Trong khi Nga tăng cường mở rộng kiểm soát thành phố Sievierodonetsk thì Mỹ và Đức lần lượt tuyên bố viện trợ thêm vũ khí cho Ukraine. Những động thái này, đặt trong bối cảnh cuộc chiến Nga-Ukraine đã bước sang tháng thứ 3, được cho là sẽ đổ thêm dầu vào lửa khiến xung đột kéo dài thêm.
- Thổ Nhĩ Kỳ đề xuất đàm phán Nga - Ukraine, đại diện Liên hợp quốc tham dự
- Iran đề xuất tổ chức đàm phán hoà bình Nga - Ukraine
Sau nhiều ngày giao tranh ác liệt tại thành phố công nghiệp Sievierodonetsk, quân đội Nga ngày 2/6 đã giành quyền kiểm soát khoảng 70% thành phố này. “Thật không may, hôm nay, quân đội Nga đã kiểm soát phần lớn thành phố”, The Guardian dẫn lời Thống đốc khu vực Lugansk Serhiy Gaidai cho biết.
Nếu Nga chiếm được Sievierodonetsk và Lysychansk, toàn bộ Lugansk - một trong hai tỉnh tại Donbass mà Moscow tuyên bố đại diện cho phe ly khai - sẽ nằm trong tầm kiểm soát của nước này. Đặc biệt, việc chiếm được Lugansk sẽ giúp hoàn thành một trong những mục tiêu chính của Tổng thống Nga Putin và củng cố sự thay đổi cục diện chiến trường sau khi lực lượng Nga bị đẩy lùi khỏi thủ đô Kiev và miền Bắc Ukraine, Reuters nhận định.
Trước những diễn biến tấn công từ phía Nga, Tổng thống Mỹ Joe Biden ngày 1/6 (giờ địa phương) đã công bố gói hỗ trợ vũ khí trị giá 700 triệu USD cho Ukraine, bao gồm các hệ thống tên lửa pháo binh cơ động cao (HIMARS), có thể bắn chính xác các mục tiêu ở khoảng cách xa 80km. “Mỹ sẽ sát cánh với các đối tác Ukraine và tiếp tục cung cấp cho Ukraine những vũ khí và thiết bị cần thiết để tự vệ”, ông chủ Nhà Trắng nhấn mạnh.
Gói hỗ trợ mới của Mỹ cho Ukraine cũng bao gồm đạn dược, radar phản lực, một số radar giám sát đường không, tên lửa chống tăng Javelin, cũng như vũ khí chống thiết giáp. Cùng ngày, Thủ tướng Đức Olaf Scholz tuyên bố: “Chính phủ Đức đã quyết định sẽ cung cấp hệ thống phòng không IRIS-T hiện đại nhất mà Đức sở hữu cho Ukraine”.
Thủ tướng Scholz cho biết thêm, Đức đã liên tục chuyển giao vũ khí hỗ trợ Ukraine kể từ khi chiến sự nổ ra tại nước này hôm 24/2, trong đó có 15 triệu viên đạn, 100.000 lựu đạn và hơn 5.000 quả mìn chống tăng. Ngoài ra, theo Thủ tướng Olaf Scholz, Đức sẽ hợp tác chặt chẽ với Mỹ để xem xét khả năng cung cấp nhiều bệ phóng tên lửa cho Ukraine với tầm bắn nằm ngoài lãnh thổ của Nga.
Những động thái này xuất phát từ thực tế: Yêu cầu của Ukraine về vũ khí hạng nặng gia tăng trong những tuần gần đây, khi Moscow đưa hỏa lực mạnh nhất tham chiến. Theo cố vấn chính phủ Ukraine Danylyuk, giao tranh diễn ra ác liệt đến mức Ukraine đang "ngốn" rất nhanh chóng mọi khí tài mà họ có.
“Các lực lượng Nga đã chuyển sang một chiến lược tốt hơn trước nhiều. Họ đã bắt đầu coi các lực lượng Ukraine như đối thủ nặng ký, điều này không tốt cho chúng tôi”, ông nhấn mạnh. Từ đó, Ukraine kêu gọi các đồng minh cung cấp các hệ thống có khả năng phóng đồng thời nhiều tên lửa (MLRS) nhằm đánh trúng nơi tập trung quân của Nga và kho vũ khí ở hậu phương của Nga.
Giới quan sát nhận định, việc chuyển giao hệ thống IRIS-T đánh dấu một trong những thay đổi lớn trong chính sách đối ngoại của Đức, bởi trước đây Đức luôn dè chừng việc cấp vũ khí hạng nặng cho Ukraine vì lo ngại leo thang căng thẳng với Nga. Trong khi đó, phía Washington cho biết những loại vũ khí mới này sẽ giúp Ukraine có được “lợi thế trên bàn đàm phán”, đồng thời khẳng định hệ thống vũ khí chuyển giao cho Ukraine lần này không nhằm cho phép các lực lượng Ukraine tấn công Nga.
Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken trong một tuyên bố mới đây nhấn mạnh: "Cụ thể đối với các hệ thống vũ khí đang được cung cấp, phía Ukraine đã đảm bảo với chúng tôi rằng họ sẽ không sử dụng các hệ thống này chống lại các mục tiêu trên lãnh thổ Nga. Tôi cũng muốn nhấn mạnh rằng, Tổng thống Biden đã nói với Tổng thống Putin rằng, Mỹ sẽ tiếp tục cung cấp sự hỗ trợ an ninh cho Ukraine để nước này tự vệ trong trường hợp Nga chưa ngừng các cuộc tấn công”.
Tuy nhiên, quan điểm của phía Mỹ vấp phải sự phản đối mạnh mẽ từ Nga. Hôm 1/6, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergey Ryabkov cho rằng “bất kỳ nguồn cung cấp vũ khí nào cho Ukraine cũng sẽ khiến căng thẳng tiếp tục leo thang và sẽ làm tăng nguy cơ phát triển thành một cuộc đối đầu trực tiếp giữa Nga và Mỹ”.
Theo ông Ryabkov, việc Mỹ cung cấp vũ khí cho Ukraine đã ngăn cản nỗ lực cuối cùng của Moscow trong việc đàm phán với Kiev cũng như giải quyết những lo ngại của Nga liên quan việc mở rộng của NATO ở châu Âu. Người phát ngôn điện Kremlin Dmitry Peskov cũng cho biết, Moscow không tin vào những cam kết của Ukraine về việc không sử dụng các loại vũ khí tầm xa này để tấn công vào lãnh thổ Nga. “Mỹ đang đổ dầu vào lửa một cách có chủ ý và nhiệt tình”, ông nhận định.
Đặt trong bối cảnh tình hình giao tranh giữa Nga và Ukraine chưa có dấu hiệu hạ nhiệt dù đã bước vào tháng thứ ba, giới phân tích cho rằng, động thái tiếp thêm vũ khí cho Kiev của phương Tây có thể nhằm “kiểm tra giới hạn” của Moscow và lâu dài làm suy giảm sức mạnh quân sự cũng như kinh tế nước này. Tuy nhiên, việc sử dụng vũ khí như một phép thử cũng sẽ tiếp tục đẩy cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine đi xa hơn, với nhiều hệ lụy mà không chỉ Nga hay Ukraine phải gánh chịu.
https://cand.com.vn/Quoc-te/dong-thai-them-dau-vao-lua-han-sau-xung-dot-nga-ukraine-i655840/