Hàng triệu cử tri Mỹ ngày 5/11 (giờ địa phương) đã đi bỏ phiếu trong cuộc tổng tuyển cử lần thứ 60 của xứ sở cờ hoa, trong đó quyết định quan trọng nhất là lựa chọn ra vị tân Tổng thống để dẫn dắt đất nước trong 4 năm tới. Tâm điểm của mùa bầu cử năm nay, được đánh giá đầy kịch tính và khó đoán định khi cuộc chạy đua giữa Phó Tổng thống Kamala Harris thuộc đảng Dân chủ và cựu Tổng thống Donald Trump thuộc đảng Cộng hòa ngày càng nóng.

Lúc này, không chỉ người dân Mỹ mà công chúng khắp thế giới đều đang nóng lòng muốn biết chiến thắng sẽ thuộc về ai.

Sớm nhất phải sau ngày 6/11 mới có kết quả bỏ phiếu

Trong ngày bầu cử 5/11, có 230 triệu cử tri đủ điều kiện tham gia bỏ phiếu, nhưng chỉ có khoảng 160 triệu người trong số họ đăng ký. Gần một nửa trong số 50 tiểu bang tại Mỹ cho phép đăng ký bỏ phiếu trong ngày, trong khi cử tri có thể bỏ phiếu mà không cần đăng ký ở bang Bắc Dakota. Trước ngày bầu cử, hơn 78 triệu cử tri cũng đã bỏ phiếu sớm qua thư hoặc tại điểm bỏ phiếu trực tiếp.

Ngoài bầu tổng thống, người dân Mỹ cũng tiến hành bầu ra 34 thượng nghị sĩ Mỹ trong số 100 thành viên Thượng viện và toàn bộ 435 thành viên Hạ viện, cùng thông đốc ở 11 tiểu bang và hai vùng lãnh thổ gồm Puerto Rico và Samoa. Vì Mỹ trải dài trên nhiều múi giờ nên thời gian kết thúc bỏ phiếu sẽ khác nhau giữa các bang, nhưng phần lớn các điểm bầu cử đóng cửa từ 19-23h ngày 5/11 theo giờ miền Đông (ET). Kết quả dự kiến có thể bắt đầu xuất hiện sau 19h cùng ngày, những nếu cuộc đua sít sao, việc kiểm phiếu có thể kéo dài trong vài ngày.

5_11_2024_quocte_baucumy.jpg -0
Người dân xếp hàng chờ bỏ phiếu sớm ở Atlanta. Ảnh: Getty Images.

Nếu xảy ra phiếu hòa 269-269 hoặc một ứng cử viên của đảng thứ ba giành được số phiếu đại cử tri, ngăn không cho bất kỳ ứng cử viên nào đạt được 270 phiếu cần thiết, thì bước tiếp theo được gọi là “bầu cử có điều kiện”. Quá trình này diễn ra khi Hạ viện Mỹ quyết định người chiến thắng. Đoàn đại biểu của mỗi tiểu bang tại Hạ viện bỏ một phiếu và một ứng cử viên phải nhận được đa số phiếu đại biểu của tiểu bang để giành chiến thắng. Sau đó, Thượng viện sẽ chọn phó tổng thống với mỗi thượng nghị sĩ bỏ một phiếu và cần đa số phiếu đơn giản (51 phiếu) để giành chiến thắng.

Trong lịch sử, đã có ba trường hợp bầu cử có điều kiện ở Mỹ, vào các năm 1801, 1825 và 1837. Cuộc bầu cử sát nút nhất trong những năm gần đây là cuộc bầu cử tổng thống năm 2000, khi ông George W Bush giành được 271 phiếu Đại cử tri - chỉ hơn 1 phiếu so với số phiếu tối thiểu ông cần - sau một cuộc kiểm phiếu gây tranh cãi ở Florida. Phó Tổng thống sắp mãn nhiệm Al Gore đã giành được 266 phiếu Đại cử tri đoàn.

Khả năng giành chiến thắng của các ứng cử viên

Kinh tế luôn là vấn đề ưu tiên số 1 của các cử tri. Tuy tỉ lệ thất nghiệp thấp và thị trường chứng khoán đang phát triển, người Mỹ vẫn đang phải đối mặt với tình trạng giá cả tăng cao sau đại dịch COVID-19. Điều này tạo điều kiện cho ông Donald Trump đặt câu hỏi liệu người dân hiện có khá hơn so với 4 năm trước hay không. Năm 2024, cử tri ở nhiều các quốc gia khác đã nhiều lần thay đổi sự ủng hộ với đảng cầm quyền, một phần do chi phí sinh hoạt tăng cao hậu COVID-19, và cử tri Mỹ dường như cũng đang khao khát sự thay đổi. Chỉ 1/4 người Mỹ hài lòng với tình hình đất nước và đa số có cái nhìn tiêu cực về nền kinh tế.

