Hợp tác chiến lược giữa Nga và Trung Quốc tiếp tục có những bước tiến đáng kể, mở rộng cả về quy mô và lĩnh vực, từ phát triển cơ sở hạ tầng vận tải qua Bắc Cực cho tới thúc đẩy chuỗi sản xuất, cung ứng... Giới phân tích quốc tế nhận định, quan hệ Mátxcơva - Bắc Kinh sẽ ngày càng sâu sắc nếu duy trì được bản chất “cùng thắng” như hiện nay.
- Các đường bay từ Mỹ và châu Âu tới Trung Quốc ngày càng đắt đỏ
- NATO: Quan hệ Trung Quốc - Nga là mối đe dọa
Quan hệ kinh tế giữa Trung Quốc và Nga đã phát triển theo hướng cùng có lợi kể từ năm 2014, khi Nga sáp nhập bán đảo Crimea và hứng chịu các lệnh trừng phạt từ phương Tây. Xung đột tại Ukraine xảy ra cũng giúp mối quan hệ này xích lại thêm. Hợp tác kinh tế giữa Nga và Trung Quốc đã đạt mức kỷ lục, với thương mại song phương lên tới hơn 240 tỷ USD vào năm 2023, tăng 26,3% so với năm trước. Năm 2023, 60% hàng hóa công nghệ cao lưỡng dụng nhập khẩu của Nga, theo định nghĩa trong các quy định thương mại của Liên minh châu Âu (EU), đến từ Trung Quốc.
Sự gắn kết chặt chẽ giữa hai nền kinh tế không dừng lại ở giao dịch thương mại, nhất là khi cả hai nước đang tìm cách né tránh tác động tiêu cực từ các lệnh trừng phạt. Những bước tiến quan trọng mới đây được ghi nhận trong lĩnh vực logistics, cụ thể là việc cùng khai trương tuyến đường "Arctic Express", một phần trong dự án phát triển chung "Con đường tơ lụa trên băng". Sáng kiến tạo ra tuyến đường ngắn nhất từ Thái Bình Dương đến Đại Tây Dương, đi qua Bắc Cực. Sự hợp tác này không chỉ mang lại lợi ích kinh tế cho cả Nga và Trung Quốc mà còn có những tác động chiến lược quan trọng đối với tình hình địa chính trị toàn cầu.
Dự án táo bạo này cũng phản ánh tư duy mới của Bắc Kinh, vốn ngày càng nhận thấy tầm quan trọng chiến lược trong việc tham gia vào quá trình phát triển Tuyến đường biển phía Bắc (NSR) của Nga. NSR không chỉ bổ sung cho Sáng kiến Vành đai và Con đường, mà còn giúp Trung Quốc đa dạng hóa các tuyến vận tải, giảm bớt phụ thuộc vào các tuyến đường truyền thống qua Biển Đông và các khu vực có xung đột. Bên cạnh tuyến đường trên băng, Trung Quốc và Nga cũng đã thành lập một “hành lang ngũ cốc” trên bộ, cho phép Nga tăng cường xuất khẩu ngũ cốc qua Trung Quốc, đồng thời tạo cơ hội kết nối Trung Quốc với các nước thuộc liên minh Á - Âu. Ý tưởng này lần đầu tiên được đề cập vào năm 2012, nhưng tới nay mới thành hình. Lâu nay, hầu hết ngũ cốc của Nga bán cho Trung Quốc được vận chuyển qua Biển Đen, vốn tiềm ẩn nhiều rủi ro trong bối cảnh xung đột Ukraine tiếp diễn.
Cùng với logistics, thời gian qua các công ty Trung Quốc cũng mạnh dạn đầu tư vào các ngành sản xuất của Nga, mà nổi bật là ô tô, điện thoại thông minh, máy móc xây dựng. Không ít nhà sản xuất ô tô Trung Quốc đang lắp ráp lượng lớn sản phẩm ở Nga để thúc đẩy nội địa hóa. Các sản phẩm của Trung Quốc ngày càng giành được chỗ đứng vững chắc trên thị trường Nga, nhờ chất lượng hàng hóa được cải thiện và những cam kết của các doanh nghiệp Trung Quốc về phát triển chất lượng cao. Trong lĩnh vực ô tô, khảo sát của Rambler&Co cho thấy, có tới 1/3 người dân Nga được hỏi cho biết sẵn sàng sử dụng ô tô Trung Quốc. Ô tô từ Trung Quốc cũng chiếm tới 92% lượng ô tô nhập khẩu vào Nga.
Thời gian tới, tiếp tục có thêm nhiều lĩnh vực hợp tác tiềm năng khác, trong đó có thương mại điện tử - đã được đưa vào “tầm ngắm”. Thực tế, tại Diễn đàn Kinh tế phương Đông (EEF) lần thứ 9 vừa diễn ra, các doanh nghiệp Trung Quốc đã lạc quan về triển vọng hợp tác kinh tế và thương mại Trung - Nga ở vùng Viễn Đông (Nga), khu vực có đất đai rộng lớn và nguồn tài nguyên thiên nhiên dồi dào để sản xuất ngũ cốc, rau, trái cây và các sản phẩm chăn nuôi mà Trung Quốc đang có nhu cầu lớn. Đầu tháng 9 vừa qua, trong cuộc gặp với Phó Chủ tịch nước Trung Quốc Hàn Chính, Tổng thống Nga Vladimir Putin tái khẳng định quyết tâm phát triển hơn nữa mối quan hệ giữa Mátxcơva và Bắc Kinh, cho biết hai quốc gia sẽ tiếp tục khám phá và tìm ra các lĩnh vực hợp tác mới.
Theo giới quan sát, quan hệ gắn bó ngày càng sâu sắc và mang đậm tính chiến lược giữa Mátxcơva và Bắc Kinh sẽ còn tiếp tục diễn biến tích cực, nếu duy trì được bản chất “cùng thắng” như hiện nay. Thế mạnh về sản xuất của Trung Quốc là mảnh ghép quan trọng còn thiếu của nền kinh tế Nga. Việc tham gia vào các dự án của Xứ Bạch dương không những củng cố nguồn cung năng lượng mà còn cho phép Bắc Kinh có được quyền tiếp cận có giá trị đối với các nguồn tài nguyên thiên nhiên và các tuyến thương mại nội địa - cách xa các tuyến đường biển Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương dễ bị tổn thương trước áp lực của Mỹ và các đồng minh phương Tây.
https://hanoimoi.vn/quan-he-kinh-te-trung-quoc-nga-hop-tac-de-cung-thang-677589.html