Một khi bắt tay với gã khổng lồ công nghệ Huawei, hãng xe điện BYD được cho là sẽ có “vũ khí hủy diệt” để thống trị ngành công nghiệp ô tô toàn cầu.
Huawei nắm trong tay loạt bằng sở hữu trí tuệ trong lĩnh vực kết nối. Công nghệ này cho phép các hãng xe điện Trung Quốc nói chung và BYD nói riêng tạo ra những lợi thế vô cùng lớn trước các đối thủ phương Tây. Điều này khiến Mỹ và châu Âu trở nên cảnh giác, bắt đầu tung ra những biện pháp mạnh tay ngăn chặn tầm ảnh hưởng của Trung Quốc khi các ông lớn công nghiệp của nước này bắt tay nhau.
Xe điện Han của BYD được trưng bày tại Hàng Châu, Trung Quốc. Đây là chiếc xe đầu tiên trang bị 5G của Huawei được sản xuất hàng loạt. (Ảnh: Getty)
Số lượng đăng ký sáng chế của Trung Quốc áp đảo
Trong kỷ nguyên mà các phương tiện đều kết nối Internet, các nhà sản xuất ô tô của châu Âu bị lôi kéo vào một cuộc chiến trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ với một số tập đoàn viễn thông hàng đầu khu vực và thế giới. Ẩn sau những xung đột đó là những quan ngại về sự thống trị ngày càng tăng của các doanh nghiệp Trung Quốc.
Thời gian gần đây, các công ty từ nền kinh tế lớn nhất châu Á, dẫn đầu bởi Huawei, đã nộp vô số hồ sơ đăng ký bằng sáng chế về các công nghệ thiết yếu, cho phép các sản phẩm từ ô tô tới thiết bị di động có thể truy cập mạng 4G, 5G và Wi-Fi. Bất cứ thứ gì kết nối với Internet đều phải được đảm bảo bởi cái gọi là Sáng chế thiết yếu với tiêu chuẩn kỹ thuật (SEP), vốn đưa ra một tiêu chuẩn kỹ thuật chung và buộc mọi bên phải tuân thủ chuẩn này.
Theo Clarivate, các công ty Trung Quốc là chủ sở hữu của 65% số hồ sơ SEP nộp cho các cơ quan đăng ký bằng sáng chế vào năm ngoái, tăng từ 37% của năm 2019. Ủy viên châu Âu Thierry Breton hồi đầu năm nói, số lượng SEP mà châu Âu nắm giữ giảm từ 22% vào năm 2014 xuống 15% ở thời điểm hiện tại. Trong khi đó, các SEP của doanh nghiệp Trung Quốc tăng gấp đôi trong cùng thời kỳ.
Sự quan tâm ngày càng lớn của các doanh nghiệp Trung Quốc với các SEP khiến châu Âu không thể ngồi yên. Nó làm dấy lên mối quan ngại trong ngành công nghiệp ô tô, vốn đã phụ thuộc nhiều vào Trung Quốc trong vai trò mắt xích then chốt của chuỗi cung ứng toàn cầu. Mọi thứ càng tệ hơn khi mối quan hệ giữa phương Tây và Bắc Kinh đang ở mức xấu nhất nhiều thập niên trở lại đây.
Nạn nhân điển hình trong mối quan hệ cơm chẳng lành, canh chẳng ngọt giữa phương Tây và Trung Quốc chính là Huawei. Gã khổng lồ công nghệ này đã phải gánh chịu các lệnh trừng phạt nặng nề của Mỹ và châu Âu vì bị cáo buộc có gắn bó chặt chẽ với Chính phủ Trung Quốc. Thế nhưng, Huawei hiện dẫn đầu nhóm các doanh nghiệp Trung Quốc trong việc nộp đơn xin cấp hàng nghìn bằng sáng chế vào năm 2020 và 2021.
Thách thức đón chờ các thương hiệu xe điện “Made in China”
Khi quyền lực của các công ty Trung Quốc trong lĩnh vực bằng sáng chế ngày càng mạnh, châu Âu lo sợ các doanh nghiệp Trung Quốc sẽ “vũ khí hóa” chúng. Trong tình cảnh đó, khả năng tiếp cận của các doanh nghiệp châu Âu với các công nghệ chủ chốt mà Trung Quốc nắm giữ bằng sáng chế sẽ bị giảm bớt.
Huawei đã đầu tư 21,8 tỷ USD vào R&D vào năm 2021, đặc biệt tập trung vào ngành công nghiệp xe hơi. (Ảnh: Bloomberg)
Nỗi lo Trung Quốc thống trị ngành công nghiệp ô tô toàn cầu không phải là hư cấu. Ngành công nghiệp ô tô Trung Quốc, dù non trẻ, nhưng đang có những thành tích mà phương Tây không thể “ngó lơ”.
BYD, hãng xe điện “Made in China”, đã bỏ xa gã khổng lồ Tesla về số xe bán ra. Trong khi đó, những ông lớn xe hơi phương Tây cũng đang tỏ ra lép vế trước các thương hiệu tới từ Trung Quốc trong đường đua của loại phương tiện tương lai này.
Đáng chú ý, trong hành trình đó, BYD đang hợp tác chặt chẽ với Huawei nhằm nâng cao chất lượng của những chiếc xe điện. Sự kết hợp của gã khổng lồ công nghệ nắm trong tay các SEP có thể cho phép những chiếc xe điện của BYD ngày càng thông minh hơn, kết nối sâu rộng hơn. Thậm chí, chiếc xe điện có tên Han của BYD còn là chiếc xe đầu tiên được trang bị công nghệ 5G tối tân nhất mà Huawei cung cấp.
Hiện tại, BYD đang là hãng xe điện lớn nhất thế giới và không giấu diếm tham vọng mở rộng ra toàn cầu. Lợi thế giá rẻ, công nghệ nhiều, kết hợp với “đặc quyền” kết nối mà những gã khổng lồ như Huawei mang lại rõ ràng biến thương hiệu Trung Quốc trở thành một đối thủ không thể xem nhẹ.
Tuy nhiên, con đường của BYD chắc chắn không toàn màu hồng.
Huawei hiện đang bị châu Âu nói riêng và phương Tây nói chung “đề cao cảnh giác” vì những cáo buộc đánh cắp thông tin và gián điệp mạng. Việc bắt tay với Huawei cũng đưa BYD nói riêng và ngành công nghiệp ô tô Trung Quốc vào nhóm “cần cẩn trọng” với các khách hàng phương Tây.
Riêng bản thân BYD cũng đang gặp nhiều rào cản trong hành trình gia nhập các thị trường Mỹ và phương Tây. Đầu tiên là về vấn đề bảo hộ. Chẳng quốc gia nào muốn những chiếc xe giá rẻ tràn vào làm lũng đoạn thị trường xe điện của nước mình.
Tiếp đến là về an ninh, an toàn. Thượng nghị sĩ Mỹ Marco Rubio gọi xe điện chính là “con ngựa thành Troy” của Trung Quốc. Trong khi đó, các chuyên gia an ninh mạng Australia nói những chiếc xe điện Trung Quốc chẳng khác gì “những chiếc máy tính biết đi” với số dòng code còn nhiều hơn trên một chiếc Boeing 747.
Thiếu lòng tin nhưng lại thừa những sự nghi ngại, cả về chất lượng phương tiện lẫn mức độ bảo mật cá nhân, chính là những hòn đá tảng khiến BYD và các hãng xe điện Trung Quốc không dễ vượt qua trong hành trình chinh phục thế giới.