Trong khi đó, Phó Tổng thống Kamala Harris, người đại diện cho đảng Dân chủ, hi vọng là hình mẫu của sự thay đổi nhưng lại gặp khó khăn trong việc thể hiện sự khác biệt so với Tổng thống đương nhiệm Joe Biden.

Còn với ông Donald Trump, mặc dù các vụ bạo loạn ở Tòa nhà Quốc hội và hàng loạt bản cáo trạng cùng bản án hình sự chưa từng có làm ảnh hưởng tới hình ảnh, vị cựu Tổng thống này vẫn nhận được sự ủng hộ ổn định trên 40%. Những người thuộc phe bảo thủ và Cộng hòa coi ông là nạn nhân của “cuộc săn phù thủy” chính trị, và nếu giành được sự ủng hộ của một lượng nhỏ cử tri trung lập, ông có thể chiến thắng.

Bên cạnh kinh tế, một số vấn đề có sức hút về mặt cảm xúc như quyền phá thai và nhập cư cũng thu hút sự quan tâm mạnh mẽ của cử tri. Đảng Dân chủ hy vọng vấn đề phá thai sẽ tạo đột phá trong khi ông Donald Trump đặt cược vào vấn đề nhập cư. Với tình trạng biên giới bất ổn dưới thời ông Joe Biden và dòng người nhập cư tăng cao, các cuộc thăm dò gần đây cho thấy, cử tri tin tưởng ông Donald Trump hơn trong việc kiểm soát vấn đề này.

Đồng thời, vị tỉ phú này đã lôi kéo được những cử tri từng ủng hộ đảng Dân chủ như đội ngũ công nhân công đoàn bằng cách biến các chính sách bảo vệ nền công nghiệp Mỹ bằng thuế gần như trở thành chuẩn mực. Và nếu ông Donald Trump có thể thúc đẩy tỷ lệ cử tri đi bỏ phiếu ở các vùng nông thôn và ngoại ô các bang dao động, điều này có thể bù đắp cho sự tổn thất của những cử tri đảng Cộng hòa ôn hòa có trình độ đại học.

Những người chỉ trích ông Donald Trump nói rằng ông làm suy yếu các liên minh của Mỹ bằng cách làm thân với các nhà lãnh đạo như Tổng thống Nga Vladimir Putin. Tuy nhiên, ông coi sự khó đoán của mình là một điểm mạnh và chỉ ra rằng, không có cuộc chiến tranh lớn nào nổ ra khi ông còn ở Nhà Trắng. Việc Mỹ hỗ trợ hàng tỷ USD cho Ukraine và Israel đã khiến nhiều người Mỹ, đặc biệt là nam giới, coi ông là nhà lãnh đạo mạnh mẽ hơn bà Kamala Harris.

Đương kim Tổng thống Joe Biden không tham gia cuộc bầu cử lần này và đảng Dân chủ đã nhanh chóng tập hợp sự ủng hộ cho bà Kamala Harris. Vị nữ Phó Tổng thống mang đến thông điệp hướng tới tương lai nhằm khơi dậy niềm hứng khởi trong lòng cử tri. Mặc dù đảng Cộng hòa đang cố gắng gắn bà với những chính sách gây tranh cãi của ông Joe Biden nhưng bà đã làm giảm bớt tác động của những lời chỉ trích, nhất là về vấn đề tuổi tác. Trong khi cử tri tỏ ra lo ngại về khả năng lãnh đạo của ông Joe Biden, thì giờ đây sự quan tâm về tuổi tác lại đổ dồn vào ông Donald Trump, người có thể là tổng thống lớn tuổi nhất nếu đắc cử.

Các cử tri quan tâm đến quyền phá thai đã mạnh mẽ ủng hộ bà Kamala Harris. Trong các kỳ bầu cử trước, đặc biệt là cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ năm 2022, vấn đề này đã thúc đẩy tỷ lệ cử tri đi bỏ phiếu và ảnh hưởng đến kết quả. Năm nay, 10 bang, bao gồm cả bang dao động như Arizona, sẽ đưa ra sáng kiến bỏ phiếu về việc quy định quyền phá thai. Điều này có thể mang lại lợi thế cho vị nữ Phó Tổng thống trong việc thu hút thêm cử tri. Cùng với đó, nỗ lực lịch sử của bà khi trở thành nữ tổng thống đầu tiên có thể củng cố sự ủng hộ mạnh mẽ từ nữ giới.

