Mỹ và các thành viên NATO dường như thở phào nhẹ nhõm sau khi Thổ Nhĩ Kỳ đạt được thỏa thuận với Thuỵ Điển và Phần Lan?

“Thổ Nhĩ Kỳ đã có được những gì mình muốn", Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan nói sau khi nước này đạt được thỏa thuận với Thuỵ Điển và Phần Lan, mở đường cho 2 quốc gia Bắc Âu này gia nhập NATO. Tuyên bố của ông Erdogan phản ánh rất rõ quan điểm của Ankara, đó là nếu Helsinki và Stockholm muốn gia nhập NATO phải đáp ứng các yêu cầu của Thổ Nhĩ Kỳ.

'Hái quả ngọt'

Sau cuộc gặp với người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan và Thủ tướng Thụy Điển Magdalena Andersson, Tổng thống Phần Lan Sauli Niinisto cũng tuyên bố Ankara sẽ ủng hộ việc mời Helsinki và Stockholm tham gia NATO tại hội nghị thượng đỉnh ở Tây Ban Nha với tư cách quan sát viên.

1
Thổ Nhĩ Kỳ đạt thỏa thuận với Phần Lan và Thụy Điển về vệc ủng hộ các nước này gia nhập NATO.

Thổ Nhĩ Kỳ đã ký bản ghi nhớ với Phần Lan và Thụy Điển để ủng hộ hai nước trở thành thành viên NATO. Đổi lại, hai nước Bắc Âu cũng nhất trí dỡ bỏ lệnh cấm vận chuyển giao vũ khí cho Thổ Nhĩ Kỳ, vốn được áp đặt để đáp trả cuộc tấn công quân sự của Ankara vào Syria năm 2019.

Chưa hết, Phần Lan và Thụy Điển cam kết “lên án chủ nghĩa khủng bố dưới mọi hình thức” và chấm dứt ủng hộ các tổ chức mà Ankara liệt vào danh sách khủng bố.

Rõ ràng, những nỗ lực mặc cả của Thổ Nhĩ Kỳ với Phần Lan và Thụy Điển đã "hái quả ngọt" khi các yêu cầu lớn nhất của Ankara đối với Helsinki và Stockholm kể từ khi 2 nước này rục rịch các bước đi để gia nhập NATO cuối cùng cũng đã có kết quả. Cần nhớ rằng, sự phản ứng của Thổ Nhĩ Kỳ đối với Phần Lan và Thụy Điển diễn ra liên tục với mức độ ngày càng quyết liệt hơn.

Việc Thổ Nhĩ Kỳ thay đổi quan điểm, bày tỏ ủng hộ đối với Thuỵ Điển và Phần Lan gia nhập NATO không phải là điều bất ngờ, bởi điều này nằm trong toan tính của Ankara. Thổ Nhĩ Kỳ đã đặt ra yêu cầu rất cụ thể và rõ ràng đối với Helsinki và Stockholm. Chỉ khi nào nhận 2 nước Bắc Âu đáp ứng được các yêu cầu này thì mới nhận được cái "gật đầu" từ Thổ Nhĩ Kỳ.

Theo đó, Thổ Nhĩ Kỳ liên tục đưa ra các yêu sách đối với Phần Lan và Thụy Điển. Trong danh sách 10 điều kiện mà Ankara đưa ra, những lo ngại về khủng bố vẫn là vấn đề then chốt.

Đứng đầu danh sách, Thổ Nhĩ Kỳ yêu cầu Phần Lan và Thụy Điển hỗ trợ trong cuộc chiến chống lại các tổ chức khủng bố. Trong danh sách có thành viên của đảng Công nhân người Kurd (PKK) - nhóm chống Ankara bị coi là ngoài vòng pháp luật ở Thổ Nhĩ Kỳ và Tổ chức khủng bố Fetullah (FETO) - tổ chức bị nghi ngờ âm mưu đảo chính ở Thổ Nhĩ Kỳ vào năm 2016.

