Lực lượng Đặc nhiệm Tài chính (FATF), tổ chức chống rửa tiền và tội phạm tài chính được các nước G7 thành lập, đã ra tuyên bố sau phiên họp chung diễn ra cuối năm 2023 vừa qua: “Thế giới đang trải qua “thời đại vàng” của lừa đảo”. Đây cũng là ý kiến chung của giới chuyên gia an ninh tài chính.

Nền kinh tế thế giới đang ở trạng thái yếu ớt, một phần vì những yếu tố khách quan như chiến tranh hay biến đổi khí hậu, nhưng cũng một phần bởi các yếu điểm cố hữu trong mô hình phát triển của nhiều nước. Từ mỗi cá nhân đến các thực thể đầu tư và kinh doanh đều cảm thấy lo lắng trước tương lai, và điều này chỉ có thể tạo điều kiện cho những kẻ lừa đảo. Báo Cybersecurity Ventures dự báo nền kinh tế toàn cầu dự báo sẽ chịu thiệt hại khoảng 9,5 tỷ USD vì lừa đảo trong năm 2024.

Môi trường mạng đầy rẫy nguy hiểm

Chẳng ai lên mạng mua bán mà lại không cảm thấy bất an, vì họ biết rằng những kẻ lừa đảo đang lẩn trốn ở mọi ngóc ngách. Biết vậy nhưng không có nghĩa là “miễn nhiễm” với lừa đảo. Nhà báo tin học James Relativo (Philippines) kể về một lần mình bị lừa: “Tôi tìm thấy trên trang Shopee một quảng cáo bán bộ trống với giá 8000 piso (140 USD), bằng phân nửa so với giá thị trường. Sau khi tôi đặt mua bộ trống, người bán bất ngờ nhắn tin yêu cầu tôi chuyển cho họ 4000 vì mục đích “hoàn thuế”. Họ liên tục nhắn tin đến mức tôi đành chịu thua mà chuyển tiền. Họ bèn nhắn cho tôi mấy tấm hình của bộ trống đã đóng gói sẵn sàng, sau đó cắt hẳn liên lạc. Tôi chờ hàng đã được ba tháng rồi”.

James Relativo chỉ là một trong số hàng triệu người trên khắp Đông Á đã “mắc bẫy” bọn lừa đảo. Theo điều tra của Liên minh Chống lừa đảo quốc tế, có đến 35,9% người Philippines từng bị mắc lừa khi mua hàng online, theo sau là Trung Quốc (27,2%) và Indonesia 25,8%. Tỷ lệ này của Việt Nam may mắn chỉ dừng ở mức 13,6%, nhưng nếu tính trên tổng thiệt hại thì đã lên đến 391,8 tỷ VND. Tại sao lại có nhiều người Đông Á bị lừa đến vậy, trong khi trung bình mỗi cá nhân dành ra 10 tiếng/ngày chỉ để lướt mạng mua hàng?

B_t_k_ai_cung_nen_th_t_s_c_n_th_-1706094095212
Bất kỳ ai cũng nên cẩn thận khi giao dịch qua mạng.

Ông Mark Manantan, giám đốc an ninh điện tử của tổ chức nghiên cứu Pacific Forum (Hawaii), nhận xét: “Khách hàng Đông Á đã có nhiều kinh nghiệm mua hàng, giao dịch qua mạng, và cũng thường xuyên trò chuyện, trao đổi thông tin với các khách hàng khác. Vấn đề nằm ở chỗ họ thiếu kỹ năng “đọc hiểu”... Bạn không bao giờ nên trả lời ngay lập tức tin nhắn của người bán như là một cách để thăm dò họ, đồng thời tránh khả năng mình đưa ra quyết định vội vàng. Vậy nhưng ngay cả kỹ năng đơn giản đó mà ít người mua hàng Đông Á có”.

Một điểm quan trọng mà Liên minh Chống lừa đảo quốc tế chỉ ra trong báo cáo của họ là đất nước nào càng có tỷ lệ lừa đảo qua mạng cao như Philippines, Trung Quốc hay Indonesia thì lại càng có nhiều người tự tin về khả năng nhận ra lừa đảo của mình. Đây quả là “hồi chuông cảnh báo” cho tất cả mọi người về hố sâu giữa kiến thức và sự tự tin của bản thân. Bạn nên luôn luôn giữ tâm thái cảnh giác và xem xét kể cả những chi tiết nhỏ nhất, chứ đừng nên mù quáng tin vào cảm tính của mình.

