Hội đồng nhân dân Tối cao Triều Tiên (tức quốc hội) đã thông qua luật “Chính sách về lực lượng hạt nhân”. Việc ra luật mới này là dấu mốc quan trọng với CHDCND Triều Tiên nhân dịp kỷ niệm 74 năm quốc khánh của nước này hôm 9-9, nhằm xác lập tư cách quốc gia hạt nhân của Bình Nhưỡng, nhưng cũng được coi là giảm bớt triển vọng nối lại các cuộc đàm phán phi hạt nhân hóa trên Bán đảo Triều Tiên.

Củng cố vị thế

Luật mới nói trên đã cập nhật học thuyết quân sự của CHDCND Triều Tiên, thay thế cho luật có từ năm 2013, vốn quy định CHDCND Triều Tiên có thể dùng vũ khí hạt nhân để đẩy lùi cuộc xâm lược hoặc cuộc tấn công của một quốc gia hạt nhân thù địch và thực hiện các cuộc tấn công trả đũa. Tuy nhiên, luật mới đã vượt ra ngoài khuôn khổ này, cho phép nước này tấn công hạt nhân phủ đầu “tự động” và “ngay lập tức” nếu họ phát hiện một cuộc tấn công sắp xảy ra bằng vũ khí hủy diệt hàng loạt hoặc nhằm vào “các mục tiêu chiến lược” của mình, trong đó có giới lãnh đạo của nước này.

Có thể thấy rằng Bình Nhưỡng đã tuyên bố là một quốc gia có vũ khí hạt nhân trong hiến pháp nhưng luật mới được đánh giá là còn vượt ra ngoài điều đó khi nêu rõ khi nào vũ khí hạt nhân có thể được sử dụng, bao gồm việc để đáp trả một cuộc tấn công hoặc ngăn chặn một cuộc xâm lược. Đáng chú ý, trong khuôn khổ cuộc họp, nhà lãnh đạo Kim Jong-un tuyên bố CHDCND Triều Tiên sẽ không bao giờ từ bỏ vũ khí hạt nhân hoặc sử dụng chúng như một con bài thương lượng cho dù Bình Nhưỡng có phải đối mặt với các lệnh trừng phạt kéo dài đến 100 năm. Lãnh đạo nước này khẳng định, với luật mới này, “trạng thái quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân của chúng ta trở nên không thể đảo ngược”.

Xa vời nỗ lực phi hạt nhân hóa Bán đảo Triều Tiên -0
Nhà lãnh đạo CHDCND Triều Tiên Kim Jong-un.

Luật mới của CHDCND Triều Tiên là nhằm hợp pháp hóa việc sử dụng vũ khí hạt nhân như một hình thức tự vệ và là “phương tiện cuối cùng” để đối phó với các cuộc tấn công và gây hấn từ bên ngoài. Bình Nhưỡng coi vũ khí hạt nhân là “lực lượng phòng thủ chủ lực bảo vệ chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của đất nước, tính mạng, sự an toàn của nhân dân trước sự đe dọa, xâm chiếm, tấn công của quân đội bên ngoài”. Đây được xem là biện pháp răn đe “hiệu quả”.

Phát triển đồng thời vũ khí hạt nhân và kinh tế

Nhật báo The Hankyoreh (Hàn Quốc) số ra ngày 13-9 dẫn nhận định của các chuyên gia sở tại cho rằng việc ban hành pháp lệnh mới trên là nhằm tăng cường khả năng răn đe của CHDCND Triều Tiên bằng cách nêu rõ các chi tiết về việc nước này sử dụng vũ khí hạt nhân. Một số người cũng nói rằng pháp lệnh này cũng là một tuyên bố với cộng đồng quốc tế rằng nước này đã quay trở lại chính sách “Byungjin” (theo đuổi tăng trưởng kinh tế và vũ khí hạt nhân đồng thời).

Chính sách Byungjin của CHDCND Triều Tiên - từng được nhà lãnh đạo Kim Jong[1]un tuyên bố là một “chiến thắng” chỉ một tuần trước Hội nghị thượng đỉnh Panmunjom (ngày 27-4-2018) - dường như rõ ràng đã được hồi sinh.