Thổ Nhĩ Kỳ cũng muốn chính quyền Thụy Điển và Phần Lan ngăn chặn mọi nỗ lực thành lập văn phòng của các chi nhánh PKK. Các hoạt động của FETO ở hai nước phải bị cấm và các website cũng như văn phòng báo chí của tổ chức này cũng phải đóng cửa.

Sau khi Thụy Điển và Phần Lan nộp đơn gia nhập NATO, Thổ Nhĩ Kỳ đã phản đối mạnh mẽ, cáo buộc hai nước Bắc Âu "dung dưỡng các tổ chức khủng bố”, cụ thể là các thành viên PKK. 

Ngoài ra, theo yêu cầu của Thổ Nhĩ Kỳ, Phần Lan và Thụy Điển sẽ phải gỡ bỏ các biện pháp cấm vận đối với lĩnh vực quốc phòng nước này. Năm 2019, một số quốc gia châu Âu, trong đó có Thụy Điển và Phần Lan, áp đặt lệnh cấm buôn bán vũ khí với Thổ Nhĩ Kỳ để phản ứng khi Ankara tấn công quân sự ở Syria. 

Tổng thống Recep Tayyip Erdogan từng nói rằng, nếu các điều kiện này không được đáp ứng, Ankara sẽ không "bật đèn xanh" cho hai nước gia nhập liên minh quân sự do Mỹ dẫn đầu. Thậm chí, ông còn tuyên bố ông sẽ không bao giờ cho phép một quốc gia ủng hộ chủ nghĩa khủng bố gia nhập NATO một khi ông vẫn giữ cương vị Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ.

Có lẽ, bản thân Thổ Nhĩ Kỳ cũng dần nhận ra rằng, nước này không thê "một mình một ngựa" khi không chung chí hướng với các quốc gia NATO. Điều này sẽ chỉ tạo ra thêm rạn nứt trong NATO, khiến cho vị thế, ảnh hưởng của Ankara trong liên minh quân sự này cũng sẽ suy giảm. Và Thổ Nhĩ Kỳ càng phải cân nhắc, nhượng bọ nhiều hơn trong việc để Phần Lan và Thụy Điển gia nhập NATO, bởi chính "anh cả" Mỹ cũng ủng hộ mạnh mẽ quyết định của 2 quốc gia Bắc Âu này.

Với bản ghi nhớ mà các bên đã đạt được, rõ ràng không chỉ Thổ Nhĩ Kỳ đạt được mục đích mà Thụy Điển và Phần Lan cũng đang được hưởng lợi từ cái "gật đầu" của Ankara. Bởi vì, giờ đây "cái gai" trong mắt các thành viên NATO, vật cản trên con đường Helsinki và Stockholm gia nhập NATO đã được gạt bỏ, cánh cửa trở thành thành viên liên minh quân sự này trở nên rộng mở.

2
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan nhiều lần phản đối Phần Lan và Thụy Điển gia nhập NATO.

Để đạt được sự chấp nhận của Ankara, quan chức Thụy Điển và Phần Lan liên tục tổ chức các cuộc gặp, làm việc với phía Thổ Nhĩ Kỳ để tháo gỡ vướng mắc, đạt được đồng thuận cho tiến trình gia nhập NATO. Các cuộc đàm phán diễn ra cả song phương và đa phương với sự tham gia của NATO. Điều này cho thấy sự nhượng bộ, mong muốn và quyết tâm gia nhập liên minh quân sự của Helsinki và Stockholm.

Phản đối của Thổ Nhĩ Kỳ với Phần Lan và Thụy Điển là "cơn đau đầu" đới với NATO. Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg từng thừa nhận, Phần Lan và Thụy Điển không có khả năng được trao tư cách ứng viên trừ khi họ đáp ứng các yêu cầu củaThổ Nhĩ Kỳ. Người đứng đầu NATO thừa nhận lập trường của Ankara trong việc phản đối Thụy Điển và Phần Lan gia nhập khối, ông liên tục kêu gọi các bên cần quan tâm thảo luận và giải quyết các yêu cầu của Thổ Nhĩ Kỳ.

