Các cuộc tấn công tên lửa chưa từng có của Iran vào Israel là bước leo thang không thể vãn hồi và có thể kéo hai bên vào một cuộc chiến tranh toàn diện.
Tối ngày 1/10, Iran đã bắn hàng trăm tên lửa vào Israel trong động thái nhằm trả đũa các vụ Israel hạ sát thủ lĩnh Hamas và Hezbollah, các nhóm vũ trang mà Tehran hậu thuẫn trong khu vực.
Bộ Ngoại giao Israel đây là vụ tấn công tên lửa chưa từng có vào quốc gia này. Dù được Mỹ cảnh báo từ trước nhưng Tel Aviv vẫn bị bất ngờ trước quy mô hành động của Iran.
Vụ tấn công diễn ra trong bối cảnh Lực lượng phòng vệ Israel (IDF) vẫn đang tiếp tục chiến dịch quân sự ở dải Gaza và khởi động một "chiến dịch trên bộ hạn chế" ở miền nam Lebanon nhằm phá hủy cơ sở hạ tầng của Hezbollah.
Ngay sau vụ tấn công 1/10, Lực lượng Vệ binh cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) cho biết Israel sẽ phải đối mặt với hậu quả nghiêm trọng nếu trả đũa. Để đáp trả, IDF tuyên bố sẽ tấn công Iran "vào thời điểm và địa điểm" do họ lựa chọn.
Cuộc tấn công tên lửa của Iran vào Israel hôm 1/10 được xem là chưa từng có tiền lệ và gây thiệt nặng hơn nhiều so với tháng 4/2024. (Ảnh: Reuters)
Iran không muốn chiến tranh
Theo tuyên bố của Bộ Ngoại giao Iran, cuộc tấn công là đòn đáp trả cho vụ ám sát Thủ lĩnh Hezbollah Hassan Nasrallah và Thủ lĩnh nhánh chính trị Hamas Ismail Haniyeh. Cả hai phong trào này đều là đồng minh của Tehran trong "Trục kháng chiến".
Đại diện thường trực của Iran tại Liên hợp quốc nói thêm rằng cuộc tấn công là sự trả đũa hợp pháp đối với các hành vi vi phạm chủ quyền của Iran trong vụ ám sát Thủ lĩnh Hamas. Tuy nhiên thời điểm đó Tehran không có hành động đáp trả bởi hy vọng về một thỏa thuận ngừng bắn ở dải Gaza.
Kết quả Iran và các đồng minh của chỉ nhận thêm tổn thất cùng với cái chết của Thủ lĩnh Hezbollah Hassan Nasrallah.
Rõ ràng, thời điểm hành động đã đến và chỉ bằng một cuộc tấn công với hơn 180 tên lửa, Iran đã giải quyết được mọi vấn đề từ các hành động gây hấn từ phía Israel. Dù vậy Tehran muốn tránh bị kéo vào một cuộc chiến tranh toàn diện ở Trung Đông, không phải Iran sợ sức mạnh quân sự của Israel mà vì cuộc xung đột này sẽ không có bên nào thắng cuộc.
Ở phía Israel, chính quyền của Thủ tướng Benjamin Netanyahu lại tin rằng cuộc đối đầu với Iran sẽ không gây ra nhiều thiệt hại.
Tờ Washington Post dẫn lời các quan chức Mỹ giấu tên cho biết, Iran không tìm kiếm một cuộc chiến tranh toàn diện với Israel, bất chấp cuộc tấn công bằng tên lửa ngày 1/10.
Washington Post suy đoán rằng chính quyền Tổng thống Mỹ Biden sẽ một lần nữa thúc giục chính quyền Israel kiềm chế một cuộc phản công lớn.
Trong khi đó các chuyên gia của Bloomberg tin rằng mặc dù cuộc tấn công mới nhất của Iran mạnh hơn cuộc tấn công vào tháng 4, nhưng đây chỉ là giải pháp tình thế.
Các nhà phân tích của Bloomberg nhận định, cuộc tấn công đã chứng minh sự yếu kém của Iran và cho thấy rằng nước này thiếu cả khả năng và quyết tâm giáng một đòn trả đũa đáng kể vào Israel.
Dù Iran đã thỏa hiệp nhưng không làm thỏa mãn tham vọng của Israel trong việc loại bỏ Hamas và Hezbollah. (Ảnh: AP)
Iran - Israel đứng trước bờ vực xung đột
Xét đến tình hình hiện tại trong khu vực, Tổng thống Iran Masoud Pezeshkian và giới lãnh đạo nước này hiểu rằng các vấn đề về an ninh quốc gia và danh tiếng chính trị của đất nước quan trọng hơn bất kỳ cân nhắc kinh tế tức thời nào. Không phải ngẫu nhiên mà Tổng thống Iran cáo buộc Mỹ và Liên minh châu Âu thất hứa vì không thể đạt lệnh ngừng bắn ở Gaza sau khi Tehran chọn không trả đũa vụ ám sát Thủ lĩnh Hamas
Tuy nhiên, Israel đã không dừng lại và phương Tây nhắm mắt làm ngơ trước những gì đang xảy ra ở dải Gaza.
