Tiểu thuyết “Quỷ ám” là một sáng tác của nhà văn Nguyễn Như Phong, phản ánh được cuộc đấu tranh gian khổ, đầy mưu trí, dũng cảm của của lực lượng Công an nhân dân để giữ được cuộc sống yên bình cho xã hội. Tháng 5/2016, tiểu thuyết đã được chuyển thể thành phim truyền hình dài tập mang tên “Đồng tiền quỷ ám” và gây được tiếng vang lớn.
Kể từ hôm nay, thoimoi.vn xin giới thiệu với bạn đọc tiểu thuyết “Quỷ ám” của nhà văn Nguyễn Như Phong.
 

Quỷ ám (18 tin)

Tại phòng làm việc của Thượng tá Huỳnh Sơn Đồng, Trưởng phòng CSGT của Công an tỉnh, kim đồng hồ đã chỉ 4 giờ.

Thượng tá Đồng là một người đàn ông cao lớn, tuổi gần 50, có gương mặt phương phi và ánh mắt sắc lạnh.

Trong bộ quân phục Thượng tá, Huỳnh Sơn Đồng nom càng oai vệ.

Đồng ngồi ở bàn làm việc, phía đối diện có hai cảnh sát giao thông: một người đeo quân hàm Thượng úy tên là Lưu, người đeo quân hàm Trung úy tên là Sĩ. Cả hai đang lấm lét nhìn Đồng.

Đồng nhìn hai người bằng ánh mắt lạnh lùng, nói:

- Các anh “ăn uống” như thế mà không biết bẩn mồm à? Doanh nghiệp nó làm đơn tố cho, có thấy nhục không?

Thượng úy Lưu:

- Dạ, thưa anh, chúng em biết sai rồi ạ. Anh cố gắng cứu chúng em. Chúng em không bao giờ quên ơn anh.

Nói rồi, Lưu mở cặp, lấy ra một phong bì dày cộp đặt lên bàn của Đồng.

Đồng biết ngay là tiền, liền nhếch mép:

- Cậu định làm trò gì đấy? Cất ngay vào túi! Tôi biết là gia cảnh nhà cậu không khá gì. Lương thượng úy mà phải nuôi vợ thất nghiệp, nuôi hai đứa con và cha mẹ già bên nội, lại còn bà ngoại bị lẫn thì đúng là khó quá rồi. Ngần ấy người bám vào đồng lương của cậu thì cậu có tụt tạt kiếm chác thêm thì cũng là chuyện có thể châm chước được. Nhưng làm gì thì làm, cũng phải nghĩ đến danh dự chứ. Hơn nữa, cậu lại đang là sĩ quan công an.

Lưu lúng búng:

- Dạ, thưa anh, anh hiểu được cho hoàn cảnh gia đình nhà em như thế, thật sự em không còn biết nói gì hơn. Trăm sự em nhờ anh. Anh cứu em.

Đồng lại quét ánh mắt sang Sĩ:

- Còn cậu nữa, ông già thì làm đến chức như thế, kinh tế nhà cậu có khó khăn gì đâu. Tôi không dám nói là nhà cậu giàu, nhưng chắc chắn là nhà cậu không thể khó được, đúng không?

Sĩ cúi đầu:

- Dạ, thưa anh, vâng ạ.

Thượng tá Đồng “hừ” một tiếng:

- Tuổi còn trẻ. Lẽ ra phải chịu khó học tập, tu dưỡng, rèn luyện, đằng này cứ kiếm được đồng nào thì nướng vào đề đóm, cá độ bóng đá. Hôm nọ ông già nhà cậu đến đây nói chuyện với tôi, chỉ thiếu điều là ông cụ khóc. Mang tiếng cha là Đại tá công an, có mỗi thằng con mà giờ lại không dạy được. Cậu định bôi gio trát trấu vào mặt ba cậu à? Bây giờ tôi hỏi cậu, nếu tôi làm đề xuất tống cổ cậu ra khỏi lực lượng Công an thì cậu làm gì? Cậu có để cho ba cậu sống không?

Sĩ cúi mặt ngượng nghịu:

- Dạ, em biết lỗi rồi ạ. Em xin thề với anh từ nay trở đi, em không dính đến cờ bạc, không dính đến cá độ bóng đá nữa.

