềm tin chiến lược giữa Nga và Ukraine khiến cho đàm phán giữa hai bên đến nay vẫn chưa có tiến triển. Cả Kiev và Moskva vẫn đang tính toán lợi ích trong ván bài ngoại giao, chưa chấp nhận nhượng bộ để sớm kết thúc chiến sự. 

Nga nêu 3 điều kiện kiên quyết với đòi Ukraine để chấm dứt chiến sự, bao gồm công nhận Crimea thuộc Nga và "nền độc lập" của 2 nước cộng hòa tự xưng là Lugansk và Donetsk, phi quân sự hóa và không gia nhập NATO.

Trong khi đó, Kiev tuyên bố chỉ chấp nhận đàm phán khi không có bất kỳ "điều kiện tiên quyết" nào. Tổng thống Zelensky vạch "lằn ranh đỏ" trong đàm phán với Nga, tuyên bố Kiev sẽ không bao giờ cúi đầu chấp nhận tối hậu thư của Nga để đổi lấy hòa bình, đồng thời khẳng định bất cứ thỏa thuận nào với phía Nga nhằm chấm dứt xung đột cũng cần thông qua trưng cầu dân ý. 

Đối thoại giữa Nga và Ukraine chỉ đạt được những tiến triển nhỏ giọt, liên quan đến ngừng bắn để mở các hành lang nhân đạo. Thế nhưng, sau cuộc đàm phán mới đây tại Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ), phía Nga cho biết Ukraine đã đề xuất "thỏa thuận hòa bình". Theo thông báo từ đại diện đàm phán của hai bên, Ukraine đã đề xuất quy chế trung lập cho nước này để đổi lấy việc đảm bảo an ninh.

Có thể nói, trong bối cảnh sự giằng co giữa hai bên về những điều kiện tiên quyết trên bàn thương lượng khiến các vòng đàm phán trước gần như bế tắc, vòng đàm phán ở Istanbul rõ ràng là bước tiến có ý nghĩa quan trọng. Ít nhất, kết quả vòng đàm phán cho thấy hai bên có thể nhượng bộ để đạt được thỏa hiệp.

Bên cạnh đó, cuộc gặp tại Istanbul cũng minh chứng rằng đàm phán là con đường tối ưu để giải quyết xung đột. Thế nhưng, để tạo được đột phá trên bàn đàm phán, ngoài thiện chí, hai bên còn cần rất nhiều bước đi nữa để thúc đẩy xây dựng lòng tin, cùng với nỗ lực trung gian của cộng đồng quốc tế.

Để kết thúc chiến sự, lợi thế trên thực địa sẽ là yếu tố quan trọng, có ý nghĩa quyết định thành bại của đàm phán giữa Nga và Ukraine trên mặt trận ngoại giao. Cả Moskva và Kiev đưa ra các tuyên bố bất nhất về tình hình thực địa, liên tục đổ lỗi cho nhau trong các vấn đề về nhân đạo. Đây cũng là yếu tố khiến cho đàm phán giữa Nga và Ukraine hiện vẫn giằng co và chưa đi đến hồi kết. 

Đàm phán và cục diện chiến sự trên thực địa trong thời gian tới sẽ cho thấy bức tranh rõ hơn thời hậu chiến. Điều lý tưởng nhất là các bên đạt được giải pháp thông qua thương lượng khi cả Nga và Ukraine cảm thấy các yêu cầu của mình được đáp ứng. 

112
Vòng đàm phán giữa phái đoàn Nga - Ukraine diễn ra ở Thổ Nhĩ Kỳ hôm 29/3.

Ukraine sẽ ‘trung lập’?

Hy vọng về thỏa thuận hòa bình giữa Nga và Ukraine được nâng lên sau vòng đàm phán tại Thổ Nhĩ Kỳ. Cuộc đàm phán này được xem là "bước tiến quan trọng nhất" trong hơn một tháng qua, khi Ukraine đề xuất áp dụng “trung lập". Theo thành viên phái đoàn Ukrainne - ông Oleksandr Chaly, Ukraine đồng ý duy trì quy chế trung lập với điều kiện được đảm bảo an ninh.

Chấp nhận “quy chế trung lập” đồng nghĩa với việc Kiev sẽ không tham gia các liên minh quân sự (phải từ bỏ tham vọng gia nhập NATO) hay cho phép đặt các căn cứ quân sự tại nước này. Tuy nhiên, các cuộc tập trận quân sự sẽ vẫn được phép diễn ra tại Ukraine với các quốc gia “bảo đảm an ninh”. Đổi lại, Nga sẽ nhất trí tôn trọng toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine.

Đề xuất về phương án “trung lập” của Ukraine dường như là mấu chốt quan trọng nhất, có ý nghĩa "tháo nút thắt" của cuộc khủng hoảng Moskva - Kiev hiện nay. Bởi vì, Nga từng tuyên bố mối đe dọa từ việc NATO mở rộng tới Ukraine là một trong những lý do để phát động chiến dịch quân sự tại nước này.

Theo giới phân tích, lựa chọn “trung lập” của Kiev mở ra cơ hội thu hẹp bất đồng giữa Nga và Ukraine, giúp hai nước tiến gần hơn tới một thỏa thuận hòa bình. Cả Kiev lẫn Moskva đều tìm thấy những lợi ích từ ý tưởng Ukraine trung lập.

Tổng thống Volodymyr Zelensky từng thừa nhận, Ukraine sẽ không thể gia nhập NATO và sẵn sàng thảo luận về trạng thái trung lập của nước này. Nga cũng có thể chấp nhận điều này, người phát ngôn điện Kremlin Dmitry Peskov cho rằng, giải pháp Ukraine trung lập có thể là "một kiểu thỏa hiệp". Ông Peskov từng đề cập đến khả năng Ukraine trung lập giống như Áo hoặc Thụy Điển.

