Thông tin Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) mở văn phòng liên lạc ở Tokyo nhằm mở rộng hợp tác an ninh với các đối tác châu Á - Thái Bình Dương khiến Bắc Kinh phản ứng mạnh mẽ.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân trong cuộc họp báo thường kỳ đã cho rằng “phần còn lại của thế giới đang theo dõi chặt chẽ xem liệu Nhật Bản có thực sự muốn dẫn đầu tiến trình NATO mở rộng sang khu vực châu Á - Thái Bình Dương hay không?”.

Nếu NATO hiện diện ở châu Á -0
Sự hiện diện ngày càng tăng của NATO ở châu Á diễn ra khi quan hệ giữa Trung Quốc và Mỹ ở mức thấp nhất trong nhiều thập kỷ.

Sự không hài lòng của Trung Quốc là hiển nhiên và có nhiều lý do để giải thích việc này. NATO là liên minh quân sự lớn nhất thế giới: 31 quốc gia thành viên của tổ chức này có lực lượng quân sự tổng hợp gồm 3,5 triệu quân, chiếm hơn 55% chi tiêu quốc phòng của thế giới. Liên minh này bao gồm 3 trong 5 cường quốc hạt nhân của thế giới được quốc tế công nhận. Và, bất chấp tính chất quốc tế của nó, người ta vẫn cho rằng NATO là công cụ quân sự toàn cầu có uy lực nhất mà bất kỳ tổng thống nào của Mỹ cũng có toàn quyền sử dụng.

Chứng kiến việc tổ chức này - với hơn 75 năm qua chỉ quan tâm đến vấn đề an ninh của châu Âu - giờ đây chuyển đến sân sau của riêng mình khó có thể là trải nghiệm thú vị đối với Bắc Kinh. Thực tế là sự hiện diện ngày càng tăng của NATO ở châu Á diễn ra ngay khi quan hệ giữa Trung Quốc và Mỹ ở mức thấp nhất trong nhiều thập kỷ chỉ làm tăng thêm sự khó chịu cho Bắc Kinh. Mặc dù, thực tế là vẫn còn những hạn chế cốt lõi và lâu dài đối với những gì NATO có thể làm ở châu Á.

Mặc dù việc mở văn phòng của NATO ở Tokyo rõ ràng là động thái chưa từng có, nhưng đây vẫn chỉ mang tính hình thức là chính. Văn phòng này sẽ không mở cửa cho đến năm 2024 và ít nhất là khi bắt đầu, nhân viên của văn phòng sẽ chỉ là quan chức do NATO chỉ định. Thậm chí, còn chưa biết ai sẽ tài trợ cho hoạt động của văn phòng này. Điều đáng chú ý là, NATO đã từng điều hành các văn phòng tương tự ở một số nước bên ngoài châu Âu, bao gồm cả Trung Đông. Quả thực, thậm chí còn từng có một văn phòng của NATO ở Moscow trong một thời gian. Trong khi đó, về phần mình, Nhật Bản đã quyết định thành lập một đại sứ quán riêng ở NATO, hoàn tất với việc chỉ định một chức danh Đại sứ Nhật Bản ở tổ chức này. Công việc thực sự sẽ được thực hiện tại trụ sở chính trị của NATO ở Brussels, Bỉ chứ không phải ở một văn phòng bên ngoài ở Tokyo.

Trong quá khứ, những nhà lãnh đạo các quốc gia châu Á thân thiện với phương Tây đôi khi được mời tham dự các hội nghị thượng đỉnh NATO. Giờ đây, việc các nhà lãnh đạo Australia, Nhật Bản, New Zealand và Hàn Quốc tham dự các cuộc họp hàng đầu của liên minh này gần như đã trở thành thông lệ. Trước đây, NATO e ngại về việc áp dụng hình thức ngoại giao cấp cao ở châu Á. Thế nhưng, đầu năm 2023, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg đã đến thăm các thủ đô then chốt của châu Á, nơi ông thường bình luận về “những thách thức” do Trung Quốc đặt ra.

