Trong thời gian gần đây, các quan chức phương Tây đã cảnh báo về một cuộc giao tranh kéo dài ở Ukraine. Nhóm các nền kinh tế phát triển hàng đầu thế giới (G7) dự đoán cuộc xung đột này có thể kéo dài thêm 6 đến 7 năm nữa.

Trong khi cựu cố vấn của Tổng thống Ukraine, ông Aleksey Arestovich dự báo, cuộc xung đột Nga – Ukraine có thể kéo dài hơn một thập niên nữa và hai bên khó có thể giải quyết những bất đồng trong tương lai gần.

Nguyên nhân kéo dài xung đột

Ông Aleksey Arestovich nhấn mạnh: “Cuộc xung đột chắc chắn sẽ kéo dài đến năm 2035” và giai đoạn xung đột căng thẳng sẽ diễn ra cho tới thời điểm đó. Tuy nhiên,  cựu cố vấn của Tổng thống Ukraine lập luận rằng, cuộc đối đầu không nhất thiết phải mang tính chất quân sự. Hai bên có thể đạt được lệnh ngừng bắn hoặc chấm dứt hoàn toàn các hành động thù địch, nhưng xung đột sau đó, sẽ tiếp tục trên các mặt trận ngoại giao, tình báo, kinh tế và thông tin. “Ukraine phải làm quen với việc sống trong tình trạng bị đe dọa quân sự thường xuyên và duy trì tình trạng cảnh báo nâng cao”, ông nói; đồng thời đề xuất Kiev nên học hỏi kinh nghiệm từ Israel nếu muốn thích nghi với hoàn cảnh này. Theo nhà chính trị gia, một cuộc chiến tranh hoặc sự cố biên giới có thể xảy ra bất cứ lúc nào, ngay cả sau khi cuộc chiến hiện tại kết thúc.

Cuộc xung đột Ukraine sẽ kéo dài tới khi nào? -0
Binh sĩ Ukraine ở gần Izyum, miền Đông Ukraine.

Trong khi đó, giải thích cho dự đoán của mình, G7 nêu rõ, nguyên nhân là do cuộc phản công của Ukraine diễn ra chậm chạp, khiến phương Tây hạ thấp kỳ vọng. Các đồng minh sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức khi nỗ lực duy trì hỗ trợ cho Ukraine. Kiev có thể phải vật lộn với tình trạng thiếu nguồn cung vũ khí từ phương Tây và tổn thất nhân sự ngày càng gia tăng. Theo các quan chức phương Tây, bất chấp viễn cảnh tồi tệ này, Kiev và các đồng minh vẫn phản đối đàm phán và không sẵn lòng chấp nhận bất kỳ giải pháp nào với Moscow, nếu giải pháp đó không bao gồm việc quân đội Nga rút hoàn toàn khỏi các vùng lãnh thổ mà Ukraine tuyên bố chủ quyền.

Về phần mình, Nga đã nhiều lần tuyên bố sẵn sàng tiến hành các cuộc đàm phán hòa bình, nhưng nhấn mạnh rằng các cuộc đàm phán này phải tính đến lợi ích của Moscow và “thực tế trên thực địa”. Theo đó, Ukraine phải chấp nhận 4 vùng lãnh thổ cũ của nước này sáp nhập Nga sau các cuộc trưng cầu dân ý vào năm 2022. Bên lề phiên họp Đại hội đồng LHQ hôm 23/9, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cũng nhấn mạnh, Moscow sẵn sàng tham gia đàm phán hòa bình, nhưng sẽ không xem xét bất kỳ đề xuất ngừng bắn nào, vì trước đó họ đã bị “lừa dối”.

Phương Tây phân cực

Mỹ khẳng định họ sẽ duy trì sự ủng hộ “miễn là cần thiết”, như Tổng thống Joe Biden đã nhiều lần đưa ra trong năm nay. Ở châu Âu, Anh, Pháp, Đức và đặc biệt là các nước ở Đông Âu đều có tuyên bố tương tự. Các nhà phân tích chỉ ra thực tế rằng, điều này phụ thuộc cả vào khả năng cung cấp cho Ukraine đủ vũ khí, đạn dược và ý chí chính trị để làm điều đó. Nhưng một số nước châu Âu đã bắt đầu lo lắng và mối lo ngại đang dần nổi lên ở cả hai bờ Đại Tây Dương, rằng sự hỗ trợ đó có thể không được duy trì khi những rạn nứt đã xuất hiện trong một liên minh phương Tây vốn từng thống nhất đứng sau Ukraine.

