Một số nghiên cứu cho thấy Ấn Độ có lợi thế hơn Trung Quốc ở những vùng núi cao - chẳng hạn như địa hình xung đột biên giới mới đây ở Himalaya - mặc dù Bắc Kinh thường được cho là nắm giữ lợi thế quân sự đáng kể so với New Delhi.
Nghiên cứu của Trung tâm Belfer, Trường Harvard Kennedy ở Boston và Trung tâm An ninh Mỹ mới (CNAS) ở Washington cho biết Ấn Độ duy trì lợi thế so với Trung Quốc ở những địa hình vùng núi cao.
CNN đưa ra cái nhìn tổng thể về tương quan sức mạnh quân sự Trung Quốc - Ấn Độ.
Vũ khí hạt nhân
Không ai mong đợi những căng thẳng mới bùng nổ thành chiến tranh hạt nhân, nhưng thực tế là cả Trung Quốc và Ấn Độ đã trở thành cường quốc hạt nhân kể từ cuộc xung đột cách đây 58 năm cũng ở vùng núi Himalaya. Trung Quốc trở thành cường quốc hạt nhân năm 1964 và Ấn Độ năm 1974.
Số liệu được Viện nghiên cứu hòa bình quốc tế Stockholm (SIRPI) công bố tuần này ước tính Trung Quốc có khoảng 320 đầu đạn hạt nhân - gấp đôi Ấn Độ - chỉ với 150. Cả hai cường quốc đã chứng kiến kho vũ khí của họ tăng lên trong năm qua, Bắc Kinh tăng 40 đầu đạn và New Delhi tăng 10, theo SIRPI.
Cả hai quốc gia đều duy trì bộ ba hệ thống mang khả năng hạt nhân - tên lửa, máy bay ném bom và tàu ngầm. Cả hai có chính sách "không sử dụng trước" (no first use), điều này đồng nghĩa với việc cả hai cam kết chỉ sử dụng vũ khí hạt nhân để trả đũa một cuộc tấn công hạt nhân vào nước mình.
Không quân
Ấn Độ có khoảng 270 máy bay tiêm kích và 68 máy bay cường kích, theo một nghiên cứu được Trung tâm Belfer công bố vào tháng 3.
New Delhi cũng duy trì một chuỗi các căn cứ không quân nhỏ gần biên giới Trung Quốc, nơi nó có thể cung cấp các máy bay đó - nghiên cứu của Trung tâm Belfer do Frank O\'Donnell và Alexander Bollfrass là đồng tác giả - cho biết.
Ngược lại, Trung Quốc có 157 máy bay tiêm kích và một đội máy bay không người lái tấn công mặt đất nhỏ trong khu vực, nghiên cứu của Belfer cho biết. Nghiên cứu cho thấy, Không quân của Quân giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLAAF) sử dụng 8 căn cứ trong khu vực, nhưng hầu hết trong số đó là các sân bay dân sự, không thuận lợi ở địa hình cao - nghiên cứu cho thấy.
"Độ cao của các căn cứ không quân Trung Quốc ở Tây Tạng và Tân Cương, cộng với điều kiện địa lý và thời tiết nhìn chung là khắc nghiệt trong khu vực, có nghĩa là các máy bay chiến đấu của Trung Quốc bị hạn chế và chỉ chở theo khoảng một nửa trọng tải thiết kế và nhiên liệu" - nghiên cứu tuyên bố.
Nghiên cứu cho biết, việc tiếp nhiên liệu trên không có thể giúp máy bay Trung Quốc có thêm tải trọng và thời gian chiến đấu, nhưng PLAAF không có đủ máy bay tiếp liệu trên không để hoàn thành công việc.
Không quân Ấn Độ có các máy bay tiêm kích Mirage 2000 và Sukhoi Su-30 - có lợi thế về tính năng trong khu vực, nơi Trung Quốc được trang bị máy bay chiến đấu J-10, J-11 và Su-27.
Mirage 2000 và Su-30 của Ấn Độ là máy bay chiến đấu đa năng, đa thời tiết - trong khi chiến đấu cơ Trung Quốc chỉ J-10 có những khả năng đó.
Theo báo cáo tháng 10.2019 của CNAS, Ấn Độ khi xây dựng các căn cứ của mình trong khu vực đã chú trọng hơn vào việc tăng cường cơ sở hạ tầng; khả năng phục hồi căn cứ, hệ thống chỉ huy, kiểm soát và liên lạc dự phòng và cải thiện hệ thống phòng không.
Nghiên cứu của Belfer chỉ ra rằng Trung Quốc, đối mặt với các mối đe dọa của Mỹ, nên đã củng cố căn cứ ở sườn phía đông và phía nam mà bỏ bê dãy Himalaya, khiến ít nhất 4 căn cứ không quân PLA dễ bị tổn thương.
Lực lượng an ninh biên giới Ấn Độ bảo vệ một đường cao tốc dẫn tới Leh, giáp Trung Quốc, tại Gagangir vào ngày 17.6.2020. Ảnh: AFP |
Bộ binh
Theo báo cáo của CNAS, Ấn Độ có lợi thế trên không và cũng có kinh nghiệm trên bộ, chiến đấu ở những nơi như Kashmir và trong các cuộc giao tranh dọc biên giới với Pakistan. Trung tâm Belfer ước tính Ấn Độ có khoảng 225.000 bộ binh trong khu vực, còn Trung Quốc có khoảng 200.000 đến 230.000 người.
Công nghệ và vũ khí mới
Một lĩnh vực mà Trung Quốc có thể đạt được lợi thế là công nghệ và vũ khí mới, nhờ ngân sách quốc phòng lớn hơn và quân đội hiện đại hóa nhanh chóng.
"Nền kinh tế của Bắc Kinh lớn gấp 5 lần New Delhi và chi tiêu quốc phòng của Trung Quốc vượt xa ngân sách quốc phòng của Ấn Độ với tỉ lệ 4-1" - Nishank Motwani, cố vấn quốc tế tại Trung tâm Đối thoại và Tiến bộ Quốc gia ở Afghanistan, nói. "Sự khác biệt quyền lực giữa Trung Quốc và Ấn Độ có lợi cho Bắc Kinh và sự bất cân xứng này vẫn đang mở rộng" - ông Motwani cho hay.
Đồng minh
Ấn Độ đã phát triển quan hệ quân sự gần gũi hơn với Mỹ trong những năm gần đây, với việc Washington gọi New Delhi là "đối tác quốc phòng quan trọng".
Ấn Độ cũng tham gia các cuộc tập trận quân sự chung với các nước như Mỹ, Nhật Bản, Pháp và Australia.
Báo cáo của CNAS cho biết, trong khi đó, nỗ lực tập trận chung của Trung Quốc, cho đến nay quy mô vẫn còn tương đối nhỏ - ngoại trừ các cuộc tập trận quân sự đáng chú ý của nước này với Pakistan và Nga.
Ngọc Vân
Tương quan sức mạnh quân sự Trung Quốc - Ấn Độ Một số nghiên cứu cho thấy Ấn Độ có lợi thế hơn Trung Quốc ở những vùng núi cao - chẳng hạn như địa hình ... |