Thượng tá Đồng nhìn hai người:

- Hiện có đơn tố giác, lại kèm chứng cứ rành rành. Đúng là không còn gì để nói nữa. Giám đốc lệnh cho tôi là phải xử lý nghiêm. Các cậu thấy rồi đấy, gần đây báo chí phanh phui ra nhiều vụ tiêu cực của cảnh sát giao thông các tỉnh quá. Cũng may là ở phòng mình chưa có vụ nào lớn. Có mấy vụ xử lý sai thì tôi đã phải xin lỗi rồi. Bây giờ mà để vụ này lộ ra, thì tôi nói thật với các cậu là nếu thoát được truy tố thì phúc đức nhà các cậu còn to. Còn không thì cũng phải tước quân tịch, đuổi ra khỏi ngành.

Cả hai người nghe Đồng nói chắc như đinh đóng cột như vậy tái mét mặt.

Đồng nói tiếp:

- Nhưng thôi, người ta nói đánh kẻ chạy đi chứ không ai đánh kẻ chạy lại. Các cậu đã biết lỗi như thế thì là rất tốt rồi. Bây giờ thế này nhé, về làm cho tôi một bản tự kiểm điểm. Trong đó không được chối bất cứ điều gì, thành khẩn nhận khuyết điểm và hứa sửa chữa. Tôi sẽ có cách nói với giám đốc.

Nét mặt Lưu tươi hơn:

- Dạ, vâng ạ. Chúng em sẽ làm theo lời anh. Xin phép anh em về ạ.

Hai người đứng dậy ra về, nhưng vẫn để phong bì tiền lại trên bàn.

Hai người vừa ra đến cửa, Đồng gọi giật lại:

- Này, các cậu quên cái này à? Cầm về!

Lưu quay lại, lúng búng:

- Anh đừng làm thế. Chúng em là phận dưới.

Đồng nghiêm mặt:

- Chúng mày hay nhỉ? Tao giúp chúng mày là tao giúp, chứ tao giúp để ăn mấy đồng bạc này của mày à? Vớ vẩn. Cầm về ngay.

Đồng cầm phong bì nhét vào cặp Lưu.

quy am ky 1

***

Ra đến ngoài đường, Lưu nói với Sĩ:

- Cậu thấy chưa? Cứ đồn ông Đồng thế này, thế khác nhưng hôm nay mới thấy rằng ông ấy là người quá tử tế.

Sĩ bĩu môi:

- Anh chẳng biết gì cả. Ông ấy việc gì phải ăn của bọn mình. Mấy chục cái ôtô của bọn Xuyên Việt, rồi Hưng Long hằng tháng đóng hụi chết cho ông ấy là bao nhiêu tiền? Chẳng qua là ông ấy cũng muốn giữ chỗ đi lại mà thôi.

Lưu lắc đầu:

- Nói thật, như hôm nay là tao nể ông ấy rồi đấy.

***

Thượng tá Sơn Đồng đang thay quần áo thì có điện thoại. Đồng nhìn số máy, nét mặt tự nhiên giãn ra.

Không hiểu đầu dây bên kia nói gì, chỉ thấy Đồng vui vẻ:

- Thế à? Hay quá nhỉ? Được. Tụi bay về sớm đi. Tao sẽ thưởng… Đi cẩn thận nhé!

Đồng nói chuyện xong, tiếp tục thay quần áo, chợt có tiếng gõ cửa.

Đồng dõng dạc:

- Ai đấy? Xin mời vào.

Cửa mở, người đến là Thiếu tướng Trịnh Lương, Giám đốc Công an tỉnh.

Đồng vội vàng chào:

- Em chào anh. Mọi hôm, giờ này anh đánh cầu lông cơ mà?

Thiếu tướng Trịnh Lương nét mặt buồn bã, nói:

- Hôm nay chẳng còn bụng dạ nào mà cầu lông cầu lá nữa. Tôi đọc đơn người ta tố cảnh sát giao thông của cậu mà ngượng quá. Lá đơn đó lại còn đến tay Bí thư Tỉnh ủy nữa. Cậu biết tính Bí thư rồi đấy. Ông ấy có bao giờ nặng lời với ai đâu, nhưng ông ấy đã phải nói rằng: “Về mà dạy nhau đi” thì có nghĩa là ông ấy đã giận lắm rồi. Bây giờ, cậu định xử lý việc ấy thế nào?

Đồng đứng dậy, định đi pha nước.

Thấy thế, ông Lương giơ tay ngăn lại:

- Thôi. Không phải nước nôi gì cả. Cậu cũng chuẩn bị về còn gì nữa. Giờ này uống nước chè cồn ruột lắm.