Trong tuần qua, Iran đã tích cực thảo luận về cách ứng phó với vụ ám sát Thủ lĩnh Nasrallah. Ngay cả những nhóm chính trị ôn hòa ở Tehran thường kêu gọi đối thoại với phương Tây cũng đặt ra chất vấn với Tổng thống Pezeshkian.
Và vụ ám sát Nasrallah cũng là giới hạn cuối cùng khiến Lãnh tụ tối cao Iran Ayatollah Ali Khamenei ra lệnh tấn công trả đũa.
Ông Khamenei và các đồng minh tin rằng việc không trả đũa vụ ám sát đồng minh chính trị chủ chốt của họ có thể gây tổn hại nghiêm trọng đến danh tiếng của Iran trong mắt các đồng minh và những người ủng hộ. Nói cách khác, Tehran quyết tâm phản ứng theo cách cho phép họ duy trì phẩm giá của mình mà không gây ra một cuộc chiến tranh toàn diện.
Tuy nhiên, không thể phủ nhận căng thẳng đang leo thang và rất có thể Israel sẽ phản ứng mạnh. Câu hỏi thực sự hiện nay là Israel sẽ đi xa đến đâu.
Những phát biểu của Ngoại trưởng Israel về việc Tehran vượt qua "ranh giới đỏ" cho thấy Tel Aviv không loại trừ khả năng tuyên chiến trực tiếp với Iran. Mặt khác, liệu Israel có thể mở ba mặt trận cùng lúc khi mà Gaza và miền nam Lebanon vẫn chưa thể dứt điểm.
Gần một năm đã trôi qua kể từ sự kiện bi thảm ngày 7 tháng 10, nhưng Hamas vẫn giữ những con tin người Israel có thể đã được thả từ lâu. Tuy nhiên, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu không muốn đàm phán.
Mặc dù Israel đã loại bỏ hầu hết chỉ huy của Hezbollah và một phần lãnh đạo Hamas, nhưng điều này không có nghĩa là họ đã giành được chiến thắng trước các lực lượng này. Cả Hamas và Hezbollah không còn chỉ là các đảng phái chính trị nữa – chúng đã trở thành những hệ tư tưởng được nhiều người Hồi giáo ủng hộ. Và rất khó để đánh bại một hệ tư tưởng, đặc biệt là khi nó được hỗ trợ từ bên ngoài.
Trong mọi trường hợp, một cuộc xung đột trực tiếp giữa Iran và Israel đặt ra nguy cơ leo thang nguy hiểm có thể đẩy toàn bộ Trung Đông đến bờ vực thảm họa. Với sức mạnh quân sự đáng gờm và kho vũ khí hạt nhân của Israel đại diện cho mối đe dọa nghiêm trọng đối với Iran.
Bất cứ hành động quân sự nào của Israel đều có thể dẫn đến một cuộc đối đầu quân sự quy mô lớn với hậu quả khó lường. Hơn nữa, tham gia vào các hoạt động quân sự ở nước ngoài có thể gây ra bất ổn trong chính nội bộ Iran.
Phe đối lập Iran có thể nắm bắt cơ hội này để chỉ trích chính phủ, đặc biệt là nếu những can thiệp như vậy gây ra tổn thất đáng kể cho quân đội Iran. Các chiến dịch quân sự cũng sẽ đòi hỏi nguồn tài chính đáng kể, mà Iran có thể thiếu do lệnh trừng phạt kinh tế đang diễn ra và doanh thu từ dầu mỏ giảm.
Vị trí Iran - Israel. (Đồ họa: BBC)
Cuối cùng, phải xem xét tình hình phức tạp ở các nước láng giềng. Xung đột khu vực đã bùng phát trên nhiều mặt trận, với các báo cáo đáng báo động đến từ Palestine và Yemen, cho thấy rằng một cuộc chiến tranh lớn hơn có thể là không thể tránh khỏi.
Một cuộc đối đầu trực tiếp có thể châm ngòi cho một cuộc xung đột rộng lớn hơn liên quan đến nhiều bên, bao gồm Syria, Iraq và có thể là các quốc gia ở Vịnh Ba Tư. Thổ Nhĩ Kỳ và Pakistan cũng có khả năng tham gia.
Thị trường năng lượng toàn cầu sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng và an ninh của các tuyến đường biển quan trọng có thể bị đe dọa, có khả năng dẫn đến giá năng lượng tăng vọt và bất ổn kinh tế nói chung.
Xung đột giữa Iran và Israel cũng chắc chắn sẽ thu hút sự chú ý của các cường quốc toàn cầu. Mỹ buộc phải ủng hộ "đồng minh" của mình nhưng sự ủng hộ này phải được cân nhắc kỹ lưỡng bởi nó có thể ảnh hưởng đến kết quả bầu cử Tổng thống Mỹ vào tháng 11.
Nhà Trắng hiện tại không mấy hào hứng với việc vướng vào các trò chơi chính trị của ông Netanyahu. Bất chấp những phát biểu của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin về sự ủng hộ không lay chuyển của Mỹ đối với Israel.
Cuối cùng, chỉ có bên nào hành động với sự khôn ngoan và kiên định trong mục tiêu của mình sẽ là bên chiến thắng trong cuộc đối đầu này.
https://vtcnews.vn/iran-israel-dung-truoc-bo-vuc-xung-dot-toan-dien-ar899836.html