Ngày 4/12/2023, Bộ Tư pháp Mỹ thông báo về việc bắt giữ một trong những quan chức cao cấp nhất của chính phủ nước này. Hóa ra, Manuel Rocha đã có 42 năm kết hợp công việc trong các cơ quan chính phủ và khoa học khác nhau của đất nước với công việc tại Tổng cục Tình báo Cuba...
- Ám ảnh hội chứng gián điệp Nga ở Phần Lan
- Gián điệp mạng Trung Quốc từng tấn công email Bộ trưởng Thương mại Mỹ
Làm việc không phải vì tiền
Victor Manuel Rocha là nhà ngoại giao chuyên nghiệp từng giữ các chức vụ chủ chốt tại các đại sứ quán Mỹ trên khắp châu Mỹ Latinh, từ Honduras và Cộng hòa Dominica đến Cuba, Argentina và Bolivia, ông cũng từng làm việc tại Nhà Trắng và là cố vấn của tư lệnh Bộ Chỉ huy miền Nam (SOUTHCOM) của Mỹ. Ông giữ các chức vụ cao tại nhiều trung tâm nghiên cứu, trong đó có Quỹ Kissinger, và cống hiến tất cả kinh nghiệm cũng như kiến thức của mình cho sự phát triển của đất nước. Tuy nhiên, đất nước đó không phải là Hợp chúng quốc Hoa Kỳ, mà là Cuba.
Đích thân Bộ trưởng Tư pháp Mỹ Merrick Garland công bố lệnh bắt giữ Victor Manuel Rocha. Ông bị buộc tội làm gián điệp cho nước ngoài; hoạt động như một đại diện của chính phủ nước ngoài mà không có sự đồng ý trước của Chính phủ Mỹ và sử dụng hộ chiếu Mỹ trái phép. Đồng thời, Rocha còn bị cáo buộc cung cấp thông tin mật cho Cuba.
Bộ Tư pháp Mỹ dự định biến câu chuyện này thành một vụ án điển hình. Bộ trưởng Tư pháp Mỹ nói: “Những người phục vụ chính phủ Mỹ được xã hội hết sức tin tưởng. Phản bội niềm tin đó bằng cách giả dối tuyên bố về lòng trung thành với nước Mỹ trong khi phục vụ thế lực nước ngoài là một tội ác mà Bộ Tư pháp sẽ xử lý hết sức nghiêm khắc”.
Manuel Rocha là người Mỹ nhập tịch, điều đó khiến các nhà bình luận thắc mắc vì sao ông có thể thù ghét một đất nước mà ông đã mang ơn theo đúng nghĩa đen của từ này.
Sinh ra ở Colombia năm 1950, sau đó Rocha chuyển đến New York, khu Harlem. Nhưng ông lại học ở Taft School, một trong những trường tư thục danh tiếng nhất nước Mỹ. Còn học vấn đại học ông nhận tại các đại học hàng đầu của Mỹ thuộc nhóm The Ivy League - Yale, Harvard và Đại học Công giáo tư thục tốt nhất - Georgetown. Tại đây, Rocha học ngoại giao, nhận bằng thạc sĩ ngoại giao và gần như đồng thời có hộ chiếu công dân Mỹ. Với hai chứng chỉ này, ông trúng tuyển vào Bộ Ngoại giao, và ngay lập tức được vào làm việc tại Đại sứ quán Mỹ ở Cộng hòa Dominica.
Nếu là nhà ngoại giao của những nước khác, một khởi đầu sự nghiệp như vậy không phải là quá may mắn. Nhưng đối với nước Mỹ, vốn coi các quốc gia châu Mỹ Latinh và vùng biển Caribe là “láng giềng gần” của mình, bất kỳ chức vụ nào tại đại sứ quán của một nước Mỹ Latinh xa xôi, hẻo lánh cũng đều có ý nghĩa quan trọng.
Rocha không chỉ nhận “bất kỳ” công việc nào mà là một chức vụ tại phòng chính trị của đại sứ quán, và ở tuổi 31, ông thực sự trở thành người chịu trách nhiệm về các mối quan hệ của Mỹ với Cộng hòa Dominica. Nhưng ngay lúc bấy giờ, những người lãnh đạo thực sự của ông là các nhân viên của Tổng cục Tình báo Cuba.
