Ngòi nổ cận đích được Mỹ chế tạo cuối Thế chiến II giúp tăng hiệu quả sát thương và giảm tình trạng lãng phí đạn pháo.
Một khẩu đội pháo phòng không Mỹ trong Thế chiến II. Ảnh: US Army.
Thế chiến II thúc đẩy sự ra đời của nhiều công nghệ mang tính đột phá, thay đổi bản chất chiến tranh cả trong và sau cuộc chiến. Một trong số đó là ngòi nổ cận đích cho đạn pháo, giúp pháo binh Mỹ tăng đáng kể uy lực chiến đấu và tiết kiệm đạn dược, theo WATM.
Thiết kế cơ bản của đạn pháo gồm vỏ kim loại bên ngoài và khối thuốc nổ mạnh bên trong. Lượng thuốc nổ này có tính ổn định cao nhằm bảo đảm an toàn khi chưa sử dụng, đòi hỏi một ngòi nổ nhạy để kích hoạt. Trước Thế chiến II, chỉ có hai loại ngòi nổ được sử dụng là ngòi chạm nổ và ngòi hẹn giờ.
Ngòi chạm nổ được kích hoạt khi quả đạn va chạm với mục tiêu. Đây là giải pháp hiệu quả để đối phó các mục tiêu như xe tăng, vốn đòi hỏi đầu đạn kích nổ càng gần lớp giáp càng tốt.
Tuy nhiên, với nhiệm vụ chống bộ binh, phòng không và dội hỏa lực vào trận địa địch, quả đạn cần phát nổ trên không, cách mặt đất một khoảng để tăng phạm vi sát thương. Trước năm 1940, ngòi nổ hẹn giờ có thể đáp ứng phần nào yêu cầu này. Lực đẩy đạn pháo rời nòng sẽ kích hoạt thiết bị hẹn giờ trong ngòi nổ, giúp kích nổ quả đạn sau khoảng thời gian nhất định.
Tuy nhiên, pháo thủ khi dùng đạn pháo có ngòi nổ hẹn giờ buộc phải tính thời gian kích nổ một cách chính xác để tạo ra mức sát thương cao nhất. Nếu tính toán sai, quả đạn có thể phát nổ quá sớm hoặc quá muộn, làm giảm hiệu quả công phá.
Năm 1940, Ủy ban Nghiên cứu Quốc phòng Mỹ yêu cầu Viện Carnegie và Đại học Johns Hopkins nghiên cứu dự án ngòi nổ cận đích. Nguyên lý của nó là dùng tín hiệu vô tuyến để xác định khoảng cách giữa quả đạn với mục tiêu, từ đó kích hoạt đạn pháo ở cự ly thích hợp. Điều này đòi hỏi mỗi quả đạn pháo phải được gắn một thiết bị thu phát sóng vô tuyến nhỏ.
Nhóm nghiên cứu do tiến sĩ James Van Allen đứng đầu đã bí mật tiến hành dự án. Họ chế tạo và thử nghiệm được mẫu ngòi nổ với tỷ lệ kích nổ gần mục tiêu lên tới gần 50%, tỷ lệ được coi là phép màu vào thời điểm đó.
Ngòi nổ cận đích do Đại học John Hopkins phát triển. Ảnh: Wikipedia.
Lính phòng không trong giai đoạn đầu Thế chiến II phải dùng hàng nghìn quả đạn chạm nổ để hạ oanh tạc cơ tốc độ cao, vốn ngày càng phổ biến và nguy hiểm.
Việc sở hữu loại ngòi nổ cận đích mới đã giúp quân đội Mỹ tiết kiệm lượng lớn đạn dược, bởi mỗi quả đạn pháo thay vì phải chạm được vào máy bay giờ chỉ cần phát nổ ở một khoảng cách nhất định, tạo ra vô số mảnh văng găm vào các oanh tạc cơ xung quanh. Với ngòi nổ này, phòng không Mỹ chỉ cần dùng vài trăm quả đạn cho mỗi mục tiêu.
Các tàu chiến trang bị đạn pháo có ngòi nổ cận đích sẽ ít đối mặt với nguy cơ phung phí và cạn kho đạn trong những chuyến tác chiến kéo dài, cũng như sẵn sàng đánh trả các đợt tập kích bất ngờ của oanh tạc cơ đối phương. Loại đạn dùng ngòi cận đích ban đầu cũng chỉ được Mỹ triển khai trên tàu chiến, nhằm hạn chế khả năng các quả đạn xịt rơi vào tay đối phương và bị mổ xẻ.
Lần thực chiến đầu tiên của ngòi nổ cận đích là tại chiến dịch Guadalcanal năm 1942. Tàu tuần dương hạng nhẹ USS Helena, một trong ba chiến hạm đầu tiên được trang bị khí tài này, chỉ cần hai quả đạn để hạ gục một oanh tạc cơ bổ nhào của Nhật, thay vì hàng nghìn quả đạn như trước đó.
Ngòi nổ cận đích thậm chí còn cứu mạng cha đẻ của nó. Trong trận chiến tại biển Philippines năm 1944, tiến sĩ Van Allen đang đứng trên thiết giáp hạm USS Washington thì một chiến đấu cơ Nhật lao xuống thực hiện đòn tự sát.
"Tôi nhìn thấy ít nhất 2-3 quả đạn pháo 127 mm phát nổ gần máy bay địch, khiến nó lao xuống biển cách tàu vài trăm mét. Nó gần đến mức tôi có thể nhìn rõ phi công điều khiển", ông tiết lộ.
Cũng trong năm 1944, đạn pháo dùng ngòi nổ cận đích được triển khai trên bộ trong trận Bulge, khi tướng George S. Patton ra lệnh dùng chúng để diệt các kíp xe tăng và bộ binh Đức co cụm. Các quả đạn được thiết lập để kích nổ cách mặt đất 15 m. Nó hiệu quả tới mức nhiều đơn vị tăng thiết giáp và bộ binh Đức bị xóa sổ vì thương vong quá lớn.
"Loại đạn pháo với ngòi nổ lạ lùng này thật đáng sợ. Tôi mừng rằng các ngài là những người đầu tiên nghĩ đến nó", tướng Patton viết trong thư gửi Bộ Chiến tranh Mỹ sau trận Bulge.
Siêu thiết giáp hạm chưa kịp đánh đã chìm của Nhật trong Thế chiến II Dù được coi là niềm tự hào hải quân Nhật, thiết giáp hạm Musashi gần như không tham chiến trước khi bị đánh chìm ở ... |
Tại sao Nga - Nhật chưa bao giờ tuyên bố hòa bình sau Thế chiến II? Tranh chấp về quyền sở hữu các đảo nhỏ ở cực Bắc Nhật Bản đã gây ra rạn nứt sâu sắc giữa Nga và Nhật, ... |
Cuộc tập trận giúp Nga sẵn sàng cho "thế chiến tương lai" Vostok-2018 là đợt tập trận trận lớn nhất lịch sử Nga, bị NATO coi là hành động luyện tập cho một cuộc chiến tổng lực ... |
Duy Sơn