Là đạo cụ phim trường song tờ tiền do người đàn ông ở Hồng Kông làm ra có thể khiến kẻ xấu lợi dụng nên cảnh sát đã khởi tố.
Scmp đưa tin, tháng 11/2015, Cheung Wai-lun, Giám đốc công ty TNHH Wai Kang Production và bạn là Lam Yun-lam đã bị cảnh sát Hồng Kông khởi tố về hành vi sở hữu, tàng trữ tiền giả.
Giải thích khi cảnh sát tìm thấy gần 10.000 tờ tiền giả mệnh giá 1.000 đô la Hồng Kông (HK$) trong xe, Lam Yun-lam khai đã mượn tiền từ Cheung Wai-lun để dàn dựng trò đùa.
Từ lời khai này, cảnh sát khám xét trụ sở công ty của Cheung Wai-lun, phát hiện hơn 220.000 tờ tiền thuộc nhiều mệnh giá và xuất xứ, bao gồm đôla Hồng Kông, nhân dân tệ, đôla Mỹ, bảng Anh và Euro. Thoạt nhìn giống thật, nhưng trên mỗi tờ tiền “giả” đều có in dòng chữ “đạo cụ” bằng tiếng Anh hoặc Trung rất nhỏ.
Dòng chữ ở khu vực khoanh xanh, nghĩa là "đạo cụ" được in siêu bé. Ảnh: Thatsmags.
Cheung Wai-lun khai đã sản xuất và cung cấp tiền đạo cụ cho hơn 45 bộ phim. Tên của anh được ghi nhận chính thức trong phần danh đề (credit) và được công khai trên trang web Dữ liệu Phim Hồng Kông, bao gồm cả bộ phim nổi tiếng “Tam Đại Tặc Vương” từng đoạt giải thưởng Kim Tượng năm 2016.
Căn cứ Sắc lệnh Hình sự của Hồng Kông về việc người nào sở hữu, tàng trữ trái phép vật mà mình biết hoặc tin là tiền giả sẽ bị phạt đến ba năm tù, Cheung Wai-lun và Lam Yun-lam đã phải hầu tòa vào tháng 1.
Trước chứng cứ được trình bày tại tòa án Đông Hồng Kông, thẩm phán Cheung Kit-yee nhận định dù trên bề mặt có in chữ “đạo cụ”, số tiền của Cheung Wai-lun quá giống thật và có thể dễ bị hiểu nhầm là tiền thật. Tuy thẩm phán không cho rằng bị đơn có ý đồ xấu khi sản xuất, lưu trữ tiền đạo cụ nhưng hai bị cáo vẫn đã vi phạm pháp luật vì người khác có thể lợi dụng số tiền ấy để lừa đảo.
Với lập luận trên, vào tháng 5, thẩm phán tuyên phạt Cheung Wai-lun và Lam Yun-lam mỗi người 4 tháng tù nhưng cho hưởng án treo kèm hai năm thử thách.
Phán quyết này gặp phải phản ứng dữ dội từ ngành công nghiệp điện ảnh Hồng Koong. Tenky Tin Kai-man, nguyên Phó chủ tịch Hiệp hội Làm phim, cho rằng với 39 năm kinh nghiệm trong ngành sản xuất phim nhưng ông cũng không hề được biết người làm đạo cụ phải gửi đơn xin phép tới Cơ quan Quản lý tiền tệ Hồng Kông.
Không đồng ý với phán quyết của tòa, Cheung Wai-lun kháng án lên tòa phúc thẩm. Tại phiên tòa phúc thẩm, thẩm phán Albert Wong Sung-hau cho biết xét kinh nghiệm lâu năm trong nghề đạo cụ của bị cáo, ông ngạc nhiên vì Cheung Wai-lun không biết tới quy định của pháp luật về quản lý tiền tệ.
Ngày 15/10, thẩm phán Albert Wong Sung-hau quyết định lật ngược bản án sơ thẩm với lý do “thẩm phán tòa cấp dưới không đích thân kiểm tra từng tờ tiền đạo cụ mà chỉ dựa vào biên bản bằng chứng từ chuyên gia để kết luận về độ chân thực của tờ tiền". Ngoài ra, cấp phúc thẩm đánh giá không đủ bằng chứng cho thấy bị cáo biết rõ số tiền đạo cụ có thể bị coi là tiền giả theo quy định pháp luật hiện hành. Cheung Wai-lun và Lam Yun-lam được trả tự do.
Theo quy định của Hồng Kông, công ty muốn sản xuất tiền đạo cụ phải được Cơ quan Quản lý tiền tệ cấp giấy phép. Tiền phải có kích thước lớn hơn hoặc nhỏ hơn tiền thật 20% và phải in tên bộ phim hoặc công ty sản xuất lên hai mặt.
Sau vụ việc trên, trước phản ánh của đại diện ngành làm phim về thủ tục xin phép phức tạp và mất thời gian, Cơ quan Quản lý tiền tệ tuyên bố sẽ đơn giản hóa quy trình cấp phép và cung cấp hướng dẫn cụ thể cho người làm đạo cụ phim.
Lee Jong Suk lần đầu đóng phim cùng bà xã Won Bin Bộ phim được mong chờ bởi Lee Jong Suk tuy còn trẻ tuổi nhưng rất hợp đóng phim cùng các đàn chị. |
Phương Hằng ép giảm 15kg để đóng phim đến mức kiệt sức Đóng phim “Gạo nếp gạo tẻ”, Phương Hằng chia sẻ cô chịu áp lực trước cân nặng của bản thân. |