Hợp đồng bản quyền truyền hình trị giá hơn 200 tỷ đồng giúp VPF trút bỏ gánh nặng và thêm nguồn lực để thực hiện những hoài bão ấp ủ nhiều năm.
- Bản quyền truyền hình V-League 2023 được bán với giá 60 tỷ đồng
- V-League 2022: Hải Phòng bám đuổi ngôi đầu, 7 đội bóng đua trụ hạng
Khi Công ty cổ phần Bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam (VPF) ra đời vào cuối năm 2011, một trong những tham vọng của những ông bầu bóng đá là bán bản quyền truyền hình giá 50 tỷ đồng/mùa. Tròn 10 năm sau, điều này mới được hiện thực hóa bằng một bản hợp đồng gây sốc.
Con số 2,5 triệu USD (hơn 60 tỷ đồng) mỗi mùa giải, tương đương gần 250 tỷ đồng trong 4 năm là một khoản thu bản quyền truyền hình lớn chưa từng có trong lịch sử bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam. Bản hợp đồng này trở thành chất xúc tác cho VPF trong việc thực hiện những hoài bão đã ấp ủ, trăn trở suốt những năm qua.
Bản quyền truyền hình V-League được bán với giá 60 tỷ đồng/năm.
Trút bỏ gánh nặng
Ông Trần Anh Tú - Chủ tịch Hội đồng quản trị VPF - từng trăn trở khi VPF không chia được quyền lợi cho các CLB sau mỗi mùa giải mà một trong những nguyên nhân chính là tiền bán bản quyền truyền hình giai đoạn trước đây chẳng thấm vào đâu. Trong khi đó, nhìn sang mô hình ở các giải đấu phát triển, tiền bản quyền đáng ra phải là một trong những khoản thu lớn nhất, được đảm bảo ngay từ đầu mùa giải cho mỗi CLB.
Khoản tiền 60 tỷ đồng mỗi mùa giải chia cho 28 đội bóng thuộc 2 giải chuyên nghiệp có thể không phải là cao so với chi phí vận hành lên đến hàng chục tỷ đồng. Tuy nhiên, so với mốc không có gì thì con số này vẫn là một bước tiến đáng kể. Nên nhớ rằng tiền thưởng cho đội vô địch V-League 2022 cũng chỉ là 3 tỷ đồng.
VPF đã có thể chia tiền cho các CLB, bắt đầu từ mùa giải 2023. Điều này có ý nghĩa lớn, nhất là đối với một số đội bóng không có nguồn lực tài chính mạnh, một đồng cũng là quý.
Ở mùa giải 2022, V-League mất một đội bóng (Than Quảng Ninh) mà nguyên nhân bắt nguồn từ lý do tài chính. Có 2 CLB của giải Hạng Nhất đối mặt với nguy cơ giải thể vì không có đủ tiền chi trả cho cầu thủ, ban huấn luyện và đội ngũ nhân viên chứ chưa nói tới các hoạt động khác.
Đó là những ví dụ cho thấy khoản thu đảm bảo lên đến hàng tỷ đồng mỗi năm có thể tác động quan trọng tới sự tồn tại của một CLB. Hay nói cách khác, giá trị bản quyền truyền hình tăng cao giúp cả hệ thống bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam ổn định hơn, giảm nguy cơ đổ vỡ cấu trúc giải đấu.
Bầu Tú từng than thở không thu được đồng nào từ bản quyền truyền hình V-League.
Bước nhảy vọt của V-League
Hệ thống thi đấu chuyên nghiệp của bóng đá Việt Nam cần được cải tiến, đổi mới. VPF không phải là không nhìn ra và suy tính những giải pháp. Nhưng, vấn đề đầu tiên mà bầu Tú và các đội bóng phải đối mặt luôn là tiền đâu. Mọi hoạt động mang tính vĩ mô đều đòi hỏi kinh phí không hề nhỏ.
Một ví dụ rõ ràng nhất là dự định đưa VAR về V-League. Rào cản lớn nhất khiến bóng đá Việt Nam chưa có VAR là... tiền. Theo nguồn tin của VTC News, VPF cần không dưới 100 tỷ đồng để vận hành VAR.
Số tiền này dùng để mua sắm, lắp đặt các thiết bị, đào tạo nhân sự để vận hành quy trình VAR trong các trận đấu. Ngoài ra, có thêm các trọng tài video cũng đồng nghĩa với việc VPF phải trả nhiều tiền hơn.
Trong hoàn cảnh tài chính hạn hẹp, thông tin V-League sắp có VAR xuất hiện cách đây vài tuần là chuyện khó tin. VPF không thể nói đến việc ứng dụng công nghệ, đổi mới về mặt kỹ thuật đòi hỏi đầu tư nhiều khi không có tiền. Tuy nhiên, khi bản hợp đồng trị giá 60 tỷ đồng/mùa giải được hé lộ, câu chuyện VAR ở V-League trở nên khả thi hơn hẳn.
Hiệu ứng xúc tác mà bản hợp đồng 10 triệu USD mang lại không chỉ tác động trên khía cạnh tiền bạc, vật chất. Con số 60 tỷ đồng một mùa giải bây giờ sẽ trở thành một mức tiêu chuẩn mới của bóng đá Việt Nam.
Giá trị bản quyền truyền hình của V-League có thể dao động tăng, giảm trong những giai đoạn tiếp theo, nhưng khó có chuyện quay trở về mốc thấp hơn 30 lần như trước đây. Điều đó có nghĩa là VPF hoàn toàn có thể mơ tới những con số lớn hơn trong tương lai.