Sau 10 lần tăng lãi suất liên tiếp trong vòng hơn một năm qua, nỗ lực kiềm chế lạm phát của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đã đạt được kết quả khả quan. Tỷ lệ lạm phát đã giảm 0,5% xuống còn 2,4% trong tháng 11-2023 so với tháng trước và dần tiệm cận tới mức mục tiêu 2%.

Tuy nhiên, nhiều nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU) cho rằng, vẫn còn quá sớm để tuyên bố thắng lợi trong cuộc chiến ngăn đà lạm phát.

eurozone.jpg
Giá cả nhiều mặt hàng tại các quốc gia Khu vực đồng tiền chung châu Âu đã giảm trong tháng 11.

Đây là tháng thứ 3 liên tiếp các quốc gia Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) chứng kiến mức lạm phát giảm, làm dấy lên hy vọng của các nhà đầu tư về việc ECB sẽ nhanh chóng giảm lãi suất đang ở mức 4% - mức cao kỷ lục kể từ khi đồng euro ra đời năm 1999. Việc liên tục nâng lãi suất cuối cùng đã mang lại hiệu quả trong cuộc chiến chống lạm phát, song cũng đồng thời bóp nghẹt hoạt động kinh tế khi khiến các nhà đầu tư muốn vay mượn phải “chùn bước” và làm giảm chỉ số tiêu dùng.

Báo cáo gần đây nhất cho thấy, tỷ lệ lãi suất cao đang gây tổn hại cho tăng trưởng kinh tế của 20 quốc gia thành viên của Eurozone. Tác động này có thể được ghi nhận ở nhiều ngành nghề kinh doanh dịch vụ như thị trường bất động sản và ngân hàng. Hiểu một cách cụ thể, chi phí đi vay cao khiến dòng tiền của các nhà đầu tư và khách hàng đổ vào thị trường bất động sản sẽ hạn chế. Trong khi đó, các ngân hàng gặp khó khăn khi nhu cầu vay vốn sụt giảm.

Việc tỷ lệ lạm phát sụt giảm đang tạo áp lực không nhỏ cho các nhà hoạch định chính sách bởi những đề nghị nhanh chóng hạ mức lãi suất ngân hàng. Tuy nhiên, trong bối cảnh triển vọng kinh tế Eurozone vẫn còn mong manh, không ít nhà lãnh đạo cho rằng, quyết định hạ lãi suất vào thời điểm này là quá sớm và chưa đánh giá đúng mức nguy cơ của lạm phát.

Chủ tịch Ngân hàng Trung ương Đức (Bundesbank) Joachim Nagel đồng thời là thành viên của Hội đồng ECB nhận định, lạm phát tại Eurozone sẽ tiếp tục giảm trong những tháng tới nhưng với tốc độ chậm hơn. Thách thức đối với các nhà lãnh đạo hiện nay là bảo đảm đủ kiên trì trong việc thắt chặt chính sách tiền tệ trong bối cảnh phải đứng trước nhiều áp lực để tuyên bố chiến thắng lạm phát. Hiện chưa chắc chắn liệu lãi suất tại Eurozone lập đỉnh hay chưa. Không loại trừ khả năng căng thẳng địa chính trị leo thang là yếu tố gia tăng nguy cơ lạm phát tăng cao trở lại. Bên cạnh đó, việc dỡ bỏ dần các biện pháp kiềm chế giá năng lượng tại các nước thành viên EU cũng có thể tác động tới thị trường. Bởi vậy, Hội đồng quản trị ECB sẽ đưa ra các quyết định lãi suất trong mỗi cuộc họp dựa vào việc đánh giá những dữ liệu thực tế.

Cùng chung nhận định với ông Joachim Nagel, trong báo cáo đánh giá ổn định tài chính tháng 11-2023 của ECB, Chủ tịch Christine Lagarde cho rằng, mục tiêu đưa lạm phát về 2% của ECB sẽ chỉ đạt được vào nửa cuối năm 2025. Trong khi đó, cựu chuyên gia kinh tế Dirk Schumacher của ECB tin rằng, lạm phát đang trên đà giảm xuống mức 2% vào mùa xuân tới. Tuy nhiên, nỗi lo sợ của các nhà hoạch định chính sách về việc đánh giá thấp lạm phát một lần nữa khiến họ cần nhiều thời gian hơn để đạt được sự đồng thuận đủ lớn trong hội đồng quản trị để cắt giảm lãi suất.

Đánh giá của chuyên gia thị trường châu Âu Michael Field dựa trên chỉ số do Cơ quan thống kê châu Âu (Eurostat) cung cấp cho thấy, trong khi nhiều mặt hàng khác như thực phẩm, dịch vụ, nhà ở vẫn tăng, trong tháng 11, giá năng lượng đã giảm tới 11,5%. Đây là yếu tố chính kéo tỷ lệ lạm phát giảm xuống 2,4%. Tuy nhiên, giá năng lượng có thể biến động theo chiều hướng tăng lên do ảnh hưởng bởi xung đột tại Dải Gaza giữa Israel và Hamas nên khó có thể bảo đảm mức độ lạm phát tại EU sẽ tiếp tục đà đi xuống một cách ổn định. Bởi vậy, thời điểm ECB hạ lãi suất sớm nhất là vào đầu năm 2024.

Kéo lùi thời gian hạ lãi suất đồng nghĩa với triển vọng tăng trưởng kinh tế tại Cựu lục địa cuối năm nay và đầu năm sau cũng sẽ giảm sút. Theo Ủy ban châu Âu (EC), tăng trưởng của Eurozone trong năm 2023 sẽ giảm 0,2 điểm phần trăm, dừng ở mức 0,6%; trong khi đó, tăng trưởng của năm 2024 là 1,2%, thấp hơn 0,1 điểm phần trăm so với dự báo trước đó. Bên cạnh bài toán cần cân bằng giữa kiềm chế lạm phát và tăng trưởng kinh tế, sự thiếu hụt dân số trong độ tuổi lao động cũng là một mối quan ngại của các thành viên EU.

Nhìn chung, bức tranh kinh tế của Eurozone trong giai đoạn ngắn hạn vẫn còn tiềm ẩn nhiều rủi ro.

https://hanoimoi.vn/lam-phat-tai-eurozone-giam-thang-thu-3-lien-tiep-van-tiem-an-nhieu-nguy-co-651114.html

Quỳnh Dương / HNM