Bên cạnh đó, những cử tri ủng hộ bà Kamala Harris, gồm người có trình độ đại học và người lớn tuổi, thường có khả năng đi bầu cao hơn. Đảng Dân chủ thường mạnh hơn với các nhóm cử tri có tỷ lệ đi bầu cao, trong khi ông Donald Trump thu hút nhóm cử tri ít tham gia bỏ phiếu, như nam giới trẻ tuổi và người không có bằng đại học. Theo một cuộc thăm dò của New York Times/Siena, ông Trump dẫn đầu trong nhóm những người đã đăng ký nhưng không đi bỏ phiếu vào năm 2020. Tuy nhiên, câu hỏi quan trọng đặt ra là liệu những người này có thực sự đi bầu lần này không.

Cuối cùng, cuộc bầu cử năm 2024 được dự đoán là kỳ bầu cử tốn kém nhất trong lịch sử Mỹ và bà Kamala Harris đang dẫn đầu về khả năng gây quỹ. Bà đã huy động được số tiền lớn hơn kể từ khi trở thành ứng viên so với đối thủ kể từ đầu năm 2023. Chiến dịch của bà cũng chi gần gấp đôi vào quảng cáo, điều có thể đóng vai trò quan trọng trong cuộc đua căng thẳng này, nơi kết quả có thể phụ thuộc vào những cử tri ở các bang dao động đang được nhắm đến bởi loạt quảng cáo chính trị.

Bắt đối tượng gửi thư dọa đánh bom các nhân viên bầu cử tại bang Georgia

Ngày 4/11 (giờ địa phương), một nhân viên phòng phiếu tại bang Georgia đã bị bắt giữ với cáo buộc gửi thư nặc danh đe dọa đánh bom các nhân viên bầu cử. Các công tố viên liên bang cho biết Nicholas Wimbish, 25 tuổi, làm nhân viên phòng phiếu tại văn phòng bầu cử hạt Jones ở Gray, bang Georgia, có cãi nhau với một cử tri hôm 26/10.

Các công tố viên cho biết sau đó, Wimbish đã giả mạo một cử tri vô danh gửi thư điện tử cho người giám sát bầu cử hạt. Bức thư cảnh báo "Wimbish và những người khác về sự an toàn”. Các công tố viên cho biết Wimbish bị cáo buộc phạm các tội danh gửi thư đe dọa đánh bom, gửi thông tin sai lệch về việc đe dọa đánh bom, gửi thư đe dọa và khai báo gian dối với Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI). Nếu bị kết tội, đối tượng Wimbish sẽ đối mặt với mức án tối đa 25 năm tù.

Cùng ngày, chỉ vài giờ trước khi bước vào ngày bầu cử, FBI đã tạo điều kiện để phóng viên các báo đài có thể đến tham quan trung tâm của cơ quan này hoạt động 24/7, chuyên giám sát các mối đe dọa tiềm tàng với cuộc bầu cử 2024. Trung tâm Chỉ huy Bầu cử Quốc gia (NECP) nằm trong trụ sở của FBI tại Washington, D.C. NECP có 80 nhân viên, họ đến từ nhiều đơn vị của FBI và nhiều cơ quan đối tác khác như Bộ Tư pháp, Bộ An ninh Nội địa...

Trung tâm Chỉ huy Bầu cử Quốc gia của FBI dự kiến hoạt động đến hết ngày 9/11 và có thể kéo dài thời hạn nếu cần thiết. NECP nhận nhiệm vụ đối phó với hàng loạt nguy hiểm tiềm tàng đối với cuộc bầu cử năm nay, từ khủng bố nội địa cho đến bạo lực, đe dọa nhắm tới nhân viên bầu cử, tấn công mạng… Theo một số quan chức FBI, cơ quan này chưa ghi nhận tình trạng gia tăng đáng kể nào về các mối đe dọa trong những ngày kể từ khi NECP mở cửa.

Trong một diễn biến khác cùng ngày, Giám đốc Cơ quan An ninh mạng Mỹ Jen Easterly cho biết cơ quan này chưa tìm thấy bằng chứng về bất kỳ hoạt động nào có thể ảnh hưởng đến kết quả của cuộc bầu cử, mặc dù thông tin sai lệch đang gia tăng. Bà đánh giá rằng, cuộc bầu cử năm 2024 đã phải đối mặt với lượng thông tin sai lệch chưa từng có.

 https://cand.com.vn/binh-luan-quoc-te/tan-chu-nhan-nha-trang-se-xuong-ten-ai--i749413/

Khổng Hà / CAND