Đến nay, các nhà điều tra vẫn chưa biết Rocha bắt đầu hợp tác với các cơ quan tình báo Cuba bao giờ và như thế nào. Bản cáo trạng nêu rõ việc này xảy ra không muộn hơn năm 1981. Tuy nhiên, theo một số thông tin, nó có thể xảy ra sớm hơn, khi Rocha đang đi học. Có một điều hoàn toàn rõ ràng: Rocha làm việc cho La Havana không phải vì tiền, mà vì tư tưởng, ông mong muốn giúp đỡ cách mạng Cuba và tôn thờ lãnh tụ Fidel Castro.
Cuộc chiến đơn độc
Sự nghiệp của điệp viên Cuba đi lên như diều gặp gió. Sau ba năm ở Santo Domingo, Rocha được thăng chức, trở thành người đứng đầu phòng chính trị-quân sự của Đại sứ quán Mỹ tại Honduras. Tiếp theo, ông được bổ nhiệm chức Bí thư thứ nhất của Đại sứ quán Mỹ ở Mexico. Sau đó, ông trở thành phó trưởng phái đoàn ngoại giao Cộng hòa Dominica. Và năm 1994, Rocha lại nhận chức vụ mới, biến ông trở thành điệp viên có giá trị nhất của tình báo Cuba. Anthony Blake, cố vấn an ninh quốc gia trong chính quyền Bill Clinton, đã mời Rocha tới Washington. Điệp viên Cuba trở thành chủ tịch Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ về quan hệ liên Mỹ. Chức vụ này không những có ảnh hưởng nhất định đến mối quan hệ của Mỹ với các nước láng giềng mà còn liên quan đến việc hình thành và xây dựng chính sách đối với các nước này.
Giờ đây, khi đã đủ bằng chứng để khẳng định rằng Rocha làm việc cho La Havana, người ta bắt đầu so sánh ông với những điệp viên nổi tiếng khác trong các cơ quan tình báo Mỹ. Theo ý kiến của các chuyên gia, công việc của Rocha còn quan trọng hơn nhiều so với công việc của nhân viên CIA Aldrich Ames và điệp viên FBI Robert Hanssen, được các cơ quan tình báo Nga tuyển mộ.
Tuy nhiên, Rocha chỉ làm việc ở Nhà Trắng được hơn một năm, rồi quay trở lại ngành ngoại giao. Trớ trêu thay, nơi làm việc mới của ông lại là La Habana. Vào thời điểm đó, Mỹ và Cuba không duy trì quan hệ ngoại giao, vì vậy, các nhà ngoại giao Mỹ ở La Habana phải làm việc trong bộ phận được gọi là "Văn phòng lợi ích Mỹ” tại Đại sứ quán Thụy Sĩ ở Cuba. Trên cương vị phó văn phòng, trách nhiệm của Rocha là lãnh đạo phái đoàn ngoại giao và tiếp xúc với các quan chức Cuba. Sau đó, Rocha được cử đến Buenos Aires, nơi ông giữ chức phó trưởng phái đoàn ngoại giao, rồi đại diện lâm thời của Mỹ tại Argentina. Do một sự trùng hợp ngẫu nhiên nào đó, thời gian Rocha có mặt ở đất nước này trùng với sự đổ vỡ của chương trình ổn định tiền tệ quốc gia do Mỹ ủng hộ và bắt đầu một cuộc khủng hoảng kinh tế và chính trị lớn, kết quả là các chính khách lên nắm quyền có thiện cảm với La Havana hơn Washington.
Tiếp theo, Rocha được bổ nhiệm đại sứ Mỹ tại Bolivia, khi nước này đang chuẩn bị cuộc bầu cử tổng thống tiếp theo. Ứng cử viên là Evo Morales, một nhân vật ít được biết đến và cực kỳ kém cỏi. Ông ta đưa ra một chương trình tranh cử chống Mỹ và những ý tưởng hoàn toàn điên rồ nhằm hỗ trợ nông dân trồng coca.
Năm 2002, Manuel Rocha rời nhiệm sở và trở thành một trong những chuyên gia hàng đầu có ảnh hưởng nhất của Mỹ về châu Mỹ Latinh. Chỉ cần nói rằng ông đã sớm nhận được những lời mời tham gia ban lãnh đạo của các trung tâm nghiên cứu và công ty nổi tiếng nhất hoạt động ở Mỹ Latinh, còn năm 2006, ông trở thành cố vấn riêng của Tư lệnh Bộ Chỉ huy miền Nam của Mỹ, có quyền sử dụng các tài liệu quân sự tuyệt mật và cơ hội gây ảnh hưởng bằng cách này hay cách khác tới các mối quan hệ của Mỹ với các nước Mỹ Latinh.
