Nga bắt đầu phát triển đường ống dẫn khí đốt mới qua Kazakhstan tới Trung Quốc, với công suất dự kiến hàng năm là 45 tỷ mét khối (bcm).
Phó Thủ tướng Nga Aleksandr Novak trả lời đài truyền hình Russia 24, cho biết Trung Quốc sẽ nhận 35 bcm khí đốt mỗi năm qua đường ống này, trong khi phần còn lại sẽ chuyển đến Kazakhstan.
Ông Novak nhấn mạnh tầm quan trọng chiến lược của dự án trong các cuộc thảo luận về hợp tác năng lượng song phương, đồng thời nói thêm rằng dự án bao gồm các nghiên cứu khả thi về mặt kỹ thuật và kinh tế, cũng như các cuộc đàm phán để hoàn thiện khuôn khổ thỏa thuận.
Trung Quốc sẽ nhận 35 bcm khí đốt mỗi năm qua đường ống mới. (Ảnh minh họa)
Bộ trưởng Năng lượng Kazakhstan Almasadam Satkaliyev xác nhận nước này quan tâm tới dự án, nhấn mạnh những lợi ích của dự án đối với nguồn cung cấp năng lượng của Kazakhstan.
Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Nga và hợp tác kinh tế giữa hai quốc gia tăng đều đặn bất chấp các lệnh trừng phạt chưa từng có của phương Tây đối với Moskva. Đại sứ Nga tại Trung Quốc Igor Morgulov cho biết hồi tháng 10 rằng kim ngạch song phương dự kiến sẽ vượt quá 200 tỷ USD vào cuối năm nay.
Đầu tháng 12, công ty năng lượng lớn của Nga Gazprom báo cáo kỷ lục mới về lượng khí đốt được giao cho Trung Quốc thông qua đường ống Power of Siberia. Theo thỏa thuận song phương, Nga sẽ cung cấp 38 bcm khí đốt hàng năm cho quốc gia châu Á này thông qua đường ống bắt đầu từ năm 2025.
Tháng 11, đại diện của Gazprom tiết lộ nguồn cung cấp khí đốt cho châu Âu vẫn giữ nguyên khối lượng 42,4 triệu m3 mỗi ngày cho trạm bơm khí Sudzha ở vùng Kursk của Nga.
Trong quý 2/2024, Nga là nhà cung cấp LNG lớn thứ hai của EU sau Mỹ, bất chấp những nỗ lực của châu Âu nhằm loại bỏ dần việc nhập khẩu khí đốt từ Nga.
Sau khi Nga cắt nguồn cung cấp khí đốt cho Áo, nước này vẫn tiếp tục cung cấp cho Hungary và Slovakia. Tuyến đường duy nhất mà Nga có thể cung cấp khí đốt cho các nước Tây Âu và Trung Âu là qua tuyến đường trung chuyển Urengoy - Pomary - Uzhgorod thời Liên Xô qua Ukraine.
Tuyến đường này vận chuyển khí đốt từ phía tây Siberia qua Sudzha ở vùng biên giới Kursk của Nga. Sau đó, chảy qua Ukraine theo hướng Slovakia, nơi rẽ nhánh sang Cộng hòa Séc và Áo. Ba nước Trung Âu - Hungary, Slovakia và Áo phản đối chính sách của EU, yêu cầu thành viên ngừng cung cấp khí đốt tự nhiên từ Nga.