Việc này xảy ra ngay sau thông báo ngày 19/8 (giờ địa phương) của Tập đoàn năng lượng Gazprom (Nga) rằng cơ quan này sẽ ngừng vận hành hoàn toàn hệ thống đường ống “Dòng chảy phương Bắc 1” (Nord Stream 1) trong 3 ngày cuối tháng Tám này để phục vụ công tác bảo trì.
- Gazprom: Nga tạm dừng dòng chảy khí đốt sang EU qua Nord Stream 1
- Châu Âu “lao đao” vì cú sốc khí đốt
Theo thông báo của Gazprom, từ ngày 31/8 - 2/9, thiết bị nén khí còn vận hành duy nhất của hệ thống đường ống Nord Stream 1 sẽ được tiến hành bảo trì định kỳ bởi “chuyên gia Gazprom và đồng nghiệp từ tập đoàn Siemens của Đức”. Trong thời gian này, sẽ không có khí đốt vận chuyển từ Nga tới châu Âu.
Gazprom khẳng định, theo tài liệu của Siemens, các hệ thống máy nén khí phải tạm dừng hoạt động sau mỗi 1.000 giờ hoạt động để kiểm tra tình trạng vỏ máy, hệ thống cung cấp dầu bôi trơn, kiểm tra và loại bỏ rò rỉ, kiểm tra van an toàn và điều chỉnh lưu lượng luồng khí.
Sau khi hoàn thành công việc và không xảy ra lỗi kỹ thuật, hệ thống sẽ vận hành trở lại sau thời gian bảo trì, đảm bảo việc vận chuyển với công suất 33 triệu m3 khí/ngày, tương đương 20% công suất thực tế của đường ống. Sau thông báo này, giá khí đốt tại châu Âu tăng lên mức kỷ lục vào cuối phiên giao dịch ngày 19/8. Hợp đồng Khí đốt Tương lai TTF của Hà Lan tăng lên mức đóng phiên cao nhất là 257,45 euro (258,3 USD), trong bối cảnh lo ngại thiếu hụt khí đốt vào mùa Đông.
Bên cạnh đó, còn một số yếu tố khác khiến giá khí đốt tăng vọt và dẫn tới khủng hoảng khí đốt tại châu Âu. Trước năm 2022, khoảng 40% lượng khí đốt của Liên minh châu Âu (EU) do Nga cung cấp, trong đó Đức là nhà nhập khẩu lớn nhất. Kể từ khi có các lệnh trừng phạt kinh tế nhằm vào Nga, khí đốt đã trở thành thứ có thể tạo sức ép lên các đối thủ địa chính trị của Nga. Sau khi dự án đường ống “Dòng chảy phương Bắc 2” (Nord Stream 2) bị đình chỉ vào tháng 2, Đức vẫn nhận được khí đốt của Nga thông qua đường ống Nord Stream 1.
Lượng khí đốt qua đường ống này đã giảm trong suốt cả năm nay và gần đây đã giảm xuống 20% công suất. Nga nói lỗi tuabin của đường ống là nguyên nhân khiến lượng khí đốt sụt giảm. Tuy nhiên, trong khi đó, Nga đã tăng cường chuyển khí đốt cho Hungary. Tới cuối tháng 8, tập đoàn Nga Gazprom sẽ cung cấp cho Hungary thêm 2,6 triệu mét khối khí đốt mỗi ngày. Quyết tâm của châu Âu khi theo đuổi các biện pháp trừng phạt Nga sẽ bị ảnh hưởng nếu tình hình phân phối khí đốt tiếp tục diễn ra như trên.
Phần lớn kế hoạch đối phó với cuộc khủng hoảng khí đốt ở châu Âu vẫn xoay quanh việc xây dựng các cơ sở tích trữ trước mùa Đông. Ví dụ, các quốc gia EU cam kết sẽ cố gắng tích đầy các cơ sở lưu trữ khí đốt lên 85% vào tháng 11, đồng thời cam kết giảm tiêu thụ khí đốt 15% trong những tháng mùa Đông. Mùa Đông là giai đoạn rất quan trọng vì nhu cầu dùng khí đốt để sưởi ấm và thắp sáng đạt đỉnh điểm.