Đồng ngồi xuống ghế, rồi nói:

- Dạ, thưa anh, em đã gọi Chỉ huy Đội Cảnh sát giao thông số 3 và mấy cậu bị người ta tố cáo đã đến gặp em. Báo cáo anh là đúng là anh em sai rồi. Ăn bẩn quá. Ai lại có năm xe chở gỗ quá tải, đòi người ta nộp một trăm triệu rồi mới cho đi. Rồi khi người ta xin giảm xuống còn tám chục triệu thì giở mặt… Xấu hổ thật. Nhưng có điều này em cũng muốn xin anh cho ý kiến. Cậu Lưu hoàn cảnh gia đình khó khăn quá. Vợ thì thất nghiệp, lại bệnh thấp khớp mãn tính, không làm được việc gì, quanh năm ốm đau, dặt dẹo. Hai đứa con thì đều đang ở tuổi đến trường. Lại còn bố mẹ già nữa, ông 90, bà 84 rồi. Bên ngoại cũng một bà cụ gần 90 tuổi lú lẫn, suốt ngày lang thang đi ra đường xin ăn, con cái cứ phải chạy theo lôi về. Từng ấy miệng ăn dồn hết lên vai cậu Lưu. Bọn em đang định vận động anh em trong đơn vị quyên góp, hỗ trợ. Nhưng vận động thì vận động, mỗi năm chỉ được một lần chứ làm sao mà có thể giúp được mãi. Quả thực, nghĩ hoàn cảnh thì rất là tội. Còn một cậu nữa thì ông già là Đại tá công an đã nghỉ hưu, kinh tế gia đình rất ổn. Cậu này vốn ngoan, nhưng gần đây mới nghe nói rằng là thi thoảng chơi cá độ bóng đá.

Ông Lương xua tay:

- Không phải chỉ cá độ bóng đá, nó còn sang Campuchia đánh bạc, đá gà nữa. Trường hợp cậu Sĩ thì phải xử lý thật nghiêm, phải triệt cái thói cờ bạc ấy đi. Không là có ngày mình chịu tội thay cho nó đấy.

Đồng đắn đo:

- Thưa anh, Bí thư đã nói thế thì em sẽ lên xin Bí thư. Em sẽ trình bày, em chịu trách nhiệm vì em là Trưởng phòng. Em dạy lính không nghiêm, quản lý không tốt, trách nhiệm ấy thuộc về em, em nhận khuyết điểm này. Còn hai trường hợp này thì anh để cho em có thời gian. Nhưng gì thì cũng phải cảnh cáo và giáng cấp Thượng úy xuống Trung úy, cậu Thiếu úy thì không giáng được nữa, nên không cho làm cảnh sát giao thông nữa, về làm trực ban.

Ông Lương cười nhạt:

- Hay thật! Bí thư tỉnh có ra quyết định kỷ luật đâu mà cậu lại lên xin xỏ. Cậu phải nhớ là làm lãnh đạo phải biết tuân theo pháp lý, nhưng không được quên đạo lý. Chúng ta là lực lượng vũ trang nên kỷ luật càng phải thật nghiêm minh. Nghiêm minh, nhưng phải dân chủ. Nhớ đấy. Thôi, tôi về đây.

Thiếu tướng Lương đi ra cửa, rồi bỗng lại quay lại và nói:

- Này, nghe nói thằng Bảo Lâm nhà cậu mở công ty làm ăn khá lắm phải không?

Thượng tá Đồng cười nhăn nhó:

- Thưa anh, em có để ý đâu. Hỏi thì nó nói làm ăn bình thường. Hôm nọ thấy nó về biếu ông nội hai chục triệu. Nhưng mà ông không nhận. Ông bảo ông có đủ lương hưu rồi, không cần tiền của con cháu.

Thiếu tướng Trịnh Lương nói:

- Nếu nó kinh doanh có hiệu quả thì rất tốt. Nhưng cậu cũng phải để mắt theo dõi. Cậu là Trưởng phòng Cảnh sát giao thông, con lại làm Giám đốc Công ty Vận tải, không cẩn thận là dễ điều ong tiếng ve lắm.

Thượng tá Đồng hỏi:

- Thưa anh, anh đã nói thế thì chắc là đã có thông tin gì về thằng Lâm nhà em phải không ạ?

Thiếu tướng Trịnh Lương nhíu mày:

- Cũng có nhiều người nói, nhưng tôi chưa tin. Tôi nói thế để cậu biết mà cảnh giác với chính con mình. Không vội tin được chúng nó đâu.

Thượng tá Đồng:

- Dạ, em hiểu ạ.

(Xem tiếp kỳ sau)

Nguyễn Như Phong