Tình thế chính trị trước bầu cử ở Ba Lan và Slovakia, nơi có tranh cãi thương mại với Ukraine (về vấn đề ngũ cốc) đã gây căng thẳng và sự phản đối ngày càng tăng đảng Cộng hòa ở Mỹ đối với khoản viện trợ lớn của Washington để hỗ trợ cho Ukraine đã làm dấy lên những bất ổn mới về cam kết của phương Tây sau gần 19 tháng nổ ra xung đột.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã chọc giận nước láng giềng Ba Lan - một đồng minh quân sự quan trọng ở châu Âu - khi ông phát biểu trước Đại hội đồng LHQ ở New York tuần trước rằng, Kiev đang nỗ lực bảo vệ các tuyến đường bộ để xuất khẩu ngũ cốc trong bối cảnh Nga phong tỏa Biển Đen, nhưng “bối cảnh chính trị” xung quanh vấn đề nhập khẩu ngũ cốc đang “có lợi cho Nga”, ám chỉ đến cuộc bầu cử sắp diễn ra tại Ba Lan. Phản ứng với bình luận trên, Thủ tướng Ba Lan Mateusz Morawiecki cảnh báo Ukraine không bao giờ được “xúc phạm” người Ba Lan, một lời lẽ gay gắt bất thường đối với Kiev, đồng thời tuyên bố “không chuyển giao bất kỳ loại vũ khí nào cho Ukraine nữa”. Về phần mình, Ngoại trưởng Ba Lan Zbigniew Rau tuyên bố, Warszawa sẽ tiếp tục hỗ trợ Kiev, nhưng họ phải bảo vệ nông dân của mình: “Ba Lan càng mạnh thì càng có thể giúp đỡ Ukraine nhiều hơn”.

Ở Mỹ, môi trường chính trị đã thay đổi đáng kể kể từ khi Tổng thống Volodymyr Zelensky phát biểu trước Quốc hội  vào tháng 12 năm ngoái. Dù nhà lãnh đạo Ukraine vẫn nhận được cam kết về gói viện trợ tiếp theo, nhưng phe cánh hữu cứng rắn của đảng Cộng hòa, dẫn đầu bởi cựu Tổng thống Donald Trump, đối thủ cạnh tranh chính hiện tại của Tổng thống Joe Biden trong cuộc đua vào Nhà Trắng năm 2024, ngày càng phản đối việc gửi thêm tiền ra nước ngoài. Và sự phản đối này không chỉ có họ.

Một cuộc thăm dò của kênh truyền hình CNN vào tháng 8 cho thấy đa số người Mỹ, 55%, nói rằng Quốc hội Mỹ không nên cấp thêm tài trợ cho Ukraine. Sự phân cực cũng được thể hiện giữa cử tri của lưỡng đảng trong Quốc hội, với 71% đảng viên Cộng hòa phản đối nguồn tài trợ mới, so với 62% đảng viên đảng Dân chủ cho biết họ ủng hộ nguồn viện trợ bổ sung. Gói viện trợ mới cho Ukraine trị giá 24 tỷ USD mà Tổng thống Joe Biden đang thúc đẩy Quốc hội thông qua có thể cuối cùng sẽ được chấp nhận, nhưng bao nhiêu nữa và trong bao lâu, là câu hỏi sẽ còn đọng lại ở Washington rất lâu sau khi Tổng thống Volodymyr Zelensky trở lại Kiev. Ngoài hỗ trợ tài chính, đây là điều khiến các nhà ngoại giao châu Âu đau đầu. Nhiều người trong số họ có lẽ đã nhận thấy cách Tổng thống Joe Biden chỉ đề cập đến Ukraine ở cuối bài phát biểu của ông tại LHQ.

Bất chấp từ Washington đến Warsaw đang có vấn đề về viện trợ quân sự và khả năng giúp đỡ Ukraine, các quan chức phương Tây đã làm dịu sự rạn nứt - và đang củng cố các nỗ lực nhằm thu hút các nước ngoài phương Tây tham gia và/hoặc duy trì cam kết ủng hộ Kiev. Trong một nỗ lực phối hợp, các đại biểu châu Âu tại LHQ đã tìm cách thuyết phục các nước ngoài châu Âu rằng, cuộc xung đột Nga - Ukraine không chỉ là một cuộc giao tranh của châu Âu.

Đại diện cấp cao Liên minh châu Âu (EU) về chính sách đối ngoại và an ninh Josep Borrell cho biết: “Chúng tôi đã phối hợp tiếp cận các nước thứ ba - trong số tất cả các bộ trưởng (EU) - và tôi có thể nói rằng, tất cả cùng nhau, chúng tôi sẽ có cuộc gặp với 133 đối tác tại New York trong tuần này”. Bình luận trên được đưa ra trong bối cảnh các đồng minh phương Tây của Ukraine đang nỗ lực lôi kéo các quốc gia ở “Nam toàn cầu” (các nước đang phát triển và mới nổi ngoài phương Tây) trước một trật tự thế giới đang thay đổi. Ông Josep Borrell xác định quan điểm chung của châu Âu là tìm kiếm “hòa bình, nhưng là hòa bình công bằng” cho Ukraine, dựa trên kế hoạch hòa bình của Tổng thống Zelensky, mà các quan chức châu Âu dự định huy động “số lượng ủng hộ lớn nhất” trong suốt tuần diễn ra khóa họp 78 của Đại hội đồng LHQ.

Nhưng ngay cả Ngoại trưởng Litva Gabrelius Landsbergis, một trong những người ủng hộ Ukraine mạnh mẽ trong EU, cũng thừa nhận về một “sự thay đổi” rõ ràng khi nói đến sự chú ý dành cho cuộc xung đột ở Ukraine tại New York so với cuộc họp năm ngoái. Khi được hỏi các bước tiếp theo sau khóa họp ở New York là gì, Ngoại trưởng Litva đề cập đến sự cần thiết phải “xem xét lại chiến lược hỗ trợ để dẫn đến chiến thắng cho Ukraine”.

https://cand.com.vn/binh-luan-quoc-te/cuoc-xung-dot-ukraine-se-keo-dai-toi-khi-nao--i708440/

Khổng Hà / cand.com.vn