Trong bối cảnh cạnh tranh ngày càng khốc liệt, hai nền kinh tế lớn nhất thế giới đều hiểu rằng nhân lực trình độ cao là một trong những yếu tố quyết định.
Có một điều Tổng thống Mỹ Joe Biden và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đều đồng ý với nhau. Như ông Biden đã nói vào tháng 7, “khi chúng ta cạnh tranh cho tương lai của thế kỷ 21 với Trung Quốc và các quốc gia khác, phải luôn dẫn đầu trong phát triển khoa học và công nghệ tiên tiến”.
Ông Tập cũng bày tỏ quan điểm tương tự với một nhóm các nhà khoa học và kỹ sư hồi tháng 5: “Đổi mới khoa học và công nghệ đã trở thành chiến trường chính của trò chơi chiến lược quốc tế, và sự cạnh tranh xung quanh các đỉnh cao khoa học và công nghệ là khốc liệt chưa từng có”.
Tuy nhiên, sức mạnh công nghệ của một quốc gia đến từ năng lực đổi mới, và cốt lõi làm nên năng lực này là những cá nhân có trình độ cao. Nếu không có hệ sinh thái các nhà sáng lập doanh nghiệp, nhà khoa học và kỹ sư, thì không có sự đầu tư hay chính sách công nghiệp nào có thể mang lại những đột phá công nghệ cần thiết để thúc đẩy năng suất hoặc “sức chiến đấu” của các cuộc chiến công nghệ trong tương lai. Nói cách khác, như Remco Zwetsloot, chuyên gia về nguồn nhân lực của Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế và Chiến lược Mỹ, lập luận, “cạnh tranh công nghệ là cạnh tranh về tài năng”.
(Ảnh minh họa) |
“Một nghìn nhân tài”
Đầu năm 2020, giữa lúc thương chiến Mỹ-Trung chưa có hồi kết và căng thẳng trong lĩnh vực công nghệ giữa hai bên gia tăng, giới khoa học xôn xao khi FBI bắt giữ giáo sư Harvard Charles Lieber – một trong những nhà khoa học đầu ngành trong lĩnh vực công nghệ nano.
Ông Lieber là cố vấn cho hàng trăm sinh viên và là chủ nhiệm khoa hóa học của Harvard, bị cáo buộc lừa dối trường đại học về mối quan hệ của mình với Viện Công nghệ Vũ Hán, Trung Quốc, và không báo cáo việc liên quan đến chương trình trao đổi học thuật "một nghìn nhân tài" của Bắc Kinh. Nhà khoa học phủ nhận các cáo buộc.
“Một nghìn nhân tài” là một trong những sáng kiến tuyển dụng được Trung Quốc đưa ra để thu hút các nhà khoa học và kĩ sư nước ngoài đến Trung Quốc, góp phần đưa nước này trở thành cường quốc dẫn đầu thế giới về khoa học và công nghệ năm 2050. Từ khi khởi động vào năm 2008, chương trình đã chiêu mộ các nhà nghiên cứu từ khắp nơi trên thế giới bao gồm những nước có nền khoa học công nghệ phát triển như Mỹ, Anh, Đức, Singapore, Canada, Nhật Bản, Pháp, Australia. Chương trình này cũng thu hút những người Trung Quốc ở nước ngoài về nước thông qua các chế độ đãi ngộ về lương, thưởng, phúc lợi cho gia đình và con cái.
Theo một báo cáo của thượng viện Mỹ, Một nghìn nhân tài chỉ là một trong hơn 200 chương trình tuyển mộ tương tự của Trung Quốc. Các chương trình này đã thu hút khoảng 60.000 chuyên gia từ năm 2008-2016.
Cùng thời gian đó, lĩnh vực phát triển khoa học và tài sản trí tuệ tại Trung Quốc tăng tốc vượt bậc. Năm 2019, Trung Quốc vượt Mỹ nộp số bằng sáng chế quốc tế nhiều nhất.
