Trong hai ngày 23 và 24 tháng 6, hội nghị thượng định trực tuyến các nhà lãnh đạo của nhóm BRICS (gồm Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi - còn gọi là Nhóm những nền kinh tế đang nổi) diễn ra. Hội nghị được kỳ vọng sẽ góp phần ngăn chặn nguy cơ cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu đang hiện ra trước mắt.

BRICS đã sẵn sàng

Hội nghị thượng đỉnh trực tuyến lần thứ 2 của BRICS sẽ diễn ra chỉ vài ngày trước thềm Hội nghị thượng đỉnh Nhóm những quốc gia có nền công nghiệp phát triển (G7) tại Tokyo. Dù vô tình hay hữu ý, điều đó cũng gợi lên những liên tưởng về việc BRICS đang vươn lên cạnh tranh với G7 ở vào một thời điểm vô cùng nhạy cảm của kinh tế thế giới như hiện nay.

Sau 13 năm kể từ ngày thành lập, BRICS đã vượt quá giới hạn khái niệm của cụm từ "mới nổi". Theo số liệu của Ngân hàng Thế giới (WB), trong năm 2021, chỉ số sức mua tương đương (PPP) của nhóm BRICS đã ở mức 45 nghìn tỷ USD, vượt qua mức 44 nghìn tỷ USD của G7. Còn tổng thu nhập quốc dân (GDP) của họ đã vượt qua Mỹ và có khả năng vượt qua toàn bộ các quốc gia G7 trong vòng một thập kỷ tới. Thậm chí, trong bối cảnh nhiều nền kinh tế của G7 đang đứng trước nguy cơ rõ ràng của một cuộc suy thoái như hiện nay thì việc BRICS vượt qua G7 có thể diễn ra nhanh hơn.

BRICS với nhiệm vụ
Đoàn kết có thể đem đến cho BRICS nguồn năng lượng mới.
Thực tế, kể từ khi được "định danh", BRICS đã có những thay đổi to lớn về vị thế cũng như vai trò của mình trên trường quốc tế. Xuất phát từ một nhóm những nước có nền kinh tế "mới nổi" 20 năm trước, BRICS khi đó chỉ được coi là đại diện cho những động lực kinh tế đang thay đổi của thế giới, sở hữu quy mô kinh tế khá nhưng vẫn ở mức độ đang phát triển, đại diện cho nỗ lực của những nền kinh tế mới trong việc hội nhập kinh tế toàn cầu.

BRICS của thời điểm đó có lẽ được ghi nhận vì tiềm năng kinh tế của họ hơn là sức mạnh thực tế. Thế nhưng, hai cuộc khủng hoảng toàn cầu đã đẩy BRICS lên một vị thế mới. Như phát biểu của Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergey Ryabkov bên lề một hội nghị của nhóm BRICS mới đây: "BRICS sẽ trở thành nền tảng của trật tự thế giới mới".

Cơ hội và thách thức

Nền kinh tế thế giới đang bước vào một giai đoạn mới, khi các quốc gia phương Tây đã tới ngưỡng phát triển. Sau những khủng hoảng kinh tế xã hội lớn bộc lộ trong vài năm qua, dường như họ không còn ở vị trí vững chắc để dẫn dắt nền kinh tế thế giới như trước nữa. Vị thế độc tôn của nước Mỹ trên trường quốc tế cũng không còn như 20 năm trước. Chủ nghĩa bảo hộ, thay vì đến từ những nước đang phát triển, lại đang nở rộ từ chính những nền kinh tế phát triển để bảo vệ vị thế cũ của mình. Do đó, thay vì đặt niềm tin vào G7, người ta đang nhìn vào BRICS với những hy vọng mới.

Điều đầu tiên để tin tưởng vào sức mạnh và tương lai của nhóm BRICS là nguồn động lực tăng trưởng vô cùng lớn với việc chiếm 42% dân số toàn cầu. Các nước BRICS còn sở hữu nguồn lực khổng lồ về tài nguyên phục vụ cho quá trình phát triển. Trung Quốc, Nga và Ấn Độ cũng là những cường quốc công nghệ trên thế giới. Dự đoán tăng trưởng của BRICS sẽ vẫn cao hơn mức tăng trung bình của thế giới cũng như nhóm G7. Trong năm 2021, khi nền kinh tế thế giới có những dấu hiệu phục hồi ở mức tăng trưởng gần 5% thì nhóm BRICS ước đạt 6%. Còn dự đoán của năm 2022 sẽ là 5% so với mức 3% của các nước G7.

Một lợi thế lớn của BRICS nữa là nền kinh tế của năm quốc gia có tính bổ sung cao. Brazil, Nga hay Nam Phi có nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú mà Trung Quốc cần để duy trì sức mạnh sản xuất của mình. Về phần mình, Trung Quốc có vốn và công nghệ để đầu tư vào cơ sở hạ tầng của các thành viên, hỗ trợ quá trình công nghiệp hóa của họ, đưa họ lên các giai đoạn phát triển tiếp theo. Trong khi đó, với thị trường tổng hợp gần 3 tỷ dân, Trung Quốc và Ấn Độ có thể đảm bảo sự phát triển vượt bậc dành cho các ngành sản xuất thực phẩm của Brazil và Nga. Nằm trên một hành lang rộng lớn từ châu Á tới châu Âu, châu Phi và Mỹ Latinh, BRICS tiếp cận dễ dàng một thị trường lớn gồm chủ yếu là các nước đang phát triển khác để tạo nên những thay đổi lớn. Với tất cả lợi thế đó, một sự hợp tác hiệu quả sẽ dẫn đến những kết quả có lợi cho tất cả các quốc gia.  