Vậy thì những phương thức lừa đảo nào sẽ “lên ngôi” trong năm 2024? Theo chuyên gia Pablo Hung (Singapore) thì nhiều người nên để mắt hơn đến những tin nhắn tự động: “Chúng ta đang dựa rất nhiều vào tin nhắn tự động (A2P) để cập nhật thông tin và xác định danh tính. Sự phụ thuộc này khiến A2P trở thành mục tiêu tấn công của những kẻ lừa đảo. Có ba con đường chúng có thể sử dụng: gửi tin nhắn giả mạo, chiếm đoạt mạng lưới A2P rồi gửi tin nhắn cho khác hàng, và mở thật nhiều tài khoản khách hàng giả với mục đích tăng chi phí gửi tin đối với doanh nghiệp... khoảng 43% công ty tại Singapore cho biết khách hàng của họ bị lừa đảo qua A2P trong năm 2023, và 60% lãnh đạo doanh nghiệp tin rằng số vụ lừa đảo sẽ tăng trong năm 2024”.

Sau A2P, các kênh lừa đảo truyền thống như mạng xã hội, email hay điện thoại vẫn đang “sống khỏe”. Sự phát triển năng động của trí tuệ nhân tạo (AI) có liên quan trực tiếp đến điều này. Nhờ AI viết tin nhắn giả hay thay đổi giọng nói mà những kẻ lừa đảo có thể tạo ra danh tính giả với độ chân thực đến đáng ngạc nhiên. Cái đáng sợ hơn nữa là AI có khả năng học hỏi, và kẻ bất lương hoàn toàn có thể “đào tạo” cho AI trở thành trợ thủ đắc lực hơn nữa. Sự kết hợp giữa AI và những chiêu trò thao túng tâm lý nạn nhân đang khiến ngay cả các khách hàng giàu kinh nghiệm nhất bị mắc lừa.

ang_co_qua_nhi_u_m_i_nguy_hi_m_d-1706094119813
Đang có quá nhiều mối nguy hiểm đối với ví tiền của mỗi người.

Chọn mặt gửi vàng

Còn nhớ chỉ mới cách đây 3-4 năm, mô hình công ty mua lại vì mục đích đặc biệt (SPAC) đã “làm mưa làm gió” trên các phương tiện truyền thông phương Tây. Nói đơn giản thì SPAC là một kiểu kêu gọi vốn vào quỹ đầu tư nhưng lại gọi là công ty. Công ty “rỗng” này không kinh doanh gì mà chỉ nhắm đến mua lại những doanh nghiệp khác đã có mô hình làm ăn tốt. SPAC thực ra là phương thức phát hành cổ phiếu mà không cần phải thông qua sàn chứng khoán hay các cơ quan kiểm soát khác.

Từ chỗ được ca ngợi như “phương thức làm giàu của người nghèo”, hiện nay chẳng còn mấy người tin vào SPAC cả. Hóa ra khi không bị nhà chức trách kiểm soát, phía đi kêu gọi vốn có thể đưa ra đủ những lời hứa “trên trời dưới biển” như lãi năm cao “ngất ngưởng”, được đảm bảo ưu tiên hoàn vốn khi xảy ra phá sản v.v... Không ít SPAC còn đang bị điều tra vì lý do lừa đảo, ví dụ như nhà sản xuất xe tải tự hành ở Mỹ là Embark và Nikola. Từ chỗ được đánh giá giá trị từ 3 đến 5 tỷ USD, thì nay lãnh đạo của hai công ty đều đang phải hầu tòa vì lấy tiền của nhà đầu tư mà không sản xuất ra nổi một chiếc xe.

SPAC, hay trước đó là NFT và Bitcoin, đã cho các nhà đầu tư bài học gì? Nhà kinh tế học người Mỹ Richard Wolff nhận xét: “Bởi nhiều lý do khác nhau mà các kênh đầu tư truyền thống không còn đem lại mức lợi nhuận cao nữa. Mặt khác sự “thoái hóa” của bộ máy an sinh xã hội ở nhiều nước đang khiến người dân nước họ “phát hoảng” trước viễn cảnh gia đình trở nên khánh kiệt vì bệnh tật, nghỉ hưu, v.v... Những kẻ lừa đảo chỉ trực chờ hai điều kiện đó để mà “ra mặt”... Cách tốt nhất để mọi người tránh bị lừa đảo đầu tư là chấp nhận rằng khả năng sinh lời của nền kinh tế hiện nay không cao, và không có kênh đầu tư nào có thể đem lại lãi cao cả”.