Mô hình trung lập không phải là điều quá xa lạ ở châu Âu. Thụy Sĩ, Áo, Phần Lan, Thụy Điển, Ireland và Malta là những quốc gia lựa chọn mô hình này. Những nước này vẫn duy trì quân đội, vẫn có quyền tự vệ.

Thụy Điển trung lập trong Thế chiến II và là một phần của phong trào không liên kết trong Chiến tranh Lạnh. Nước này từ bỏ chính sách trung lập chính thức khi gia nhập EU vào năm 1995 và thay thế bằng chính sách không liên kết quân sự. Không có quốc gia nào có quan hệ với Thụy Điển chính thức cam kết chiến đấu nếu nước này bị xâm lược hay tấn công quân sự. 

113
Trung lập có thể là một giải pháp cho khủng hoảng Nga - Ukraine hiện nay.

Trong khi đó, sau Thế chiến II, lực lượng 4 quốc gia đồng minh gồm Mỹ, Liên Xô, Anh và Pháp đều được triển khai ở Áo. Các nước này sau đó đồng ý rút quân với điều kiện Áo phải cam kết "trung lập vĩnh viễn". Điều này sau đó được đưa vào hiến pháp Áo năm 1955.

Chấp nhận quy chế trung lập, Áo sẽ không tham gia liên minh quân sự, không đứng về phe vào trong các cuộc xung đột tương lai và không cho phép các nước thiết lập căn cứ trên lãnh thổ của họ.

Áp dụng quy chế trung lập được xem là công cụ địa chính trị có giá trị đối với quốc gia không liên kết trong nỗ lực thúc đẩy lợi ích và vị thế quốc tế. Đó là lý do các vấn đề an ninh luôn được giải quyết ở Helsinki (Phần Lan) trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh và Vienna (Áo) - địa điểm tổ chức các cuộc đàm phán về thỏa thuận Iran hiện nay. Đây là những quốc gia lựa chọn trung lập.

Một Ukraine trrung lập cũng được xem là giải pháp chính trị lý tưởng khi một nước cộng hòa thuộc Liên Xô cũ có thể trở thành vùng đệm, cầu nối giữa Nga và phần còn lại của châu Âu. Thế nhưng, sau cuộc xung đột kéo dài suốt hơn một tháng qua, nhiều người lo ngại quá trình này sẽ phức tạp hơn.

Vấn đề đặt ra là liệu vị thế trung lập của Ukraine sẽ được đảm bảo thế nào. Việc bảo đảm an ninh mà Ukraine đề ra "về nội dung và hình thức" phải tương tự như Điều 5 Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương. Theo đó, một cuộc tiến công quân sự chống một hoặc nhiều nước NATO sẽ được coi là một cuộc tiến công chống tất cả các nước thành viên.

Theo đề xuất của phía Ukraine, các quốc gia này có khả năng gồm các nước ủy viên thường trực Hội đồng bảo an Liên hợp quốc, cùng Đức, Israel, Italy, Ba Lan, Thổ Nhĩ Kỳ và Canada. Nghị sĩ David Arakhamia, thành viên đoàn đàm phán của Ukraine, nêu rõ những bảo đảm an ninh trên sẽ không áp dụng ở Crimea và Donbass.

Rõ ràng, danh sách các nước “chống lưng” theo cái gọi là đảm bảo an ninh theo đề xuất của Ukraine khó được Nga chấp thuận. Việc các thành viên NATO trở thành bên bảo đảm cho quy chế trung lập của Ukraine không phải cách mà Moskva mong muốn. Nga sẽ chỉ chấp thuận phương án trung lập của Ukraine khi thấy được lợi ích của mình trong đó.

Ukraine trung lập về cơ bản có thể sẽ là giải pháp mang tính tích cực, song đó chưa phải là tất cả. Nga đã đưa ra loạt yêu cầu đối với Ukraine, trong đó có cả “phi quân sự hóa” và “phi hạt nhân hóa”.

Thế nhưng, chưa rõ việc "phi quân sự hóa" được hiểu chính xác như thế nào trong trường hợp của Ukraine theo yêu cầu từ Nga. Giới chuyên gia cho rằng, điều này sẽ đặt ra những giới hạn vũ khí tấn công hoặc quân số của quân đội Ukraine. Ý tưởng về việc Ukraine sẽ từ bỏ quân đội ngay sau cuộc xung đột không có tính khả thi. Tại thời điểm này, nhiều người dân nước này chưa thể đồng ý. Trong khi đó, hầu hết các nước trung lập vẫn duy trì quân đội riêng.

Luật pháp quốc tế cũng viện dẫn các nội dung liên quan đến quy chế trung lập của một quốc gia. Theo đó, Điều 51 của Hiến chương Liên hợp quốc cho hay, quy chế trung lập dài hạn của một quốc gia không làm mất đi quyền tự vệ của nước này.

Trong khi đó, Mục 5 và Mục 13 Công ước The Hague 1907 quy định lãnh thổ các quốc gia trung lập là bất khả xâm phạm, cấm thiết lập căn cứ, triển khai lực lượng phục vụ các bên tham chiến. Các bên tham gia có nghĩa vụ tôn trọng quyền chủ quyền của chính quyền trung lập và không sử dụng bạo lực trong lãnh thổ trung lập.

Quy chế trung lập đối với một quốc gia có thể được đảm bảo bởi định ước quốc tế như mô hình của Thụy Sĩ và Áo, hoặc một quốc gia có thể tự tuyên bố trung lập dài hạn rồi đệ đơn đề nghị Đại hội đồng Liên hợp quốc công nhận, như trường hợp Cộng hòa Malta, Phần Lan, Ireland và Turkmenistan.