Mối lo ngại của Trung Quốc là điều có thể hiểu được. Tuy nhiên, có vẻ như không có quốc gia châu Á nào có cùng cách tiếp cận vấn đề văn phòng đại diện của NATO như quốc gia tỉ dân cả. Australia, Nhật Bản, Hàn Quốc và New Zealand đều có phần lo ngại về sự gia tăng sức mạnh quân sự của Trung Quốc. Tất cả đều coi mối quan hệ với liên minh được đặt trụ sở tại châu Âu này đều nhằm mục đích phòng ngừa Trung Quốc. Tuy nhiên, và ít nhất là dưới chính phủ hiện tại, mục tiêu chính của New Zealand không phải là thiết lập mối liên hệ với NATO để gây thêm áp lực với Trung Quốc. Thay vào đó, cách tiếp cận của New Zealand là tranh thủ NATO (và thông qua đó tranh thủ người Mỹ) để giảm bớt hay ít nhất là quản lý căng thẳng quân sự với Băc Kinh.

Với Australia, mặc dù nhìn nhận bản đồ an ninh của châu Á khác với các nước láng giềng của mình, nhưng người Australia có các mối liên hệ an ninh chặt chẽ với các đối tác châu Âu then chốt và từ lâu đã hợp tác với NATO. Theo quan điểm của Canberra, sự hiện diện thường xuyên của các Thủ tướng Australia tại bàn họp cấp cao của NATO cho phép quan điểm an ninh của nước này được công chúng lắng nghe nhiều hơn. Tuy nhiên, về cơ bản điều này không nhằm thay đổi những tính toán chiến lược.

Còn Hàn Quốc - quốc gia đang can dự trực tiếp vào các vấn đề an ninh của châu Âu một cách ngày càng sâu rộng, mà điển hình là việc Seoul vừa ký một thỏa thuận vũ khí lớn với Ba Lan và các nhà sản xuất quốc phòng Hàn Quốc sẽ trở thành nhà cung cấp quan trọng của châu Âu - nhưng người Hàn Quốc vẫn còn tương đối mới, chưa có kinh nghiệm về các vấn đề của NATO. Seoul không có sự đồng thuận về những gì mối quan hệ với châu Âu có thể dẫn tới.

Có vẻ như chỉ có Nhật Bản coi việc tạo dựng mối quan hệ quân sự trực tiếp, rõ ràng và thậm chí là chính thức với NATO là mục tiêu, một phần như là lực lượng tăng cường an ninh quốc gia và một phần như là sự bổ sung tiềm tàng cho việc đảm bảo an ninh của Mỹ. Bởi vậy, trong tình hình hiện nay, ngay cả khi muốn thúc đẩy cam kết phối hợp với các đối tác châu Á then chốt, NATO cũng khó có thể thuyết phục tất cả các đối tác tiềm năng của khối tham gia.

Và, chính châu Âu cũng chưa nhất trí về chính sách của họ đối với Trung Quốc. Cuộc tranh luận ở Brussels và giữa các quốc gia châu Âu về bản chất mối quan hệ của họ với Trung Quốc vẫn còn sôi nổi. Trung Quốc vừa được coi là đối tác, vừa bị xem là đối thủ cạnh tranh và như lời các nhà ngoại giao châu Âu là “đối thủ có hệ thống”. Một NATO chỉ quan tâm đến việc cung cấp an ninh châu Âu sớm muộn cũng sẽ mất đi tầm quan trọng đối với Mỹ - nước hiện đang đảm bảo khoảng 80% năng lực quân sự thực sự của liên minh. Bởi vậy, liên minh này cũng không thể giả vờ lãng quên những lo ngại an ninh của châu Á cùng với Mỹ.

https://antg.cand.com.vn/Su-kien-Binh-luan-antg/neu-nato-hien-dien-o-chau-a-i697405/

Huy Thông / VTC News