Tuy nhiên, mùa Hè đã khiến kế hoạch tích trữ khí đốt cho mùa Đông bị ảnh hưởng mạnh. Nhiều quốc gia trên khắp châu Âu đã trải qua những đợt nắng nóng kỷ lục, từ đó dẫn đến gia tăng nhu cầu dùng điều hòa không khí. Điều hòa không khí ở châu Âu thường chạy bằng điện được sản xuất từ khí đốt. Do đó, vào thời điểm mà châu Âu cần giảm thiểu tiêu thụ khí đốt để tích lũy càng nhiều càng tốt, thì trên thực tế nhu cầu khí đốt lại cao bất thường, làm chậm lại quá trình tích trữ khí đốt.
Trong khi châu Âu tìm cách loại bỏ khí đốt Nga thì họ lại thiếu nguồn khí đốt thay thế. Ví dụ, trong vài tuần qua, Chính phủ Anh đã tham gia các cuộc đàm phán với tập đoàn năng lượng Centrica để khôi phục địa điểm lưu trữ khí đốt ngoài khơi Rough, nằm ở Biển Bắc. Rough đã bị đóng cửa vào năm 2017 vì bị coi là không đủ quan trọng để đầu tư. Đây là quyết định cho thấy thiếu tầm nhìn xa về cuộc khủng hoảng năng lượng trên khắp châu Âu.
Trong một diễn biến khác, Đức đã đóng cửa 3 trong số 6 cơ sở điện hạt nhân còn có thể hoạt động vào cuối năm 2021. Ba cơ sở cuối cùng dự kiến bị đóng cửa trong năm nay nhưng do khủng hoảng năng lượng, Chính phủ Đức có vẻ sẽ từ chối thực hiện chính sách đó. Tuy nhiên, ngay cả những quốc gia ủng hộ năng lượng hạt nhân cũng không an toàn vào năm 2022.
Theo Hiệp hội Hạt nhân Thế giới, Pháp sản xuất khoảng 70% điện năng từ năng lượng hạt nhân, nhưng các nhà máy này đã bị ảnh hưởng nặng nề do hạn hán ở châu Âu. Nắng nóng gay gắt khiến nước sông quá ấm nên không thể làm mát cho nhà máy điện hạt nhân. Các nguồn năng lượng thay thế khác như thủy điện hay điện mặt trời cũng đang bị đình trệ vì nắng nóng quá khắc nghiệt.
Thúc đẩy tiêu thụ trong nước và đa dạng hóa xuất khẩu là nền tảng cho chiến lược năng lượng mới của Nga khi EU tìm cách loại bỏ dần việc nhập khẩu khí đốt của Nga vào năm 2027. Nhưng cả hai vấn đề đều sẽ cần các khoản đầu tư lớn và cũng đi kèm với lợi nhuận thấp hơn cho Gazprom.
Nga đang giảm xuất khẩu khí đốt sang châu Âu như một phần của chiến dịch gây áp lực lên Brussels trong bối cảnh cuộc xung đột ở Ukraine. Việc cắt giảm hoàn toàn ngay lúc này có thể hạn chế doanh thu và mất đi đòn bẩy đối với Moscow. Nhưng về lâu dài, Nga cần có kế hoạch thay thế việc bán hàng cho EU, ngay cả khi Brussels không đạt được mục tiêu đầy tham vọng của họ vào năm 2027.
Ông Sergei Kapitonov, một nhà phân tích khí đốt tại Trung tâm Dự án Skoltech về Chuyển đổi Năng lượng ở Moscow, cho biết đây là dự báo để tính toán khối lượng xuất khẩu sang châu Âu trong dài hạn. Nhưng các nước châu Âu vẫn có thể sử dụng khí đốt của Nga ngay cả sau năm 2030 vì lý do kinh tế. Nếu và khi xung đột được giải quyết, Nga vẫn có thể xuất khẩu vào thị trường EU với tư cách là nhà cung cấp phương án cuối cùng trong bối cảnh thâm hụt khí đốt hoặc giá tăng.
Trong khi đó, theo cựu Bộ trưởng Năng lượng Nga Yuri Shafranik, châu Âu vẫn có thể tiêu thụ 35 - 45 tỷ mét khối khí (bcm) mỗi năm vào năm 2030. Nhưng điều này có thể khiến hơn 130 bcm của Nga cần tìm kiếm thị trường thay thế. Do đó, một chiến lược năng lượng mới đến năm 2050 dự kiến sẽ được soạn thảo vào giữa tháng 9 tới, tập trung vào phát triển thị trường khí đốt trong nước và xây dựng cơ sở hạ tầng xuất khẩu thay thế. Thay thế hàng xuất khẩu sang châu Âu là rất quan trọng để đảm bảo doanh thu của Moscow.