Bộ Ngoại giao Mỹ thông báo với Liên Hợp Quốc rằng nước này sẽ rút khỏi Hiệp định Paris về chống biến đổi khí hậu.
Washington sẽ khởi động quá trình kéo dài một năm để rút khỏi hiệp định được đàm phán dưới thời cựu tổng thống Barack Obama. Thời gian ấn định là 4/11/2020, chỉ vài ngày sau cuộc bầu cử tổng thống Mỹ.
Tổng thống Mỹ Donald Trump hồi năm 2017 nói rằng hiệp định này làm suy yếu nền kinh tế Mỹ, khiến nhiều người mất việc làm, gây xói mòn chủ quyền quốc gia và đặt Washington vào thế bất lợi so với các nước khác trên thế giới.
Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo nhắc lại nhận xét của Trump khi bình luận về thông báo với Liên Hợp Quốc, nói rằng thỏa thuận chống biến đối khí hậu đã áp đặt "gánh nặng kinh tế không công bằng" đối với Mỹ.
Tổng thống Trump tại căn cứ không quân Andrews ở bang Maryland hôm 3/11. Ảnh: Reuters. |
"Cách tiếp cận của Mỹ dựa trên thực tế, sử dụng tất cả nguồn năng lượng và công nghệ một cách sạch sẽ và hiệu quả, bao gồm nhiên liệu hóa thạch, năng lượng hạt nhân và năng lượng tái tạo", Pompeo nói, thêm rằng Washington sẽ "tiếp tục đưa ra mô hình thực dụng" trong các cuộc đàm phán toàn cầu.
Robert Menendez, nghị sĩ đảng Dân chủ tại Ủy ban Đối ngoại Thượng viện, nói rằng chính quyền Trump "một lần nữa thể hiện thiếu tôn trọng các đồng minh, nhắm mắt làm ngơ trước sự thật và tiếp tục chính trị hóa thách thức môi trường lớn nhất thế giới".
"Quyết định này sẽ trở thành một trong những ví dụ tồi tệ nhất về việc từ bỏ vị thế lãnh đạo của Mỹ và nhượng quyền lực cho những nền kinh tế như Trung Quốc, Ấn Độ và các nước khác", Menendez cho biết.
Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu được 195 nước, trong đó có Mỹ, thông qua tại Pháp hồi tháng 12/2015. Các quốc gia nhất trí cắt giảm lượng khí CO2 và khí thải khác từ đốt nhiên liệu hóa thạch, nhằm kiềm chế mức tăng nhiệt độ toàn cầu. Trump thông báo rút Mỹ khỏi hiệp định vào tháng 6/2017 sau khi trở thành Tổng thống Mỹ.
Huyền Lê (Theo AFP)
Trump nói biểu tình ở Pháp chứng minh ông đúng về Hiệp định Paris Tổng thống Mỹ khẳng định việc người Pháp tức giận vì giá xăng dầu tăng cao cho thấy lỗ hổng trong hiệp định về biến ... |
1/4 thế giới có thể biến thành sa mạc Nhiệt độ trái đất chỉ cần tăng thêm 2 độ C là có thể khiến thế giới khô cằn và giống sa mạc hơn, theo ... |