Khả năng tác chiến hiệp đồng quân binh chủng và mạng lưới đồng minh giúp hải quân Mỹ có ưu thế vượt trội trước Trung Quốc.
Trung Quốc đang tìm cách cạnh tranh ảnh hưởng với Mỹ trên các vùng biển chiến lược ở châu Á - Thái Bình Dương bằng cách chế tạo, biên chế lượng tàu chiến, máy bay và tên lửa diệt hạm lớn chưa từng thấy. Tuy nhiên, năng lực phối hợp tác chiến giữa các lực lượng này vẫn là một câu hỏi lớn, khiến Bắc Kinh khó có thể đọ được với Washington về sức mạnh trên biển, theo Business Insider.
Hải quân Trung Quốc đang sở hữu gần 400 tàu chiến, gồm 330 tàu mặt nước và 66 tàu ngầm. Trong khi đó, hải quân Mỹ chỉ có 211 tàu nổi và 72 tàu ngầm. Lầu Năm Góc đặt mục tiêu tăng số tàu chiến lên 355 chiếc vào năm 2030, nhưng mục tiêu này khó đạt được do tình trạng cắt giảm ngân sách quốc phòng trong nhiều năm qua.
Tốc độ đóng mới tàu chiến của Trung Quốc nhanh đến mức Mỹ hầu như không thể bắt kịp, trong khi các hạm đội Mỹ bị giảm quy mô và dần trở nên lạc hậu. Điều này khiến nhiều đồng minh của Washington công khai đặt nghi vấn liệu nước này có đủ năng lực đối phó với sự trỗi dậy của Bắc Kinh hay không.
Chuyên gia Alex Lockie cho rằng số lượng khí tài áp đảo và những tên lửa diệt hạm tầm xa chỉ giúp Trung Quốc nắm lợi thế trên lý thuyết, còn khả năng hiệp đồng tác chiến giữa hải quân, không quân, lục quân và lực lượng tên lửa chiến lược của nước này chưa được kiểm nghiệm trong thực tế chiến đấu.
Trong khi đó, Mỹ thường xuyên huấn luyện hiệp đồng quân binh chủng trên biển với mục tiêu tăng cường sự phối hợp nhuần nhuyễn giữa các lực lượng khác nhau trong điều kiện sát thực tế chiến đấu, được thể hiện qua cuộc tập trận Valiant Shield 18 diễn ra tại quần đảo Marianas và đảo Guam ngày 16-23/9 với sự tham gia của tàu sân bay USS Ronald Reagan, 15 tàu mặt nước và 160 máy bay các loại.
Bức ảnh được hải quân Mỹ công bố trong tập trận Valiant Shield 18 cho thấy tàu sân bay USS Ronald Reagan dẫn đầu nhóm tác chiến với nhiều khu trục hạm mang tên lửa dẫn đường và tàu hậu cần, trong khi một oanh tạc cơ B-52 dẫn đầu các biên đội tiêm kích hạm F/A-18E/F Super Hornet và máy bay tiếp dầu ở bên trên.
Không quân và hải quân Mỹ phối hợp tại tập trận Valiant Shield 18. Ảnh: US Navy. |
Những chiếc B-52 trang bị tên lửa hành trình và không đoàn tiêm kích F-15 ở Hàn Quốc có thể tấn công từ xa, trước khi nhóm tác chiến tàu sân bay áp sát. Tiêm kích tàng hình F-35B của thủy quân lục chiến Mỹ lại đảm nhận nhiệm vụ đột kích sâu vào lãnh thổ đối phương, xuyên qua lưới phòng không dày đặc.
"Đây đều là những hoạt động đòi hỏi sự hiệp đồng chặt chẽ giữa các quân binh chủng để bảo đảm hiệu quả đòn đánh, điều mà Trung Quốc chưa thể chứng minh trong thời gian qua", Lockie nhận xét.
Trung Quốc đã phát triển các tên lửa "sát thủ tàu sân bay" có thể tiêu diệt hàng không mẫu hạm Mỹ, nhằm phục vụ khái niệm chống tiếp cận/chống xâm nhập khu vực (A2/AD) của nước này. Dù vậy, năng lực tác chiến của các tên lửa này cùng hiệu quả của chiến lược A2/AD vẫn chưa được kiểm chứng, trong khi Mỹ cũng đang nghiên cứu nhiều biện pháp đối phó.
"Khái niệm A2/AD khá tham vọng, nhưng khi triển khai trên thực tế sẽ gặp nhiều vấn đề. Chúng tôi sẽ tìm mọi cách gây khó dễ cho hệ thống này", đô đốc John Richardson, tham mưu trưởng hải quân Mỹ, khẳng định.
Sức mạnh tác chiến của hải quân Mỹ còn được tăng lên gấp bội khi phối hợp cùng các đồng minh trong khu vực, vốn được trang bị các hệ thống vũ khí hiện đại có thể tích hợp vào mạng lưới chiến đấu chung nhằm chia sẻ dữ liệu tình báo và thông tin mục tiêu.
Hồi đầu tháng 9, Mỹ cùng Nhật Bản thử nghiệm đánh chặn tên lửa đạn đạo, trong đó một tàu khu trục lớp Atago Nhật trang bị hệ thống chiến đấu Aegis của Mỹ đã bắn hạ mục tiêu là một tên lửa đạn đạo tầm ngắn. Mỹ cũng tăng cường xây dựng quan hệ với các đồng minh như Hàn Quốc, Australia và Ấn Độ để đối phó Trung Quốc.
"Một bên chỉ là hổ giấy, trong khi bên còn lại có thể đánh bại mọi đối thủ cản đường", chuẩn đô đốc Tom Rowden, cựu chỉ huy Lực lượng tác chiến mặt nước hải quân Mỹ nói về sự khác biệt giữa sức mạnh hải quân Trung Quốc và Mỹ.
Duy Sơn
Tàu hải quân Trung Quốc bị mắc cạn trong bão Mangkhut Sóng lớn cùng dòng chảy mạnh làm đứt neo, khiến con tàu dài 42 m bị dạt vào bãi đá và mắc cạn. |
Hành vi hai mặt trên biển của hải quân Trung Quốc Trung Quốc phản đối tàu nước ngoài hoạt động trong EEZ của mình, nhưng lại đưa tàu do thám theo dõi chiến hạm của nước ... |
Hải quan Trung Quốc chặn nhiều lô xe Mercedes, BMW nhập khẩu Hải quan Thượng Hải, Trung Quốc đang giữ lô xe Mercedes và BMW gồm nhiều mẫu crossover sản xuất tại Mỹ trong bối cảnh cuộc ... |
Hải quân Trung Quốc: Dọa ai và đáng sợ đến mức nào? Xin được giới thiệu với bạn đọc bài viết mới của chuyên gia quân sự Nga quen thuộc Roman Skoromokhov về Hải quân Trung Quốc |