Hội đồng Bảo an LHQ sẽ họp khẩn vào 2/2 về tình hình Myanmar sau cuộc đảo chính của quân đội nước này.
Cuộc họp kín diễn ra theo hình thức hội nghị trực tuyến đã được thành viên Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc (LHQ) thông qua hôm 1/2. Đặc phái viên của LHQ về Myanmar, nhà ngoại giao Thụy sĩ Christine Schraner Burgener, dự kiến sẽ thông báo cho hội đồng về diễn biến mới nhất trong cuộc họp.
Quân đội Myanmar lên nắm quyền hôm 1/2 trong cuộc đảo chính không đổ máu, bắt giữ Cố vấn Nhà nước Aung San Suu Kyi và nhiều lãnh đạo cấp cao khác của Myanmar, làm dấy lên làn sóng phản đối của quốc tế.
Người dân Myanmar tuần hành ủng hộ Cố vấn Nhà nước Aung San Suu Kyi hôm 10/12/2019. Ảnh: AFP |
Anh, quốc gia giữ chức Chủ tịch Hội đồng luân phiên vào tháng 2, đã lên kế hoạch tổ chức một cuộc họp về Myanmar trong tuần này, nhưng buộc phải đẩy sớm cuộc họp.
Đại sứ Anh tại LHQ Barbara cho biết bà hy vọng sẽ có "cuộc thảo luận mang tính xây dựng nhất có thể về Myanmar và xem xét hàng loạt biện pháp dựa theo ý nguyện của người dân mà người dân sẽ bày tỏ trong cuộc bỏ phiếu, cũng như đề nghị thả tự do cho các nhà lãnh đạo dân sự".
"Chúng tôi muốn cân nhắc các biện pháp sẽ đưa chúng ta tiến tới mục tiêu đó", Woodward nói, lưu ý chưa có biện pháp cụ thể trong thời điểm này.
"Điều quan trọng là cộng đồng quốc tế phải đồng lòng nhất trí", phát ngôn viên LHQ Stephane Dujarric bày tỏ trong phiên họp báo trước đó.
Đảng Liên minh Quốc gia vì Dân chủ (NLD) cầm quyền của Cố vấn Nhà nước Myanmar Aung San Suu Kyi thắng cử với 346 trên tổng số 412 ghế quốc hội Myanmar. Tuy nhiên, quân đội Myanmar tuyên bố đã phát hiện hơn 10 triệu trường hợp gian lận cử tri, yêu cầu uỷ ban bầu cử của chính quyền công bố danh sách cử tri để kiểm tra chéo nhưng uỷ ban không đồng ý.
Quân đội Myanmar sáng 1/2 bắt bà Suu Kyi, Tổng thống Win Myint và một số lãnh đạo cấp cao trong đảng NLD, tuyên bố tình trạng khẩn cấp để điều hành đất nước trong một năm. Chính quyền quân sự sau đó cách chức 24 bộ trưởng và thứ trưởng, công bố danh sách 11 người được bổ nhiệm vị trí lãnh đạo các bộ gồm tài chính, y tế, thông tin, ngoại giao, quốc phòng, nội vụ và biên phòng.
Mỹ, Australia và Liên Hợp Quốc phát thông điệp cảnh báo mạnh mẽ, đề nghị quân đội Myanmar thả bà Suu Kyi và các quan chức chính phủ cũng như tôn trọng ý chí của người dân, giải quyết khác biệt thông qua đối thoại hòa bình. Trung Quốc kêu gọi tất cả các bên giải quyết bất đồng theo khuôn khổ hiến pháp và pháp lý, cũng như bảo vệ ổn định chính trị và xã hội.
Hồng Hạnh (Theo AFP)
Quân đội Myanmar sẽ làm gì trong một năm tới để củng cố quyền lực? Cuộc đảo chính không đổ máu hôm 1/2 ở Myanmar kết thúc một thập kỷ nắm quyền của chính quyền dân sự, đánh dấu sự ... |
Tại sao Trung Quốc "khó xử" vì chính biến Myanmar? Cả hai bên trong cuộc chính biến ở Myanmar hôm 1/2 đều có quan hệ gần gũi với Bắc Kinh, theo nguồn tin quân sự ... |