Các quốc gia phương Tây, đặc biệt là đồng minh với Mỹ đang ngày càng cứng rắn và đồng quan điểm trong các động thái nhằm vào Trung Quốc.
| |
Các Bộ trưởng Nội vụ của 5 nước trong liên minh Ngũ Nhãn trong một cuộc họp. Ảnh: The Australian |
Theo CNN, một loạt các quốc gia phương Tây, như Anh, Canada và đặc biệt là các đồng minh của Mỹ, đang ngày càng cứng rắn hơn trong các động thái nhắm tới Trung Quốc.
Nhiều quốc gia, nhất là các đồng minh của Mỹ, ngày càng tỏ ra quyết liệt hơn, thậm chí là có xu hướng hợp sức để đối phó với Bắc Kinh.
Sự phối hợp này nhìn thấy rõ ràng nhất trong phản ứng của các quốc gia trước việc Trung Quốc áp dụng luật an ninh quốc gia với Hong Kong, như phản ứng của Five Eyes (Ngũ Nhãn), liên minh tình báo giữa Mỹ, Anh, Australia, Canada và New Zealand.
Ngoài New Zealand, 4 thành viên còn lại trong liên minh đều đưa ra tuyên bố chung lên án việc Trung Quốc thông qua luật an ninh quốc gia cho Hong Kong, một trong những động thái chung hiếm hoi giữa các thành viên.
Reuter cho biết, Anh xác nhận kế hoạch cấp hộ chiếu cho khoảng 3 triệu dân Hong Kong. Ngoại trưởng Anh Dominic Raab cũng cho biết ông đã nêu vấn đề “chia sẻ gánh nặng” với nhóm Ngũ Nhãn trong trường hợp xảy ra cuộc di cư hàng loạt từ Hong Kong.
Trong khi đó, Australia và Canada thì gia hạn thị thực cho người Hong Kong ở nước này, đồng thời mở lộ trình thành công dân Australia cho họ, đồng thời dừng hiệp ước dẫn độ với Hong Kong.
Josep Borrelll, nhà ngoại giao cấp cao của Liên minh châu Âu (EU), ngày 13/7 cảnh báo khối này đang phối hợp cùng nhau trong việc đối phó với Trung Quốc, mặc dù các biện pháp cụ thể vẫn chưa được đưa ra.
Điều này khiến các quan chức ở Bắc Kinh "nóng mặt" và tuyên bố "sẽ đáp trả". Trung Quốc đã cảnh báo sinh viên nước này không đến Australia vì các cuộc tấn công phân biệt đối xử với người châu Á.
Phát ngôn viên bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên nói Anh "lùi lại khỏi bờ vực" và "chấp nhận thực tế rằng Hong Kong đã được trao trả lại cho Trung Quốc”.
| |
Các nhà lãnh đạo G7 trong một nhóm họp tại Pháp. Ảnh: AFP |
Theo CNN, các nước đồng minh với Mỹ có thể đã bàn bạc về chiến lược đối phó với Trung Quốc từ nhiều năm nay, nhưng hiếm khi rõ ràng như bây giờ.
Đầu tháng này, các nhà lập pháp từ 16 quốc gia và Liên minh châu Âu đã thành lập một liên minh mới được gọi là Liên minh Nghị viện về Trung Quốc (IPAC). Liên minh này đưa ra phản ứng chung về Trung Quốc để các thành viên thực hiện ở nước mình.
Thành viên liên minh này gồm hai Thượng nghị sĩ Mỹ Marco Rubio và Bob Menendez, cùng các nhà lập pháp từ Anh, Australia, Canada, Thụy Sĩ, Nhật Bản, Cộng hòa Czech, Uganda và những người khác.
Yuka Kobayashi, trợ lý giáo sư về Trung Quốc và chính trị quốc tế tại Đại học London, và là người cố vấn cho các chính phủ và các tổ chức về Trung Quốc, nhận định: "Các nghị sĩ đang vượt ra ngoài biên giới để tạo thành một mặt trận thống nhất chống Trung Quốc. Tôi chưa bao giờ thấy bất kỳ điều gì như vậy. Điều này rất đáng quan tâm".
"Nếu những nước này bây giờ kết hợp với nhau, điều đó sẽ tạo ra thách thức nghiêm trọng cho Trung Quốc", bà Yuka nói.
Bà Yuka cho biết, việc một số quốc gia cấm Huawei - tập đoàn công nghệ hàng đầu Trung Quốc tham gia vào hạ tầng internet tốc độ cao là một ví dụ nữa cho thấy sự đoàn kết của cộng đồng quốc tế.
Mới đây nhất, Anh hôm 14/7 cũng bất ngờ tuyên bố lcấm Huawei triển khai hệ thống mạng 5G tại nước này.
Mỹ, Australia và Nhật Bản cũng đã áp lệnh cấm hoặc lên kế hoạch loại bỏ các sản phẩm của Huawei khỏi hạ tầng viễn thông vì lo ngại các dữ liệu cá nhân nhạy cảm có thể bị Trung Quốc tiếp cận.
Ấn Độ trước đó cũng đã cấm ứng dụng mạng xã hội TikTok cùng hàng chục ứng dụng Trung Quốc khác vì những lo ngại về an ninh. Tuy nhiên, Trung Quốc là nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới, vai trò và tầm ảnh hưởng của nước này tới nền kinh tế toàn cầu là điều khiến các quốc gia phải dè chừng.
Cuộc đấu khẩu Mỹ - Trung về thượng tôn pháp luật Biển Đông |
Trung Quốc chưa hết lũ lụt, thời tiết lại nắng nóng gay gắt |
Lũ mới sắp ập về: Sông Dương Tử đối mặt nguy cơ thảm họa |