Chặng đường còn gian nan?

Dù các bên đã đạt được thỏa thuận, Phần Lan và Thụy Điển đã được "bật đèn xanh" gia nhập NATO song chặng đường để 2 quốc gia Bắc Âu này trở thành thành viên tiếp theo của NATO không phải chỉ toàn màu hồng.

Để trở thành thành viên NATO, Thụy Điển và Phần Lan cần có sự chấp thuận của tất cả các quốc gia trong khối. Tuy nhiên, quá trình để Thụy Điển và Phần Lan trở thành thành viên NATO đang đối mặt với nhiều khó khăn bởi sự chia rẽ ngay chính trong nội bộ của liên minh quân sự này.

3
Tổng thống Phần Lan Sauli Niinisto và Thủ tướng Thụy Điển Magdalena Andersson trong cuộc họp báo tại Stockholm ngày 17/5.

Ngoài vấn đề nội bộ NATO, phản ứng của Nga đối với tiến trình Thụy Điển và Phần Lan có lẽ là điều khiến khối này quan tâm nhất. Bởi vì Nga nhiều lần tuyên bố, coi sự mở rộng của NATO là mối đe dọa. Trong khi liên minh quân sự này đang làm ngược lại với những cảnh báo từ Moskva, tiếp tục dang rộng cánh tay, kết nạp thêm các thành viên mới.

Với những gì đang diễn ra, rõ ràng Moskva đang nhận được điều ngoài mong muốn từ NATO sau khi nước này phát động chiến dịch quân sự đặc biệt nhằm vào Ukraine. Nga viện dẫn cho hành động quân sự này là lo ngại sự mở rộng của NATO, muốn liên minh quân sự này rút quân khỏi các quốc gia thành viên đã tham gia khối này kể từ năm 1997.

Phản ứng trước quyết định gia nhập NATO của Thụy Điển và Phần Lan, Tổng thống Vladimir Putin tuyên bố Moskva "không có vấn đề gì" với Stockholm hoặc Helsinki và việc họ gia nhập NATO "không gây ra mối đe dọa trực tiếp đối với Nga". Tuy nhiên, ông cũng nhấn mạnh “việc mở rộng cơ sở hạ tầng quân sự của NATO ở lãnh thổ Thụy Điển hoặc Phần Lan chắc chắn sẽ buộc chúng tôi phải đáp trả”.

Thụy Điển và Phần Lan một khi gia nhập NATO sẽ gia tăng mối đe dọa với Nga, chắc chắn Moskva sẽ không ngồi yên. Trước khi Phần Lan, Thụy Điển công bố ý định gia nhập NATO, Nga cho rằng điều này sẽ phá vỡ thế cân bằng trong khu vực và Moskva sẽ đáp trả bằng các biện pháp kỹ thuật - quân sự, trong đó có cả bố trí vũ khí hạt nhân đến khu vực Baltic…

Trong bối cảnh Nga đánh đòn phủ đầu với Ukraine, NATO khó lòng dễ đưa ra quyết định dứt khoát để kết nạp hai quốc gia Bắc Âu này. Quá trình 2 nước này gia nhập sẽ không thể diễn ra “một sớm một chiều”.

Cho dù kịch bản lạc quan nhất diễn ra, Phần Lan và Thụy Điển có thể ký nghị định thư gia nhập tại hội nghị thượng đỉnh NATO ở Madrid (Tây Ban Nha) vào ngày 29-30/6 thì quá trình phê chuẩn sau khi nghị định thư có thể mất từ ​​3 tháng đến 1 năm tại nghị viện các nước. Bắc Macedonia - thành viên mới nhất của NATO, phải mất 13 tháng để hoàn tất quá trình này.

Ngoài ra, vấn đề này cũng có thể trở thành lá bài thương lượng, mặc cả lợi ích chính trị trong nội bộ NATO. Do đó, chặng đường gia nhập NATO của Phần Lan và Thụy Điển tới đây sẽ còn nhiều chông gai.

KÔNG ANH / VTC News