Bằng sáng chế quốc tế theo năm. (Ảnh chụp màn hình: The Conversation) |
Vụ bắt giữ Lieber như “cảnh báo” công chúng Mỹ về những nỗ lực lâu dài của Trung Quốc trong việc tuyển dụng các nhà khoa học ở nước ngoài. Các nước phương Tây khác cũng tỏ ra lo ngại về các vấn đề sở hữu trí tuệ và ảnh hưởng của chính phủ Trung Quốc xung quanh dự án. Đứng trước những lo ngại, chương trình đã đổi tên vào năm 2018, nhưng các nỗ lực tuyển dụng nhân lực chất lượng cao của Trung Quốc vẫn tiếp tục mở rộng và phát triển sâu rộng hơn.
Cuộc cạnh tranh gay gắt
Cuộc “cạnh tranh tài năng” để từ đó giành lợi thế về công nghệ và các lĩnh vực khác giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới đang ngày càng nóng lên.
Năm 2019, một ủy ban thượng viện Mỹ tuyên bố chương trình tuyển mộ nhân tài của Trung Quốc là một mối đe dọa với các lợi ích của nước này. Tuyên bố cho rằng một nhà nghiên cứu tham gia chương trình đã đánh cắp thông tin về động cơ máy bay quân sự của Mỹ và rộng hơn là Trung Quốc đã thông qua chương trình để sử dụng các nghiên cứu và chuyên môn của Mỹ để thu lợi về kinh tế và quân sự.
Tháng 7/2021, một dự luật của Hạ viện Mỹ được thông qua cấm các nhà khoa học và học giả tham gia vào các dự án nghiên cứu Mỹ tài trợ nếu họ cũng đang tham gia các chương trình khác nhận được sự hỗ trợ từ Bắc Kinh.
Ông Lieber bên ngoài một phiên tòa. (Ảnh: Reuters) |
Trong bối cảnh thiếu hụt “nhân tài kĩ thuật số”, những chính sách tương tự của Washington cũng gây lo ngại về việc làm ảnh hưởng đến chính môi trường phát triển của nước này. Song Quốc hội Mỹ đã nói rõ rằng họ không muốn ngừng tất cả các chương trình trao đổi học thuật và hiểu tầm quan trọng của hợp tác trong nghiên cứu.
Trong cuộc chiến nguồn nhân lực, Trung Quốc có lợi thế rõ ràng hơn so với Mỹ về quy mô dân số. Các trường đại học Trung Quốc dự kiến có gần gấp đôi số lượng tiến sĩ nhóm ngành STEM (khoa học, công nghệ, kĩ thuật, toán) so với Mỹ, tính đến năm 2025. Khi số lượng và chất lượng của nhóm lao động này ngày càng cải thiện, Bắc Kinh sẽ hướng các khoản trợ cấp để tập trung nguồn lực vào phát triển các công nghệ tiên tiến như chất bán dẫn, robot, viễn thông 5G và công nghệ sinh học.
Bắc Kinh cũng có nhiều chính sách để thu hút và giữ chân lao động có năng lực. Những ứng viên tham gia bất kỳ chương trình đào tạo quốc gia và địa phương nào của Trung Quốc sau đó đều có thể đăng ký, ứng tuyển và được kết nối với các nhà tuyển dụng tiềm năng thông qua một cổng tuyển dụng trực tuyến duy nhất. Các chuyên gia Trung Quốc ở nước ngoài trở về nước được hưởng nhiều chính sách đãi ngộ cho bản thân và gia đình.
Chính phủ Trung Quốc đã thành lập hơn 600 cơ sở tuyển dụng trên toàn cầu. Con số này bao gồm 146 ở Mỹ, 57 ở Đức và 57 ở Australia, hơn 40 ở mỗi nước Anh, Canada, Nhật Bản và Pháp.
Các đại lý tuyển dụng được trả hơn 20.000 USD hàng năm cộng với các ưu đãi cho mỗi lần tuyển dụng thành công. Họ làm việc với các nhà nghiên cứu cá nhân nhiều hơn là các tổ chức vì quản lý dễ dàng hơn. Những người tham gia các chương trình không phải rời bỏ công việc đang làm.
Tuy nhiên, lợi thế cũng đi kèm thách thức khi dân số Trung Quốc đứng trước nguy cơ già hóa trong thời gian gần đây. Hơn nữa, chính sách nhập cư được đánh giá là hạn chế và tương đối thiếu hấp dẫn khiến người nhập cư chỉ chiếm chưa đến 1% tổng dân số Trung Quốc, so với 14% ở Mỹ. Ở những lĩnh vực mà Trung Quốc đang cố gắng đạt được sự bứt phá, một số lượng nhỏ người nhập cư có tay nghề cao cũng có thể tạo ra sự khác biệt.