Tuy nhiên, không phải không có những vấn đề trong sự phát triển của BRICS. Đầu tiên là sự phát triển thiên lệch đang làm thay đổi cán cân quan hệ. 10 năm qua, trong khi Ấn Độ và đặc biệt là Trung Quốc có những bước tiến nhảy vọt thì kinh tế Nga, Brazil và Nam Phi chỉ tiến bước chậm chạp.

Với quy mô kinh tế khổng lồ của mình, Trung Quốc đang chiếm tới 70% GDP của cả nhóm BRICS và vươn lên dẫn đầu tuyệt đối chỉ sau 10 năm. Nên nhớ vào năm 2011 khi BRICS được nhóm họp lần đầu tiên, Trung Quốc mới chỉ chiếm hơn 50% GDP của cả nhóm. Hệ quả của việc phát triển thiên lệch này đã làm cho nhiều hợp tác trong khuôn khổ BRICS trở nên không còn cân bằng. Từ một nhóm những nước tương đối đồng nhất về quy mô phát triển, hiện nay đã có những khoảng cách lớn trong chính BRICS dẫn đến việc người ta không còn tin tưởng vào những hoạt động tập thể của nhóm nữa.

Thực tế, trong suốt 20 năm qua, BRICS không có những sáng kiến chính sách lớn nào để hỗ trợ lẫn nhau ngoại trừ Ngân hàng Phát triển BRICS (nay được gọi là Ngân hàng Phát triển Mới). Những nghi ngờ về mặt chính trị cũng tạo ra khoảng cách nhất định giữa các nước để những hợp tác trở nên khó khăn hơn. Và, thay vì hợp tác, một số quốc gia như Nam Phi thậm chí đang ngày càng phụ thuộc vào quốc gia khác để có thể đảm bảo duy trì nền kinh tế của mình.

BRICS với nhiệm vụ
Nền kinh tế thế giới bước vào giai đoạn khó khăn.
BRICS cũng cần thay đổi

Thế giới đã thay đổi nhiều so với 20 năm trước. BRICS đang bị nhìn nhận là "đối thủ" của các nước G7 trong một cuộc cạnh tranh vị thế trên quy mô toàn cầu. Điều đó gây ra không ít nghi ngại cho cả hai phía.

Nền kinh tế thế giới đang đứng trước bờ vực của một cuộc suy thoái. Chủ nghĩa bảo hộ, những sự nghi ngờ, những lệnh trừng phạt khiến cho khả năng hợp tác toàn cầu bị nghi ngờ. Để vực dậy nền kinh tế toàn cầu sau những năm đại dịch, sự nghi ngờ là yếu tố đầu tiên cần phải loại bỏ. Nếu G7 được coi là đại diện của những "thế lực kinh tế cũ" giữ vai trò dẫn dắt nền kinh tế toàn cầu bấy lâu nay thì BRICS cần được nhìn nhận như đại diện cho những "thế lực kinh tế mới" đang ngày càng tham gia sâu hơn vào cuộc chơi. Hai thế lực này cần tìm được tiếng nói chung với nhau vì lợi ích chung.

Để gỡ nút thắt này, Ấn Độ được đặt nhiều hy vọng. Ở thời điểm này, Trung Quốc và Nga, hai đại diện lớn của BRICS đang trở thành tâm điểm của những lệnh trừng phạt kinh tế thương mại đến từ phương Tây. Trong khi đó Ấn Độ lại đang trở thành đối tác được săn đón của các nước G7. Mối quan hệ tốt với các nước phương Tây sẽ là cơ hội để Ấn Độ trở thành một trung gian đối thoại giữa hai thế lực cũ và mới trong nền kinh tế thế giới. Không những thế, với động lực tăng trưởng lớn, Ấn Độ được kỳ vọng sẽ nối tiếp Trung Quốc để trở thành điểm sáng của nền kinh tế toàn cầu trong những năm tới, cũng như tái lập sự cân bằng trong chính nội bộ nhóm BRICS.

BRICS cần phải thay đổi để phù hợp với vị trí vai trò của mình trong giai đoạn mới. Đó chính là lý do mà từ đầu năm 2022 tới nay, nhiều hội nghị BRICS đã diễn ra liên tiếp ở các cấp độ khác nhau, nhằm đưa ra những kế hoạch hành động cụ thể trên nhiều mặt.

Một trong những ý tưởng đang được ủng hộ, là việc BRICS sẽ kết nạp thêm những thành viên mới ở như Indonesia hay Argentina, để có thể mở rộng phạm vi và tầm ảnh hưởng của mình hòng gia tăng tính đại diện cho nền kinh tế thế giới. Khi đó, họ có đầy đủ điều kiện để trở thành "ngọn hải đăng mới" của nền kinh tế toàn cầu trong tương lai.

https://antgct.cand.com.vn/Chuyen-de/brics-voi-nhiem-vu-giai-cuu-the-gioi-i658178/

Tử Uyên / antg.cand.com.vn