Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken ngày 14/5 đã đi tầu hỏa tới Kiev trong chuyến thăm không thông báo trước. Chuyến công du Ukraine lần thứ tư kể từ khi Nga bắt đầu chiến dịch quân sự đặc biệt tại nước này của người đứng đầu ngành ngoại giao Mỹ được đánh giá là nhằm trấn an Kiev rằng, nước này vẫn có sự hỗ trợ của Washington trước các cuộc tiến công ngày càng mạnh mẽ từ Nga.

Tại Kiev, Ngoại trưởng Antony Blinken đã hội kiến với Tổng thống nước chủ nhà Volodymyr Zelensky, trong đó ông nhấn mạnh cam kết của chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden đối với quốc phòng và an ninh lâu dài của Ukraine. Ông đồng thời cho biết, các thiết bị quốc phòng trong gói viện trợ vũ khí mới đã bắt đầu được chuyển đến Ukraine và sẽ tiếp tục được cung cấp trong thời gian tới. Trong một tuyên bố trước thềm chuyến đi, Cố vấn An ninh quốc gia Mỹ Jake Sullivan cho biết Washington đang cố gắng thực sự đẩy nhanh tiến độ vận chuyển vũ khí của Mỹ tới Ukraine. “Tôi đề xuất cường độ chuyển giao các loại vũ khí nên đạt mức 10/10”, ông nhấn mạnh.

Trong khi đó, theo một quan chức cấp cao của Mỹ tháp tùng Ngoại trưởng Antony Blinken trên chuyến tàu đêm từ Ba Lan sang Kiev, phương tiện pháo binh, hệ thống phòng không và tên lửa đạn đạo tầm xa đã được chuyển giao cho Ukraine. Đáp lời quan chức đứng đầu ngành ngoại giao Mỹ tại hội kiến, Tổng thống Volodymyr Zelensky gửi lời cảm ơn Washington vì gói viện trợ vũ khí quan trọng, đồng thời cho biết, hiện Kiev đang thiếu các thiết bị phòng không. Chuyến thăm của Ngoại trưởng Antony Blinken diễn ra chưa đầy một tháng sau khi Quốc hội thông qua gói hỗ trợ nước ngoài liên tục bị trì hoãn trị giá 95 tỉ USD, trong đó mức viện trợ cho Ukraine là 60,8 tỷ USD. Phần lớn số viện trợ này dùng để bổ sung các hệ thống phòng không và pháo binh bị sụt giảm nghiêm trọng sau hơn 2 năm xung đột bùng nổ. Các quan chức Mỹ lưu ý rằng, kể từ khi Tổng thống Joe Biden ký gói viện trợ vào cuối tháng trước, chính quyền đã công bố 1,4 tỷ USD hỗ trợ quân sự ngắn hạn và 6 tỷ USD hỗ trợ dài hạn.

Chuyến công du giữa lúc “nước sôi lửa bỏng” -0
Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken hội kiến Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky tại Kiev. Ảnh: Reuters.

Chuyến công du của Ngoại trưởng Antony Blinken diễn ra trong bối cảnh sắp diễn ra hội nghị thượng đỉnh hòa bình về Ukraine do Thụy Sĩ đăng cai tổ chức theo đề nghị của Tổng thống Volodymyr Zelensky. Thụy Sĩ đã mời hơn 160 phái đoàn tham dự sự kiện này, thúc đẩy mạnh mẽ việc mời các đối tác của Nga từ cái gọi là “Nam toàn cầu”, đặc biệt là Trung Quốc, quốc gia cho biết họ đang xem xét tham gia. Bên cạnh đó, “nhân vật chính” Nga không nhận được lời mời tham dự.

Bộ Ngoại giao Thụy Sĩ cho biết, tính trung lập của Thụy Sĩ là “không đổi” và sẽ không bị thay đổi bởi hội nghị: “Nhưng trung lập không có nghĩa là thờ ơ. Thụy Sĩ phản đối chiến dịch quân sự của Nga ở Ukraine. Bên ngoài lĩnh vực quân sự, quyền trung lập không cản trở sự đoàn kết và hỗ trợ đối với Ukraine và người dân nước này”. Bộ trên nêu rõ, hội nghị mà nước này cho rằng sẽ mở đường cho “tiến trình hòa bình trong tương lai” sẽ tập trung vào các vấn đề được toàn cầu quan tâm như an toàn hạt nhân, tự do hàng hải, an ninh lương thực và các vấn đề nhân đạo.

Thụy Sĩ nhấn mạnh, Nga phải tham gia vào quá trình này, nhưng biện minh rằng họ không nhận được lời mời vào tháng tới với lý do Moscow đã nhiều lần nói rằng họ không quan tâm đến việc tham gia. Đáp lại, Điện Kremlin mô tả Thụy Sĩ là nước “đối đầu công khai” và không thích hợp làm trung gian trong các nỗ lực xây dựng hòa bình, đặc biệt vì nước này áp dụng các lệnh trừng phạt của Liên minh châu Âu (EU) đối với Moscow.

Theo các nhà ngoại giao phương Tây và các chuyên gia chính sách đối ngoại Thụy Sĩ, thay vì kết thúc xung đột, hội nghị thượng đỉnh lần này sẵn sàng hướng tới việc giảm thiểu rủi ro xuất phát từ việc Nga tiến hành chiến dịch quân sự ở Ukraine và tìm cách cô lập Moscow. Cựu Đại sứ Thụy Sĩ tại Australia, Singapore và Kuwait, ông Daniel Woker cho biết: “Hội nghị sẽ nhằm bảo vệ Ukraine hơn là xây dựng cầu nối cho hòa bình ngay lập tức”. Trong khi đó, cựu Đại sứ Thụy Sĩ tại Đức Thomas Borer cho biết, lợi ích kinh doanh và an ninh của Thụy Sĩ gắn liền với Tây Âu, Bắc Mỹ và các đồng minh của họ, khiến việc sát cánh với Ukraine là điều cấp thiết về mặt chiến lược. Ông nói thêm rằng, sự phản đối của chính phủ về việc chấm dứt tính trung lập sẽ không thay đổi được điều đó: “Cả Nga lẫn các nước phương Tây đều không coi chúng tôi là trung lập”. Vị cựu Đại sứ này cùng một số nhà phê bình khác chia sẻ quan điểm chung rằng, tính trung lập là một chủ nghĩa lỗi thời được sử dụng như một cái cớ để bảo vệ lợi ích kinh tế và tài chính của Thụy Sĩ, đồng thời có nguy cơ cô lập nước này. Về phần mình, ông Franziska Roth, nghị sĩ tại quốc hội Thụy Sĩ thuộc đảng Dân chủ Xã hội trung tả, cho biết: “Tuyên bố trung lập là nhằm trốn tránh đối với một quốc gia về cơ bản đang được hưởng sự an toàn miễn phí mà những nước khác cung cấp”.

Về phía Nga, Ngoại trưởng nước này Sergei Lavrov hôm 13/5 đã lên tiếng chỉ trích hội nghị về Ukraine tại Thụy Sĩ là động thái áp đặt tối hậu thư với Moscow. Trước đó, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov lưu ý rằng, Nga sẽ không tham gia hội nghị hòa bình quốc tế, dự kiến tổ chức ở Thụy Sĩ vào tháng 6 tới và bất kỳ cuộc đàm phán nào nhằm giải quyết xung đột ở Ukraine sẽ không có giá trị nếu không có sự tham gia của Nga.

https://cand.com.vn/binh-luan-quoc-te/chuyen-cong-du-giua-luc-nuoc-soi-lua-bong-i731217/

Khổng Hà / cand.com.vn