Chuyến thăm đầu tiên sau 5 năm của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tới châu Âu chỉ có 3 điểm dừng chân nhưng được đánh giá có thể hóa giải những khúc mắc, củng cố mối quan hệ đôi bên cùng có lợi giữa Bắc Kinh và Lục địa già. Điều này càng trở nên quan trọng trong bối cảnh thế giới và khu vực đang có nhiều diễn biến địa chính trị phức tạp.

tap-binh.jpg
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình gặp Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen tại Paris (Pháp), ngày 6-5. Ảnh: Euronews

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình thăm 3 nước châu Âu là Pháp, Hungary và Serbia từ ngày 5 đến 10-5, với điểm dừng chân đầu tiên là thủ đô Paris của Pháp. Tại đây, nhà lãnh đạo Trung Quốc đã gặp gỡ Tổng thống Emmanuel Macron và Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen. Theo Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lâm Kiếm, điểm dừng chân ở Pháp là minh chứng cho thấy, quan hệ song phương Trung Quốc - Pháp vẫn duy trì lành mạnh, với những hợp tác thực tế.

Trong cuộc hội đàm ba bên, các nhà lãnh đạo đã thảo luận về khả năng mở rộng hợp tác và giải quyết những rào cản thương mại giữa Trung Quốc và châu Âu. Tổng thống Pháp Emmanuel Macron nhận định, tương lai của châu Âu phụ thuộc vào khả năng phát triển quan hệ một cách cân bằng với Trung Quốc, đồng thời nhấn mạnh, hai bên đang ở giao điểm lịch sử và cần phải tạo ra một “sân chơi bình đẳng” cho các doanh nghiệp. Trong khi đó, Chủ tịch EC Ursula von der Leyen bày tỏ tin tưởng, Trung Quốc và châu Âu có nhiều lợi ích chung về hòa bình và an ninh. Về phần mình, Chủ tịch Tập Cận Bình khẳng định, mối quan hệ với châu Âu là ưu tiên hàng đầu trong chính sách đối ngoại của Trung Quốc.

"Trung Quốc vẫn luôn nhìn nhận quan hệ với châu Âu từ tầm nhìn chiến lược và dài hạn, xem châu Âu là một hướng đi quan trọng trong ngoại giao với các nước lớn mang đặc sắc Trung Quốc và là một đối tác quan trọng của Trung Quốc trên hành trình hiện đại hóa. Tôi hy vọng quan hệ Trung Quốc - Pháp và quan hệ Trung Quốc - châu Âu sẽ thúc đẩy lẫn nhau và cùng phát triển", Chủ tịch Tập Cận Bình nói.

Ngoài vấn đề thương mại, các nhà lãnh đạo cũng thảo luận về tình hình xung đột trên thế giới. Tổng thống Emmanuel Macron cho rằng, sự phối hợp giữa Pháp và Trung Quốc có thể "tạo ra bước ngoặt mang tính quyết định" với các cuộc khủng hoảng ở Ukraine và Trung Đông. Chủ tịch EC Ursula von der Leyen khẳng định, Liên minh châu Âu (EU) kỳ vọng rất lớn vào vai trò của Trung Quốc trong việc chấm dứt xung đột ở Ukraine. Đối với vấn đề này, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nêu rõ, Bắc Kinh sẵn sàng hợp tác với Pháp và cộng đồng quốc tế để tìm ra giải pháp phù hợp cho cuộc xung đột tại Ukraine. Dù Bắc Kinh không phải là một bên tham gia cuộc xung đột trên nhưng đang đóng vai trò tích cực trong việc tìm kiếm giải pháp hòa bình ở Ukraine. Nhà lãnh đạo Trung Quốc cũng ủng hộ lời kêu gọi ngừng bắn toàn cầu trong thời gian Olympic Paris diễn ra (từ cuối tháng 7 đến trung tuần tháng 8 năm nay).

Theo giới quan sát, mặc dù chuyến thăm trên đánh dấu 60 năm quan hệ ngoại giao Pháp - Trung Quốc, nhưng rõ ràng khơi thông mối quan hệ Trung Quốc - EU mới là vấn đề được quan tâm nhất.

Sau Pháp, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sẽ thăm Hungary và Serbia, hai quốc gia được đánh giá là thân thiện với Bắc Kinh, cũng là đối tác quan trọng của Trung Quốc trong thúc đẩy sáng kiến Vành đai - Con đường, thúc đẩy hợp tác khu vực Trung và Đông Âu.

Dù chỉ là quốc gia nhỏ, nhưng Hungary đã thu hút hàng loạt dự án lớn của Trung Quốc trong những năm gần đây, chủ yếu liên quan đến sản xuất pin và xe điện. Thủ tướng Hungary Viktor Orban luôn ủng hộ chính sách đối ngoại "Mở cửa phương Đông" của Bắc Kinh và thường xuyên tìm kiếm mối quan hệ kinh tế chặt chẽ hơn với Trung Quốc, Nga... Bắc Kinh và Budapest đầu năm nay cũng đã thỏa thuận tăng cường quan hệ thực thi pháp luật. Vai trò thành viên của hai khối đa phương là EU và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) khiến Hungary luôn có thể giữ vai trò cầu nối trong quan hệ với Nga và Trung Quốc. Điểm dừng chân cuối cùng và cũng mang tính biểu tượng nhất trong chuyến thăm châu Âu của Chủ tịch Trung Quốc lần này là thủ đô Belgrade của Serbia, đúng dịp nhìn lại sự việc Mỹ ném bom Đại sứ quán Trung Quốc tại Belgrade cách đây 25 năm (ngày 7-5-1999).

Việc Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình lựa chọn Pháp, Hungary và Serbia theo thứ tự là một tính toán kỹ lưỡng, không chỉ nhằm hóa giải những mâu thuẫn tiềm ẩn mà còn củng cố mối quan hệ hợp tác đôi bên cùng có lợi, điều đặc biệt quan trọng giữa lúc bức tranh địa chính trị toàn cầu đang có những thay đổi lớn.

https://hanoimoi.vn/chu-tich-trung-quoc-cong-du-chau-au-cung-co-moi-quan-he-cung-co-loi-665688.html

Hoàng Linh / HNM.com.vn