Sai lầm định mệnh
Cục Điều tra Liên bang Mỹ không nói gì về việc tại sao Manuel Rocha làm việc cho Cuba hơn 40 năm mà không gây ra bất kỳ mối nghi ngờ nào. Họ cũng không thông báo vì sao những nghi ngờ này lại xuất hiện. Họ chỉ nhắc tới một thư tố giác nào đó mà Cục này nhận được cách đây vài năm và từ đó rút ra kết luận rằng Rocha là điệp viên của chính phủ Cuba. FBI kể nhiều hơn về việc những nghi ngờ này được xác nhận như thế nào và tại sao điệp viên hết sức bí mật của tình báo Cuba bị phát hiện. Họ không nói cụ thể về một động tác khiêu khích thành công, một cái bẫy mà nhà ngoại giao cao cấp bị rơi vào.
Xét toàn bộ thì Rocha đã mất liên lạc với cơ quan tình báo Cuba một thời gian nào đấy. Và, hình như, ông rất lo lắng về điều này. Nếu không thì không thể giải thích được sự hăng hái của ông khi nhận được tin nhắn gửi đến smartphone của mình năm ngoái.
“Tôi có một tin nhắn của các bạn ông ở La Havana gửi cho ông”, - người lạ mặt viết. Thay vì phớt lờ nó hoặc thậm chí thông báo cho văn phòng FBI sở tại, Rocha đã trao đổi lại và hẹn gặp tác giả của tin nhắn khá vội vàng.
Và ngay từ những lời đầu tiên trong lần gặp đầu tiên (tổng cộng họ gặp nhau ba lần), Rocha đã bị lộ mặt. “Đừng lo lắng về việc giữ bí mật” - ông báo cho người đối thoại - Tôi đi đường vòng, như tôi đã được dạy ở Tổng cục”.
Thực ra, toàn bộ cáo trạng được xây dựng trên các bản ghi âm cuộc trò chuyện giữa Rocha và người mà ông cho là đại diện của Tổng cục Tình báo Cuba, nhưng thực chất đó là điệp viên FBI hoạt động dưới vỏ bọc.
Mặc dù đã có kinh nghiệm làm gián điệp lâu năm, mà có thể chính vì cảm giác an toàn và tin tưởng vào khả năng không thể sai lầm của mình nhờ có kinh nghiệm này, nên Rocha hoàn toàn tin tưởng “người đến từ La Havana”. Ông kể cho anh ta về lòng căm ghét “kẻ thù” (nước Mỹ) của mình, về những thành tích đã đạt được, về những đóng góp của mình trong nhiều năm qua cho thắng lợi của cách mạng Cuba mà ông rất đỗi tự hào, về lòng biết ơn của ông đối với các “đồng chí ở tổng cục” vì họ không quên ông. Rocha nói - tất nhiên là không chi tiết - về công việc trước đây của mình. Về việc ông luôn tuân thủ các nguyên tắc giữ bí mật, không bao giờ dùng từ “La Havana” hay “Cuba” trong các thông tin được chuyển cho Tổng cục, mà chỉ dùng từ “đảo”. Cũng như chưa bao giờ ghi chép bất cứ điều gì, mà chỉ dựa vào trí nhớ của mình.
Trong một cuộc gặp gỡ, “người đến từ La Havana” hỏi Rocha còn trung thành với Cuba như trước đây hay không, nhà ngoại giao chuyên nghiệp đã nổi khùng. Bình tĩnh lại một chút, với câu hỏi liệu Rocha có sẵn sàng cung cấp thông tin bí mật cho Tổng cục Tình báo Cuba hay không, nhà ngoại giao trả lời: “Nếu được phép tiếp cận thứ gì đó có giá trị, tôi tự biết phải làm thế nào”.
Những cuộc trò chuyện này đã đủ để bắt giữ Victor Manuel Rocha. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng phiên tòa xét xử ông sẽ phải chờ khá lâu. Và không phải là vì thiếu bằng chứng. Rocha có thể bị kết án tù chung thân. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, FBI hiện có rất ít thông tin về những thiệt hại mà Rocha đã gây ra cho nước Mỹ trong hơn 40 năm làm việc cho La Havana. Ngay bây giờ FBI sẽ xác định thiệt hại này. Và công việc này chắc chắn sẽ kéo dài một vài năm.