Các tỷ phú đua nhau bay vào không gian với lý tưởng "giải cứu" trái đất, bảo vệ môi trường, nhưng hành động thực tế của họ lại trái ngược hoàn toàn.
Chuyến bay đầu tiên có hành khách của Blue Origin dự kiến khởi hành vào 20/7. Bốn vị khách đặc biệt của phi hành đoàn là tỷ phú Jeff Bezos cùng em trai ông - Mark Bezos, nữ phi công 82 tuổi tên Wally Funk và người bí ẩn, thắng cuộc đấu giá 28 triệu USD cho chiếc vé trên tàu New Shepard.
Không chịu ngồi yên, tỷ phú Richard Branson - nhà sáng lập Virgin Galactic cũng nhanh chóng bắt kịp cuộc đua, tuyên bố bay vào vũ trụ vào ngày 11/7. Mặc dù khẳng định không cố tình tranh đua với Jeff Bezos, thông báo của ông chỉ diễn ra vài giờ sau khi Jeff đăng tải thông tin về chuyến bay của mình.
Cuộc đua bay vào không gian còn có sự góp mặt của một tỷ phú công nghệ nhiều tai tiếng khác - Elon Musk, người từng mong sẽ được chết trên sao hoả. Dù không thể trở thành vị tỷ phú đầu tiên bay vào vũ trụ, Elon Musk đã thắng gói thầu lớn và có cơ hội cùng với NASA khởi động lại dự án đưa người lên Mặt Trăng vào năm 2024. Trước đó, Blue Origin của Bezos phải chi khoảng 625 nghìn USD cho việc vận động hành lang nhằm có được hợp đồng với NASA.
Từ trái qua phải: Richard Branson, Jeff Bezos, Elon Musk. |
Đằng sau cuộc đua bay vào không gian là khát vọng lớn hơn của ba vị tỷ phú. Họ đều muốn "giải cứu" Trái Đất và đặc biệt quan tâm về vấn đề biến đổi khí hậu. Mong muốn này được Elon Musk hiện thực hoá bằng việc đầu tư vào hãng xe điện Tesla và các dự án năng lượng mặt trời. Năm 2020, Jeff Bezos cũng cam kết sẽ tài trợ 10 tỷ USD cho quỹ Trái Đất nhằm giảm biến đổi khí hậu. Thậm chí, ông còn đặt tên cho một trung tâm thể thao tại Seattle, Mỹ là Climate Pledge Arena (Cam kết vì khí hậu) để thể hiện sự hào phóng đối với các vấn đề về môi trường của mình.
Tỷ phú Richard Branson cũng cam kết đầu tư 3 tỷ USD trong vòng 10 năm để tìm ra giải pháp thay thế nhiên liệu hóa thạch, nguồn cung năng lượng chính cho hãng hàng không của ông. Tuy nhiên, sau khi đưa ra cam kết trên, Branson đã mua thêm nhiều máy bay khác. Lượng khí thải của hãng hàng không Virgin tăng vọt hơn 40%.
Mặc dù cam kết bảo vệ môi trường, cả ba vị tỷ phú đều sở hữu hàng loạt công ty với lượng khí thải ồ ạt xả ra môi trường. Những mâu thuẫn trong phát ngôn và hành động thực tế của họ gặp phải nhiều chỉ trích của dư luận. Để biện hộ cho điều này, các tỷ phú công nghệ đưa ra một lựa chọn khác - bay vào vũ trụ.
Bezos từng nhiều lần đăng trên Twitter rằng "chúng tôi lên vũ trụ để cứu Trái Đất". Trong một phát biểu vào năm 2019, ông cho rằng, khi loài người còn ở Trái Đất, chúng ta sẽ luôn bị hạn chế bởi lượng tài nguyên hữu hạn. Bằng cách đi vào không gian, loài người sẽ tiếp cận được với nguồn tài nguyên vô hạn.
"Nếu chúng ta tiến vào hệ Mặt Trời, dân số loài người có thể lên đến một nghìn tỷ, có nghĩa là sẽ có thêm một nghìn Einstein và một nghìn Mozart. Đây sẽ là một nền văn minh đáng kinh ngạc", Bezos lập luận. Trái ngược hoàn toàn với những mong muốn của ông về sự phát triển của văn minh loài người, hàng nhìn nhân viên tại Amazon đang phải đi vệ sinh trong chai để đảm bảo tiến độ công việc.
Elon Musk, người từng có nhiều ủng hộ mạnh mẽ về năng lượng tái tạo, chống biến đổi khí hậu đang bị chỉ trích là kẻ đạo đức giả khi ủng hộ tiền kỹ thuật số, đầu tư Bitcoin. Ngày càng nhiều người cho rằng lý tưởng bay vào không gian, "giải cứu" loài ngừoi của Musk và các tỷ phú công nghệ khác chỉ là chiêu trò để đánh lạc hướng dư luận khỏi những vấn đề môi trường nghiêm trọng mà họ đang trực tiếp tham gia vào.
"Có lẽ chiến thắng trong cuộc đua không gian sắp tới giữa những vị tỷ phú công nghệ không đo đếm bằng số lượng hành tinh họ có thể đặt chân đến mà là số lượng ý kiến trái chiều họ có thể dập tắt được", Bussiness Insider bình luận.
Mỹ Quyên (theo Business Insider)
Gian lận công nghệ cao - Phòng, chống ra sao? |
Dùng công nghệ vũ khí tiên tiến để tấn công Palestine, Israel tham vọng điều gì? |
TP HCM thay đổi chiến thuật dập dịch: Vaccine + 5K + Công nghệ |