Điều đáng sợ của những hình thức lừa đảo đầu tư qua tiền ảo hay SPAC là luật pháp thường xuyên không bắt kịp được với kẻ lừa đảo, chờ đến khi có quy định xử lý thì kẻ lừa đảo đã “cao chạy xa bay”. Vậy thì nhà đầu tư có thể làm gì để tự bảo vệ mình? Theo giới chuyên gia thì điều đầu tiên nên làm là nhìn vào danh sách cổ đông của công ty hay quỹ đầu tư. Triệu phú Gary Stevenson (Anh), người đã có nhiều năm là chuyên gia đầu tư của Citygroup, giải thích: “Nếu bạn bắt gặp bất kỳ ai nắm giữ hơn 25% cổ phần của công ty thì hãy tìm mọi cách điều tra về họ. Đó là các cổ đông điều khiển trực tiếp công ty, mà công ty hoạt động phần nhiều cũng là vì lợi ích của họ. Nếu bạn chẳng thể tìm ra được bất kỳ thông tin đáng tin cậy nào về các cổ đông đó thì đừng bao giờ bỏ vốn”.

Một “mặt trận” khác trong cuộc chiến với tội phạm lừa đảo quốc tế là rửa tiền. Cuộc chiến tại Ukraine và dải Gaza, chưa kể hàng loạt xung đột khác trên toàn cầu đang khiến bộ máy rửa tiền hoạt động 100% công suất. Các quốc gia chịu cấm vận đang trực tiếp tham gia bộ máy rửa tiền để thỏa mãn nhu cầu ngoại tệ của họ. Điều đó khiến dòng tiền “bẩn” xuyên quốc gia phình to, những đối tượng lừa đảo lại càng dễ che đậy dấu vết của mình. Việc thu hồi tài sản thiệt hại vốn đã khó thì nay trở nên gần như bất khả thi.

S_c_n_m_t_th_i_gian_n_a_d_cac_co-1706094156498
Sẽ cần một thời gian nữa để các cơ quan giám sát và định chế tài chính có thể sử dụng hiệu quả AI để chống tội phạm lừa đảo.

Cuộc chiến lâu dài

Theo dự báo thì trong năm 2024, số lượng các giao dịch điện tử trên toàn thế giới sẽ tăng từ 19 đến 25%. Người tiêu dùng sắp chạm đến điểm thỏa mãn được nhu cầu thanh toán lập tức mà không cần tiền mặt. Ngay từ lúc này họ đang yêu cầu những sản phẩm ở một tầm cao hơn thế như RtP (tính năng yêu cầu thanh toán, tức là đòi nợ điện tử). Ngành tài chính điện tử chắc chắn tiếp tục tăng trưởng và nâng tầm quan trọng của mình trong xã hội. Tuy đem lại nhiều sự tiện lợi cho những bên tham gia nhưng xu hướng này cũng đang mở ra cơ hội mới cho đối tượng lừa đảo.

Với các cá nhân thì biện pháp phòng tránh lừa đảo tốt nhất vẫn là chỉ giao dịch với những cá thể uy tín. Với các nhà quản lý thì điều họ cần làm ngay lúc này là tăng cường khả năng của những công cụ giám sát tài chính theo thời gian thực. Tốc độ mở rộng của tài chính điện tử đang vượt quá khả năng giám sát của các định chế, và ngành tài chính đang thiếu trầm trọng chuyên gia phân tích dữ liệu đủ khả năng phát hiện lừa đảo. Trong khi chờ các chính phủ tìm ra giải pháp cho vấn đề thiếu nhân lực, niềm hy vọng đang được đặt vào AI.

Theo khảo sát của FATF thì hiện có đến 58% ngân hàng trên thế giới đang sử dụng AI để giám sát các giao dịch. Bước đầu thì AI đã tỏ ra sự hiệu quả trong việc phát hiện các trường hợp lừa đảo trong khi vẫn đảm bảo được sự thông suốt của dòng giao dịch. Tuy nhiên việc sử dụng AI cũng lại đem đến vấn đề về nhân lực. Hiện vẫn còn quá thiếu các chuyên gia có thể giám sát AI và đưa ra quyết định cuối cùng. Những con người này sẽ chiếm vai trò rất quan trọng trong tương lai, vì ngay cả AI cũng khó bắt kịp từng sự thay đổi nhỏ nhặt trên mặt pháp lý hay điều kiện thị trường. Dự báo trong tương lai gần các cơ quan giám sát và định chế tài chính sẽ phải trải qua một giai đoạn “đau đớn” để học hỏi làm sao vận dụng AI đúng cách trong hoạt động chống lừa đảo.

Lê Công Vũ / CAND