Trong bài phát biểu biểu của mình, ông Kim Jong-un tuyên bố rằng “yêu cầu quan trọng để đạt được sự phát triển ổn định và sự thịnh vượng cho chủ nghĩa xã hội là những điều kiện và môi trường không cho phép bất kỳ mối đe dọa hung hãn nào được tạo ra”, đồng thời ông nói thêm “để đạt được mục tiêu này, chúng ta nên sở hữu một sức mạnh tuyệt đối mà nhờ đó chúng ta chắc chắn có thể áp đảo được kẻ thù”.

Giáo sư Koo Kab-woo tại Đại học Nghiên cứu về Triều Tiên giải thích: “Nếu CHDCND Triều Tiên tham gia các cuộc đàm phán ngoại giao để cải thiện điều kiện kinh tế vào năm 2018, logic của họ giờ đã có thể thay đổi (theo hướng tin tưởng) rằng vũ khí hạt nhân ít nhất là cần thiết để cải thiện điều kiện kinh tế”. Giáo sư Koo Kab[1]woo cũng nói thêm rằng “việc CHDCND Triều Tiên quay trở lại đường lối chính sách Byungjin dường như đã được công khai vì các điều kiện bên ngoài, như việc cải thiện quan hệ Mỹ-Triều, chưa thể đạt được”.

Cánh cửa phi hạt nhân hóa hẹp dần

Động thái trên của Bình Nhưỡng được cho là nhằm nâng tầm chính sách răn đe hạt nhân thành chính sách tác chiến hạt nhân, với hiệu quả răn đe lớn hơn; song cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro, một khi các bên liên quan có tính toán sai lầm. Luật được đưa ra trong bối cảnh Mỹ và Hàn Quốc đang gia tăng áp lực lên CHDCND Triều Tiên để phi hạt nhân hóa bán đảo, trong đó có việc nối lại cuộc tập trận quân sự chung quy mô lớn. Nó cũng diễn ra giữa lúc nhiều đồn đoán cho rằng CHDCND Triều Tiên đã hoàn tất kế hoạch chuẩn bị cho một vụ thử hạt nhân mới.

Trước đó, chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden đề nghị thảo luận với ông Kim bất cứ lúc nào, bất kỳ ở đâu trong khi Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol tuyên bố nước này sẽ cung cấp gói viện trợ kinh tế lớn nếu Bình Nhưỡng từ bỏ kho vũ khí của mình. Tuy nhiên, CHDCND Triều Tiên đã bác bỏ những các đề xuất trên, cho rằng Mỹ và đồng minh luôn duy trì “chính sách thù địch” đối với nước này, chẳng hạn như áp đặt các biện pháp trừng phạt và tổ chức các cuộc tập trận chung làm suy yếu an ninh trong khu vực.

Ông Kim Jong-un khẳng định, các đòn trừng phạt của Mỹ sẽ chỉ càng củng cố hơn quyết tâm của Chính phủ CHDCND Triều Tiên trong việc phát triển vũ khí hạt nhân. Do vậy, cả thế giới cũng như bầu không khí chính trị và quân sự tại Bán đảo Triều Tiên trước hết cần phải thay đổi nếu các bên khác muốn Bình Nhưỡng điều chỉnh chính sách hạt nhân. Tuyên bố trên của nhà lãnh đạo CHDCND Triều Tiên đồng nghĩa với việc Bình Nhưỡng sẽ tiếp tục phát triển và thử nghiệm các chương trình hạt nhân và tên lửa chừng nào Mỹ và Hàn Quốc còn duy trì chính sách phi hạt nhân hóa hoàn toàn, có kiểm chứng và không thể đảo ngược trên Bán đảo Triều Tiên.

https://antg.cand.com.vn/Su-kien-Binh-luan-antg/xa-voi-no-luc-phi-hat-nhan-hoa-ban-dao-trieu-tien-i668580/

Vân Hà / Công an nhân dân