Ngoài ra, Trung Quốc cũng phải khắc phục “cuộc khủng hoảng vốn nhân lực” ở vùng nông thôn, khi đây sẽ trở thành thành phần chính cho các lực lượng lao động tương lai của nước này. Hiện kỹ năng của nhóm lao động này vẫn được đánh giá là tương đối thấp.
Nhân viên một công ty khởi nghiệp ở Bắc Kinh, Trung Quốc. (Ảnh: Reuters) |
Trong khi đó, Mỹ có lợi thế lớn với chính sách cởi mở, bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ mạnh mẽ, môi trường kinh doanh được đánh giá là thoải mái và linh hoạt hơn. Các công ty hàng đầu của Mỹ như Google, Intel, AT&T, Pfizer và Tesla đều được những người nhập cư thành lập nên. Hơn một phần ba tổng số giải Nobel người Mỹ giành được từ năm 1901 thuộc về người nhập cư hoặc công dân nước ngoài đang học tập hoặc làm việc tại các trường đại học Mỹ.
Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng, để duy trì lợi thế này, Mỹ sẽ cần phải làm nhiều hơn nếu không muốn bị Trung Quốc “vượt mặt". Theo báo cáo gần nhất của Ủy ban An ninh Quốc gia về Trí tuệ Nhân tạo (AI) Mỹ, nước này “có nguy cơ thua cuộc cạnh tranh toàn cầu về AI nếu họ không trau dồi thêm nhân tài tiềm năng ở trong nước, cũng như tuyển dụng và giữ chân nhiều người tài hơn từ nước ngoài”.
Ngoài việc nỗ lực chứng minh rằng Mỹ tiếp tục chào đón các nhân tài sinh ra ở nước ngoài, Washington cũng cần khẩn trương loại bỏ các vấn đề tồn đọng đối với việc cấp thẻ xanh (thẻ thường trú cho phép công dân sinh sống và làm việc lâu dài tại Mỹ) và thúc đẩy cải cách nhập cư.
Mỹ cũng phải đối mặt với vấn đề thiếu hụt nhân lực kĩ thuật cao trong nhóm ngành sản xuất, khi những ngành này không phổ biến với người trẻ và cạnh tranh với nhóm ngành thương mại điện tử.
Các công ty lớn ở Mỹ thu hút nhiều lao động nhập cư tay nghề cao trên thế giới. (Ảnh minh họa) |
Ai sẽ chiến thắng?
Theo chuyên gia Graham Allison từ trường Havard Kennedy, một chương trình kiểu như “một triệu nhân tài” có thể giúp Mỹ duy trì vị thế trong cuộc cạnh tranh khoa học công nghệ ngày càng căng thẳng với Trung Quốc.
Tuy nhiên, bỏ qua việc nước nào thu hút được nhiều người tài năng hơn, việc biến những người tài này thành lực lượng lao động có chất lượng và sử dụng được công nghệ cao mới thực sự giải quyết vấn đề.
Như vậy, Mỹ, đứng trước mối đe dọa bị “soán ngôi” toàn cầu trong lĩnh vực công nghệ, sẽ phải tìm cách tiếp tục thu hút người lao động nước ngoài trong khi cân bằng với những gì mà nước này coi là “mối đe dọa” từ sự cạnh tranh không lành mạnh. Còn Trung Quốc, bên cạnh đào tạo trình độ cao, sẽ muốn cải thiện giáo dục phổ thông để những người trẻ sẵn sàng hơn cho các công việc của kỉ nguyên tương lai, tiếp tục lao vào cuộc đua.
Mỹ cho tổ chức Trung Quốc vào danh sách đen vì "vũ khí kiểm soát trí não" Bộ Tài chính Mỹ đưa 34 công ty và viện nghiên cứu Trung Quốc vào danh sách đen, trong đó Washington cáo buộc một tổ ... |
Kinh tế Mỹ và Trung Quốc phụ thuộc nhau thế nào Sau cả thập kỷ, hai nền kinh tế lớn nhất thế giới có mối quan hệ mật thiết cả về thương mại, chuỗi cung ứng ... |